RFA 16 -4-13

Đang có một liên minh chống Tổng Bí thư?

 

Hôm nay 16.4 báo Tuổi trẻ đưa tin tại phiên họp ngày 15-4 của UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã kêu lên rằng "Tôi là dân tôi cũng sợ mấy ông lắm rồi". Ngoài ra Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng còn lưu ý "Các đồng chí cứ vẽ ra lắm loại giấy tờ như vậy là tôi không chịu, có ra Quốc hội tôi cũng nói như vậy”. Một người ở cương vị Chủ tịch Quốc hội một khi nói ra câu này ở một nơi nghiêm túc hẳn là một chuyện không bình thường.

Làm người lãnh đạo cao cấp giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, thì câu nói của ông Nguyễn Sinh Hùng không thể là câu nói đùa, mà là một câu nói có chủ ý phản ảnh nỗi bức xúc của người đứng đầu cơ quan lập pháp trong công việc. Hẳn khi nói ra điều này, trong tâm ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chắc là phải có những vấn đề bức xúc lắm? Cũng có nhiều khả năng sự bức xúc ấy liên quan đến vấn đề bệnh trạng của đảng CSVN hiện nay, được ví như người bị ung thư đã đến mức di căn, hết thuốc chữa dù đã chắc chắn không qua thoát khỏi cái chết nếu không thay đổi. Bây giờ kể cả cái bài sửa đổi Hiến pháp cũng như người bệnh cùng đường, chỉ còn cách vái tứ phương để chữa bệnh tinh thần. Chứ nếu không có sự thay đổi thật sự một cách sâu sắc thì chết là cái cầm chắc, không phải bàn cãi. Cho nên nó cũng là lý do khiến truyền thông nhà nước, một mặt ra sức tuyên truyền nhằm che đậy những phản ứng bất bình trong dân chúng ngày càng dâng cao trong việc góp ý sửa đổi Hiến pháp. Một mặt thì lo đối phó với tình trạng đấu đá giữa các của các phe nhóm trong đảng một cách có hệ thống. Sự bất đồng này không chỉ là sự cay cú về mặt lợi ích giữa các phe phái, mà phải thấy rằng nó ở tầm mức nguy hiểm hơn. Đó là bất đồng về tư tưởng.

Việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng vậy, nếu tinh ý chúng ta sẽ thấy các xu hướng về ý kiến đóng góp cho việc sửa đổi Hiến pháp hay quan điểm của Việt Nam về chủ quyền Biển Đông đang thay đổi hàng ngày. Cái mà người ta bảo nó cũng như cái phong vũ biểu, sẽ biểu thị phe phái nào trong đảng đang ở thế thượng phong. Mấy ngày gần đây, sau cuộc họp chuyên đề về Hiến pháp của Chính phủ, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, với nhiều kiến nghị với những nội dung quan trọng thì ta thấy truyền thông của đảng lại đổi giọng. Nhớ lúc trước, trong các ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp thì thấy, nào là giữ điều 4 là do nguyện vọng của nhân dân, chỉ ÐCS Việt Nam mới có đủ khả năng tập hợp lực lượng, trở thành hạt nhân của khối đoàn kết dân tộc, rồi Hiến pháp là thể chế hoá cương lĩnh và nghị quyết của Đảng hay đảng CSVN đã "đứng mũi chịu sào" với bao nhiêu hy sinh to lớn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước nên xứng đáng là đảng cầm quyền duy nhất. v.v... Tóm lại là bằng cách tìm mọi lý do, lý trấu để cho thấy sự tồn tại của điều 4 Hiến pháp là cần thiết và đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội là hợp tình hợp lý, phù hợp với lịch sử. Đến hôm nay, không hiều mấy ông tướng, tá GS, TS mấy bữa trước vừa khẳng định những điều "là lựa chọn tất yếu của lịch sử, là thể hiện nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân..." như đinh đóng cột đã đi đâu hết? Khi mà luồng ý kiến đổi tên nước thành Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay nội dung về nội dung bảo vệ Tổ quốc, UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết riêng điều 70 đang có hai phương án. Phương án một, giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành. Phương án hai, sửa đổi quy định hiện hành và sửa lại so với dự thảo trình lần đầu. Đó là, "lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Đảng cộng sản Việt Nam" và còn nhiều vấn đề khác cũng phải chấp nhận sửa đổi để phù hợp với lòng dân. Đó là cái tất yếu phải làm trong tình hình chính trị, kinh tế, xã hội cụ thể hiện tại buộc đảng và chính quyền phải xem xét những đòi hỏi hay nguyện vọng được đa số dân chúng ủng hộ. Đó là tình hình không thể đảo ngược được.

Điều này cho thấy, phe giáo điều của ông Trọng và cộng sự thân Trung Quốc thì ra sức bảo vệ quan điểm đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa với một hệ thống pháp luật chuyên chính vô sản mà đảng CSVN đã theo đuổi từ hàng chục năm nay. Phe này có lập trường dựa vào một Trung Quốc Xã hội Chủ nghĩa để bảo vệ sự tồn tại của đảng CSVN, theo phương châm Trung Quốc còn thì còn đảng mình. Ngược lại, phe của đồng chí X thì đang cố gắng để tỏ ra mình có xu hướng cải cách và tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Với hy vọng để cứu vớt uy tín chính trị của ông Thủ tướng hai nhiệm kỳ. Còn ông Tư S. thì nếu để ý sẽ thấy cũng đang dần dần ngãng ra khỏi phe ông Trọng. Bằng chứng là việc ông Chủ tịch nước về thăm Quảng Nam lãnh địa của ông Nguyễn Xuân Phúc, cánh tay phải của đồng chí X (kẻ tử thù của Trưởng Ban Nội chính TW Nguyễn Bá Thanh) và ra thăm đảo Lý sơn không phải là một chuyện ngẫu nhiên. Liệu có phải đây là bước ngoại giao mang tính đột phá của ông Chủ tịch nước, là cái bắt tay mở đầu cho lên minh Ba - Bá - Tư? Cũng như vấn đề đảo Lý Sơn, nơi có cộng đồng ngư dân chuyên hành nghề ở khu vực biển gần quần đảo Hoàng Sa nhất, được cho như "đảo tiền tiêu" trong các hoạt động đánh bắt, đồng thời cũng là biểu tượng khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này. Cộng với việc hải quân Việt Nam và hải quân Hoa kỳ sẽ có các hoạt động trao đổi tại Đà Nẵng vào ngày 21.4.2013 sắp tới, giữa lúc có tin không chính thức lực lượng hải quân Hoa kỳ sẽ tham gia việc bảo vệ chủ quyên Việt Nam trên Biển Đông. Đó là những tin tức đặc biệt quan trọng. Những cái đó cho thấy hình như gió đã bắt đầu xoay chiều.

Khi mà một bên đồng chí X đã thay mặt chính phủ lật ngược ván cờ sửa đổi Hiến pháp, thì một bên đồng chí Tư S. nhân danh Chủ tịch nước đã lật bài ngửa rõ ràng quan điểm của Việt Nam trong vấn đề tranh chấp Biển Đông với Trung  Quốc. Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một con người khôn lỏi, theo lối gió chiều nào che chiều ấy. Với kiểu giả say giả tình, nói những câu tưởng chừng ngây ngô không ăn nhập vào đâu, nhưng lại là kẻ chuyên dùng chước vứt xương cho chó cắn nhau. Cả Tổng Trọng, Tư S, và đồng chí X suốt thời gian qua là nạn nhân của ông ta mà không hay biết. Điều đó cho thấy ông Trọng đang thất thế và vai trò của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng càng trở nên hết sức quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn sửa đổi Hiến pháp đang gần kết thúc. Nếu để ý kỹ, khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đều băn khoăn về tính khả thi của kế hoạch thông qua một số luật quan trọng, trong chương trình năm 2014 trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015), vì chưa rõ Hiến pháp mới sẽ quy định về nội dung này như thế nào. Nghĩa là rất có khả năng có một sự thay đổi đáng kể trong sửa đổi Hiến pháp.

Cái bắt tay của bộ ba Sinh Hùng, Tư S, và đồng chí X lúc này là cần thiết hơn bao giờ hết. Trước ngưỡng cửa Hội nghị Trung ương 7 và kỳ họp Quốc hội thường niên là cơ hội để "giải quyết" cho đồng chí Lú về nghỉ giữa nhiệm kỳ theo dự kiến của đại hội đảng CSVN khóa 11 đã cơ bản thống nhất để mở đường cho một Tổng Bí thư đảng kiêm Chủ tịch nước. Cũng vì sự phân tán quyền lực giữa Tổng Bí thư đảng và Chủ tịch Nước và Thủ tướng là một sự bất cập lớn hiện nay trong chế độ độc đảng lãnh đạo. Điều chồng chéo này kéo dài trong nhiều chục năm qua ở Việt Nam đã thấy rất nhiều nhược điểm, vì nó không có tính chất kiểm tra để điều chỉnh. Mà người ta chỉ lợi dụng danh nghĩa đảng để lấy đảng quyền thay cho pháp quyền trong việc can thiệp vào công việc của cơ quan hành pháp và lập pháp. Mà ở đây nó chỉ tạo điều kiện cho các cấp lãnh đạo ghen tỵ rồi tìm cách tạo dựng phe nhóm lợi ích để chống phá lẫn nhau. Tạo ra tình trạng ghe ăn, tức ở kiểu thằng không làm bắt lỗi thằng làm hoặc làm nhiều. Đây là một bất cập lớn cần phải giải quyết. Giải pháp khả thi nhất là tập trung quyền lực về một Tổng Bí thư kiêm vai trò Chủ tịch nước. Nhưng sự hợp nhất hai chức vụ hàng đầu vào làm một sẽ kích thích tính đối đầu giữa các phe nhóm trong việc tranh giành quyền lực. Trong bối cảnh đó sẽ hình thành nhiều liên minh chính trị ma quỷ mà chúng ta không thể ngờ nổi. Nhưng chắc chắn sẽ phải có sự triệt hạ đối thủ bởi nó là sự tranh giành quyền lực một mất một còn.

Do vậy cần phải hiểu việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng "phàn nàn" cơ quan hành pháp tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội như trên đã nói chỉ là một lời nhắc khéo tới đồng chí X thay cho một tín hiệu. Nội dung của thông điệp nhắc khéo này là gì thì chỉ có họ mới đủ khả năng để hiểu rõ và biết họ sẽ phải làm gì?

Nhưng chắc chắn những ngày này đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí bạn vàng bên nước lạ thì lo sốt vó!

 
Ngày 16 tháng 4 năm 2013
 
© Kami
 
————————
* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA