Tác giả đề cập lạm phát, thất nghiệp và nạn chỉnh sửa số liệu trong kinh tế, nạn thu tăng học phí và những hứa hẹn chưa được thực hiện trong giáo dục, thái độ không xác quyết với "Nói không với phong bì" cũng như thuốc và dịch vụ trong ngành y tế và nhóm lợi ích trong ngân hàng.
Bài viết bày tỏ quan điểm riêng của tác giả, đang sống tại Sài Gòn.
Kinh tế: không ảnh hưởng người nghèo!
“Dù đang khá rầu lòng với bức tranh kinh tế càng mổ xẻ càng thêm ảm đạm, những tiếng cười vẫn không nén được khi nghe câu nói trên” - báo Vneconomy bình luận đầy hài hước xen chua xót.
Như thói thường của một số “công bộc”, nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa không viện dẫn bất cứ một “chuyên gia kinh tế” nào.
Không phải lần đầu tiên những “công bộc của dân” phác ra bức tranh tươi sáng và tận tụy đến thế. Nhưng oái oăm là gam màu lồ lộ sắc hồng như vậy lại được ấn định trong bối cảnh kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra với lời tán thán không ngớt về nền kinh tế “xấu lắm rồi!”, “nguy lắm rồi!”, từ chính những nhân sự phụ trách cao nhất của cơ quan dân cử này.
Trên thực tế, chưa có chuyên gia phản biện độc lập nào, trừ một số quan chức đầu bộ ngành và chính phủ, đủ phớt lạnh để thừa nhận một ánh hồng lạc quan có thể hé lộ từ mối tương quan suy thoái, lạm phát và người nghèo trong vòng hơn hai năm qua.
Tỉ lệ thất nghiệp
Lời hứa hẹn “sẽ giải quyết việc làm ổn thỏa” của những người phụ trách Bộ lao động - thương binh và xã hội cũng vì thế luôn gắn liền với gia tốc suy thoái không chỉ về lối sống, chất lượng sống mà có lẽ cả về “tư tưởng”.
Cuối năm 2012, khi Ủy ban thường vụ quốc hội lần đầu tiên chính thức phát ra con số doanh nghiệp phá sản và giải thể đã lên đến hàng trăm ngàn, tỷ lệ thất nghiệp cũng lại một lần nữa được Bộ lao động - thương binh và xã hội phục sức.
Theo đó, năm con Rồng đã thật sự đánh dấu hình ảnh “cất cánh” của ngành lao động khi tỷ lệ thất nghiệp được kìm nén chỉ ở mức 1,99%.
Cũng theo thành tích trên, điều luôn được các cơ quan hành chính coi là thành tích chắc chắn đã “vươn lên một tầm cao mới”: tỷ lệ thất nghiệp liên tục giảm trong những năm gần đây, với năm 2011 là 2,22% và năm 2010 là 2,8%!
“Không thể có chuyện trong một năm kinh tế gặp nhiều khó khăn như năm 2012, có hơn 50.000 doanh nghiệp giải thể hoặc dừng hoạt động; hơn 400.000 lao động thất nghiệp, nghỉ việc, nhảy việc…; các thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài thu hẹp, lao động xuất khẩu không tăng…, mà số lượng tạo việc làm mới vẫn đạt 1,6 triệu!” - lời tán thán đầy bức cảm của ông Bùi Sỹ Lợi, phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Cách đây một năm, đại biểu Trần Du Lịch cũng tuyên bố “không bao giờ tin con số giải quyết việc làm năm nào cũng 1,5 - 1,6 triệu”.
Còn Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế quốc hội Nguyễn Văn Phúc kể lại: “Một cán bộ cục thống kê địa phương gặp tôi ở nước ngoài, thì thầm là địa phương cũng chỉ đạo sửa số liệu được”.
Không quá ngạc nhiên là sau phát biểu “không ảnh hưởng đến người nghèo” của Thứ trưởng Bộ lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hòa, cuộc họp lại bật lên ý kiến từ một quan chức khác: “Thêm một số 0 vào tỷ lệ thất nghiệp vẫn đúng!”.
“Thất nghiệp nhiều quá!” - báo chí trong nước đồng loạt phản ánh một thực trạng không chỉ tập trung vào lực lượng lao động phổ thông và công nhân có tay nghề thấp, mà ngay cả một số người có bằng thạc sỹ cũng phải tìm kế sinh nhai với những công việc không tương xứng như bán nước, quán ăn, hoặc những việc khác hoàn toàn trái ngành đào tạo.
Nếu số 0 trên chứng
thực cho căn bệnh
“giả số liệu”, hẳn
tỷ lệ thất nghiệp ở
Việt Nam hiện thời
phải trên 20%, gần
tương đương với con
số 26% ở Tây Ban Nha
và 27% ở Hy Lạp.
Giáo dục: “Hai không” - “Bốn tốt”
Đâm thêm một nhát bút sắc bén vào bức tranh suy thoái kinh tế, ngành giáo dục và đào tạo hầu như đã không gia cố một động tác “quyết liệt” nào để ngăn chặn tình trạng lạm thu và tăng học phí vô tội vạ tại các trường công lập và đặc biệt là dân lập, tư thục.
Vào đầu năm học và rải rác trong năm, đa số trường học vẫn thu các khoản phí một cách thản nhiên.
Ở nhiều trường phổ thông, phụ huynh bị bủa vây bởi các loại phí, núp dưới nhiều hình thức, danh nghĩa. Dù báo chí điều tra, phát hiện và phản ánh rất nhiều thông tin về tình trạng này ở các trường, các địa phương, nhưng vẫn không thấy có biện pháp ngăn chặn hiệu quả nào.
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp quốc hội trước, các đại biểu quốc hội đã chỉ ra chất lượng đào tạo đại học quá thấp, trường đại học mọc lên như nấm, nhưng chất lượng chỉ là trường cấp ba rưỡi.
Times Higher Education - một tạp chí chuyên ngành danh tiếng quốc tế - đã công bố danh sách 400 trường đại học hàng đầu thế giới năm 2012 - 2013, nhưng Việt Nam hoàn toàn vắng bóng.
Chất lượng giáo dục
Báo chí trong nước bình luận: với chất lượng đào tạo đại học còn nằm ngoài vùng “phủ sóng” của thế giới, quả là một món nợ lớn mà Bộ giáo dục đào tạo còn chưa trả được cho đất nước.
Trong khi đó, nguồn nhân lực qua đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội, phần lớn các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Sinh viên tốt nghiệp không có việc làm do không làm được việc là một sự lãng phí vô cùng lớn.
Tại kỳ họp quốc hội trước, Bộ trưởng giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận lại một lần nữa hứa hẹn về một “sự đổi thay tích cực của ngành giáo dục”. Tuy nhiên cũng như nhiều lần trước đó, đã không có một kết quả khả dĩ nào được dư luận và công luận chấp nhận.
Gia tốc suy thoái trong điều hành giáo dục như thế lại càng khiến người ta không thể quên một “món nợ” khác của nguyên bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, người hiện nay là Phó thủ tướng và vừa “trúng tuyển” vào Bộ chính trị Đảng trong tháng 5/2013.
“Sẽ không một sinh viên nào phải bỏ học” và “Đến năm 2010 giáo viên sẽ sống được bằng lương” - ông Nhân đưa ra lời cam kết như thế khi được báo chí ca ngợi là “gương mặt mới” vào thời điểm nhậm chức bộ trưởng năm 2007.
Vệt mòn đã kéo quá dài và cũng quá sâu ở một trong những cơ quan bị coi là xơ cứng và giáo điều nhất tại Việt Nam.
Hòa nhịp với “quyết tâm” không hồi âm của ông Nhân cùng thế hệ chính khách theo sau, báo chí vẫn thường xuyên lên án về tình trạng sinh viên phải bỏ học do khó khăn gia đình và học phí quá cao, giáo viên ở nhiều vùng sâu phải thoái trường, còn một số học sinh phải tự nuôi thân bằng thịt chuột.
Sau 6 năm từ khi nền kinh tế Việt Nam gia nhập WTO và từ lúc cuộc vận động “hai không” - nói Không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục… - được khởi xướng bởi bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, người ta lại nhìn thấy một vị Phó thủ tướng phụ trách chiến dịch bắt gà nhập lập, và sau đó nhận ra một tân ủy viên Bộ chính trị sang Bắc Kinh để “đối tác chiến lược toàn diện” với người bạn có tên “Bốn tốt”.
Y tế: Thuộc về đất nước, nhân dân!
Vào kỳ họp lần này, Quốc hội cũng yêu cầu Bộ y tế giải trình về công tác quản lý nhà nước đối với thuốc tân dược và giá thuốc tân dược - vấn đề đã được bức xúc nêu ra trong kỳ họp quốc hội lần trước.
Vào tháng Giêng năm 2013, tức sau kỳ họp quốc hội lần thứ 4, Tổng cục thống kê nhấn mạnh “Thuốc và dịch vụ y tế kéo CPI tăng 1,25%”. Như thường lệ, đáng chú ý nhất vẫn là nhóm thuốc và dịch vụ y tế bởi đây là nhóm hàng có chỉ số giá cao nhất trong rổ hàng hóa của tháng.
Riêng dịch vụ y tế đã chiếm khoảng 0,5% trong tổng số chung của CPI tháng 1/2013. Nguyên nhân là do một số địa phương sau khi trì hoãn việc tăng giá dịch vụ y tế trong năm 2012 nay đã bắt đầu điều chỉnh.
Đến tháng 4/2013, tức ngay trước kỳ họp quốc hội lần thứ 5, nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế đã trở thành quán quân trong rổ 11 nhóm hàng khi tăng tới 3,62%.
Cùng với học phí tăng vọt tại rất nhiều trường học, ngành y tế đã góp “một phần không nhỏ” làm trầm trọng hóa hố phân cách giàu nghèo trong xã hội.
Như thường lệ, chưa có thay đổi gì giữa hai kỳ họp quốc hội. Sự biến đổi duy nhất chỉ thuộc về phạm trù giá cả.
Khoảng cách giàu nghèo
Bức tranh phân hóa xã hội lại được biểu cảm một cách không thể hiện thực hơn với lời tuyên bố chưa từng có: “Chênh lệch giá vàng thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân” của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình.
Nếu con số thống kê - còn bị xem là quá khiêm tốn - của Tổng cục thống kê Việt Nam cho thấy khoảng cách giữa nhóm người giàu nhất và nhóm nghèo nhất là gần 10 lần, thì trong suốt thời gian gần hai năm kể từ khi chấp nhiệm chức vụ Thống đốc, giá vàng trong nước vẫn thường gấp 10 lần “dấu hiệu đầu cơ 400.000 đồng” do ông Nguyễn Văn Bình phát ngôn tùy hứng trong 100 ngày đầu làm Thống đốc.
Bất chấp cụm từ “sân chơi quốc hội” mang tính xã hội hóa và phản biện hóa được báo chí hóa gần đây, rõ ràng thị trường đầu cơ vàng vẫn là sân khấu nổi bật nhất. Lời hứa “sẽ bình ổn thị trường vàng” của đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Bình cũng vì thế đã không thể thoát khỏi cái bóng của một dạng đầu cơ rất chuyên biệt.
Ở một góc nhìn khác, “bình ổn thị trường xăng dầu” là lời hứa ròng rã qua các kỳ quốc hội của Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng - người từng tạo điểm nhấn sâu sắc trong ký ức đại biểu ở kỳ họp quốc hội vào tháng 11/2011, khi “đá” với thứ trưởng của mình là ông Nguyễn Cẩm Tú về số liệu lời lỗ của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam.
Cũng từ năm 2011 đến nay, bỏ qua lời cam kết về việc sẽ “minh bạch thị trường xăng dầu và điện lực”, vẫn chưa có bất cứ một xác cứ nào cho thấy hai thị trường này cùng các tập đoàn và nhóm lợi ích được công khai hóa.
Ngược lại, giá điện vẫn làm người tiêu dùng điêu đứng, còn giá xăng dầu vẫn được Bộ công thương và cả Bộ tài chính đồng thuận cho tăng liên tục, bất chấp giá dầu quốc tế giảm mạnh.
Ngân hàng: Liêm sỉ tín nhiệm
Thế nhưng tính minh bạch của lãi suất cho vay lại là một câu chuyện mang hàm ý “đối kháng”.
Trở lại cuối năm 2011, trong bối cảnh đất nước bắt đầu chìm ngập trong suy thoái kinh tế và nhóm lợi ích ngân hàng đang ung dung với những khoản lời lãi nhiều ngàn tỷ đồng, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trấn an dư luận:
“Nếu doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh thì kể cả lãi suất (cho vay) lên tới 25% cũng không phải là vấn đề quá lớn”.
Trước đó, lãi suất cho vay đã bị nhiều ngân hàng thương mại đẩy lên đến gần 30%, tạo ra một chênh lệch “thuộc về đất nước, thuộc về nhân dân” chưa từng có trong lịch sử tín dụng ở Việt Nam.
Cũng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành ngân hàng, vào tháng 8/2012, ông Nguyễn Văn Bình đã bị Tạp chí Global Finance liệt vào nhóm 20 Thống đốc ngân hàng nhà nước kém nhất trên thế giới.
Trong gần hai năm qua từ khi chính phủ mới được Quốc hội phê chuẩn, bỏ qua hàng chục lời hứa cùng yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về “Ngân hàng nhà nước sẽ/phải quyết liệt giảm lãi suất cho vay”, mặt bằng của loại hàng hóa này vẫn chỉ giảm rất từ tốn.
Cũng gần hai năm qua, phần lớn các đại biểu của Quốc hội dường như chỉ có thể gật đầu với điều được gọi là “minh bạch”, khi và chỉ khi các dân biểu trong Chính phủ và bộ ngành tiết lộ.
Từ nhiều năm qua, vô liêm sỉ đã trở nên một đặc thù lộ thiên trong lời hứa của nhiều “công bộc của dân”, làm thành một “bản sắc” riêng cho nền chính trị dân cử nhưng bị xen cài quá đậm bởi những nhóm lợi ích tài phiệt và nhóm thân hữu chính khách.
Cuối tháng 4/2013 và một tháng trước kỳ họp quốc hội lần thứ 5, trong một cuộc tiếp xúc với cử tri quận 1 ở TP.HCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cam kết: “Chúng tôi sẽ cho xem xét, kiểm tra lại những lời hứa, lời cam kết đối với nhân dân của các vị lãnh đạo thông qua các chế độ giám sát của cấp phó ủy, của các đại biểu quốc hội và hội đồng nhân dân các nơi”.
Liệu có thể xem cam kết của Chủ tịch nước là một lời hứa có tính liêm sỉ còn lại cho cuộc vận hành đầu tiên về bỏ phiếu tín nhiệm đại biểu quốc hội?