RFI : Thân chào nhà báo Phạm Chí Dũng. Theo anh, thì nguyên nhân những chuyển động ngoại giao có tính đột biến của Việt Nam là gì?
Nhà báo Phạm Chí Dũng : Có một điểm tương đồng thú vị và rất nhiều ẩn ý là tính bất ngờ cùng xảy ra trước hai chuyến đi của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến Bắc Kinh và Washington. Nếu cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ được thông báo khoảng một tuần trước khi diễn ra, thì “độ sớm” trước buổi tiếp kiến của Tổng thống Barack Obama với ông Sang là đúng hai tuần.
Tiếp theo sự bất ngờ đó là bầu tâm tư ngỡ ngàng của phần đông dư luận trong nước.
Hai chuyến ngoại giao con thoi của ông Sang đến Trung Quốc và Mỹ, chưa kể chuyến đi trước đó của vị nguyên thủ này đến Indonesia và cần tính luôn cả cuộc gặp người Thái và nhận bằng tiến sĩ danh dự của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không đi đâu cả, hẳn phải là một động thái khá đột ngột về chính trị, như nhen nhóm ánh lửa nào đó cho không khí chính trường Việt Nam song ánh với bầu khí quyển quốc tế.
Trước đó, vào tháng 5/2013 và được bình luận là trong lúc Hội nghị trung ương 7 còn chưa kết thúc, một tân ủy viên Bộ Chính trị là ông Nguyễn Thiện Nhân đã bất ngờ mở màn chuyến tốc hành tới Bắc Kinh - dường như mang ý nghĩa một cử chỉ có tính diện kiến hơn là một cuộc làm việc thực chất.
Động thái đối ngoại cấp tập của giới lãnh đạo Việt Nam lại càng đáng được mổ xẻ nếu quay ngược về cuộc tiếp xúc Mỹ - Trung vào đầu tháng 6/2013. Chỉ khoảng một tuần sau cuộc gặp thượng đỉnh khá hữu hảo này, một quan chức cao cấp của quân đội Việt Nam là tướng Đỗ Bá Tỵ đã dẫn đầu một phái đoàn quân sự cao cấp đi thăm Mỹ, theo lời mời của đại tướng Martin E. Dempsey, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ.
Mối liên quan giữa các con thoi ngoại giao như thế hẳn phải có tính logic với nhau, để cuối cùng dẫn đến chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang mà không tránh khỏi lời đồn đoán của dư luận về một “quyết định” nào đó nảy sinh từ cuộc gặp giữa Obama và Tập Cận Bình vào tháng 6/2013.
RFI : Anh có thể cho biết ý kiến của anh cũng như dư luận trong nước về chuyến đi Trung Quốc của ông Trương Tấn Sang ?
Khi người Trung Quốc mỉm cười trên bàn đàm phán, có thể là lúc ngoài hành lang dấy lên một mưu mô nào đó. Sau nụ cười của Tập Cận Bình ở Tòa Bạch Ốc, giữa Washinghton và Bắc Kinh vẫn không tìm thấy một tiếng nói chung, ít nhất liên quan đến một âm mưu khó hóa giải ở Biển Đông.
Gần như cùng thời điểm tin tức về chuyến đi Mỹ của ông Sang được chính thức xác nhận vào ngày 11/7, tàu cá Việt Nam đã bị những bộ sắc phục Trung Nam Hải đập phá, còn cờ Việt Nam bị chặt đốn. Hành vi xâm hại mới nhất này lại gần như đồng thời với hoạt động tổ chức họp báo của đại sứ Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu, trong đó nhắc lại kết quả thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã xảy ra đến gần một tháng trước đó.
Nhưng trước thái độ vừa ti tiện vừa trịch thượng của người bạn có tên “Bốn Tốt”, điều không thể hiểu nổi là cơ quan tuyên giáo Việt Nam vẫn trung hiếu với “Mười sáu chữ vàng”, đến mức có thông tin về việc vụ trưởng báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương là Vũ Đình Thường còn nhắn tin cho các báo trong nước, yêu cầu ngưng đưa tin tiếp về việc ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc bắt giữ và đánh đập vừa qua.
Người ta đang tự hỏi: hàng chục văn bản được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc trong chuyến đi của ông Trương Tấn Sang đến Bắc Kinh mới đây còn có ý nghĩa gì, khi ngày càng phát sinh nhiều dư luận cho rằng Nhà nước Việt Nam bị tha lụy quá nhiều vào lịch sử ngàn năm Bắc thuộc, và chuyến đi của ông Sang đã không có tác dụng nào, ít nhất đối với việc kềm chế chiến dịch gây hấn của người bạn “môi hở răng lạnh” này.
Trong một buổi tiếp xúc cử tri của ông Sang ở Sài Gòn, một doanh nhân là ông Nguyễn Văn Đực còn truy vấn thẳng thừng: “Người Tàu đã cai trị chúng ta hàng trăm năm, hàng ngàn năm và luôn luôn tìm cách chèn ép chúng ta. Ngày hôm nay người Tàu có mặt khắp nơi, từ rừng núi, đồng bằng, cao nguyên, bờ biển… Bây giờ chúng ta cho người Tàu đầu tư cái vịnh Bắc Việt. Tôi đề nghị chủ tịch phải hỏi lại Ban chấp hành trung ương đảng có đồng ý hay không? Hỏi lại Quốc hội có đồng ý hay không?”.
RFI : Đó là chuyến đi Trung Quốc, còn mục đích chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang là gì, theo anh?
Theo tôi, có ít nhất bốn mục tiêu mà giới lãnh đạo Việt Nam đang tính toán, xếp theo thứ tự ưu tiên là an ninh và chủ quyền tại khu vực biển Đông, nhu cầu đối tác chiến lược với Hoa Kỳ, sự bức thiết tham dự vào bàn tiệc TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương), và kể cả kỳ vọng về một chuyến thăm đáp của Tổng thống Obama tới Việt Nam.
Với tất cả những gì mà người tự nhận là “láng giềng tốt” thể hiện một cách đầy kiên định và không thiếu xảo thuật, giới chức cầm quyền Việt Nam có đầy đủ lý do để lo lắng về một tương lai cám cảnh nếu biển Đông không còn an toàn, chí ít không còn là nơi mà các ngư dân không run đợi về sự xuất hiện của “tàu lạ”. Ngược lại, Philippines là một minh họa mẫu mực về tinh thần bất tuân trước sức ép của Trung Quốc. Mà Manila có được thái độ can trường như thế không chỉ do lòng tự trọng bẩm sinh của dân tộc, mà còn được hiểu là quốc gia này nhận được sự hậu thuẫn có trách nhiệm từ phía Washington.
Và nếu Việt Nam cũng tự tìm cho mình một sự hậu thuẫn tương tự thì sự thể có được cải thiện hay không?
Chủ đề Biển Đông tất nhiên cũng nằm trong đường hướng chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực Thái Bình Dương. Đó là một điểm chung về lợi ích quân sự có tầm nhìn chiến lược. Vậy thì tại sao lại không nhân cái cơ may ấy để biến cơ hội thành hai chiều có qua có lại? Vấn đề này, nếu được nhân lên thì cũng có thể liên đới với một hình ảnh “đối tác chiến lược” nào đó giữa Việt Nam và Mỹ.
Chỉ có điều, tục ngữ Việt Nam có câu “liệu cơm gắp mắm”, sức tới đâu làm tới đó - một cụm từ mà giới lãnh đạo Việt Nam khá ưa dùng. Nhưng thực tế đến nay, Việt Nam đã “gắp mắm” quan hệ chiến lược với Trung Quốc, Nga và Anh, và còn tham vọng “đa phương hóa” ở cấp độ tương tự với cả Pháp và Mỹ. Tuy thế, một số nhà phân tích độc lập đã phản biện rằng mấu chốt là Việt Nam không có cùng định nghĩa về “đối tác chiến lược”. Một quốc gia có thể có nhiều đối tác chiến lược về kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng không thể có nhiều đối tác về quốc phòng. Nếu Việt Nam có quá nhiều đối tác chiến lược, sẽ không ai biết nhà nước này muốn gì. Bắt cá nhiều tay là một chiến lược nguy hiểm, bởi không ai muốn can thiệp khi Việt Nam bị lâm nguy vì sợ làm phật lòng những đối tác chiến lược khác.
Còn về TPP, mục tiêu này lại gắn bó quá sâu nặng với hiện trạng kinh tế đình đốn. Hiện thời, nền kinh tế Việt Nam đang ở vào điểm trũng sâu nhất kể từ đầu thập kỷ 1990. Về cơ bản và trong sâu thẳm, nhiều nguồn tài nguyên của đất nước đã gần cạn kiệt, còn sức bật của nền kinh tế đã trở nên yếu ớt đến mức người dân đang nhìn thấy một triển vọng sụp đổ cận kề. Đứng trước miền tương lai đặt một chân vào hố khủng hoảng như thế, TPP được xem là một trong những lối thoát khả dĩ. Nếu biết “đi dây” định chế này, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi ích nhiều nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài và quan hệ chặt chẽ hơn với chuỗi sản xuất quốc tế và còn có cơ may thoát khỏi khủng hoảng kinh tế mà không rơi vào cơn khủng hoảng xã hội.
Cuối cùng, không thể không nói đến việc bất cứ một nguyên thủ quốc gia nào trở thành bạn của Tổng thống Mỹ cũng sẽ khiến cho nhân vật đó ít nhất hiển danh vị thế trong chính giới quốc nội. Là một trong những chính khách cao cấp có tư cách nhất và chưa hề bị chứng minh sở hữu quá một căn nhà, ông Sang ít ra cũng có đủ tư cách khi tuyên bố sẽ không lấy của ngân khố quốc gia một milimét đất nào.
Vào kỳ họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIII vừa qua, ông Sang đã nhận được 66% số phiếu tín nhiệm cao, vượt hơn khá nhiều khối quan chức của Chính phủ. Đó cũng có thể là một kết quả theo tôi là khá khả quan mà theo một số dư luận, sự nghiệp chính trị của ông Sang sẽ còn “nâng lên một tầm cao mới” trong những năm tới đây. Cũng có dư luận cho rằng nếu điều này xảy ra sẽ đồng nghĩa với một kỳ vọng chiến lược nào đó của ông Tập Cận Bình.
RFI : Còn đối với phía Mỹ thì quyền lợi của họ là gì nếu Hoa Kỳ trở thành “đối tác chiến lược” với Việt Nam?
Quyền lợi của họ phụ thuộc nhiều vào hệ tư tưởng của họ. John Kerry - tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ - đã có tiếng là người thực dụng khi phát ngôn “Ở đâu có quyền lợi chung thì cả Mỹ và Việt Nam có thể làm việc cùng nhau”.
Vậy điều được xem là lợi ích chung đó là cái gì?
Dù kim ngạch thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam đã đạt hơn 24 tỉ đô la trong năm 2012, nhưng con số này chỉ chiếm chưa đầy 3% so với 646 tỷ euro kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Mỹ và khối EU. Tức không có gì đáng kể đối với Mỹ trong mối quan hệ kinh tế với Việt Nam, mà ý nghĩa của mối quan hệ thương mại này chỉ đáng được Việt Nam xem trọng.
Tại Little Sài Gòn vào tháng 6/2013 vừa qua, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là David Shear cho biết bốn mục tiêu của Hoa Kỳ trong quan hệ với Việt Nam là “quan hệ kinh tế và thương mại; hợp tác về ngoại giao và an ninh khu vực; giáo dục, y tế, môi trường; đối thoại rất nghiêm khắc và rất mạnh mẽ về nhân quyền.”
Tất nhiên, đó là cách nói ngoại giao và cách sắp xếp thứ tự mục tiêu ưu tiên của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, nhưng tôi tin rằng Biển Đông và chiến lược quân sự khu vực Thái Bình Dương mới là lợi ích chủ yếu của người Mỹ, và cũng là điểm chung lớn nhất về lợi ích giữa Mỹ và Việt Nam. Một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho điểm chung này là kể cả sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung, phía Mỹ vẫn tiếp tục đề cập đến vấn đề kềm chế xung đột tại Biển Đông như một biểu hiện khó hàn gắn giữa Trung Quốc với các nước đồng minh của Mỹ.
Một biểu hiện khác dù nhỏ, nhưng không thiếu ẩn ý là vào tháng 4/2013, hai chiến hạm của Hải quân Hoa Kỳ đã cập cảng Đà Nẵng trong chuyến thăm và hoạt động “trao đổi Hải quân” kéo dài 5 ngày với Hải quân Việt Nam.
Theo một blogger giấu tên ở Sài Gòn, với tư cách là “người bảo trợ thế giới”, Mỹ hoàn toàn không muốn nhìn thấy cận cảnh các lực lượng Trung Quốc sẽ tràn xuống phía Nam châu Á. Tất nhiên, Việt Nam được xem là một trong những tiền đồn ngăn chặn nạn triều cường ấy.
Tuy nhiên, như đã từng trần tình"Ý kiến của giới lãnh đạo Việt Nam về Hoa Kỳ rất là phức tạp”, đại sứ Hoa Kỳ David Shear đã không dám chắc chắn về quan điểm trước sau như một của giới lãnh đạo Việt Nam, nhất là trong bối cảnh dư luận đang đồn đoán sôi nổi về những ngã rẽ bất ngờ có thể hiện ra ngay trong nội bộ. Vì thế, ông David Shear đã nêu ra một khái niệm liên quan đến thái độ “chọn Mỹ hay Trung Quốc” của Việt Nam là “đi một đường tế nhị” (a delicate line).
RFI : Khái niệm về một sự “lựa chọn tế nhị” như thế có liên quan gì với lời khẳng định sẽ “đối thoại rất nghiêm khắc và rất mạnh mẽ về nhân quyền” cũng của đại sứ David Shear trước đây?
Đó là quan điểm và thái độ có thật của người Mỹ, cho thấy sau cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ vào tháng 4/2013, chưa bao giờ Hoa Kỳ bỏ qua hạng mục dân chủ và nhân quyền trong đồ án đối thoại với Việt Nam.
Một giáo sư của trường đại học George Mason ở Mỹ là ông Nguyễn Mạnh Hùng từng phân tích: “Chính sách đối ngoại của Mỹ luôn hướng tới ba mục tiêu khác nhau: quyền lợi chiến lược, quyền lợi kinh tế và quyền lợi về giá trị. Cái cuối cùng chính là tự do, dân chủ và nhân quyền”.
Nếu giới ngoại giao Hoa Kỳ gần đây luôn cho rằng Mỹ sẽ “đối thoại rất nghiêm khắc và rất mạnh mẽ về nhân quyền”, thì chủ đề dân chủ và nhân quyền, dù không phải là quyền lợi trực tiếp của Mỹ ở Việt Nam, cũng đang gây sức ép không quá khiêm tốn đối với chính quyền Obama, đòi hỏi phải gia tăng can thiệp để cải thiện tình hình ở Việt Nam.
Trong nội tình người Mỹ, nếu trước cuộc đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ, Phó trợ lý Ngoại trưởng Dan Baer là nhân vật cứng rắn đặc biệt đối với Việt Nam, thì gần đây một trong những tiếng nói gay gắt tiêu biểu nhất lại đến từ dân biểu Frank Wolf của đảng Cộng hòa khi ông này nêu ra kết luận: “Người dân Việt Nam và hàng triệu người Mỹ gốc Việt xứng đáng được hưởng điều kiện tốt hơn những gì mà Đại sứ Shear và chính quyền này mang lại. Chính quyền Obama đã làm thất vọng mọi công dân Việt Nam và mọi công dân Mỹ gốc Việt vốn quan tâm đến nhân quyền và tự do tôn giáo”.
Có lẽ đó cũng là lý do tại sao gần đây hai văn bản về nhân quyền đối với Việt Nam lại gấp rút được soạn thảo và trình lên Hạ nghị viện và Thượng nghị viện.
Văn bản thứ nhất là Dự luật Nhân quyền Việt Nam HR 1897, đưa ra khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam thông qua ràng buộc điều kiện nhân quyền và dân chủ vào các khoản viện trợ phi nhân đạo dành cho chính phủ Việt Nam, đồng thời cổ súy thái độ cứng rắn hơn đối với Hà Nội trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo.
Còn bản Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam lại hàm chứa một nội dung rất “nhạy cảm” là “Tổng thống sẽ đóng băng và cấm chỉ tất cả các giao dịch liên quan đến tất cả các tài sản và lợi ích của một cá nhân trong danh sách được quy định ở điểm (c)(1) nếu những tài sản và lợi tức đó nằm ở Hoa Kỳ, rơi vào Hoa Kỳ, hoặc nằm ở hoặc rơi vào quyền sở hữu hoặc kiểm soát của một người Mỹ”.
Nếu được cả hai viện thông qua, hai dự luật này sẽ được trình lên tổng thống, và người ta cho rằng điều đó sẽ tạo nên một sức ép đáng kể đối với Hà Nội trong thời gian tới, chẳng kém thua sức đè của Trung Nam Hải trên Biển Đông.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà mới đây Tổ chức Phóng viên Không biên giới đã tung ra một danh sách 35 blogger bị giam cầm ở Việt Nam, như một bằng chứng hối thúc thái độ cần quyết liệt hơn của chính phủ Mỹ.
RFI : Đặt giả thiết nếu chính phủ Mỹ tỏ ra quyết liệt hơn thì tương lai về một hiệp định TPP đối với Việt Nam theo anh sẽ ra sao?
Đó là một câu hỏi, một ẩn số. Cần nhắc lại là vào tháng 5/2013, ông David Shear, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã không kém ẩn ý về mối quan hệ giữa hiệp ước TPP và chủ đề nhân quyền: “Sẽ có rất nhiều người ở Quốc hội Mỹ đặt câu hỏi về vấn đề dân chủ, nhân quyền của Việt Nam khi chúng tôi trình hiệp ước đó (TPP) lên, chúng tôi không thể tránh được thực tế chính trị đó”. Ông David Shear còn giải thích thêm là nếu Việt Nam không có tiến bộ về mặt dân chủ, nhân quyền thì sẽ rất khó để có được sự ủng hộ chính trị ở Quốc hội để thông qua hiệp ước này; và cam kết sẽ tiếp tục nêu lên vấn đề nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam vì “đất nước Hoa Kỳ có ưu thế để đưa ra những vấn đề này.”
Nếu chiếu theo cách nhìn của khá nhiều nghị sĩ Mỹ, Hoa Kỳ đã đủ thời gian và bài học về thành tích “thụt lùi sâu sắc” của Việt Nam về mặt nhân quyền trong sáu năm qua, kể từ ngày quốc gia này mở tiệc ăn mừng do được chấp thuận tham gia vào WTO.
Còn vào tháng 10/2013 tới là thời điểm chốt đàm phán TPP và cũng là chuẩn bị cho cuộc đối thoại nhân quyền Việt Mỹ tiếp theo.
Dĩ nhiên từ đây đến đó còn nhiều việc cho chính quyền Việt Nam phải lo lắng và suy tính, nhất là những việc liên quan đến quyền lợi kinh tế gắn với điều kiện chính trị.
Trong khi đó, những người phương Tây lại hy vọng rằng nếu các tác động đối ngoại có ảnh hưởng ở mức độ nào đó đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền, bầu không khí nội chính ở Việt Nam sẽ trở nên êm ái hơn vào thời gian tới, ít nhất về mặt chiến thuật.
Vào ngày 9/7/2013, phiên xử án một luật sư Công giáo và cũng được xem là nhà bất đồng chính kiến là Lê Quốc Quân đã bất ngờ bị hoãn lại. Hai ngày sau đó, người dân được biết chính thức về chuyến đi Mỹ sẽ diễn ra của ông Trương Tấn Sang.
Có lẽ trong con mắt giới quan sát phương Tây và các nhóm hoạt động dân chủ trong nước, cuộc gặp Obama - Sang dù có thể không trình đạt một thỏa thuận nào về nhân quyền, nhưng ít nhất vẫn khơi gợi không khí dân chủ hơn cho hoạt động tự do ngôn luận và đặc biệt là hoạt động phản biện ôn hòa ở Việt Nam trong thời gian tới, ít ra cho đến khi bài toán TPP có đáp số rõ ràng.
Chưa kể đến phương trình ứng cử một ghế nhân quyền của nhà nước Việt Nam vẫn còn nhiều ẩn số vào tháng Giêng năm 2014…