“Còn là tinh anh”…
Lưu Nhi Dũ
Con chim phượng hoàng, con hồng hạc Võ Nguyên Giáp đã bay xa. Cánh bay ấy vút lên không gian để lại những ánh sáng chói lòa và không bao giờ tắt, để lại những tinh anh cho đời. Nguyễn Du từng nghĩ như vậy: “Thác là thể phách, hồn là tinh anh”. Hãy nhìn dòng người bất tận sắp hàng vào nhà riêng của Tướng Giáp ở 30 Hoàng Diệu. Hãy nhìn dòng người nối tiếp dòng người ở Nhà tang lễ quốc gia. Hãy nhìn dòng người đứng dọc hai bên đường từ Nhà tang lễ quốc gia đến sân bay Nội Bài; từ sân bay Đồng Hới đến Vũng Chùa - Đảo Yến… Những giọt nước mắt, những khuôn mặt thành tâm, những cái lạy vọng từ xa tỏ lòng kính trọng Đại tướng nhưng cũng gửi đến chúng ta - những người đang sống thông điệp chứa đựng những tình cảm chân thật, hy vọng và cả những ưu tư… của dân với nước. Đằng sau những tình cảm ấy là tình dân, nghĩa dân và lòng dân với Đại tướng, với nước. Chỉ có những người sống vì dân mới được dân yêu đến như vậy. Từ lâu Đại tướng đã là anh hùng dân tộc dù chưa bao giờ nhận danh hiệu đó. Người lính Võ Nguyên Giáp chỉ nhận một lần phong quân hàm, đó là quân hàm Đại tướng và đi suốt cuộc đời binh nghiệp. Bây giờ, một cách tự nhiên, Đại tướng cùng với Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… là những anh hùng dân tộc, làm vẻ vang cho dân tộc. Tầm vóc của Tướng Giáp vượt qua khỏi đất nước, bởi chính Đại tướng là người làm thay đổi, định hình một trật tự thế giới mới như ngày hôm nay. Điện Biên Phủ, Chiến thắng 30-4 đã nói lên điều đó. Hai chiến thắng lẫy lừng đó đã chôn vùi chủ nghĩa thực dân, cả chủ nghĩa thực dân mới. Đó là lý do vì sao Ducan Towon - một nhà nghiên cứu lịch sử người Anh đã xếp Võ Nguyên Giáp vào số 21 danh tướng thế giới qua 25 thế kỷ. Bách khoa Toàn thư Anh, xuất bản năm 1985, tập 10, chỉ ghi tên hai danh tướng Việt Nam: Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Phương tây và cả kẻ thù từng soi mói cuộc đời của Đại tướng, dù phải “ngã mũ chào ông”. Ông đâu phải là vị tướng “chiến thắng bằng mọi giá” như họ nghĩ. Bất cứ một sĩ quan cấp sơ cấp nào cũng hiểu rằng việc “nướng quân” là điều không có trong giáo trình đào tạo sĩ quan và cả trên chiến trường. Hãy tưởng tượng, năm 1947, Trung đoàn Thủ đô non trẻ, trang bị rất hạn chế, cùng với các đội quân dân tự vệ đã có 60 ngày đêm cầm cự với quân Pháp được trang bị những khí tài quân sự hiện đại nhất, sao lại không tổn thất khi bộ đội quyết “cảm tử” để tổ quốc quyết sinh. Họ muốn nói đến trận chiến chiếm Đồi A1 - Điện Biên Phủ? Họ đã không hiểu tinh thần độc lập, tự do, lòng yêu nước của người Việt. Cha ông ta đã để lại mảnh đất hình chữ S tuyệt vời, vậy mà cho đến 1945, chúng ta không có một tất đất. Mất nước thì phải lấy máu mà rửa, như người Pháp đã lấy máu mình để giành lại đất nước họ từ Phát xít Đức. Vậy mà họ không hiểu máu của người Việt, đáng tiếc thay… Võ Nguyên Giáp, người dạy lịch sử, làm nên lịch sử, hơn ai hết ông hiểu giá trị của máu. Ông là vị tướng của hòa bình nhưng làm sao có hòa bình khi chúng ta mất nước? Ông đã gầy dựng nên Quân đội ta, Quân đội của dân thì làm sao kẻ thù có thể tiêu diệt được! Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng 30-4-1975 đã đi vào quân sử thế giới, có trong các sách giáo khoa quân sự, đã nói lên thiên tài quân sự của Tướng Giáp. Ông là vị tướng của hòa bình, vị tướng lịch lãm, cả với kẻ thù. Hãy xem Tướng Giáp tiếp Mc Namara thì hiểu, với nụ cười sảng khoái của hai chính khách, hai vị tướng đã “xếp kiếm cung”, chứ không phải như kẻ chiến thắng. Tướng Raoul Salan, từ có mặt ở chiến trường Đông Dương từ năm 1924, sau này là Tư lệnh quân Pháp ở Bắc bộ trong cuốn Mémoire (Hồi ức) đã bày tỏ sự kính trọng với Tướng Giáp. Trong một lần hội đàm căng thẳng thì cận vệ vào báo tin vợ ông sinh con gái; tướng Giáp chúc mừng và mấy hôm sau gửi tặng vợ ông một bức sơn mài rất đẹp, làm Salan nhớ mãi… Những tính cách quyết đoán, tình cảm, nhân ái, hòa hợp, hiểu rõ nhân tình thế thái… đã giúp ông đã đi suốt hành trình một đời người hơn thế kỷ, đi cùng với nhân dân. Vị tướng đã hơn 30 năm rời chính trường vẫn được dân yêu quý dường ấy, tất cả cho thấy ông là vị tướng của nhân dân. Nghỉ hưu, ông không chịu nghỉ ngơi. Ông không về Côn Sơn như Nguyễn Trãi nhưng giống như Nguyễn Trãi, tính nhập thế của ông vẫn mãnh liệt: “Một tấm lòng son nóng bừng như lửa lò luyện đan” (Ức Trai thi tập, bài 63). “Ngọn núi tuyết phủ” là Tướng Giáp, trăn trở suốt đời chỉ vì một chữ đinh (dân) như Nguyễn Trãi. Những di sản cuối đời của ông để lại khiến tất cả chúng ta suy ngẫm. Di sản cả cuộc đời ông càng vĩ đại. Ngay cả cuộc ra đi của ông cũng để lại những điều cả dân tộc phải suy nghĩ, hãy nghĩ đến lòng dân, đến dân, vì dân. Còn di sản cuối cùng của ông nữa cũng cho thấy cuộc đời vì dân vì nước của ông. Với một người bình thường, khi nằm xuống ai cũng muốn nằm bên cha mẹ mình nhưng với Tướng Giáp, là con người của nước, theo di nguyện của ông, ông cũng chọn Quảng Bình nhưng là Vũng Chùa - Đảo Yến ở Quảng Trạch. Ông là người của dân tộc chứ không chỉ của Lệ Thủy. Ông nằm đó, đôi mắt nhìn ra Biển Dông quê hương…
Tác giả gửi viet-studies ngày 13-10-13 |