Người nông dân và cây lúa hôm nay Minh Nguyễn
Người nông dân trồng lúa sau thu hoạch “được mùa rớt giá” cứ lập đi lập lại, nên dù là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới mà họ vẫn nghèo. Nghịch lý đó ai cũng thấy, nhưng không biết kéo dài đến bao giờ? Lâu nay ở An Giang cũng như cả nước, đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp “phát triển nông nghiệp bền vững” trước mắt có, lâu dài có, nhưng như liều thuốc đặc trị không đúng bệnh và không đủ mạnh, nên tình trạng trên bao nhiêu năm vẫn vậy! Người nông dân – “Đội quân chủ lực” trong các cuộc kháng chiến cứu nước năm xưa, chịu đựng bao nỗi hy sinh, mất mát, nay thời bình họ vẫn nghèo khó, cơ cực một nắng hai sương làm ra hạt lúa để nuôi sống thiên hạ và hơn thế nữa, còn làm giàu cho đất nước, làm giàu các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn nhỏ, mà họ không được đối xử công bằng! Chánh phủ cho họ được “lãi 30 phần trăm” nhưng giải pháp nào để bảo đãm cái “30 phần trăm" đó thì không rõ ràng! Trái lại, có năm khi thấy giá lúa lên cao một chút, thì vì lý do “bảo đãm an ninh lương thực”, sợ người nghèo không phải nông dân mua gạo ăn giá cao, sợ các mặt hàng tiêu dùng khác tăng giá theo…Lập tức, bằng những biện pháp hữu hiệu kéo giá tụt xuống ngay, tội nghiệp người nông dân hụt hẫng, chới với! Trong khi đó, giá vật tư và các chi phí sản xuất khác tăng chóng mặt, có ai gánh chịu cho người nông dân? Hiện nay, Chánh phủ chủ trương chi ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, tài trợ 100 phần trăm lãi suất cho các doanh nghiệp vay mua lúa hè thu tạm trử, nhưng thời điểm triển khai thu mua chậm so với lúa thu hoạch, giá lúa chỉ nhích lên chút ít, chẳng là gì so với cái thua thiệt của người nông dân trong vụ lúa nầy. Tôi vừa gặp một anh doanh nghiệp xuất khẩu gạo nói với tôi rằng, anh không hiểu tại sao Chánh phủ chủ trương mua lúa tạm trử nhằm giúp nông dân tiêu thụ lúa với giá có lãi 30 phần trăm, nhưng sao không dùng số tiền đó trợ giá cho nông dân như Thái Lan, hoặc cho nông dân vay lãi suất bằng không, với thủ tục đơn giãn để họ có tiền trả nợ vật tư, nợ ngân hàng và những món nợ linh tinh khác, giử lúa chờ giá lên tốt sẽ bán. Khoản tiền nầy Chánh phủ “rót” cho doanh nghiệp chẳng khác “gánh đất đổ gò mối”, doanh nghiệp mua lúa qua thương lái theo giá thị trường “thuận mua vừa bán”, có doanh nghiệp nào tự đẩy giá mua lúa lên cao có lợi cho thương lái và nông dân, chấp nhận rũi ro khi bán ra? Chưa nói đến sẳn nguồn tiền “trên trời rơi xuống” nầy, doanh nghiệp nào đó trích ra sử dụng vào mục đích khác có lợi tức thì, liệu các ngành chức năng có đủ sức kiểm tra, giám sát? Vậy chủ trương mua lúa tạm trử có người nông dân nào được hưởng lợi? Cách nay mấy hôm, tôi đọc bài Giảm 2 triệu ha lúa, nông dân sẽ giàu lên trên báo Tuổi Trẻ, ghi ý kiến ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó thủ tướng Chánh phủ. Ông Nguyễn Công Tạn cho rằng: “Việc giử 7 triệu ha đất trồng lúa và cứ “ôm” mãi thành tích cường quốc xuất khẩu lúa gạo đang là vấn đề mâu thuẫn nhất”. Ông đề nghị: “đổi mới tư duy làm nông nghiệp, giảm bớt 2 triệu ha lúa để dành đất nuôi, trồng cây, con khác”. Ông Nguyễn Công Tạn phân tích thực trạng và căn nguyên tình hình sản xuất và xuất khẩu lúa gạo trong nước hiện nay, phản ánh qui luật cung - cầu trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo, ông nói: “…Tư duy của ta hiện nay về nông nghiệp vẫn còn ảnh hưởng tư duy một thời từ lâu là cứ tập trung làm lúa gạo. Nhưng lao mãi làm lúa gạo đến nay lúa gạo lại thừa, xuất khẩu thì hiệu quả không cao. Hiện nay nhiều nước trước kia nhập khẩu gạo đã tự túc được, một số nước còn nghèo đói thì không có tiền để mua. Sản xuất lúa của Ấn Độ đã vọt lên, Campuchia vọt lên, sắp tới Myanmar sẽ vọt lên… thì chúng ta xuất đi đâu”. Và, ông nói như đinh đóng cột rằng: “… Giảm bớt 2 triệu ha trồng lúa thi dứt khoát xã hội Việt Nam nhìn vào lúa không như bây giờ nữa, giá gạo sẽ lên gắp rưỡi, gắp đôi bây giờ. Lúc ấy nông dân mới có lãi thật, mới được hưởng đúng giá trị do mình làm ra…”. Việc chuyển đổi 2 triệu ha đất lúa sang nuôi trồng cây con khác như ý kiến đề xuất của ông Nguyễn Công Tạn, đáng để các nhà quản lý, nhà khoa học “tam nông” để tâm nghiên cứu. Biết rằng nó không hề đơn giản, khó khăn lớn nhất là vướng rào cản tập quán, thói quen của người nông dân. Nhưng nếu thấy cần phải làm để phát triển nền nông nghiệp nước nhà bền vững thì nhất quyết làm, bằng những biện pháp tổng hợp, có hiệu quả, chủ yếu là kinh tế và có sự “liên kết 4 nhà”, “liên kết vùng”…, dần dần người nông dân thấy được lợi ích việc chuyển đổi họ sẽ làm có kết quả./-
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 21-7-13 |