Đó là lời bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội phát biểu ở tổ Quốc hội đang họp, đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 25-10. Tôi cũng vừa đọc bài “Vì sao lòng dân chưa an” của ông Tương Lai trên trang viet-studies, sau khi ông đọc bài trích ghi ý kiến phát biểu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trên báo Tuổi Trẻ nói trên. Hai bài báo đề cập vấn đề “lòng dân” – Một vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ, nhưng ngày nay dường như những người đương quyền các cấp chưa thật sự coi trọng. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm và ông Tương Lai thẳng thắn nêu những ý kiến xác đáng chung quanh vấn đề nầy, những ai quan tâm đến vận nước và sự tồn vong của chế độ rất nên suy ngẫm! Nói về “lòng dân”, từ xưa đến nay Đảng rất “coi trọng”, có biết bao chỉ thị, nghị quyết và “lời hay ý đẹp” của Đảng trên các diển đàn về vấn đề nầy, nhưng nói là một chuyện, làm là một chuyện khác! Tôi chỉ nói từ Đại hội VI năm 1986, Đảng nói như “đinh đóng cột” rằng “lấy dân làm gốc”, nhưng thực hiện quan điểm nầy như thế nào, mà đến nay người dân ngày càng giãm sút niềm tin đối với Đảng! Gần đây Đảng phải ra Nghị quyết Trung ương bảy về “Công tác dân vận trong tình hình mới”, nhằm tăng cường công tác vận động quần chúng trong hệ thống chánh trị, giúp Đảng thu phục lòng dân, củng cố niềm tin người dân đối với Đảng! Thế nhưng, Nghị quyết Trung ương bảy đề ra các nhiệm vụ, giải pháp công tác dân vận với những khái niệm trừu tượng, chung chung, xa rời thực tế cuộc sống, tôi nghĩ sẽ không thực hiện được. Các nước phương Tây họ không nói nhiều như ta, nhưng họ rất coi trọng lòng dân, thể hiện qua cơ chế dân chủ trong bầu cử, trưng cầu dân ý, hay thăm dò dư luận xã hội về những vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng… Chế độ ta “dân chủ gắp triệu lần dân chủ tư sản”, nhưng tầm cở như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm mà còn lúng túng, không biết “làm cách gì để đo được lòng dân?”. Tôi nghĩ bà nói cho vui, chứ làm gì bà không biết lòng dân diển biến như thế nào qua từng khúc quanh lịch sử, hay đối với những chánh sách của Đảng và Nhà nước có quan hệ đến lợi ích người dân. Là cán bộ hoạt động thực tiễn nhiều năm và từ khi nghỉ hưu, tôi có điều kiện tiếp xúc đủ hạng người trong xã hội, từ người cùng đinh đến kẻ giàu sang, quyền quý nghe họ nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Còn nhớ, năm 1986 khi Đại hội VI của Đảng đang họp, tôi có dịp công tác ở Hà Nội, rảnh việc lân la các quán cốc vĩa hè, hay đi xích lô gợi chuyện nghe người dân nói huyên thiên, có những chuyện “thâm cung bí sử” ở Ba Đình không biết họ moi đâu ra, với thái độ dè bỉu, bỡn cợt nghe mà “nhức mình”! Và khi đại hội chưa bầu bán mà họ nói vanh vách ai làm tổng bí thư, ai được vào hay ra Bộ Chánh trị, họ nói trúng phóc như ở Ban Tổ chức Trung ương vậy! Bây giờ, các vị lãnh đạo các cấp muốn hiểu người dân họ nghĩ gì, muốn gì trong cuộc sống, nếu không tin Mặt trận và các đoàn thể báo cáo, thì chịu khó “vi hành” trên những chuyến xe đò, gợi chuyện người dân nói các vị nghe đầy lổ tai; hay hòa mình trong những buổi nhậu, khi sương sương vài tuần rượu thì “rượu vào lời ra”, ruột gan mấy khoanh người ta tuông ra bằng hết…! Ông Tương Lai đặt câu hỏi “Vì sao lòng dân chưa an”? Ông nêu nhiều vấn đề với nhiều góc cạnh, cả lý luận lẩn thực tiển lý giải, cũng như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm với lòng nhiệt huyết của mình, những mong đem lại điều lành cho dân, cho chế độ. Gần trọn đời gắn bó máu thịt với Đảng, nói ra sự thật đau lòng, nhưng làm sao lẩn tránh được, người cùng thời với tôi ai cũng biết, không phải đến ngày nay lòng dân mới bất an, mà lòng dân bất an đã từ lâu. Tôi chỉ nói hai sự kiện bi thương trong thế kỷ trước: Năm 1954 miền Bắc được “giải phóng”, nhưng lòng dân bất an nên cả triệu người rời bỏ quê cha đất tổ di cư vào Nam và những năm sau 1975 miền Nam “giải phóng”, non sông “thu về một mối”, nhưng lòng dân bất an mới có làn sóng người vượt biển, chen chút trên những con thuyền gổ mong manh bất chấp hiểm nguy tìm con đường sống, có biết bao người vùi xác ngậm oán hờn dưới lòng biển! Thãm trạng đó của người dân ngày xưa, là hệ quả nhãn tiền những sai lầm có hệ thống của Đảng trong chánh sách cầm quyền và thái độ đối nhân xử thế tệ bạc với người dân “bên thua cuộc” và người dân được cho là “đối tượng” của giai cấp vô sản. Tôi chắc rằng rồi đây lịch sử sẽ phán xét minh bạch! Ngày nay, sau hơn 25 năm “đổi mới” kinh tế đạt được một số thành quả, nhưng với thể chế chánh trị, kinh tế “lai căng” không giống ai, cùng những chánh sách bất chấp lòng người, không phù hợp trào lưu thời đại, kềm hãm kinh tế phát triển, nguy cơ tụt hậu ngày càng cao. Nếu những người cầm quyền cấp cao của Đảng và Nhà nước có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, điều hành nền kinh tế, để đất nước tụt hậu so với cả Campuchia, Lào, hay Mianma thì không còn điều gì để nói…!! Hàng ngày đọc báo, xem đài nghe thấy nhan nhản tin bài phản ánh những mảnh đời khốn khó, bất hạnh của người dân, tội ác lộng hành, xã hội băng hoại, tham nhũng hoành hành, người chết do tai nạn giao thông không có điểm dừng… ở mọi miền Tổ quốc. Bức tranh toàn cảnh đất nước như như một chiếc áo, phần trước lành lặn, diêm dúa, còn lại rách tả tơi, vá víu! Thực trạng đất nước như vậy, thử hỏi làm sao lòng dân không bất an? Từ người dân bình thường, đến bậc cao niên hưu trí; từ người ít học đến các vị nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi của đất nước, nếu có chút tấm lòng với dân, với nước không ai có thể yên lòng! Nhưng, có lẽ dân ta chịu khổ nạn trong chiến tranh quá lâu, sức chịu đựng đã quen, nén lòng cam chịu, mong chờ các nhà lãnh đạo đất nước đừng “ngủ mê” nữa, hãy tỉnh giấc “Nghiêm túc tự vấn lương tâm và trách nhiệm…” của mình trước hiện tình đất nước, đừng để lòng dân vượt quá giới hạn sự chịu đựng…! M.N
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 29-10-13 |