"Về Sửa đổi Hiến pháp năm 1992" (*). Minh Nguyễn
Tôi trích dẫn nội dung chính như sau: “… “Thưa các đồng chí! “Tôi đọc Chỉ thị số 22-CT/TW của Bộ Chánh trị và Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội các đồng chí gởi đến. Chỉ thị của Bộ Chánh trị đoạn mở đầu viết: “Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một đợt sinh hoạt chánh trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chánh trị nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân…”. Thế nhưng, ở mục 3 Bộ Chánh trị chỉ thị Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương: “…phối họp với các cơ quan, tổ chức hữu quan kịp thời đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ việc lấy ý kiến nhân dân để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta”. Nghị quyết của Quốc hội cũng có hai đoạn nội dung tương tự. “Tôi không hài lòng cách đặt vấn đề như trên, có cảm giác các nhà lãnh đạo cấp cao nước ta không tin người dân, như bác sĩ “nhìn đâu cũng thấy vi trùng”, một mặt muốn người dân tham gia ý kiến đóng góp rộng rãi “phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết”, mà lại răn đe “đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng dân chủ”! Là cán bộ của Đảng, đã trở về cuộc sống đời thường như mọi người dân, tôi thật sự không biết phải đóng góp ý kiến như thế nào, nếu nói thẳng, nói thật những điều tâm huyết trong lòng, nhưng không phù họp – thậm chí khác biệt 180 độ với quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng và nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 các đồng chí gởi đến, thì đó có phải là hành vi "lợi dụng dân chủ" không? Làm sao phân biệt được đâu là tiếng nói trung thực và đâu là hành vi "lợi dụng dân chủ"? Như tôi, cả cuộc đời gắn bó với Đảng mà còn e dè bày tỏ với Đảng những suy nghĩ thật trong lòng mình, vì không khéo sẽ bị quy chụp “lợi dụng dân chủ” chống Đảng thì sao?! Nếu là người dân bình thường họ còn e dè, ngần ngại đến đâu? “Cụm từ tương tự như vậy tôi thường thấy xuất hiện trong các văn kiện của Đảng và chánh quyền, có phải để răn đe, chụp mũ và trừng phạt những ai có tiếng nói khác với Đảng và chánh quyền? Như vậy, sao có thể gọi là “phát huy quyền làm chủ” được? Tôi nghĩ, nước ta có luật pháp, “Mọi công dân sống theo Hiến pháp và pháp luật”, bất cứ ai có hành động phạm pháp, gây phương hại lợi ích quốc gia, dân tộc sẽ bị tòa án xử lý “đúng người, đúng tội”, cần gì “đánh đòn gió” để mang tiếng chế độ ta thiếu dân chủ?! “Tôi không muốn nói gì thêm nữa, nhưng đây là công việc hệ trọng của đất nước, với tư cách công dân và từng là thành viên ban lãnh đạo tỉnh nhà, tôi không thể thoái thác trách nhiệm của mình. Vậy, xin bày tỏ ý kiến của mình như sau: “Tôi nhận thấy bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 so sánh với Hiến pháp năm 1992, tinh thần và nội dung căn bản không khác, chỉ sửa đổi “ngọn ngành”, “râu ria” không đáp ứng được yêu cầu tình hình mới và ý nguyện người dân. Tôi đề nghị bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên viết lại, sau khi tổ chức “trưng cầu dân ý” một cách nghiêm chỉnh, thu thập ý kiến rộng rãi mọi công dân Việt Nam trong nước và đồng bào ở nước ngoài. Trên cơ sở đó xây dựng bản Hiến pháp sửa đổi hợp lòng dân, hợp xu thế thời đại và phải dành thời gian cần thiết để hoàn thành việc nầy, không có gì phải làm gấp gáp, vội vã. “Tôi có đọc bản “Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp 1992” trên mạng internet của 72 vị cán bộ lão thành, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi của đất nước và được hơn 6.500 người dân các giới trong và ngoài nước ký tên hưởng ứng (tính đến đầu tháng 3 năm 2013). Tôi rất tán thành bản kiến nghị nầy nên cũng đã ký tên hưởng ứng. “… "Trong lời phát biểu được truyền hình toàn quốc hôm 25/2/2013 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, ông lên án các ý kiến kiến nghị bỏ Điều 4 Hiến pháp, thực hiện thể chế chánh trị đa nguyên, phi chánh trị hóa quân đội… Ông nói: “Các đồng chí phải lãnh đạo việc góp ý kiến sửa đổi dự thảo Hiến pháp. Cái này quan trọng lắm đấy. Vừa rồi đã có các luồng ý kiến có thể quy vào được là “suy thoái” tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chứ gì nữa! Xem ai có tư tưởng muốn bỏ điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không, muốn đa nguyên đa đảng không, muốn tam quyền phân lập không, muốn phi chính trị hóa quân đội không. Người ta đang có những quan điểm đấy, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Như thế là “suy thoái” chứ gì nữa? Tham gia khiếu kiện, biểu tình, ký đơn tập thể thì đó là cái gì? Cho nên, các đồng chí phải quan tâm xử lý những cái này.” "Phát biểu của ông Trọng bị một số cán bộ lảo thành, nhân sĩ, trí thức, nhà báo… lên tiếng không đồng tình ngay sau đó. Đáng chú ý là nhà báo Nguyễn Đắc Kiên, phóng viên báo Gia đình và Xã hội viết bài trên blog cá nhân phãn bác những quan điểm của ông Trọng, anh cho là không phù hợp, không đại diện ý muốn của bản thân anh và người dân… Ngày hôm sau anh Kiên bị sa thải và còn bị đe dọa truy tố. Tôi khâm phục lòng dũng cãm của anh Kiên, tin rằng trong cuộc đấu tranh nầy anh không đơn độc! "Tôi rất bất bình hành động “ma giáo” – xin lỗi, buộc lòng phải dùng từ nầy, của các nhà lãnh đạo “Đảng của mình” nói một đàng làm một nẻo! Tôi có đọc bài viết so sánh ông Nguyễn Phú Trọng giống Mao Trạch Đông giữa những năn 1950, muốn củng cố vị thế chánh trị độc tôn của y, phát động chiến dịch “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng”, khuyến khích mọi người nói ra nhiều quan điểm khác nhau về các vấn đề của Trung Quốc lúc đó. Họ Mao khôn khéo nắm bắt được tất cả những người có quan điểm khác biệt, ít lâu sau phát động chiến dịch “Diệt cỏ dại”, nhằm tiêu diệt hết đối thủ chánh trị, bảo đảm vị thế độc tôn của y. Hơn nửa thế kỷ sau, Đảng Cộng sản Việt Nam phát động “lấy ý kiến góp ý sửa đổi Hiến pháp”, đông đảo đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài đã hâm hở nói ra những điều bức xúc, hệ trọng của đất nước. Sau khi thấy “trăm nhà đua tiếng”, ngày 25/2/2013 Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu “diệt cỏ dại”! M.N Tác giả gởi cho viet-studies ngày 2-11-13 |