Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương,
Minh Thông
Trước đây đối với nhiều người Việt Nam nói đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là một khái niệm đồng nghĩa với đấu tranh giành độc lập tự do thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân thối nát, chủ nghĩa đế quốc tàn bạo. Nói đến lý tưởng cộng sản là nói đến lòng tự hào dân tộc, là sự quật khởi không chịu khuất phục trước bất cứ một sức mạnh đàn áp nào, là nói đến công bằng bác ái! Đất nước đã thống nhất và hòa bình được gần 40 năm, sự thống trị của ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa đã ngày càng thể hiện mặt trái của nó, làm ảnh hưởng ngày càng trầm trọng đến sự phát triển của đất nước và lợi ích dân tộc.
Khủng hoảng kinh tế xã hội diễn ra triền miên nhiều khi đất nước phải đứng bên bờ của sự tan vỡ, sụp đổ, hỗn loạn. Các thế hệ lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã không thể thoát khỏi cái bóng của các tư tưởng và lý luận giáo điều của chủ nghĩa xã hội để tạo ra sự đột phá về tư duy sáng tạo trong quá trình chấn hưng đất nước. Mặc dù ban lãnh đạo cộng sản đã bắt đầu công cuộc đổi mới về tư duy so với các giá trị kinh điển của chủ nghĩa xã hội từ gần 30 năm nay kể từ ngày bắt đầu sự nghiệp đổi mới! Các thế hệ lãnh đạo cộng sản lãnh đạo đất nước đã phải trả giá rất nhiều về mặt kinh tế, xã hội, và bỏ rất nhiều thời gian và sức lực của mình để cố gắng dò dẫm tìm ra sự thỏa hiệp giữa lý luận về chủ nghĩa xã hội giáo điều đã tồn tại trên dưới 100 năm nay (cùng với sự áp đặt về tư tưởng và lý luận có tính độc tài của các lãnh tụ cộng sản như Mao Trạch Đông, Staline và sau đó là các hậu duệ của Staline thời liên bang Xô Viết), với cách thức về tổ chức xã hội, và kinh tế của các nước tư bản phát triển đang thay đổi từng ngày từng giờ cho phù hợp với sự phát triển của nên văn minh nhân loại.
Phải dùng một hình ảnh so sánh là trong sự nghiệp chấn hưng đất nước thì các thế hệ lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã vừa tự bịt mắt vừa tự buộc chân mình bởi các tư tưởng giáo điều của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, trong khi mà tại các quốc gia khác thì mọi người được tự do hành động theo nhận thức của lý trí và lương tâm của chính họ! Đây là câu trả lời cho việc ngày càng tụt hậu của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới! Những sự thỏa hiệp về tư tưởng và lý luận mà lãnh đạo Việt Nam tìm thấy trong thời gian vừa qua cũng vô cùng mơ hồ mà chính họ cũng chẳng hiểu ra làm sao! Thí dụ như khái niệm về nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vô hình chung họ đã tạo ra một thói quen là đề ra một mục tiêu, và chuẩn mực mà chính họ cũng chẳng hiểu nó là cái gì!!! Kỷ nguyên tự lừa dối và lừa dối được bắt đầu hình thành từ tư tưởng và sau đó lẫn vào các hoạt động trong mọi mặt của đời sống xã hội và kinh tế đất nước. .
Khác với Việt Nam, tại Trung Quốc sau khi Mao Trạch Đông qua đời, với một tư tưởng rất táo bạo và thực dụng, Đặng Tiểu Bình đã thực hiện một chính sách nhổ tận gốc rễ tư tưởng của Mao mà lại không lên tiếng chống Mao, hơn thế nữa ông ta vẫn tận dụng một số “giá trị” còn lại của Mao để thống trị đất nước khổng lồ này. Ông ta đã đưa ra luận thuyết “Bất kể mèo trắng hay mèo đen miễn là mèo bắt được chuột”. Thực chất Đặng Tiểu Bình và những thế hệ lãnh đạo tiếp nối đường lối của Đặng Tiểu Bình đã chủ động đi theo các nguyên lý của nền kinh tế thị trường và kết quả là chỉ sau khoảng 30 năm đổi mới, Trung Quốc đã trở thành một quốc gia có số lượng tỷ phú đô la lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ. Trong khi áp dụng các chinh sách kinh tế rất thực dụng và uyển chuyển theo hướng của nền kinh tế thị trường Dặng vẫn luôn tận dụng một cách triệt dể các biện pháp chuyên chính của chủ nghĩa cộng sản một cách tàn bạo nhất, quyết liệt nhất nhằm duy trì sự ổn định về chính trị và xã hội của đất nước với hơn 1,4 tỷ dân này.
Đối với Trung Quốc thì chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản chỉ là một công cụ về mặt tư tưởng và làm chỗ dựa cho các cuộc đàn áp đẫm máu, không khoan nhượng chống lại xu thế tự do nhân quyền tại quốc gia khổng lồ này. Các cuộc đàn áp Thiên An Môn, Tân Cương, Tây Tạng, đàn áp chống lại Pháp Luân Công, v.v... là minh chứng cho đường lối này. Hơn thế nữa, Trung Quốc vẫn muốn dùng ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản để duy trì sự ảnh hưởng đối với các nước cánh tả trên thế giới trong đó có Việt Nam. Đây là một nước cờ cực kỳ thực dụng để giúp Trung Quốc sử dụng các quốc gia này làm đối trọng với các nước phương tây.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc luôn muốn Việt Nam trung thành với ý thức hệ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không phải vì Trung Quốc trung thành với chủ nghĩa này mà muốn dùng chủ nghĩa này tạo nên vòng kim cô cho sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc, nhưng lại không bao giờ muốn Việt Nam đủ mạnh để có được một cách thức quản lý xã hội, kinh tế có hiệu quả. Tóm lại đối với Trung Quốc, ban lãnh đạo Việt Nam càng thể hiện giáo điều, kém cỏi hay trì trệ bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu...
Vào năm 1979, dưới sự lãnh đạo của Lê Duẩn, Việt Nam đã cố gồng mình thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng thật đáng tiếc, ông ta lại vẫn đưa đất nước rơi vào ý thức hệ của chủ nghĩa xã hội theo hình mẫu của Liên Xô và các nước Đông Âu. Theo cách nói dân gian của Việt Nam là ông ta đã “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”. Khi Lê Duẩn qua đời, ban lãnh đạo Việt Nam đứng trước muôn vàn khó khăn trong đó có sự kiện khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, đã lại một lần nữa đội ngũ lãnh đạo CS Việt Nam phải nhắm mắt xuôi tay chấp nhận quay lại nằm dưới sự chi phối của các “đồng chí Trung Quốc của mình” với một khẩu hiệu mang tính ru ngủ với chính mình với “16 chữ vàng”! Càng ngày Việt Nam càng bị các “đồng chí Trung Quốc” chèn ép, bắt nạt mà không dám hé răng phàn nàn nhiều! Trung Quốc đã rất khôn ngoan đưa đội ngũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam vào thế trở thành con tin của họ trước đòi hỏi chính đáng của người dân Việt Nam: Xây dựng một đất nước phồn vinh thịnh vượng ổn định hòa bình và dân chủ.
Trong tình hình này để không bị “mất chế độ”, không bị các thế hệ đi trước buộc tội, không bị nhân dân chống đối thì ban lãnh đạo Việt Nam phải tìm mọi cách che đậy các yếu kém của mình. Thể chế bất thành văn “tự lừa dối” dân được hình thành trong tư duy và trong hành động của ban lãnh đạo đất nước. Sự hình thành này là một hiện tượng đương nhiên tất yếu đảm bảo cho sự tồn tại của chế độ xã hội chủ nghĩa của đất nước mà chẳng ai biết được nó hình thù thế nào (vì chẳng ai dám thừa nhận là các nước Bắc Âu hay Nhật Bản... có phải đang đạt được mục tiêu về kinh tế và xã hội của lý thuyết về chủ nghĩa xã hội hơn hẳn và hơn rất xa so với bất kỳ quốc gia nào khác vẫn tự vỗ ngực là theo chủ nghĩa xã hội từ hàng chục năm nay). Người ta phải dùng những lời lẽ hoa mỹ, mục tiêu hoa mỹ để che đậy cho mọi sự yếu kém, sa đọa tha hóa. Thói quen tự lừa dối mình và lừa dối người khác đã trở thành bản năng hành động của giới chức lãnh đạo và của bộ máy chính quyền! Các tính ưu việt cơ bản theo lý luận của chủ nghĩa xã hội như tính ưu việt về quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, khái niệm công hữu về tư liệu sản xuất đã bộc lộ những mặt trái của nó trong thực tiễn cuộc sống tại Việt Nam.. Cụ thể thành phần kinh tế nhà nước không những đã hoạt động kém hiệu quả mà còn tạo ra môi trường tham nhũng ghê gớm làm hủy hoại nền kinh tế, làm xói mòn đạo đức xã hội. Như vậy để có lý do tồn tại chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam thì người ta phải cố tìm ra cho được tính ưu việt còn lại của thứ chủ nghĩa này: Đó là sự ổn định về bộ máy chính trị cầm quyền thông qua việc áp dụng chuyên chính vô sản... Cụ thể để đảm bảo sự ổn định về chính trị thì đương nhiên phải thực hành chuyên chính vô sản. Đó là trấn áp thẳng tay, không khoan nhượng các lực lượng đối lập bất kể lực lượng đối lập đó là ai kể cả là quần chúng nhân dân! Một đội ngũ lãnh đạo quản lý một đất nước mà không dựa vào sự phát triển kinh tế, giải phóng quyền tự do sáng tạo của con người, hướng tới các thành quả văn minh vật chất và phi vật chất của nhân loại mà chỉ dựa vào các thủ đoạn mỵ dân và trấn áp thì sẽ rất khó tồn tại được trong hoàn cảnh hiện nay. Như vậy để tồn tại được trước sự chống đối của nhân dân, trước sức ép của dư luận thế giới thì đương nhiên và rất “tự nhiên” ban lãnh đạo đó phải dựa vào và học tập các đồng chí Trung Quốc về chính trị, kinh tế, rồi đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh và dần dần là về mọi mặt!!! Nhưng dù có hủ bại và yếu kém đến đâu, thế hệ lãnh đạo Việt Nam hiện nay cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng “chế độ mỵ dân và đàn áp” và dù có nhận được sự che trở của các đồng chí Trung Quốc, cũng khó có thể tồn tại được lâu dài nên họ đã và đang đua nhau tham nhũng, chộp dựt! Một vòng luẩn quẩn thật đáng sợ cho đất nước và dân tộc Việt Nam.
Thay cho lời kết:
Trung Quốc đã quyết tâm thực hiện chiến lước “trỗi dậy” của mình do vậy việc duy trì một Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc là một mục tiêu rất quan trọng và được ưu tiên hàng đầu của họ. Đối với Trung Quốc, con bài Bắc Triều Tiên đã bộc lộ ngày càng nhiều rủi ro không thể kiểm soát được vì nước này đã lạm dụng đến giới hạn cùng cực của đường lối mỵ dân và đàn áp. Do vậy đối với Trung Quốc, Việt Nam sẽ trở thành một con bài sáng giá và đầy tiềm năng trên bàn tính về “đại cục” của nhà cầm quyền Trung nam hải. Chắc chắn họ sẽ không ngần ngại dùng các sức ép về chính trị, ngoại giao, an ninh và quốc phòng để buộc Việt Nam luôn phải nằm trong quỹ đạo của họ! Về kinh tế, tài chính, nếu có phải chi ra vài chục tỉ Đô la để đạt được mục tiêu này thì vẫn là một cái giá quá rẻ đối với người khổng lồ Trung Quốc với chiến lược “mở rộng phạm vi quyền lợi cốt lõi” của họ.
Minh Thông
Tác gjả gửi cho viet-studies ngày 23-4-13 |