Blog VOA 3-4-14
Các mức độ phê phán
bởi Nguyễn Hưng Quốc
Lâu nay, ở trong nước, có nhiều
người, kể cả đảng viên, có khi là những đảng viên
cao cấp, lên tiếng phê phán chính quyền và được xem
là những nhà phản biện hoặc những nhà tranh đấu cho
dân chủ. Tuy nhiên, theo dõi kỹ những lời phát biểu
của họ, chúng ta thấy là sự phê phán của họ, cho dù
gay gắt đến mấy, cũng thuộc nhiều phạm vi và với
những mức độ khác nhau. Các giải pháp được đề nghị
để giải quyết vấn đề cũng khác nhau.
Thứ nhất, một số khá lớn chỉ dừng lại ở phạm vi
chính sách. Theo họ, trong suốt mấy chục năm cầm
quyền, đặc biệt từ sau năm 1954, ở miền Bắc và sau
năm 1975, trong cả nước, đảng Cộng sản Việt Nam đã
có một số chính sách không đúng và cũng không hoàn
toàn có lợi. Được chú ý nhiều nhất là chính sách cải
cách ruộng đất, gắn liền với các màn đấu tố khốc
liệt ở miền Bắc; chính sách đàn áp và kềm kẹp văn
nghệ sĩ, tiêu biểu nhất là qua vụ án Nhân Văn Giai
Phẩm; chính sách liên quan đến cái gọi là vụ án
chống xét lại châu tuần chung quanh cách đối xử với
Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ trí thức bị xem là
thân Nga; chính sách đối với công chức và sĩ quan
dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng như những người
được xem là tư sản mại bản ở miền Nam, v.v…
Ở phạm vi này, thái độ phê phán có thể được chia
thành hai cấp độ khác nhau: Một, thẳng thắn cho các
chính sách ấy vừa sai vừa xấu, vừa xuất phát từ tầm
nhìn thiển cận vừa xuất phát từ những động cơ hẹp
hòi, bảo thủ và giáo điều, thậm chí, nô lệ dưới ảnh
hưởng và áp lực đến từ Trung Cộng. Hai, cho các
chính sách tuy sai nhưng không hẳn xấu. Sai, chủ yếu
vì những hạn chế trong nhận thức; nhưng không xấu vì
chúng xuất phát từ nhiệt tình và thiện chí, dù là
một cách ngây thơ, đối với đất nước và cách mạng.
Biện pháp để giải quyết các sai lầm trong chính sách
khá đơn giản, hầu như được mọi người đề nghị giống
nhau: đi sâu sát vào quần chúng, tìm hiểu tâm tư
nguyện vọng của quần chúng và lắng nghe ý kiến của
quần chúng.
Thứ hai, tập trung sự phê phán vào một số cá nhân,
chủ yếu là một số nhà lãnh đạo cao cấp nào đó. Bị
phê phán nhiều nhất là Lê Duẩn, Trường Chinh và Lê
Đức Thọ trước kia cũng như Lê Khả Phiêu, Nông Đức
Mạnh và Nguyễn Phú Trọng sau này.
Ở đây, cũng có hai mức độ khác nhau. Một số người
cho họ sai. Sai, chủ yếu vì tầm nhận thức, và gắn
liền với tầm nhận thức ấy, là những hạn chế “khách
quan” của lịch sử. Hai, cho những nhà lãnh đạo ấy
vừa sai vừa xấu. Xấu, ở tâm địa bè phái hẹp hòi, ở
tinh thần cá nhân chủ nghĩa, chỉ muốn củng cố quyền
lực của mình và con cháu mình. Trong mọi trường hợp,
ở đây người ta đều né tránh Hồ Chí Minh, có khi, còn
muốn biện hộ cho Hồ Chí Minh khi cho rằng, từ đầu
thập niên 1960 về sau, ông hoàn toàn bị cô lập và bị
tước hầu như mọi quyền lực trong đảng: Mọi trách
nhiệm đối với dân tộc trong suốt cuộc chiến tranh
Nam Bắc đều thuộc về hai người: Lê Duẩn và Lê Đức
Thọ.
Biện pháp đề nghị: Đảng cần cẩn thận trong khâu quản
lý cán bộ, thực hiện nguyên tắc làm chủ tập thể,
nâng cao trình độ học vấn của cán bộ (được phản ánh
qua bằng cấp – dù là bằng giả!).
Thứ ba, quyết liệt hơn, một số người phê phán cả chế
độ. Theo họ, các khuyết điểm của Việt Nam hiện nay
đều có tính chất hệ thống, gắn liền với bản chất chế
độ, do đó, muốn thay đổi, người ta phải thay đổi tận
từ gốc rễ: phải dân chủ hóa.
Có điều, ở đây cũng lại có hai mức độ khác nhau:
Một, cho chế độ và các cơ chế gắn liền với chế độ ấy
đã lỗi thời. Khi nói vậy, người ta hàm ý: trước đây,
ít nhất là thời chiến tranh chống Pháp để giành độc
lập và chiến tranh Nam Bắc để thống nhất đất nước là
đúng đắn và cần thiết. Hai, ít hơn, một số người cho
chế độ xã hội chủ nghĩa mà Hồ Chí Minh chọn lựa sau
Cách mạng tháng Tám, ngay từ đầu và tự bản chất, đã
sai: Nó có tính chất độc tài, cuồng tín và đầy bạo
lực, lúc nào cũng chà đạp lên nhân quyền và khát
vọng tự do, dân chủ của mọi người. Trong khi những
người dừng lại ở mức độ đầu tiếp tục tôn thờ các lý
tưởng xã hội chủ nghĩa, những người thuộc mức độ sau
đi xa hơn, đến mức độ thứ tư phía dưới.
Thứ tư, hiếm hơn, một số người cho tất cả cái sai
của Việt Nam lâu nay, đặc biệt hiện nay, đều nằm ở ý
thức hệ xã hội chủ nghĩa.
Ở đây, có đến ba mức độ phê phán. Một, cho chủ nghĩa
xã hội là một lý tưởng đẹp và cao cả nhưng bị vận
dụng sai, trước hết, ở Liên Xô và Trung Quốc; sau,
đến các nước theo gương Liên Xô và Trung Quốc, trong
đó, có Việt Nam. Hai, cho chủ nghĩa xã hội tuy chỉ
là không tưởng, nhưng ít nhất, nó cũng có tác dụng
tốt trong một giai đoạn lịch sử nhất định, lúc nhu
cầu chống chủ nghĩa thực dân và giải phóng đất nước
đang là những mục tiêu hàng đầu. Ba, cho chủ nghĩa
xã hội không những sai về lý thuyết, không tưởng
trong mục đích mà còn tàn bạo trong thực hành. Theo
họ, chủ nghĩa Mác đã sai; chủ nghĩa Lenin lại càng
sai; chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa Mao không những
sai mà còn ác. Nhân danh lý tưởng tự do và bình đẳng
cho giai cấp vô sản, các chế độ xã hội chủ nghĩa
trên khắp thế giới đều chỉ làm một công việc duy
nhất là chà đạp lên ước vọng tự do và bình đẳng của
mọi người để phục vụ cho những tham vọng ích kỷ của
một số cá nhân lãnh đạo.
Ở phạm vi này, người ta không những khác nhau ở mức
độ mà còn khác nhau về thời điểm thức tỉnh: Một số
người chỉ nhận thức ra điều này kể từ khi chế độ
cộng sản sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu; một số người
khác, sớm hơn, đã thấy mầm mống của họa độc tài toàn
trị ngay từ đầu, dù không phải lúc nào người ta cũng
có cơ hội để lên tiếng một cách công khai.
Về biện pháp, cả hai nhóm thứ ba và thứ tư ở trên
đều giống nhau ở một điểm: Việt Nam cần phải từ bỏ ý
thức hệ xã hội chủ nghĩa và cần phải dân chủ hóa.
Thế nhưng cách thức dân chủ hóa ở mỗi người một
khác. Một số cho tiến trình dân chủ hóa ấy cần được
thực hiện qua một cuộc cách mạng từ dưới lên trên,
một cách nhanh chóng và triệt để. Ngược lại, một số
khác lại cho nó chỉ có thể được thực hiện từ bên
trong, một cách tiệm tiến, như một nỗ lực tự cải tổ,
dưới sự lãnh đạo của một cá nhân nào đó trong giới
cầm quyền hiện nay.
Như vậy, cũng là phê phán nhà cầm quyền, nhưng không
phải ai cũng giống ai. Người ta khác nhau không phải
chỉ ở phạm vi mà còn ở mức độ và đặc biệt, các biện
pháp để thay đổi và cải thiện. Những khác biệt này,
một mặt, khá dễ hiểu; mặt khác, lại làm suy yếu lực
lượng phản biện. Một sự thống nhất về phương diện
nhận thức, do đó, rất cần thiết. Tuy nhiên, sự thống
nhất ấy chỉ có thể được hiện thực hóa bằng một biện
pháp duy nhất: thảo luận.
* Blog của Tiến sĩ
Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên
blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng
không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính
phủ Hoa Kỳ