Chúc mừng TBT Nguyễn Phú Trọng đi thăm Hàn Quốc Ty Du
Thấy anh Trọng trả lời phỏng vấn của thông tấn xã Younghap, mới biết anh Trọng sẽ đi thăm Hàn Quốc. Tôi không biết tiếng Hàn nên không hiểu nghĩa cái tên của hãng thông tấn. Thử suy đoán cho vui. Tôi đọc ra theo tiếng Việt là “Dung Hợp”, các bạn thấy có lý không? Lại đọc thành “dòn hấp”, nghĩa là tin nóng hổi, tin hấp dẫn. Có thể bạn Hàn Quốc cũng thú vị khi thấy tôi bịa mà hay như vậy. Dẫu sao tôi phải cảm ơn “Dung Hợp” đã đưa tin vừa dòn vừa hấp dẫn ấy. Anh Trọng đi theo lời mời của bà Tổng thống là quá được. Bởi anh thật sự không “môn đăng hộ đối” cho lắm. Anh chỉ là TBT của Đảng, dẫu có Điều Bốn Hiến Pháp. Nhưng Điều ấy ghi chung chung là Đảng lãnh đạo, chứ có điều khoản nào của Hiến Pháp và Luật nào nói cho rõ tư cách của bất cứ quan chức cao cấp nào của Đảng là tư cách “Nhà nước”. Cho nên, căn cứ Hiến Pháp, bà Tổng Thống Hàn Quốc cũng có thể và nên mời tôi đi thăm Hàn Quốc cũng được, bởi về nguyên tắc ghi rành rành trong Hiến Pháp 2013 thì tôi, một thành viên cao niên của Đảng cũng không thể gọi tôi là không phải Đảng. Anh Trọng học lịch sử chắc là biết những từ "lãnh đạo", "lãnh tụ", chỉ mới được dùng sau này. Chứ trước đó thời Mác và Ăng ghen còn sống họ chỉ gọi những người như anh là quan chức của Đảng. Ăng ghen còn có một phán đoán thiên tài về định nghĩa đám quan chức này. Ăng ghen bảo đó là “đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”, mà ông kêu gọi phải xóa bỏ. Không phải xóa bỏ quan chức Đảng, mà là xóa bỏ cái tính chất quan liêu không bao giờ mắc sai lầm ấy.[*] Anh Trọng nên cẩn trọng (tên của anh dã có nghĩa như vậy) khi nói năng. Chớ nhân danh nhà nước, vì mọi thiết chế của xã hội ta đều tồn tại và hoạt đông vừa có Hiến định, vừa Luật định. Chúng ta chỉ có một điều Hiến định mà chưa có Luật định. Nên cái tư cách nhà nước của anh cũng như của tôi đều chưa đủ căn cứ. Nếu trước 2013, tinh thần pháp quyền của chúng ta chưa rõ, chưa mạnh, thì ù xọe thế nào không ai trách. Nhưng sau cái Hiến Pháp mà chúng ta cho là rất pháp quyền thì suy nghĩ và hành động phải khác. Nhân đây tôi cũng tâm sự với anh là tôi thật không hài lòng về cái Quốc Hội của ta hiện nay. Ngay cái việc quan trọng nhất để phục vụ Đảng, nhanh chóng “làm luật” để có cái luật hoạt động của Đảng họ cũng chậm trễ, trì hoãn, nói gì đến luật cho Dân hành động. Thành ra cho đến nay hầu hết các thiết chế xã hội đều có Hiến định và Luật định, chỉ trừ Đảng, Đảng đang hoạt động “vô pháp” (tôi không dám nói là phi pháp), như nhà nước ta vẫn quy tội cho những người chưa có luật biểu tình mà cứ biểu tình… Tôi nói anh nên cẩn trọng là như vậy. Lần mời này lại là của một nữ chính khách, anh nên chú ý về phát ngôn chớ để bị hố, bị nhục như khi nữ tổng thống Brazil mời rồi cấm cửa anh không cho vào nước họ chỉ vì nghi anh sẽ rao giảng quá hăng nào là chủ nghĩa Mác Lê, nào là hình mẫu Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam của thời đại. Ở Hàn Quốc ta nên khiêm tốn. Đi thăm Hàn Quốc lần này, tôi nhắc anh đến một tâm tình “mác xít”. Tôi kể anh nghe câu chuyện của K. Marx, khi ông đi thăm Hà Lan, cố nhiên chỉ với tư cách một nhà báo, nhà nghiên cứu. Ngồi ở trên tàu thủy neo ở cảng Hà Lan ông cảm khái viết thư về cho bạn ở Đức-Phổ, rằng phải biết xấu hổ khi Đức-Phổ vẫn còn lạc hậu xa so với Hà Lan lúc ấy. Rồi Mác kết luận: Xấu hổ cũng là một tình cảm cách mạng, và khi một dân tộc biết xấu hổ thì cũng y như con sư tử đang thu mình lại để nhảy! Anh có biết không, trong nước người ta nói nhiều về điều này và nhiều người kết luận rằng chúng ta, nhũng người “lãnh đạo” đã làm chìm mất cái gen biết xấu hổ rồi. Cứ ngẫm mà xem ta với Hàn Quốc. Vào thời kỳ cuộc tỵ nạn chính trị của Hoàng tử Lý Long Tường thì những chiến công chống Tàu Nguyên Mông của ta vang dội đến nỗi một sử gia Ba Tư thời ấy cũng đã chép lại. Còn bây giờ, trong cuộc chơi hiện đại ta đã thua xa Hàn Quốc. Thuở nhỏ, tôi và bạn bè chơi với nhau trên bãi biển, hễ đứa nào thua thì phải “lòn dái” kẻ thắng, vui vẻ, rất fair play.Trong cuộc chơi thời hiện đại này ta thật thua xa Hàn Quốc. Ta phải ngã mũ chào họ. Từ những năm 60,70 thế kỷ trước, ta cùng họ một trình độ. Nay chỉ sau chưa đầy nửa thế kỷ họ đã bỏ xa ta đên 40, 50 lần. Kể về truyền thống văn hóa, về tài nguyên thiên nhiên (ta có khi còn trội hơn), kể về tố chất con người ta có kém cõi gì. Thế mà chỉ vì những quan hệ xã hội hiện hữu của chúng ta, trong đó hàng đầu là thể chế chính trị của ta quá lạc lõng và lạc hậu đên nỗi làm cho tiêu cực đi những yếu tố vốn là khá mạnh của Việt Nam ta. Trong một bài viết trước tôi có nói rằng Hàn Quốc họ có cái bất hạnh là không có Đảng Cộng Sản lãnh đạo. Nhưng bù lại họ có thể chế tiến bộ hợp lý, có nhân dân tài ba, lại có nhiều thế hệ điều hành quốc gia có tâm có tầm rất giỏi giang. Như cố tổng thống thân phụ đương kim tổng thống Hàn Quốc hiện nay. Người ta kể với tôi rằng cụ Pak Chung Hy từng đem tài sản của mình cho chính phủ vay để kiến thiết đất nước, làm tổng thống, ông rất chú ý đên thành lập Viện Công nghệ Quốc gia, tuần nào ông cũng đến thăm và làm việc không chỉ với lãnh đạo Viện, mà với cả nhũng nhà khoa học đang làm việc ở đó, tìm hiểu, lắng nghe và giải quyết rất cụ thể những kiến nghị của họ. Hoàn toàn trái hẵn với đa số các nhà lãnh đạo của ta khi về cơ sở, chỉ biết hô khẩu hiệu rất chung chung, nhàm chán, kiểu như hãy tăng cường, quyết liệt, cố gắng phấn đấu, “trồng cây gì nuôi con gì” ở địa phương ta… Những mách bảo cụ thể cần thiết không bao giờ thấy. Giới nghiên cứu quốc tế kết luận rằng sở dĩ Hàn Quốc tiến nhanh được như thế vì mấy nhân tố quan trọng sau: Họ xây dựng được thể chế và thiết chế chính trị tiên tiến và hợp lý, họ không bị lệ thuộc vào vòng kim cô ý thức hệ xơ cứng, độc nguyên ,thiết chế dân chủ kiểu tây phương rất khác xa “dân chủ phường hội, phong kiến, quân trưởng” mà chúng ta duy trì ở nước mình. Họ xây dựng nền kinh tế thị trường đàng hoàng, tử tế vì họ biết tôn trọng xã hội dân sự, thị trường của dân, vì dân do dân, chứ không phải như chúng ta không xin dân làm thị trường mà đi van nài thiên hạ công nhận cho mình thị trường đầy đủ. Họ thật sự coi trong giáo dục là quốc sách chứ không như chúng ta chỉ nói mà không biết làm, anh nên hỏi họ mấy chục năm trước họ đã đầu tư chất xám và tiền của cho giáo dục như thế nào, hấp dẫn lắm. Điều anh nên tìm hiểu và suy nghĩ vì sao chỉ trong vòng ba bốn chục năm thôi họ đã xây dựng được từ khó nghèo như chúng ta, một nền kinh tế đứng hàng “top ten”. Còn chúng ta, nay đang hợp tác với họ mà một cái đinh ốc quy chuẩn cũng không làm nỗi. Các nhà nghiên cứu nước ta cho rằng trong vòng thời gian ngắn hơn ta, tổng đầu tư chỉ bằng hơn một nửa của chúng ta họ đã hoàn thành một nhiệm vụ đổi đời lịch sử kỳ diệu cho đất nước. Mặt bằng luật pháp, xong. Mặt bằng nền kinh tế hiện đại, kinh tế tri thức, xong. Mặt bằng khoa học, giáo dục, xong. Họ có nhũng diều kiện cần và đủ cho một đất nước phát triển trong thời hiện đại. Còn chúng ta mọi sự đều đang dỡ dang, thậm chí là bế tắc. Đây là điều mà mọi con dân Việt Nam phải suy ngẫm, hơn hết, anh lại có trọng trách đang đứng đầu đảng cầm quyền ở nước ta. Hơn ai hết anh phải suy nghĩ về điều đó. Tôi nói thêm một ý mà trong trung ương các anh cũng đã có người đề cập. Đó là số phận, thân phận của công nông ta hiên nay,khi sánh với Hàn Quốc, năng suất lao động của chúng ta rất thấp, mà đời sống của người lao động lại càng thê thảm. Tại sao vậy. Đâu phải tại vì họ dốt, kém cõi, lười biếng. Không phải. Chính vì chế độ chính trị, xã hội ta lạc hậu, không hợp lý, sự lãnh đạo bảo thủ cậy quyền và dốt. Lê nin nói: Tham, dốt, cậy quyền là ba gót A-sin của cộng sản. Anh cũng biết A-sin chỉ có một chỗ yếu thôi, không che đậy được mà phải thua Hercule. Chế độ của chúng ta có đủ cả ba gót A-sin đấy. Hãy học Hàn Quốc mà mau chóng sữa đổi đi. Không chần chờ được nữa. Tự nhiên, tôi thấy tất cả các anh, ban lãnh đạo của Đảng hiện nay phải từ chức, các anh đã duy trì một hệ thống tư duy không hợp lý, hợp thời, rất lạc lỏng và lạc hậu, cái mà tôi muốn nói là chủ nghĩa Mác Lê vừa đầu Ngô mình Sở, hổ lốn, tạp nham, chủ yếu là ngụy lý chứ không phải là chân lý làm kim chỉ nam cho hành động. Lại duy trì một chế độ chính trị toàn trị không dân chủ, xa lạ với dân tộc không phát triển được nội lực của Dân của Nước, một thể chế kinh tế thuận lợi cho tham nhũng, lũng đoạn, chứ không phải dễ dàng cho Dân thích ứng với kinh tế thị trường toàn cầu hiện đại… Vì thế nửa thế kỹ trôi qua mà kinh tế Việt Nam vẫn lạc hậu, đời sống vật chất và tinh thần của người dân vẫn thấp kém, văn hóa đạo đức suy đồi, hệ thống tư pháp không hoàn thiện, đội ngũ cán bộ, công chức đa số là đảng viên nhưng chất lượng rất thấp, tham nhũng tràn lan, hành dân là chính, cải cách mãi vẫn không vực lên được…Trên tổng thể đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là ban chấp hành, bộ chính trị các anh, các thế hệ nối tiếp nhau đã không làm tròn sứ mạng lịch sử đối với Dân với Nước. Tôi mong anh trong thời gian ở Hàn Quốc hãy nghe theo K. Marx,”người cộng đồng chủ nghĩa hãy đừng coi chủ nghĩa cộng đồng là lý tưởng, vì lý tưởng chỉ là những gì con người tưởng tượng từ trong ý nghĩ chủ quan của mình mà thôi. Hãy biết lấy những thực tế văn minh của nhũng dân tộc tiên tiến để làm tiền đề cho chính sách của mình. Vì chủ quan duy ý chí, tự thị, tự đắc, mà hơn một trăm năm qua không có bất cứ đảng “cộng sản “nào thành công, kể cả đảng cộng sản Tàu hiên nay. Ta nên học Hàn Quốc, và phải làm lại cuộc đời thôi anh Trọng ạ. Cố gắng nghe, nhìn, hỏi, suy ngẫm,vứt bỏ cho hết những cặn bã tư duy lạc hậu may ra sẽ sáng mắt, sáng lòng, tiếp thu vào mình một năng lượng mới trong trẽo, sáng suốt. Nhà Phật gọi đó là gate, gate, nghĩa là vượt lên, vượt lên. Cái khó nhất là vượt qua chính mình, vượt qua cái hư hỏng cũ kỹ của chính mình. Phật hoàng Trần Nhân Tông từng nói vứt bỏ ngôi vua như chiếc dép rách. Cái tư tưởng, tư duy, hành động và cả cái mô hình nhân cách của chúng ta cũng rách nát, hủ lậu lắm rồi. Vứt bỏ đi là đáng. Khi anh về nước nên “vứt bỏ”, nên gate, cái chức hảo huyền vô tích sự của mình. Rồi tự mình lập một nhóm nghiền ngẫm giải đáp cho rõ mọi khúc mắc, mọi nghịch lý ,tìm cho đặng một con dường mới cho Dân cho Nước. Sở dĩ tôi nói một là mình phải biết tôn trọng, như đúng tên của anh, những tấm lòng của người khác. Chúng ta phải bắt đầu thấy mình chỉ là một. Nên Dân tộc sẽ có nhiều. Mấy chục năm nay chúng ta bắt đân tộc chỉ được một, nên chính chúng ta đã làm nghèo đi dân tộc của mình. Tôi bàn với anh vì tôi cho rằng, không biết có đúng hay không, là anh hơn cả cậu Minh Triết, cũng là người quen với tôi, không phải cậu nhỏ Minh Triết con anh Dũng, vì anh học lịch sử, anh có quá trình biên tập đường lối sai lầm, mà nay đối chiếu với thực tế cay đắng, chúng ta dễ nhận ra lẽ thị phi của cuộc đời. Làm được như vậy, tôi tin rằng anh sẽ có công như những nhà minh trị của Nhật Bản khi xưa. Đây là thời cơ có một không hai của anh.chớp lấy chớ bỏ qua. Cố nhiên phải chuẩn bị. Vua Trần Nhân Tông trước khi vứt chiếc dép rách cũng đã chuẩn bị công phu cho Vua trẻ Trần Anh Tông xứng đáng nối ngôi. Bài học minh triết ở sự kế tục phải tìm trong tư tưởng của Tô Hiến Thành, chớ làm như trong một truyện ngắn của Trần Đăng Khoa là khi thủ trưởng chuẩn bị người kế cận lại chỉ đi tìm đứa hầu hạ mình, mà Khoa gọi là nhũng kẻ “bưng bô đổ vịt”. Cuộc đời phong phú, phức tạp hơn nhiều. Anh nên tập họp những người khác ý mình mà bàn luận, như thế tư duy anh sẽ nhiều chứ không “một”. Liệu anh có phải là người mà tổ tiên đang phó thác một vấn đề sinh tử của Dân của Nước hay không, có chấm dứt một chu kỳ 12 lần, để cho Dân tộc có thể bước vào một chu kỳ “Hanh Thông” mới, để Việt có nghĩa là siêu việt lên một thời kỳ mới, nghĩa là vươt qua chính mình, vượt qua mọi thử thách, bước vào một thời kỳ mới của “Văn Minh - Minh Triết Việt”? Hay anh rồi cũng chỉ là… Những lời không biết có “sắc sảo” không. Nhưng “chân tình”, mong anh đừng bỏ ngoài tai. Kính chúc anh thành công trong chuyến thăm Hàn Quốc, xin chúc anh vạn an./.
[*] Nguyên văn câu của Ăng ghen: “Hãy chấm dứt một tình hình tế nhị. Cớ sao các đảng viên thường thay cho coi đám quan chức của mình là đầy tớ để phê bình, lại quay ra coi họ như một-đám quan liêu-không bao giờ-mắc sai lầm.” Các bạn có thấy sáng suốt không, cái dự báo thiên tài này về một định nghĩa “lãnh đạo” Đảng!
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 2-10-14 |