RFA 16-9-13

Mỹ Yên, đâu là sự thật?

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
 

Vụ việc tại ủy ban nhân dân xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An liên quan đến giáo dân Công giáo xứ Mỹ Yên ở đó tiếp tục được đề cập đến.

Nhà Nước tiếp tục cáo buộc

Đài Truyền hình Việt Nam-VTV, vào tối ngày 15 tháng 9 vừa qua cho phát phóng sự có tên ‘Vụ việc tại giáo xứ Mỹ Yên là hành động vi phạm pháp luật’. Lời dẫn của phóng sự cho rằng vào hai ngày 30 tháng 8 và 4 tháng 9 vừa qua đã diễn ra những vụ gây rối trật tự tại ủy ban nhân dân xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.

Phóng sự vừa nói còn lên án giám mục Giáo phận Vinh và Tòa Giám mục Xã Đoài về Thư Chung, Thông Cáo và Văn Thư vì những văn bản này bị Đài Truyền Hình Việt Nam cho là mang tính chất kích động và vu cáo chính quyền trong vụ việc này.

Theo Đài Truyền hình Việt Nam thì phía giáo phận Vinh muốn nâng vụ án hình sự lên thành một vụ án được cho là đàn áp tôn giáo, vi phạm nhân quyền. VTV cho rằng những cáo buộc của giáo phận Vinh là vô căn cứ.

Mạng báo Công an Đà Nẵng vào ngày chủ nhật 15 tháng 9 cũng đăng phỏng vấn ông Thái Văn Hằng, phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An. Theo đó ông phó chủ tịch tỉnh Nghệ An nói rằng vụ việc Trại Gáo, xứ Mỹ Yên, giáo phận Vinh là một trong nhiều vụ việc mà theo ông thể hiện hành động quá khích của một số chức sắc, chức việc và giáo dân cực đoan dưới sự xúi giục của các tổ chức phản động trong và ngoài nước.

Lương dân so sánh

Vào sáng ngày 16 tháng 9, chúng tôi khi nói chuyện với một cựu chiến binh, thương binh không theo Công giáo hiện sinh sống tại tỉnh Nghệ An và nêu vấn đề vụ giáo xứ Mỹ Yên ra thì được người này trả lời như sau:

Tôi là dân lương không phải dân giáo nhưng vẫn lên chỗ Trại Gáo, Đền An Tôn để xin. Vụ việc nếu nói chính xác thì mỗi bên nói một kiểu. Nhưng tôi thấy thế này việc mà phía chính quyền đối với nhân dân như vậy là chưa đạt. Tôi cũng xem các trang mạng kể cả trang mạng Giáo Phận Vinh, Xuân Việt Nam và kể cả những trang mạng khác. Vừa rồi tôi lên trang mạng anh Lê Nguyên Hồng, ông này có viết là nếu làm như anh Vươn hay anh Viết chỉ được mỗi việc mình đỡ ấm ức, nhưng để tốt hơn nếu có điều kiện hãy loan tin cho các đài, các báo ở các nước. Khi mà đài, báo các nước có tin và nhiều người quan tâm đến thì lúc đó việc giải quyết sẽ hay hơn, cộng đồng hiểu hơn. Tôi thấy như thế có cái hay, cái đúng của nó.

Từ hôm đó đến nay tôi chưa đến nơi đó. Chỗ ấy cách nhà tôi mấy chục cây số thôi, nhưng bây giờ mà đến đó thì phiền hà lắm. Trước đây tôi đến nhưng bây giờ chưa đến được vì thực ra chung quanh nơi ấy tình hình cũng chưa yên ổn lắm. Vừa qua đôi đến giáo xứ Yên Đại gần đấy tôi cũng thấy những băn rôn, khẩu hiệu phản đối những phi lý của chính quyền; tôi chưa dám nói là đàn áp. Mình không trực tiếp, mà ở Việt Nam nói không đúng càng gây hại cho mình.

Nhưng qua vụ việc ở Đền Đức Hậu, khi mà người ta muốn che giấu sự giả dối của người ta thì người ta bất chấp tất cả. Ở đây tôi đã chứng kiến việc chẳng có gì cả mà công an cũng đến đàn áp. Hôm ấy may tôi trực tiếp ra, có người công an cũng tốt nói bác ở đây lâu và mới đi bộ đội về nhờ bác ra. Nhưng người ta bất chấp.

Tôi nói thế chắc anh hiểu!

Giáo dân hiệp thông

Trong khi đó giáo dân Công giáo tại địa phận Vinh vào ngày chủ nhật 15 tháng 9 tiếp tục thánh lễ, cầu nguyện, hiệp thông cho những đồng đạo của họ tại giáo xứ Mỹ Yên.

Một giáo dân thường xuyên tham gia các buổi thắp nến cầu nguyện như thế cho biết:

Nhiều nơi hiện hiệp ý cầu nguyện. Hình thức thì tùy có nơi các cha nói lại nguyên nhân, diễn biến vụ việc và chiếu những hình ảnh trên mạng cho người dân thấy. Có nhiều băng rôn, khẩu hiệu đồng hành cùng Mỹ Yên.

Ý kiến trên mạng

Trên mạng Internet vừa có bài viết ký tên Trương Văn Dũng với tựa đề ‘Câu chuyện Trại Gáo và vài điều suy gẫm’. Bài viết nhắc lại bản tin thời sự sáng ngày 8 tháng 9 và nêu ra những điểm mà theo tác giả là vô lý, không thuyết phục.

Thứ nhất tại sao công an không bắt hằng trăm người được thu vào ống kính truyền hình ném gạch đá vào công an để làm rõ sự việc. Những đối tượng đó có phải giáo dân không khi mà chính các giáo dân cho rằng những người ném gạch đá được chính quyền thuê đến để thực hiện hành vi đó.

Thứ hai trong phóng sự có hình ảnh một số công an bị thương nhưng không rõ nguồn, có thể được lấy từ đâu đó đưa vào. Cơ quan chức năng có mọi phương tiện để bắt những người làm cho công an bị thương ngay tại hiện trường với bằng chứng xác thực.

Thứ ba phóng sự nói có 14 giáo dân bị thương nhưng không hề có hình ảnh và không cho biết ai đánh.

Thứ tư phóng sự nói hai ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải nhận tội nhưng không có nhân chứng, vật chứng, tang chứng để có thể cấu thành tội theo  qui định trong bộ luật hình sự. Tác giả đặt nghi vấn có thể hai ông này bị ép cung.

Tác giả Trương Văn Dũng nêu lại những phóng sự truyền hình về các vụ việc tôn giáo lâu nay, cũng như các cá nhân mà khi lên truyền hình tất cả đều bị buộc tội dù rằng tòa án chưa hề xét xử.