Việc anh có được người bố là thủ
tướng đã đem lại cho anh những điều kiện hết sức thuận
lợi trong hoạt động chính trị. Nhưng sự bảo bọc về mặt
chính trị đó có thể đem lại sự bế tắc cho tương lai
chính trị của anh về sau.
Cuối năm 2014, báo chí đưa tin BCH TƯ Đảng vừa ban hành quyết định số 1602-QĐNS/TƯ về việc chỉ định ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định, nhiệm kỳ 2010-2015. Và trong số 5 người, anh Nguyễn Minh Triết là người trẻ tuổi nhất, sinh năm 1990. Không quá bất ngờ, khi cái trẻ tuổi được đặt trong hệ thống tại vị, nơi mà cha anh đang là thủ tướng nhiều quyền lực – Nguyễn Tấn Dũng. Thế nhưng, thăng tiến khá nhanh. Vào tháng 4/2014, mới được điều giữ chức Phó bí thư tỉnh đoàn Bình Định, đến ngày 21/11 lên nắm Bí thư Tỉnh đoàn vì “lý do một số đồng chí trong Ban Chấp hành chuyển công tác”, và 10 ngày sau (31/12/2014) đã trở thành Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Bình Định. Tuổi trẻ tài cao?Có người bảo anh tuổi trẻ tài cao, cho rằng “cùng những trường hợp khác như: Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Bá Cảnh (con ông Nguyễn Bá Thanh), Nguyễn Xuân Anh (con ông Nguyễn Văn Chi)... qua báo đều không thấy cái ỷ lại, hống hách, kiêu ngạo vì COCC”. Nhưng rõ ràng, con nhà chính trị Việt Nam đủ cách để biết kẻ trên, người dưới mà cư xử cho lễ phép, bởi “tập xác định” cả một tiền đồ phía trước. Đây không phải là “COCC” của những đại gia bất động sản, khai bán tài nguyên… mà là con của một trong những vị lãnh đạo chủ chốt của Đảng và nhà nước. Có người bảo anh và những người bạn (những hạt giống đỏ khác) có “đạo đức rất tốt, khiêm nhường, giản dị, chan hòa, quá trình học tập và công tác đều rất giỏi và xuất sắc, được thừa nhận ở trong và ngoài nước, có những thành tích và đóng góp tốt trong công tác xã hội, trong chuyên môn, trong quan hệ đồng nghiệp…” Nhưng “thành tích tốt, giỏi và xuất sắc” thì cần phải kiểm nghiệm trong thực tế, chứ không phải chỉ qua một bài báo, bằng khen nhà nước ca ngợi là thủ lĩnh Đoàn là có thể quy nạp cả một tính cách, năng lực một con người, nhất là trong hệ thống báo chí, tuyên dương còn nặng tính tuyên truyền như hiện nay. Các thành tích của anh Nguyễn Minh Triết hiện nay chỉ rơi vào trường hợp “du học” (đi du học Anh từ năm 2004, lại học A-level tại Michael College, 7 năm tu ngành ngành hàng không và chế tạo máy, sau đó lấy bằng Thạc sĩ Kỹ thuật Động cơ siêu thanh) nhiều hơn là trong công tác chính trị. Điều này có phải là quá bất thường khi mà anh liên tục nhảy cóc các vị trí trong Đoàn với những chức danh hết sức quan trọng (buộc phải có bề dày phấn đấu), trong đó có chức vụ Bí thư tỉnh đoàn, kiêm Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh? Nó chỉ cho thấy, công tác tiến cử, thăng cử trong sự nghiệp, được đặt trong trạng thái rất nhanh – rất vội (?) và bỏ xa quá trình rèn luyện năng lực chính trị của chính anh Nguyễn Minh Triết. Chưa kể rằng, “dấu ấn” chính trị ở các “hạt giống đỏ” thường không được đo lường thông qua hoạt động thực chất, vì thường các hoạt động này cũng được dễ bề tạo điều kiện thuận lợi nhất từ phía cấp đảng, chính quyền… để nhằm ghi nhận thành tích là chính, trong khi biểu hiện của sự ghi nhận lại thông qua vị trí của những người đứng sau lưng như thế nào. Có người bảo anh và những người bạn “với truyền thống gia đình, với kiến thức và kinh nghiệm từ học tập và công tác, với quan hệ xã hội tốt, tôi tin họ sẽ thay thế thế hệ cha anh, tập hợp nhân tài, biết phát hiện và trọng dụng rất nhiều người tài giỏi (có Đức, có Tài, có Tâm, dù Đảng viên hay không, ở trong hay ngoài nước) để cùng tham gia lãnh đạo và điều hành đất nước tốt nhất, có những chính sách quyết liệt, triệt để, thực hành dân chủ, cải cách chính trị và thể chế…” Chính trị gia cũng thường được chia thành nhiều loại, có người tham gia tích cực và trở thành một chính trị gia chuyên nghiệp, tác động đến chính sách công, và những người này được thăng cử dựa vào sự bổ nhiệm mang tính chinh phục cộng đồng, họ được gọi là những nhà hoạt động chính trị. Trong khi, nhóm chính trị gia còn lại tham gia chính trị thông qua việc gia cố chức vụ chính trị, điều này thường xảy ra đối với hệ thống COCC, họ được xem là những nhà tìm kiếm chức vụ chính trị để trục lợi nhóm, cá nhân. Do đó, để tập hợp và thâu nộp những người có đức, có tài và sử dụng kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động chính trị nhằm điều hành quốc gia đi lên thì phải lấy căn cứ thành tích hoạt động của chính bản thân – nghĩa là nó đã được tạo ra bằng chính cách quản lý, điều hành cũng như thao tác chính trị trong thực tiễn. Chính nó, mới giúp những người hoạt động chính trị có được cơ sở thực tiễn (không phải lý thuyết ghi nhận bằng khen, chứng chỉ chính trị) để thu hút (tạo cảm hứng) cho các nhà hoạt động chính trị khác tìm đến, để cùng tiến hành các hoạt động chính trị chung nhất. Thế nhưng, anh Nguyễn Minh Triết và những người bạn của mình được chiếu cố nhiều hơn là trọng dụng, được dọn sẵn hơn là tự lực phấn đấu… Do đó, mới có chuyện thăng tiến như diều gặp gió mà không hề có bất kỳ một cản trở nào. Kinh nghiệm chính trị được đúc rút từ thực tiễn hoạt động chính trị, trong khi những gì anh Nguyễn Minh Triết đạt được như hiện nay được xem là hậu đãi chính trị (sắp xếp chức vụ). Rõ ràng, việc anh có được người bố là thủ tướng đã đem lại cho anh những điều kiện hết sức thuận lợi trong hoạt động chính trị. Nhưng sự bao bọc về mặt chính trị đó, đã đem lại sự bế tắc cho tương lai chính trị của anh về sau (tầm nhìn xa, sự tận tâm của một người yêu nước đối với các vấn đề quan trọng của nhà nước), nói một cách khác, sự thuận lợi quá đà đã đánh cắp chính khả năng/tương lai chính trị của anh. Chưa kể, động cơ chính trị hiện nay của việc đào tạo các nhà chính trị Việt Nam, một trong những yếu tố làm nên tính chất “quyết liệt trong thực hành dân chủ, cải cách chính trị và thể chế” lại không nhằm phục vụ con người, mà buộc chủ thể chính trị phải gắn liền nhận thức với đảng phái/giai cấp, khiến tri thức chính trị hướng tới bảo vệ lợi ích đảng phái hay giai cấp nhất định. Một điều cản trở cực lực trong quá trình cải cách thể chế hiện nay, lẫn về sau này. Vì vậy, việc kế thừa “kinh nghiệm chính trị” là hết sức nguy hiểm, vì nó chỉ gia cố khuôn mẫu chính trị nhiều hơn (đặt trong lợi ích chính trị gia đình), khiến cho các hoạt động chính trị là sự tiếp diễn các quyền lợi đạt được của gia đình hơn là một tư duy độc lập trong hoạt động chính trị (nhằm xây dựng quốc gia). Do đó, nhìn về những hạt giống đỏ, khiến cho người dân dễ liên tưởng đến Saif al-Islam, con trai của Muammar al-Gaddafi Islam, người bắt đầu tham chính từ thập niên 1990 sau khi trở thành Chủ tịch Quỹ Từ thiện và Phát triển Quốc tế Gaddafi (GICDF). Anh ta tốt nghiệp kỹ sư ở ĐH Al Fateh, Tripoli năm 1994, sau đó lấy bằng thạc sĩ ở ĐH IMADEC, Vienna, Áo vào năm 2000. Năm 2008, Saif nhận bằng tiến sĩ từ Trường Kinh tế London (LSE) với luận án Vai trò của xã hội dân sự trong dân chủ hóa các cơ chế chính phủ toàn cầu: Từ “quyền lực mềm” đến đưa ra quyết định chung. Và tại trường LSE, ngôi trường 100 năm tuổi, từng là cái nôi tên tuổi trong giáo dục ĐH Anh Quốc, luôn lọt top 100 trường tốt nhất thế giới thì giám đốc LSE đã nhận một số tiền hiến tặng khá lớn, đến 1,5 triệu bảng Anh (gần 2 triệu rưỡi đô Mỹ) của Saif Al-Islam, và luận văn tiến sĩ của con trai Gaddafi là đạo văn! Nghệ thuật sắp đặt chính trị?“Một người làm quan, cả họ được nhờ”, một tư duy cố hữu vẫn còn tồn tại ở Việt Nam, nó thể hiện qua con đường, cổng làng và những dự án đầu tư tại quê nhà lãnh đạo. Thực chất ra, nó chính là tư duy cục bộ được nảy sinh ra bởi cơ chế… Và điều cao cấp hơn nảy sinh từ tư duy trên, đó là dọn sẵn những điều kiện thuận lợi nhất để “tuổi trẻ tài cao” được phát huy và lấy thành tích về T.Ư… Trong một thông tin có liên quan đến từ Văn phòng chính phủ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội, tỉnh Bình Định (Dự án Victory) vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam với công suất chế biến 20 triệu tấn dầu thô/năm và tiến độ dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025. Trước đó, vào tháng 5/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép triển khai dự án lọc dầu 27 tỷ USD trên địa bàn tỉnh Bình Định. Trong khi, theo chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng hiện Việt Nam không cần thêm nhà máy lọc dầu vì dự án này không nằm trong quy hoạch chung của ngành dầu khí Việt Nam, bên cạnh đó ngành dầu khí hiện tại đã có nhà máy Dung Quất, chiếm 30% thị phần cung cấp xăng dầu trong nước, sắp tới còn triển khai nhà máy lọc dầu ở Nghi Sơn, Vân Phong và một số cơ sở lọc dầu khác nữa. Như vậy, dự án 27 tỷ đô dù được nhiều chuyên gia khuyến cáo, và bản thân Bộ Tài chính cũng ra sức phản đối, nhất là vào tháng 4/2014, Bộ này không đồng thuận với những kiến nghị ưu đãi của chủ đầu tư dự án lọc hoá dầu này. Những ưu ái của thủ tướng đối với mảnh đất Bình Định liệu rằng có phải là sự ngẫu nhiên? Hay nó là một lựa chọn có mục đích sau sự kiện đưa Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế và ngân hàng Liên Việt được lựa chọn ưu tiên trong thu mua nợ xấu? Dù ưu ái đó là ngẫu nhiên hay là chủ ý, thì nó cũng tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho những “hạt giống đỏ” đã được chỉ định đâm chồi, nảy lộc. Nhưng vì nó quá thuận lợi, nên nó khiến cho khả năng tác nghiệp chính trị và điều hành bộ máy để thực hành chính trị gần như không tồn tại, mà tất cả chỉ là sự cơ cấu để tiến xa hơn, khiến cho cái tâm dù có, nhưng lại thiếu hẳn đi cái tầm. Và nhìn tương quan, cách thăng tiến trong sự nghiệp chính trị của anh Nguyễn Minh Triết (kể cả những cán bộ trẻ tài năng khác có dính dáng đến cha anh lãnh đạo) về bản chất, khác xa với những nam nữ thanh niên tham gia Đề án 500 – một đề án đưa trí thức xã về về phát triển nông thôn, miền núi. Mà nền chính trị Việt Nam vốn đã yếu ớt, thì cần lắm những cái thực tài chính trị hơn là chính trị chức vụ. Do đó, giá như anh đi theo con đường khoa học, với tiềm lực của người đứng sau, thì hẳn anh giúp vực dậy cái nền khoa học – công nghệ đang sụp xệ của Việt Nam. Đằng này, anh đột ngột chuyển hướng mạnh từ khoa học sang chính trị, cũng khiến cho người dân ít nhiều trăn trở. Thành ngữ “tuổi trẻ tài cao” – vốn ám chỉ sự ngưỡng mộ đối với những người trẻ về sự nỗ lực của họ trong học tập, công tác nay đã trở thành câu nói châm biếm trong xã hội Viêt Nam, một phần cũng là do vậy.
|