Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam ở An Giang

                                      

*

                                                               

Ngày 7 tháng 1 năm 1979 – Ngày 7 tháng 1 năm 2014 tới đây, đúng 35 năm ngày Quân đội Nhân dân Việt Nam mở cuộc tổng phản công đánh chiếm Phom Phenh (Campuchia) -  sào huyệt Khmer Đỏ, đưa cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam lên đất Campuchia. Nhân dịp này, tôi trích trong tập hồi ký chương tôi viết về cuộc chiến tranh nầy trên đất An Giang, gởi đăng trang viet-studies, ghi nhớ tội ác của bọn Khmer Đỏ đối với người dân An Giang và tưởng niệm những người lính thân yêu của chúng ta đã anh dũng hy sinh, bảo vệ toàn vẹn từng tất đất biên cươngTổ quốc.

 

Nguyễn Minh Đào

 

 

Giữa năm 1977, tôi là phó chủ nhiệm Phòng chánh trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang (Tỉnh đội), nhận quyết định chuyển ngành sang Văn phòng tỉnh ủy làm cán bộ nghiên cứu, phụ trách theo dõi khối Quân sự - an ninh, đặc biệt theo dõi chiến sự chiến tranh biên giới Tây Nam đang leo thang ngày càng ác liệt, phục vụ sự lãnh đạo của Tỉnh ủy.

Suốt chặng đường dài 30 năm đánh giặc cứu nước đầy hy sinh gian khổ, đến ngày thắng lợi hoàn toàn 30 tháng 4 năm 1975, quân dân ta lại phải tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới hai đầu của Tổ quốc, hy sinh xương máu hàng vạn chiến sĩ và đồng bào…!

Những năm 1975 – 1979, tôi không hiểu vì sao quan hệ Việt Nam – Trung Quốc vốn là “đồng chí”, là “anh em như môi với răng”, bổng trở thành kẻ thù của nhau, đến mức Trung Quốc xúi giục Khmer Đỏ gây chiến tranh biên giới Tây Nam chống Việt Nam, sau đó Trung Quốc xua quân gây chiến tranh biên giới phía Bắc “dạy cho Việt Nam một bài học”! Hồi đó nghe Đảng nói: Trung Quốc có “âm mưu bá quyền, bành trướng”, là  “kẻ thù trực tiếp của Việt Nam”... Sau nầy, có điều kiện đọc tài liệu tham khảo; trong đó có hồi ký cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ viết năm 2003 tôi tin là trung thực, hiểu rõ xuất phát từ sai lầm có tính chiến lược trong chánh sách đối ngoại của Đảng sau năm 1975, đưa đất nước rơi vào thãm họa chiến tranh một lần nữa.[*]

Trở lại nói về quan hệ giửa ta với Khmer Đỏ và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam ở An Giang tôi chứng kiến:

Tháng 3 năm 1970, các cơ quan và bộ đội địa phương tỉnh An Giang đứng chân trên đất Campuchia ven biên giới tiếp giáp huyện An Phú. Lonnol đảo chính lật đổ chế độ trung lập của Quốc vương Sihanouk, Mỹ mở rộng chiến tranh sang Campuchia, dồn ta vào thế “lưỡng đầu thọ địch”! Dù chưa có lệnh của Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 8; Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang buộc phải chỉ đạo nhanh chóng đưa bộ đội tỉnh đánh quân Lonnol sâu trên đất Campuchia, tiến chiếm một vùng rộng lớn 2 tỉnh Tà-keo và Kan-đal trong thời gian rất ngắn, mở rộng địa bàn đứng chân.

Việc ta đưa quân lên Campuchia đánh Lonnol là bất khả kháng, trước hết vì sự sống còn của ta. Để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Campuchia và “hợp pháp hóa” việc ta đưa quân lên nước bạn, Tỉnh ủy chỉ đạo dựng “ngọn cờ Sihanouk”, phát động nhân dân Campuchia đoàn kết cùng nhân dân Việt Nam chống Mỹ và Lonnol, được nhân dân Campuchia đồng tình ủng hộ. Cán bộ, bộ đội ta đi đến đâu cũng được người dân đón chào nồng nhiệt như người thân. Khi ấy, những người cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ) thực lực chưa có gì, cán bộ, bộ đội An Giang giúp “bạn” tổ chức bộ máy chánh quyền, đoàn thể và các lực lượng vũ trang. Riêng Tỉnh đội giúp “bạn” xây dựng mỗi tỉnh một tiểu đoàn bộ đội địa phương, huấn luyện và trang bị vủ khí đầy đủ.

Cán bộ, bộ đội An Giang giúp “bạn” rất nhiệt tình, có hiệu quả mong “bạn” vững mạnh cùng ta đứng chung chiến hào chống Mỹ, vì lợi ích nhân dân hai nước. Lẽ ra “bạn” biết ơn sự giúp đở đó đối xử tốt với ta. Nhưng không, “bạn” dần dần lộ rỏ ý đồ chống ta, ngang nhiên nổ súng khiêu khích bộ đội ta, bắt thủ tiêu cán bộ, chiến sĩ ta đi công tác lẻ tẻ. Ở các cơ quan Tỉnh đội có 4, 5 cán bộ bị chúng bắt giết dã man như các anh Ba Kỳ Nam, Chín Bình Ton, Đình Trung, Bảy Sửu…! Đối với ta thì vậy, trong nội bộ chúng, Khmer Đỏ loại bỏ những cán bộ do ta đào tạo, hai tiểu đoàn tỉnh An Giang xây dựng giúp, vừa làm lể bàn giao xong ta quay đi, chúng tước vũ khí giải tán tức thì.

Thái độ thù địch của Khmer Đỏ đối với ta bất cứ cán bộ, chiến sĩ nào ở An Giang có mặt trên chiến trường Campuchia lúc đó không lạ gì! Nhưng, các báo cáo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội gởi Khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 8 về những vụ Khmer Đỏ ngang nhiên nổ súng khiêu khích bộ đội và giết hại cán bộ ta đều bị nghi ngờ không trung thực; cho rằng nếu có “va chạm” với “bạn”, xem lại có phải lỗi trước hết do cán bộ, chiến sĩ An Giang gây ra, nên “bạn” mới có phản ứng như vậy!? Cho đến sau ngày giải phóng miền Nam 30 tháng 4 năm 1975, Khmer Đỏ bắn pháo, đưa quân đột kích bắn giết đồng bào, cướp phá một số xóm ấp ven biên giới An Giang, lãnh đạo Quân khu 8 vẫn chưa xác định Khmer Đỏ là kẻ thù, cho đó là những “xung đột lẻ tẻ”, có tính “địa phương, cục bộ” và rằng Khmer Đỏ dù có xấu vẫn là “bạn” của ta!!

Để chuẩn bị chiến tranh, Khmer Đỏ phát động binh lính và nhân dân Campuchia gieo rắc tư tưởng hận thù dân tộc chống Việt Nam, ra sức xây dựng quân đội, sơ tán dân xa vùng biên giới, đào công sự, chiến hào, xây dựng trận địa pháo, trận địa xuất phát tấn công, tập trung binh lực áp sát biên giới… Mọi động thái đó diễn ra chỉ quá tầm mắt ta một chút nhưng ta mù tịt, cho đến đêm 30 tháng 4 năm 1977, Khmer đỏ mở cuộc tấn công đồng loạt toàn tuyến biên giới An Giang dài gần 100 km, mở màn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thảm khốc…! Các đồn biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, dân quân tự vệ vùng biên giới, nhờ sớm nhận ra diện mạo kẻ thù, đề cao cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, anh dũng đánh trả các mũi tấn công của địch hạn chế tổn thất. Nhưng, không hiểu vì sao Khu và Trung ương không đánh gía đúng bản chất phản động của Khmer Đỏ và kẻ đứng phía sau chúng, chủ quan mất cảnh giác, không có kế hoạch đối phó chiến tranh.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, tôi nghe các vị lãnh đạo nói với cấp dưới rằng: Mỹ là tên đế quốc sừng sỏ mà ta còn đánh bại, từ nay không một tên xâm lược nào dám đụng đến Việt Nam…! Chủ trương sớm “ra quân” hằng vạn cán bộ, chiến sĩ và buông lõng công tác quốc phòng những năm đầu sau giải phóng, là một chứng minh cho sự khinh suất của ban lãnh đạo cấp cao đất nước. Cho đến cái đêm “định mệnh” 30 tháng 4 năm 1977, khi khói lửa chiến tranh đổ xuống khắp vùng biên giới Tây Nam bị bất ngờ, mới nhận mặt kẻ thù, điều quân, khiển tướng tổ chức chống đỡ trong thế bị động, lúng túng! Tỉnh ủy, Tỉnh đội An Giang dù quá hiểu rõ bản chất phản động của Khmer Đỏ từ những năm trước 1975, nhưng là cấp dưới của Khu và Trung ương, cũng không làm gì khác hơn là tổ chức phòng thủ thụ động trên tuyến biên giới tỉnh nhà, nên cũng rất bị động, lúng túng…!

Với trách nhiệm của mình, tôi theo dõi chiến sự qua báo cáo của Tỉnh đội và các huyện – thị biên giới, thỉnh thoảng tháp tùng các vị trong Ban thường vụ tỉnh ủy, hoặc Tỉnh đội thị sát chiến trường tiếp xúc cán bộ, chiến sĩ nghe anh em báo cáo: Khmer Đỏ là kẻ cuồng tín, vốn là “bạn” và là “học trò” của ta, nên quá hiểu biết thủ đoạn chiến thuật của nhau, quân ta lại bố trí đồn, chốt cố định, bộc lộ lực lượng phòng ngự thụ động, Khmer Đỏ thì cơ động, khi ẩn khi hiện… so đánh nhau với quân Sài Gòn khó khăn, ác liệt hơn nhiều! Cán bộ, chiến sĩ ta ở các đồn biên phòng, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân tự vệ phải dàn quân chốt chặn ngày đêm trên tuyến biên giới, đối mặt với địch đánh trả hết đợt tấn công nầy đến đợt tấn công khác. Nhiều đồn, chốt bị địch đánh chiếm, ta đánh phản kích chiếm lại năm lần, bảy lượt, giành nhau từng bờ tre, ụ đất… Căng thẳng nhất là mùa nước năm 1978, toàn tuyến biên giới nước ngập mênh mông, quân ta phải đấp công sự nổi, ngày đêm sống và chiến đấu dưới tầm hỏa lực địch! Khó khăn, gian khổ cùng cực, thương vong quân ta tăng lên từng ngày, những cán bộ, chiến sĩ “gạo cội” bộ đội tỉnh sống sót sau cuộc chiến chống Mỹ hy sinh rất nhiều, trong đó có những đồng đội thân quen với tôi như Bé Tám, Tư Mưa, Sơn Bịch…! Dù hy sinh, gian khổ đến mấy, cán bộ, chiến sĩ các Lực lượng vũ trang An Giang động viên nhau quyết tâm bám trụ chiến đấu đến cùng, nhất định không rời bỏ trận địa vì trước mặt là kẻ thù, phía sau là đồng bào, là quê hương, đất nước ta không có chổ lùi…!

Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam thời gian không dài, nhưng tổn thất về người và của quân dân ta ở An Giang vô cùng to lớn, có hai sự kiện đau thương dù thời gian đã lùi xa, nhưng bất cứ ai chứng kiến nhớ lại không khỏi bồi hồi xúc động! Đó là vụ Khmer Đỏ thảm sát dân xã Ba Chúc, thứ hai là vụ ta di dời 70 ngàn dân Khmer Bảy Núi về  tỉnh Hậu Giang (cũ).

Vụ Khmer Đỏ thảm sát dân Ba Chúc, ta có lỗi vì không làm tròn trách nhiệm bảo vệ dân, không kiên quyết sơ tán dân về tuyến sau khi chiến tranh bùng phát và bộ đội ta bố trí tuyến phòng ngự không đủ mạnh, để địch đánh vỡ tràn vào chiếm giử Núi Tượng – Ba Chúc mười ngày trong tháng 4 năm 1978, gây ra vụ thảm sát kinh hoàng, giết chết 3.157 người dân vô tội…! Nghe những nạn nhân sống sót kể lại và xem các bức ảnh chụp sau khi quân ta đánh Khmer Đỏ rút chạy, xác người chết nằm chất chồng la liệt khắp nơi…! Tội ác giết người rùng rợn như thời trung cổ của bọn Khmer Đỏ “trời không dung đất không tha”!!

Ngày nay, các nhà viết sử trong tỉnh khi viết đến sự kiện nầy, đổ lỗi do đồng bào Ba Chúc theo đạo Hiếu Nghĩa, vì “…mê tín nên nghe lời bọn xấu chạy vào chùa Phi Lai đọc kinh cứu mạng không chịu di tản…” (dự thảo Lịch sử tỉnh và huyện Tịnh Biên). Không nói một câu, một chữ nào về trách nhiệm của ta!

Về vụ di dân Khmer Bảy Núi về tỉnh Hậu Giang, gần cuối năm 1978, khi chiến tranh biên giới Tây Nam đang diễn ra khốc liệt, có lệnh từ Trung ương giáng xuống: An Giang phải di dời khẩn cấp toàn bộ dân Khmer Bảy Núi về định cư ở tỉnh Hậu Giang. Ban Thường vụ tỉnh ủy và Ủy ban Nhân dân tỉnh triệu tập cuộc họp khẩn gồm các vị  lãnh đạo hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và các ngành tỉnh liên quan triển khai kế hoạch thi hành. Các vị lãnh đạo tỉnh giải thích: Theo chỉ đạo của Trung ương, phải đưa dân Khmer Bảy Núi về các tỉnh phía sau, “để ngăn cắt không cho Khmer đỏ lợi dụng móc nối tổ chức chống ta”. Lý lẻ không thuyết phục, nhưng không ai dám có ý kiến khác!

Việc di dời 70 ngàn dân Khmer trong thời gian ngắn, với chặng đường dài hằng trăm cây số, mỗi hộ chỉ được mang theo một số tài sản nhẹ và hai con bò, trong khi phương tiện vận tải của ta, chủ yếu đường sông rất hạn hẹp, vô cùng khó khăn! Nhưng, khó khăn lớn nhất là việc giải thích, động viên dùng “con ngáo ộp” Khmer Đỏ hù dọa, thúc ép đồng bào chịu rời bỏ nhà cửa, ruộng đồng ra đi, vì họ nào muốn xa lìa nơi chôn nhao cắt rún, sinh cơ lập nghiệp từ bao đời trên mãnh đất nầy, trong khi “hiểm họa” Khmer Đỏ không như cán bộ tuyên truyền! Có mấy lần tôi cùng các vị lãnh đạo Tỉnh ủy vào Bảy Núi kiểm tra, đôn đốc việc di dân, chứng kiến cảnh người dân than khóc, kể lể trước khi ra đi trong lòng vô cùng đau xót, thương cảm đồng bào, nhưng lệnh là phải thi hành, không có chọn lựa nào khác!

Việc thực hiện cuộc di dân không nhanh gọn như kế hoạch, kéo dài đến đầu năm 1979, quân ta mở chiến dịch tổng phản công tiến chiếm Phnom Phenh vẫn chưa xong. Khi ấy ông Nguyễn Văn Linh, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Dân vận đến An Giang, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy, ông Lê Văn Nhung (Tư Việt Thắng), Bí thư tỉnh ủy báo cáo với ông Nguyễn Văn Linh việc di dân Khmer và đề nghị ông cho đình chỉ, vì ta đã đánh chiếm Phnom Phenh, “hiểm họa” Khmer Đỏ không còn. Ông Nguyễn Văn Linh viết điện mật gởi Bộ Chính trị chuyển đề nghị của Tỉnh ủy. Hôm sau, điện mật của Tổng bí thư Lê Duẩn gởi phúc đáp viết vắn tắt: “Việc nầy (tức di dân Khmer) do anh Sáu Thọ (ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách chỉ đạo chiến trường Tây Nam) chịu trách nhiệm, phải có ý kiến của anh…”! Thế là việc di dân vẫn phải tiếp tục…!

Chủ trương di dời dân Khmer Bảy Núi về tỉnh Hậu Giang, xuất phát từ quan điểm không tin người Khmer Bảy Núi, nếu không di dời vào ở sâu nội địa họ sẽ theo Khmer Đỏ chống ta. Không phải để “bảo đãm an toàn, tính mạng, tài sản của dân” như các nhà viết sử trong tỉnh viết. Tôi nói chuyện nầy, những người cùng thời với tôi còn sống trong tỉnh không lạ gì.

Nhìn về quá khứ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ 30 năm của dân tộc, đồng bào Khmer Bảy Núi đoàn kết cùng người Kinh một lòng theo cách mạng, đóng góp sức người sức của vào công cuộc đánh giặc cứu nước. Tấm lòng và công lao của đồng bào không ai có thể phủ nhận. Mặc dù có một số ít người cả tin lời đường mật của bọn phản động người Khmer trong nước và nước ngoài, tay sai của Pháp và Mỹ dụ dổ, mua chuộc theo chúng chống Việt Nam. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam cũng vậy, bọn Khmer Đỏ sau khi cầm quyền ở Campuchia, Trung Quốc giật dây thực hiện âm mưu chống Việt Nam, chúng bí mật cày cắm người trong đồng bào dân tộc Khmer Bảy Núi, gầy dựng cơ sở, tuyên truyền, lôi kéo một số người nhẹ dạ theo chúng. Khi Khmer đỏ phát động chiến tranh, những người nầy trở thành tay chân phục vụ cho chúng. Ta không thể vì một số ít người Khmer làm bậy, mà “vơ đũa cả nắm” nghi ngờ lòng yêu nước của đồng bào!

Việc đưa 70 ngàn dân Khmer an cư lập nghiệp từ bao đời ở Bảy Núi về vùng đất lạ, khác nào một cuộc “đi đày”, làm tiêu tan tài sản, nhà cửa, ruộng vườn, đảo lộn cuộc sống người dân…, mà những vị lãnh đạo cấp cao của Đảng có trách nhiệm khi ấy ra quyết định nhẹ nhàng, đơn giản, bất chấp hậu quả, bất chấp lòng người và chẳng đếm xỉa ý kiến đảng bộ, chánh quyền địa phương…! 

Sau khi đưa dân Khmer đi chuyến cuối cùng, khắp vùng Bảy Núi các phum sóc người Khmer nhà cửa, chùa chiền hoang tàn, xơ xác…! Mặc dù  tỉnh Hậu Giang tiếp nhận người Khmer tích cực giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, nhưng không thể kham nỗi, phát sinh nhiều vấn đề ngoài tầm khả năng của tỉnh. Vã lại, người Khmer Bảy Núi ở vùng cao đã quen, nay đưa họ về sống ở đồng bằng không thích nghi, chỉ vài tháng sau toàn bộ 70 ngàn dân Khmer lục tục dắt díu nhau trở về Bảy Núi! Có ai nhìn thấy cảnh đồng bào tay xách nách mang, gánh gồng tài sản, lùa dắt trâu bò đi bộ hằng trăm cây số trở về phum sóc cũ, mới thấu hiểu, thương cảm nỗi gian nan, vất vả của đồng bào!! Về đến nơi chôn nhao cắt rún, đồng bào trắng tay, không nhà ở, không có gì để ăn, đau ốm không thuốc chữa trị, trẻ em không có trường đi học… đồng bào lâm vào cảnh khốn cùng, chánh quyền phải cứu đói và giải quyết mọi hậu quả. Nhưng trong điều kiện khi ấy ngân sách tỉnh nghèo nàn, dù có cố gắng cũng chẳng thấm vào đâu, đồng bào phải tự xoay sở để sống còn…! Tôi nghe có không ít người chết đói và chết vì bịnh tật do thiếu đói, nhưng không biết bao nhiêu!?

Kế hoạch di dân Khmer phá sản, ta không thể bắt đồng bào quay trở lại Hậu Giang! Tỉnh ủy báo cáo sự tình về Trung ương, nhận điện chỉ đạo của Trung ương: Tỉnh phải bố trí lại nơi ở của đồng bào Khmer, tập trung ở từng  khu vực sâu trong nội địa, không để ở rải rác các phum sóc cũ, nhất là các phum sóc gần biên giới, để “bọn Khmer đỏ không thể thâm nhập…”. Nhưng ý kiến chỉ đạo nầy tỉnh không thực hiện được và Trung ương cũng lờ đi… !!

 

                                                                         N.M.Đ

 

 


 

[*] Hồi ký Trần Quang Cơ viết:

“…

“Là nhân chứng lịch sử và cũng là người trực tiếp tham gia các họat động ngoại giao nầy với tư cách là vụ trưởng vụ Bắc Mỹ - Bộ ngoại giao, trực tiếp tham gia đoàn đàm phán về bình thường hóa quan hệ với Mỹ ở Paris năm 1977, rồi ở Nữu ước năm1978, tôi thật sự đau xót vì ta đã bỏ lở mất cơ hội củng cố thế đứng của Việt Nam trong hòa bình để tập trung phát triển đất nước, sau bao năm chiến tranh, bỏ cơ hội san bằng khoảng cách với các nước cùng khu vực. Trong tập hồi ký  của mình, Lý Quang Diệu đã nhận xét: “Năm 1975 thành phố Hồ Chí Minh có thể sánh ngang với Bangkok. Nhưng nay (1992) nó tụt lại đằng sau tới hơn 20 năm.

“Việc ta từ chối lời đề nghị “bình thường hóa quan hệ không điều kiện” của Mỹ, làm cao trước việc ASEAN ngỏ ý muốn Việt Nam tham gia tổ chức khu vực nầy, theo tôi, đã đưa lại những hệ quả vô cùng tai hại cho nhân dân và đất nước ta. Liệu Trung Quốc có dám tiếp tay cho bọn diệt chủng Polpot khiêu khích ta và có dám đánh ta năm 1979, nếu như Việt Nam sau chiến thắng 1975 có một chiến lược”thêm bạn bớt thù” thực sự cầu thị hơn? Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và gia nhập khối ASEAN mãi ngót 20 năm sau (1995) ta mới thực hiện được một cách khá chật vật”.

Đoạn cuối, hồi ký viết:

“… Nửa cuối thập kỷ 70 nầy, là thời gian ta chồng chất nhiều sai lầm về đối ngoại nhất trong suốt lịch sử dựng nước sau cách mạng (từ 1945 đến nay)”:

“* Ta không khôn ngoan duy trì quan hệ cân bằng với Trung Quốc và Liên Xô, nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm thắng lợi của ta trong kháng chiến chống Mỹ”.

“* Bỏ lở cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1977, khi chánh quyền Carter đã chủ động đề nghị hai bên bình thường hóa quan hệ không điều kiện”.

“* Đánh giá sai và không gia nhập khối ASEAN ngay từ 1976, khi cả 6 nước nầy đều mong muốn ta tham gia vì lợi ích của mỗi quốc gia và của chung khu vực”.

“*  Dính líu quá sâu và quá lâu vào vấn đề Campuchia”.

“ Những sai lầm nầy có hệ quả liên quan chặt chẽ với nhau, gây thiệt hại lớn cho ta về đối ngoại, về an ninh – quốc phòng, về phát triển kinh tế trong một thời gian dài”.

“…

 

 

 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 23-12-13