TỪ SHANGRI-LA NHỚ TỚI MỘT BÀI HỌC Nguyễn Ngọc Trân
“Tình hình Nam Hải ổn định, không có vấn đề gì về tự do hàng hải”, “Trung Quốc xây công trình trên một số đảo và bãi đá trong vùng biển chủ quyền của mình, cũng là để thực hiện các nghĩa vụ quốc tế”. Trung Quốc (TQ) có thành lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Đông hay không? “Vấn đề này tùy thuộc vào việc an ninh hàng không và hàng hải của Trung Quốc có bị đe dọa hay không”. Thái độ của TQ tại Diễn đàn Sangri-La 2015, trịch thượng, thay đổi trắng đen, xấc xược và thách đố, đã khiến dư luận thất vọng, cảm thấy bất lực và phẩn uất. Tuy nhiên, suy cho cùng thái độ này có cơ sở. Trước tiên, TQ xem việc cơi nới xây dựng trên các đảo, bãi đá ở Biển Đông là việc đã rồi, là đương nhiên, không có gì phải bàn cải, các nước sẽ buộc phải chấp nhận, dù muốn hay không. Thứ hai, bối cảnh quốc tế hiện nay là cơ hội để TQ bành trướng và độc chiếm Biển Đông. Thứ ba, trong bối cảnh này, TQ đánh giá khả năng can thiệp của các nước trước sự việc đã rồi này rất giới hạn. Mặc cho chiến lược xoay trục sang Châu Á, những can dự của Hoa Kỳ trên thế giới làm cho khả năng phản ứng của nước này không đi xa hơn những gì hai Bộ trưởng Quốc phòng đã tuyên bố năm 2014 và 2015 tại chính Diễn đàn này. Mặt khác, HK và TQ còn những thỏa thuận hợp tác ưu tiên khác. Có lẽ trong thâm tâm của TQ, hình tượng “con hổ giấy” vẫn còn đúng. Vậy thì đôi co mà làm gì? Thái độ của Nhật bản cũng rõ ràng đối với tình bất hợp pháp của việc cơi nới và xây dựng trên các đảo, nhưng khả năng can thiệp, theo TQ, cũng không đi xa. Úc cũng thế, chưa kể TQ là một bạn hàng kinh tế hàng đầu của nước này. Vậy thì có cần tranh luận không? Châu Âu xa vời quá. Lại còn Ucraina và Liên bang Nga là những mối quan ngại cận kề. Rồi còn bản thân sự tồn tại của vùng đồng euro và những xáo trộn nếu Vương quốc Anh rời bỏ EU. Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng G7 tại Lubeck gần đây cho thấy khả năng và mức độ phản ứng của các nước trên đây. Phản ứng của chính các nước ASEAN mới là nỗi thất vọng lớn đối với dư luận, đồng thời là sự khích lệ đối với TQ. Từ Shangri-La 2015, tôi nhớ đến sự trỗi dậy của Hitler và Đức Quốc xã cuối thập kỷ 1920, đầu thập kỷ 1930. Rất cần nhớ những bài học về sự nhân nhượng, có thể nói là nhu nhược, lúc đó đã đưa nhân loại từng bước đến thảm họa Thế chiến thứ hai như thế nào. Một ngạn ngữ nói rằng “Một sai lầm được cảnh báo trước, trách nhiệm sẽ nặng gấp đôi”! Nguyễn Ngọc Trân
|