NGƯỜI VIỆT
Ông Nguyễn Phú Trọng đi ‘chầu’ Bắc triều?
Hiếu Chân
Truyền thông trong và ngoài nước đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí
thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày
30 Tháng Mười tới ngày 2 Tháng Mười Một sắp tới.
Ông Trọng là lãnh tụ đảng Cộng Sản – thực chất là nhà lãnh đạo quốc gia
– đầu tiên tới Trung Quốc ngay sau khi đảng Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ)
hoàn tất đại hội toàn quốc lần thứ 20 hôm 23 Tháng Mười. Tại đây, Tổng
Bí Thư Tập Cận Bình được bầu nhiệm kỳ thứ ba và thiết lập bộ máy cai trị
toàn những tay chân thân tín của ông.
Do đảng CSVN công bố rất ít thông tin về chuyến đi của ông Trọng nên khó
biết được tại sao ông lại xuất ngoại sau hơn ba năm “tự cấm cung” và đi
vội vã như thế trong lúc sức khỏe của ông không tốt như ông thể hiện
trong những dịp hiếm hoi xuất hiện trước công chúng. Liệu có phải ẩn
trong “lời mời” của ông Tập Cận Bình có sự hối thúc nào đó mà ông Trọng
không thể trì hoãn được?
Ông Nguyễn Nam của Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam nhận định, có thể ông
Trọng muốn được tiếp nhận cách mà người đồng cấp ở Trung Quốc đã có thể
thu xếp nhân sự cho bàn cờ chính trị, nhưng chúng tôi nghĩ, nếu để học
cách thu xếp nhân sự trong đảng thì ông Trọng không nhất thiết phải gấp
như vậy.
Trong chính trị có nhiều hành vi mang tính biểu tượng. Hành vi để cho
người tiền nhiệm là cựu Tổng Bí Thư Hồ Cẩm Đào bị xốc nách đưa ra khỏi
nghị trường đại hội đảng CSTQ hôm 22 Tháng Mười biểu thị lập trường của
ông Tập cắt đứt với quá khứ cải cách để bắt đầu một thời đại mới. Tương
tự như vậy hành vi “triệu tập” ông Trọng sang Bắc Kinh vào lúc đảng CSTQ
và ông Tập đang bận rộn với những công việc hậu đại hội hẳn có những ẩn
ý khó lường.
Để tìm hiểu động cơ chuyến đi, nên xem qua quan điểm của ông Tập cũng
như sự sắp xếp nhân sự của ông cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc
trong nhiệm kỳ thứ ba sắp tới.
Nếu có một sự thay đổi đáng chú ý trong đường lối của đảng CSTQ trình
bày tại đại hội 20 thì đó là Trung Quốc sẽ ưu tiên cho an ninh và quốc
phòng hơn là tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”
của ông Tập – khôi phục vị thế lịch sử của Trung Quốc như một cường quốc
trung tâm của thế giới. Để thực hiện tham vọng này, Trung Quốc sẽ thâu
tóm Đài Loan và các vùng lãnh thổ của đế chế Trung Hoa cũ, thống nhất
đất nước và có đủ năng lực cạnh tranh với Hoa Kỳ trong tất cả các lĩnh
vực, từ kinh tế, khoa học công nghệ đến quân sự.
Ông Tập dường như đang nóng ruột.
Tại đại hội 20, ngoài việc đưa vào cơ quan lãnh đạo chóp bu của đảng
CSTQ những tay chân thân tín của mình, ông Tập còn đưa vào Quân Ủy Trung
Ương mà ông kiêm chức chủ tịch những tướng lãnh có kinh nghiệm chiến
trường, tướng lãnh phụ trách mặt trận Đài Loan và chỉ huy các binh chủng
hiện đại như hỏa tiễn. Quân Ủy Trung Ương là cơ quan chỉ huy tối cao của
quân đội Trung Quốc, nắm được chức cao nhất ở đây thì cũng quan trọng
ngang với nắm chức tổng bí thư đảng hoặc thủ tướng Trung Quốc.
Trong số sáu tướng lĩnh mới được đề bạt vào Quân Ủy Trung Ương có hai
tướng từng tham gia chiến tranh biên giới với Việt Nam những năm 1980
của thế kỷ trước, là Trương Hựu Hiệp, 72 tuổi, hiện giữ chức phó chủ
tịch thứ nhất, và Lưu Chấn Lập, 58 tuổi, quân ủy viên. Đó là chuyện mà
đảng CSVN của ông Nguyễn Phú Trọng không thể không chú ý.
Việc quan trọng thứ hai trong kế sách thâu tóm Đài Loan của ông Tập là
củng cố mạng lưới “phên giậu” che chắn nội địa Trung Quốc nếu chiến
tranh Đài Loan lan rộng, lôi kéo sự tham gia của Hoa Kỳ và các nước Đông
Á. Trong nhiều năm qua, bằng nhiều thủ đoạn, Trung Quốc đã thu phục được
Nga và Bắc Hàn ở phía Bắc, Lào, Cambodia, và Miến Điện ở phía Nam. Trong
các nước giáp biên với Trung Quốc thì Việt Nam vẫn “đu dây” để thủ lợi
dù hai nước có cùng thể chế chính trị, và kinh tế Việt Nam phụ thuộc
nặng nề vào Trung Quốc. Hơn thế nữa, hai nước không chỉ là đối tác chiến
lược toàn diện của nhau mà còn bị hai đảng cộng sản có lịch sử gắn bó
lâu dài cai trị.
Thời gian gần đây, Bắc Kinh có nhiều điều không hài lòng với Hà Nội,
nhất là việc Việt Nam ngày càng có biểu hiện thân thiện với Hoa Kỳ.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập hơn năm năm qua, kể từ sau đại hội 12
đảng CSVN vào Tháng Giêng, 2017, ông Trọng đã không sang Bắc Kinh “triều
cống.” Ngay cả sau đại hội 13 vào đầu năm 2021 ông Trọng cũng không đích
thân sang “báo cáo” như thông lệ mà chỉ cử quan chức cấp bộ làm sứ thần.
Trong khi đó, ông Trọng đã tiếp thân mật nhiều nhà lãnh đạo cao cấp của
Hoa Kỳ như Phó Tổng Thống Kamala Harris và Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd
Austin. Việt Nam cũng đang ráo riết vận động để Tổng Thống Joe Biden của
Mỹ sớm sang thăm Việt Nam. Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ có thể nói đang ổn
tới mức Hoa Kỳ xếp Việt Nam – cùng với Singapore – làm đối tác an ninh
hàng đầu trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, sẵn sàng viện trợ
đáng kể cho Việt Nam và bỏ qua những hành vi vi phạm nhân quyền và bất
hảo của Hà Nội.
Bắc Kinh có đôi lần cảnh cáo Hà Nội tránh xa Hoa Kỳ bằng những thủ đoạn
như đóng cửa biên giới với hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, không
viện trợ vaccine COVID-19 cho Việt Nam như cho các nước ASEAN khác. v.v…
nhưng những cây gậy đó càng làm cho Việt Nam thêm khó xử. Đảng CSVN –
giống như một bản sao thu nhỏ của đảng CSTQ – đang bị kẹt giữa một bên
là sức ép của đảng CSTQ đàn anh và một bên là sức phản kháng của người
dân Việt Nam trước thủ đoạn của Bắc Kinh. Một cuộc khảo sát dư luận của
Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore ghi nhận có tới 84% người dân
Việt Nam tin tưởng và có thiện cảm với Hoa Kỳ, làm cho nhà cầm quyền khó
xử mỗi khi muốn mềm mỏng với Trung Quốc.
Người Trung Quốc thường nói: “Quét trong nhà trước, quét ngoài ngõ sau.”
Sau khi dẹp xong các phe phái chống đối, thâu tóm quyền lực trong đảng
CSTQ, phải chăng đã đến lúc ông Tập bắt đầu quét ngoài ngõ, mà đảng CSVN
được chọn để chiếu cố đầu tiên?
Lần này, việc ông Tập mời ông Trọng sang Bắc Kinh ngay sau đại hội đảng
có thể là nhằm nắn gân đảng CSVN, lôi kéo đảng CSVN và nhà nước Việt Nam
trở lại với cái gọi là “cộng đồng chung vận mệnh,” với các phương châm
“4 tốt” và “16 chữ vàng” đã mất sức quyến rũ. Nếu nhất thời ông Tập chưa
thành công trong việc biến Việt Nam thành một “chư hầu” dựa trên mối
quan hệ anh em của hai đảng Cộng Sản thì ít ra ông cũng sẽ gây áp lực
buộc đảng CSVN phải rời xa Hoa Kỳ và công khai thể hiện một lập trường
gắn bó với Trung Quốc hơn nữa.
Chuyến đi của ông Trọng, do vậy, sẽ không phải là chuyến thăm viếng bình
thường, “thể hiện mối quan hệ và tình cảm tốt đẹp giữa đảng Cộng Sản hai
nước và có thể là giữa cá nhân ông với ông Tập” như một nhận định trên
trang BBC Tiếng Việt.
Trong điện văn chúc mừng ông Tập trúng cử nhiệm kỳ thứ ba, ông Trọng bày
tỏ: “Tôi mong sớm được gặp lại đồng chí để chúng ta cùng nhau đi sâu
trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy
chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp
của quan hệ hai nước.”
Định hướng tương lai thế nào thì còn phải chờ xem, nhưng e rằng với thân
phận đàn em, ông Trọng và đảng CSVN khó mà cưỡng lại nổi sức ép của
“hoàng đế” Tập Cận Bình. Và đó có thể là một chuyện buồn nữa cho đất
nước. [đ.d.] |