TIếNG DÂN
20-4-21

 https://baotiengdan.com/2021/04/20/ong-nguyen-phu-trong-chon-ai-lam-nguoi-ke-vi/

Ông Nguyễn Phú Trọng chọn ai làm người kế vị?

Phạm Vũ Hiệp

Từ thời phong kiến cho đến nay, nhiều bậc thức giả đã có cái nhìn khái quát về tính cách con người mỗi vùng miền. Miền Trung (từ Huế vào đến Khánh Hoà) đất khô cằn, khắc nghiệt, sinh ra con người cần cù, nhẫn nại…

Người miền Bắc được cho là tinh tế, thâm thúy, sâu sắc, nhưng bảo thủ hoài cổ, nói vòng vo tam quốc, rào trước đón sau. Miền đất này có truyền thống ăn học, vùng Kinh Bắc nổi tiếng với tầng lớp sĩ phu học rộng, thâm trầm, mưu lược, quyết đoán và trọng danh dự.

Nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người “miền Bắc có lý luận”, bản thân ông Trọng ít nhiều cũng tự hào với danh xưng mà người đời đặt cho ông ta: Sĩ phu Bắc hà.

Công bằng mà nói, ông Trọng vẫn là đại diện hiếm hoi cho lớp người Cộng sản trọng danh dự. Lần đầu, vào ngày 25/11/2020 họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở “sống làm sao để đến lúc nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý“.

Lần gần đây, khi tái “đắc cử” Tổng bí thư khoá 13, tại buổi họp báo diễn ra hôm 1/2/2021, ông Trọng bày tỏ: “Ai cũng thích tiền nhưng danh dự mới là điều cao quý nhất, chết cũng không mang tiền theo được“.

Khi ông Trọng đặt “danh dự” lên hàng đầu, thì những kẻ xúc phạm danh dự ông, phải trả giá rất đắt. Quyền lực cao chót vót như “anh hai Nam Bộ” Nguyễn Tấn Dũng cũng buộc phải viết đơn rút lui, rời chính trường ở tuổi 67. Tột đỉnh vinh hoa như Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang cũng phải chịu cái kết kinh hoàng chỉ vì âm mưu tạo phản. Ngạo mạn, ngông cuồng và xấc láo, khi cả gan xúc phạm ông Trọng, như Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Trịnh Xuân Thanh… đều sẽ mọt gông trong tù, cho dù trước toà “gởi lời xin lỗi TBT Nguyễn Phú Trọng” muộn màng.

Cứ cho rằng ông Trọng là người dễ gần, giản dị mộc mạc, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, cẩn trọng, quyết liệt… như người của ông mô tả, nhưng cũng phải nói ngay, ông Trọng là người hết sức bảo thủ và cực kỳ giáo điều. Nhiều ký giả ngoại quốc xem ông như là “người Cộng sản Việt Nam cuối cùng”, với niềm tin tuyệt đối vào học thuyết cộng sản Mác – Lê và CNXH không tưởng.

Thu tóm tất cả quyền lực, giờ đây ông Trọng như “độc cô cầu bại”, không có đối thủ. Đã qua rồi cái thời “nhà Trắng” vượt mặt “nhà Đỏ”, với tương quan lực lượng giữa các phe nhóm, cạnh tranh trong nội bộ lãnh đạo của Đảng. Cho nên, nếu ông Trọng không sớm tìm cách chuyển giao quyền lực, thì khả năng các cuộc cạnh tranh “một mất một còn” sẽ lại diễn ra.

Điều dư luận đang chờ đợi, phán đoán và đưa ra nhiều giả thuyết lúc này là, ông Trọng sẽ chọn người nào làm người kế vị mình? Người “Cộng sản chân chính” được kỳ vọng sẽ có tài năng, tầm vóc xứng đáng lãnh đạo Đảng, thay ông trong tương lai gần, là ai?

Có hai nhân vật sáng giá được cho là ứng viên tiềm năng vị trí Tổng Bí thư Đảng CSVN khoá 14, nhiệm kỳ 2021-2026, đó là Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ.

Phạm Minh Chính xứ Thanh

Thanh Hóa là vùng trung gian giữa miền Bắc với phần còn lại là miền Trung, vì vậy tích hợp được những phẩm chất giá trị của hai miền. Đó là sự bản lĩnh, quyết đoán của người miền Trung, tính linh hoạt, biến báo và khôn ngoan của người miền Bắc.

Xứ Thanh cũng là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nơi phát tích nhiều triều đại phong kiến Việt Nam (Tiền Lê, Hậu Lê, Hồ, Nguyễn). Vùng đất này sản sinh một số lượng vua chúa khổng lồ (48/97 vị vua tính từ thời Trưng Vương và 20/20 chúa), một số lượng lớn các nhà chính trị và quân sự.

Bản chất người Thanh Hóa không xấu nhưng trong mắt họ luôn tự coi mình là nhất (giống như vua) vì thế họ bất cần mọi người, không xem trọng cảm xúc của người khác. Người xứ Thanh rất ích kỷ, họ ăn không hết thì đạp bỏ, tuyệt đối không cho người khác dù dư thừa.

Một đặc trưng của người xứ Thanh Hoá, khi sa cơ, thất bại họ rất cần giúp đỡ thì tỏ ra hiền lành, đáng thương, nhưng khi qua khỏi khó khăn họ quay ngược 180 độ, chẳng những không tri ân, ngược lại có thể hại luôn cả ân nhân của họ. Đó cũng là lý do nhiều công ty tại một số tỉnh, thành, treo biển “không tuyển lao động người Thanh Hoá”.

Vương Đình Huệ xứ Nghệ

Người Nghệ An được một số nhà nghiên cứu nhận xét: Hiếu học, cần kiệm, trung dũng, khẳng khái, quyết liệt, tư duy phản biện… Sĩ phu xứ Nghệ “lấy danh tiết làm trọng”, vì thế họ đàng hoàng, khí khái, không luồn cúi. Tầng lớp lao động thì cần cù, chịu khó, trung thành, nghĩa khí…

Thế nhưng cái gì cũng có hai mặt, quyết liệt quá thì thành ra cực đoan, thẳng quá thì là thô ráp, cứng nhắc, cần kiệm quá trở nên ki bo, khẳng khái quá hoá cuồng, kiên định có khi trở thành bảo thủ.

Người xứ Nghệ cũng bị cho là thực dụng, cộc cằn, tự kiêu, tự mãn, ngạo mạn và trịch thượng, “coi trời bằng vung”, xem thường tất cả. Tính cách này khiến người Nghệ bị kỳ thị ở nhiều vùng, nhiều nơi. Đó cũng là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương này trong thời gian dài, vô hiệu hóa mọi nỗ lực đổi mới…

Ai sẽ kế vị ông Trọng?

Trong bộ tứ, ngoài Trọng và Phúc đã qua cái tuổi “về vườn” 65, “bộ tứ” chỉ còn lại hai nhân vật có khả năng tranh ghế cao nhất: Chính và Huệ. Xưa nay, người xứ Nghệ chẳng ưa người xứ Thanh, vì vậy người ta lo ngại sẽ có trận “long hổ tranh hùng”.

Phạm Minh Chính sinh tháng 12/1958, đến tháng 1/2026 xem như ông mới ngoài 67 tuổi. Trong khi Vương Đình Huệ sinh tháng 3/1957, đến tháng 1/2026 ông Huệ gần chạm tuổi 69. Có lẽ vì điều đó nên ông Nguyễn Phú Trọng quyết định đi một nước cờ táo bạo, không đặt Huệ vào ghế Thủ tướng, mà dành vị trí này cho Chính.

Quân bài Vương Đình Huệ được ông Trọng gởi gắm niềm tin và rất kỳ vọng. Trong bài viết hai kỳ của tác giả Lê Văn Đoành, đăng trên Tiếng Dân hồi tháng 8/2020: Vương Đình Huệ muốn làm vua? (Kỳ 1) và kỳ 2, cho biết:

Tháng 5/2013, Nguyễn Phú Trọng đã ủng hộ Nguyễn Bá Thanh đang là Trưởng ban Nội chính và Vương Đình Huệ là Trưởng ban Kinh tế Trung ương lúc đó, ứng cử vào hai vị trí trong Bộ Chính trị, nhưng thất bại. Dù chậm một nhịp, nhưng tháng 1/2016 sau khi loại bỏ được Nguyễn Tấn Dũng, ông Trọng cũng đưa được Huệ vào Bộ Chính trị khoá 12.

Còn quá sớm để đưa ra đánh giá, nhưng có thông tin cho rằng, vì lý do tuổi tác và sức khoẻ, cũng như để hoàn tất việc sắp đặt các “quân cờ” nhằm tránh một cuộc “so găng đỉnh cao” giữa Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ và muốn bảo toàn sự tồn vong của Đảng, ông Trọng có thể sẽ rút lui giữa nhiệm kỳ.

Thời điểm ông Trọng có khả năng rút lui là vào khoảng Hội nghị Trung ương 9, cuối năm 2023, sau khi đã thành lập các Tiểu ban, chuẩn bị cho đại hội 14, nhiệm kỳ 2026-2031 của Đảng. Việc ông Trọng hai lần làm “nhân sự đặc biệt” để nắm chức Tổng Bí thư ba khoá liên tiếp, đều nằm trong ý đồ toan tính, sắp đặt người kế vị.

Vương Đình Huệ từ Bí thư Hà Nội sang đảm nhận vai trò Chủ tịch Quốc hội, có lẽ chỉ là tạm thời, mục đích “thầy” Trọng đưa “trò” về học việc và sẽ thay ông Trọng, có lẽ không lâu. Nếu Vương Đình Huệ là Tổng Bí thư, thì Trương Thị Mai sẽ thay ông Huệ nắm chức Chủ tịch Quốc hội. Như vậy, đến đại hội 14 vào năm 2026, ông Huệ sẽ không có đối thủ và là “nhân sự đặc biệt” tái cử, để tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ hai.

Người dân có quyền gì?

Một nhà nước “chuyên chính vô sản” nhưng lãnh đạo thượng tầng lại câu kết với “tư bản đỏ”, bảo kê, hình thành nhóm lợi ích, vơ vét của dân không chừa thứ gì, hầu hết các “tỉ phú đô la” đều có tài sản từ cướp đất mà ra.

Một nền chính trị “của dân, do dân và vì dân”, nhưng luôn xem dân là “thế lực thù địch” và lúc nào cũng sợ mất Đảng, mất chế độ. Đảng khư khư ôm quyền lực được ngày nào thì hay ngày ấy, bất luận tiền đồ của đất nước, tương lai của dân tộc ra sao.

Đảng sử dụng bộ máy tuyên truyền, kể cả an ninh cảnh sát và quân đội để định hướng dư luận xã hội, răn đe và tống giam những trí thức phản biện xã hội, bất kể họ là ai, có nguồn gốc lãnh đạo, đảng viên hoặc gia thế công thần của chế độ ra sao.

Đất nước này của gần 100 triệu dân, nhưng chỉ nằm trong tay của một nhóm người, chia nhau cai trị. Cho nên, ai lên, ai xuống, ai thay ai cai trị, với dân dường như không còn có ý nghĩa gì.

Dư luận xã hội không sai khi cho rằng, từ bầu cử, quốc tang, đến việc quân thù lăm le nơi biên cương hải đảo, bây giờ gần như chỉ còn là chuyện riêng của những người Cộng sản, bàn bạc với nhau trong các căn phòng đóng kín.