Những bài học về
Ukraine
Nguyễn Quang Dy
Tuy tình báo Mỹ và phương Tây đã cảnh báo về
khả năng Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào, nhưng nhiều người
vẫn hoài nghi và bất ngờ khi chiến sự nổ ra. Điều gì phải đến đã đến.
Rạng sáng ngày 24/2 (giờ
Moscow), Tổng thống Putin đã tuyên bố
“chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm “phi quân sự hóa” Ukraine. Ngay lập
tức, quân đội Nga đã đồng loạt bất ngờ tấn công Ukraine từ ba hướng:
phía Đông, phía Bắc, và phía Nam.
Tuy Putin nói “Nga không có ý định chiếm đóng Ukraine”, nhưng ngoại
trưởng Mỹ Anthony Blinken tin rằng “Nga có ý định lật đổ chính phủ
Zelensky” để lập một chính phủ mới thân Nga tại Ukraine. Việc Nga chiếm
Chernobyl không chỉ để kiểm soát cơ sở hạt nhân này mà còn mở đường để
dễ dàng đánh chiếm Kiev. Tổng thống Biden điều động 7.000 quân không
phải để bảo vệ Ukraine chống Nga, mà để bảo vệ các nước NATO giáp Nga.
Chiến “dịch quân sự đặc biệt” của Putin tại Ukraine mới bước sang ngày
thứ ba nên còn quá sớm để đánh giá về cuộc chiến này. Tuy lúc này không
ai có thể làm gì để ngăn được chiến sự đang diễn ra, nhưng có thể rút ra
mấy bài học kinh nghiệm. Cuộc chiến của Putin ở Ukraine có tác động to
lớn và khó lường đến thế giới, nên các nước phải tìm cách không để xung
đột lan rộng và tác động đến các nơi khác như Đài Loan và Biển Đông.
Nga bất ngờ tấn
công
Ngay sau khi các cố gắng ngoại giao cuối cùng không tháo gỡ được bế tắc,
Putin đã tuyên bố: “để thực hiện hiệp ước hữu hảo tương trợ với ‘Cộng
hoà nhân dân Donetsk’ và ‘Cộng hoà nhân dân Luhansk’, đã được Hội đồng
Liên bang phê chuẩn, tôi quyết định áp dụng hành động quân sự đặc biệt”.
Chính
quyền Ukraine tuy cảnh giác nhưng cho rằng “nguy cơ Nga xâm lược toàn
diện là thấp”. Có
lẽ đây là cuộc khủng hoảng về an ninh lớn nhất Châu Âu, sau chiến tranh
lạnh với nguy cơ đối đầu giữa Nga với các cường quốc phương Tây.
Có thể nói các nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Pháp Micron và Thủ tướng
Đức Scholz nhằm cứu vãn tình thế đã không ngăn được Nga tấn công
Ukraine, mà chỉ phục vụ mục tiêu tranh cử của Tổng thống Pháp. Trong khi
đó, cuộc vận động của Tổng thống Biden với lãnh đạo các nước đồng minh
về các biện pháp trừng phạt kinh tế để răn đe Nga cũng không ngăn được
Putin. Có lẽ các cố gắng đó là “quá ít và quá muộn” (too
little too late).
Trong khi hàng trăm tên lửa hành trình và đạn đạo của Nga bất ngờ tấn
công các mục tiêu xung yếu, thì không quân và lính dù của Nga tấn công
và chiếm các vị trí then chốt như sân bay gần thủ đô Kiev và cơ sở hạt
nhân Chernobyl. Xe tăng và bộ binh Nga đã chọc thủng tuyến phòng ngự
phía đông Ukraine. Đây không phải là một bộ phim tư liệu chiến tranh hay
một cuộc tập trận, mà Nga đang xâm lược Ukraine, bất chấp luật pháp quốc
tế.
Đây không phải là một cuộc chiến tranh nổ ra do nhầm lẫn hay sơ xuất (accidental)
mà có chủ ý, được Nga chủ động chuẩn bị rất kỹ. Mấy tháng qua, Nga đã
tập trung 190 ngàn quân gần biên giới Ukraine không phải chỉ để tập
trận. Putin cho rằng Chính quyền Biden yếu và NATO khó thống nhất, nên
Nga có thể dùng hành động “bên miệng hố chiến tranh” để bắt chẹt, nhằm
đạt được các yêu sách của Nga (để không cho Ukraine vào NATO).
Trong chiến dịch quân sự này, Nga dự định lập một chính phủ thân Nga ở
Kiev. “Cuộc
chiến giả vờ” đã kết thúc. Cuộc chiến thực sự đã bắt đầu.
Phương Tây giờ đây phải phản
ứng thật. Trong vài tuần qua, chính phủ Mỹ và Anh đã tin rằng
Putin có ý định thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện nhắm vào Ukraine,
và điều này hiện đang xảy ra. (Putin’s
war will shake the world,
Gideon Rachman, Financial
Times, 24 February 2022).
Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Boris Johnson đều cho rằng Nga nhắm
đến Kiev, thủ đô Ukraine. Các lãnh đạo NATO cũng đồng tình với đánh giá
của Mỹ và Anh, nhưng họ không muốn chiến tranh với Nga. Một số chuyên
gia cho rằng lẽ ra Mỹ nên nhẹ nhàng với
Putin để Nga không liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, để Mỹ có thể “xoay
trục sang Châu Á” theo tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng đã
quá muộn.
Nếu Nga thắng và giành được quyền kiểm soát Ukraine hoặc tìm cách gây
mất ổn định trên quy mô lớn, thì một kỷ nguyên mới sẽ mở ra cho Mỹ và
châu Âu. Các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu sẽ phải đối mặt với “thách thức
kép” trong việc cân nhắc lại vấn đề an ninh châu Âu và cố gắng để không
bị cuốn vào một cuộc chiến lớn hơn với Nga. Tất cả các bên sẽ phải xem
xét khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc đối đầu trực tiếp. (What
if Russia Wins?
Liana Fix and Michael Kimmage,
Foreign Affairs, 18
February 2022).
Tại
sao Nga xâm lược Ukraine
Nga đã chiếm và sát nhập Crimea (2/2014), công nhận Donestk, Lugansk là
các “quốc gia độc lập”, và đem quân vào Donbass (tháng 2/2022). Putin đã
đọc một bài diễn văn đầy tâm trạng như để chuẩn bị chiến tranh (tối
21/2), và đã gửi “tối hậu thư” cho Ukraine (22/2) với 4 yêu sách: (1)
công nhận Crimea của Nga; (2) từ bỏ ý định gia nhập NATO; (3) giải quyết
vấn đề Donbass theo thỏa thuận Minsk; (4) phi quân sự hóa Ukraine.
Nếu không đạt được thỏa thuận đó, Nga sẽ tấn
công Ukraine. So sánh lực lượng, Ukraine không phải là đối thủ của Nga,
nhưng
Zelensky chủ quan dựa vào phương Tây,
tưởng Mỹ và NATO sẽ bảo vệ. Các chuyên gia cho rằng Washington và đồng
minh “coi thường Putin” (failed
to take him serious), nên khi Nga tấn công, Ukraine không được Mỹ và
NATO bảo vệ vì chưa phải là thành viên NATO, và không phải là lợi ích
cốt lõi của Mỹ.
Tổng thống Ukraine Zelensky không phải là một chính khách chuyên nghiệp.
Ông đã cố gắng gọi điện cho Putin vào phút chót nhưng Putin im lặng. Tại
một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký
Antonio Guterres kêu gọi Putin không tấn công Ukraine, mà “cho hòa bình
một cơ hội”. Đã quá muộn. Các quan chức an ninh cảnh báo rằng Putin đang
thực hiện một cuộc xâm lược nhằm lật đổ chính phủ Ukraine.
Vì cô lập và “bị bỏ rơi” trước cuộc tấn công áp đảo của Nga, ông
Zelensky buộc phải xuống thang và tuyên bố “sẵn sàng đối thoại với Nga
về “quy chế trung lập” (neutral
status) cho Ukraine. Nhưng sau đó, Zelensky lại tỏ ra cứng rắn hơn
vì Mỹ và phương Tây đã tăng cường viện trợ và cung cấp vũ khí cho
Ukraine, trong khi quân Ukraine cầm cự được với quân Nga tại Kieve. Hãy
còn quá sớm để khẳng định bên nào sẽ thắng.
Theo các nhà bình luận, việc Putin buộc phải tấn công Ukraine chứng tỏ
ông thừa nhận thất bại, vì sau khi chiếm được Crimea (2014) ông không
làm gì được Ukraine. Nhưng đánh Ukraine là một nước cờ thế (gambit) chưa
chắc sẽ thắng. Tuy Nga ở thế áp đảo mạnh hơn Ukraine (về quân sự) nhưng
yếu hơn phương Tây nhiều lần về kinh tế. Nga càng bị cô lập hơn trước
các đòn trừng phạt về kinh tế và ngoại giao, biến Nga thành “tội đồ” (pariah
state) và Putin thành tội phạm (persona non grata) trên trường quốc tế.
Theo một báo cáo về an ninh, các cơ quan tình báo Nga đã mở rộng đáng kể
hoạt động của họ ở Ukraine trong năm qua để xác định những người dân địa
phương nào có thể cộng tác trong thời gian Nga chiếm đóng, và để xác
định những người dân nào có thể lãnh đạo phong trào kháng chiến. Rõ ràng
Nga đã chuẩn bị kỹ với mục đích làm suy yếu tính chính danh của Ukraine.
Mọi thứ có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát một cách nhanh chóng.
Theo ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken (24/2) “mấy tháng qua, Nga đã giả
vờ đàm phán ngoại giao và nhấn mạnh rằng họ không có ý định xâm lược
Ukraine. Trong lúc đó, Kremlin đã chuẩn bị một cuộc tấn công máu lạnh,
với quy mô chưa từng thấy ở Châu Âu sau Đại chiến II”.
Các thành viên cộng đồng châu Âu và cộng đồng quốc tế nay đã thấy
rõ rằng “Nga đã hoàn toàn vứt bỏ các cam kết với thế giới, và chúng ta
không bao giờ quên”.
Putin coi việc mở rộng NATO là “một mối đe dọa”, và triển vọng Ukraine
tham gia liên minh quân sự phương Tây là “một hành động thù địch”. Theo
Putin, “Ukraine là một phần của Nga về văn hóa, ngôn ngữ, và chính trị”.
Putin coi người Nga và Ukraine là “một dân tộc”, và cho rằng phương Tây
đã làm tha hóa Ukraine và lôi ra khỏi quỹ đạo của Nga bằng cách ép phải
thay đổi danh tính”. Cố gắng của Putin để đưa Ukraine về quỹ đạo của Nga
đã gặp phải sự chống đối. Ngày 22/2, Putin nói rằng “thỏa thuận Minsk
không còn tồn tại”.
Hệ quả
Nga xâm lược Ukraine
Ngày 22/2/2022, Ngoại trưởng Phần Lan cảnh báo rằng hành động của Putin
“dựa trên một số ý tưởng muốn phục hồi Liên Xô”. Nếu Putin thành công ở
Ukraine, ông ta có thể quyết định lập một hành lang nối Kaliningrad với
Belarus và Nga, chạy qua Litva hoặc Ba Lan. Điều đó có nghĩa là sẽ có
một cuộc chiến tranh lớn hơn giữa Nga và NATO”. Nga và Mỹ đã thăm dò cơ
sở hạ tầng của nhau trong nhiều năm, bao gồm các lĩnh vực nhạy cảm. Mục
đích của Nga là phải ngăn NATO tham gia vào một cuộc chiến tranh ở
Ukraine”.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh lớn sẽ
làm “xuất hiện đột ngột từ 3 đến 5 triệu người tị nạn”. Mấy ngày qua,
người tị nạn Ukraine đã bắt đầu vượt biên giới phía Tây với các nước
NATO như Poland, Hungary, Slovakia, Romania. Trong đó, một triệu người
tị nạn có thể tràn vào Ba Lan. Lính Mỹ triển khai đến Ba Lan có thể giúp
những ngườ tị nạn này. Các quan chức chính phủ Đức cũng hứa giúp đỡ.
Chiến thắng của Nga sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược của Mỹ ở châu
Âu, châu Á và Trung Đông. Thắng lợi của Nga ở Ukraine đòi hỏi Washington
phải “xoay trục sang châu Âu”, vì Mỹ có lợi ích thương mại rất lớn ở
châu Âu. Mỹ và EU là đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của nhau.
Tổng giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ đạt 1,1 nghìn tỷ đô la (năm
2019). Nếu châu Âu mất ổn định, Mỹ sẽ đơn độc hơn trên trường quốc tế. (What
if Russia Wins?
Liana Fix & Michael Kimmage,
Foreign Affairs,
February 18, 2022).
Các quan chức NATO đang soạn thảo một “khái niệm chiến lược” mới. Đó là
một kế hoạch cho các ưu tiên của liên minh trong những năm tới. Mỹ cũng
đang soạn thảo một chiến lược an ninh quốc gia và một bản đánh giá lại
tư thế hạt nhân của Mỹ. Một cuộc chiến ở Ukraine sẽ làm ảnh hưởng đến
tất cả những nỗ lực đó. Một số điểm sẽ phải làm lại từ đầu, tính đến mối
đe dọa ngày càng cao từ Nga. Nếu phương Tây áp đặt các biện pháp trừng
phạt kinh tế nặng nề hơn, Nga có thể sẽ đáp trả theo những cách làm tăng
nhiệt độ hơn nữa.
Mấy tuần qua, các quan chức ngoại giao Mỹ và châu Âu đã thỏa thuận về
các biện pháp trừng phạt phối hợp để triển khai trong những ngày tới,
trong đó có trừng phạt về tài chính, về công nghệ và cá nhân. Các ngân
hàng Nga sẽ bị cắt khỏi hệ thống tài chính, các quan chức Nga không thể
đi sang các nước phương Tây, và tài sản tại các ngân hàng phương Tây sẽ
bị đóng băng. Nga sẽ bị chặn tiếp cận các công nghệ tiên tiến như chất
bán dẫn và các bộ phận máy bay. Tác động đối với nền kinh tế của Nga có
thể sẽ rất sâu sắc. Nhưng điều đó không có khả năng làm cho Putin chuyển
hướng khỏi con đường ông ta đã lựa chọn
Goldman Sachs ước tính tổn thất thương mại do nhu cầu của Nga giảm 10%
sẽ khiến khu vực đồng Euro mất khoảng 0,1% GDP. Đối với Anh, tổn thất
chỉ bằng một nửa con số đó. Nhưng vấn đề là một số mặt hàng nhập khẩu từ
Nga là nguyên liệu đầu vào quan trọng và khan hiếm cho hoạt động sản
xuất của châu Âu. Nga cung cấp khoảng 30-40% khí đốt của châu Âu. An
ninh Phần Lan và Bulgaria dễ bị tổn thương hơn, trước thái độ hung hăng
của Nga. Vì vậy hai nước này có thể sẵn sàng trả giá đắt để tăng cường
khả năng răn đe.
Ukraine tác động đến khu vực Nga và Trung Quốc liên kết chứ không liên minh,
nên có sự linh hoạt nhất định. Câu hỏi lớn về liên kết Trung-Nga là liệu
nó có tồn tại lâu dài trong một môi trường địa chính trị đang thay đổi
nhanh chóng hay không. Putin và Tập đã gặp nhau tới 38 lần, gần đây nhất
là tại Bắc Kinh (4/2/2022). Putin và Tập tuyên bố đối tác Trung-Nga
không bị ràng buộc bởi hệ tư tưởng chung. Putin và Tập “muốn cải cách
chứ không thay thế trật tự toàn cầu”. Tầm nhìn của họ cơ bản là bảo thủ.
Putin lôi kéo Tập chống lại sự bành trướng của NATO. Nga không dễ dàng chấp nhận vai trò là đối tác
thấp hơn của Trung Quốc. Quy mô nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp sáu lần
quy mô nền kinh tế Nga. Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của
Nga, nhưng Nga không lọt vào top 10 đối tác hàng đầu của Trung Quốc.
Chưa biết liệu Trung Quốc có giúp Nga tránh được các lệnh trừng phạt
kinh tế hay không. Nga ủng hộ Trung Quốc chống lại AUKUS, và hỗ trợ
Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông, đứng về phía
Trung Quốc trong cuộc đụng độ với Ấn Độ. Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói,
“Trung Quốc không muốn thấy những gì đang diễn ra tại Ukraine hôm nay”,
và phủ nhận tin Trung Quốc đã bí mật giúp Nga. Ngoại trưởng Vương Nghị
kêu gọi Nga đối thoại. Cuộc xâm lăng của Nga là một phép thử liên kết
Trung-Nga, đang chuyển từ “hôn nhân vụ lợi” (marriage
of convenience) sang liên minh chính thức. Trung Quốc tỏ ra bất ngờ
trước chiến dịch quân sự của Nga. Trước khi Putin ra lệnh tấn công,
Trung Quốc vẫn lên án Mỹ và NATO, phớt lờ cảnh báo của Nhà Trắng.
Sự lệ thuộc của Việt Nam vào công nghiệp quân sự
của Nga giờ đây có thể nguy hiểm cho an ninh của Việt Nam. “Con bài Nga”
nay trở thành vấn đề trên bàn hội nghị, nếu sự lựa chọn của Việt Nam
thiếu tầm nhìn. Cách nhìn của Việt Nam về an ninh chưa thoát khỏi thói
quen trong quá khứ, bị động thay vì chủ động. Hiện nay tuy lãnh đạo Việt
Nam có khuynh hướng ngả theo Mỹ nhiều hơn, nhưng từ ý tưởng đến hành
động, Việt Nam vẫn có một khoảng cách lớn.
Hy vọng cuộc chiến ở Ukraine có
thể rút ngắn khoảng cách này. Nga không chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí,
nên Việt Nam không thể nhái. Một số thiết bị khác có khả năng phải nhập
khẩu theo định kỳ. Những thiết bị, phụ tùng và vũ khí đi kèm các loại
máy bay, tên lửa, tầu ngầm của Nga không tích hợp được với hệ thống của
Mỹ. Một khi Nga bị cấm vận, thì Mỹ, Nhật, EU trừng phạt không chỉ Nga mà
cả các nước mua sắm của Nga, nhất là về khí tài quân sự. Việt Nam sẽ khó
khăn khi không có nguồn thay thế. Lúc này, các phương tiện chiến đấu của
Việt Nam có nguy cơ trở thành “đồ chơi”, hoàn toàn phụ thuộc vào khả
năng ngoại giao của Việt Nam với phương Tây. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu nên
sẽ bị ảnh hưởng về kinh tế. Các đòn trừng phạt và phong tỏa toàn diện
của Mỹ, EU, Nhật với Nga và các nước có quan hệ kinh tế, quân sự với Nga
khá mạnh. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào vũ khí Nga như máy bay chiến đấu,
tên lửa, tàu ngầm, đều cần khí tài kèm theo và phụ tùng thay thế định
kì, theo một hệ thống cố định. Trong mối quan hệ tay ba phức tạp
Mỹ-Viêt-Nga cũng như Mỹ-Việt-Trung, Việt Nam cần xem xét và đánh giá lại
quan hệ với Trung Quốc và Nga.
Thay lời kết
Về lâu dài, Trung Quốc có thể là “ngư ông đắc lợi” nếu Mỹ sa lầy ở
Ukraine. Nhưng trước mắt, Nga xâm lược Ukraine đã đẩy Trung Quốc vào thế
mắc kẹt và khó xử, với “lập trường hai mặt” (double
standards). Một mặt, Trung Quốc rất lợi vì Nga bị phương tây trừng
phạt sẽ cần Trung Quốc đầu tư và mua hàng hóa. Mặt khác, ủng hộ Nga xâm
lược sẽ làm Trung Quốc mất mặt trước cộng đồng quốc tê. (Abrupt
Changes: China Caught in a Bind Over Russia’s Invasion of Ukraine,
Chris
B uckley, New York Times, February 25, 2022). Theo giáo sư Graham Allison (Harvard), Trung Quốc
phải đi dây giữa ủng hộ “các lo ngại an ninh chính đáng” của Nga và
khẳng định cam kết với nguyên tắc “toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ”. Trung
Quốc sẽ kêu gọi các bên đàm phán và có thể môi giới một hiệp định mà
Ukraine sẽ chấp nhận “quy chế trung lập”. Nhưng một khi phải thực sự lựa
chọn, thì Trung Quốc sẽ ủng hộ Nga. Allison cho rằng Tập Cận Bình về cơ
bản bất chấp sức ép về địa chính trị để xây dựng một “liên minh có hiệu
lực” (functional alliance) giữa Trung Quốc và Nga để hoạt động có ý
nghĩa hơn các liên minh chính thức mà Mỹ hiện đang có. (Ukraine
Crisis: Will China Have Putin’s Back? Graham Allison, National
Interest, Theo giáo sư Hugh White (ANU) “cách thức ứng phó
của Mỹ trước những tham vọng của Putin ở châu Âu sẽ định hình bước đi
tiếp theo của Tập Cận Bình với Đài Loan”. White viết: “Những
gì Putin đang làm ở Ukraine hiện nay hoàn toàn giống những gì Tập Cận
Bình đang làm với Đài Loan”. Ông
lập luận nếu Ukraine cho thấy Joe Biden không muốn tiến hành một cuộc
xung đột quân sự toàn diện, Tập Cận Bình sẽ càng táo bạo để hành động
đối với Đài Loan nếu ông ấy tin rằng Washington sẽ không đáp trả.
“Nguy cơ nghiêm trọng là Tập Cận Bình sẽ tự
thuyết phục mình rằng Mỹ sẽ không đáp trả để bảo vệ Đài Loan”. (The
Taiwan question: when will Xi make his move? Michael Smith,
Financial Review, February 21, 2022). Theo giáo sư Zachary Abuza (National War
College), Nga tấn công Ukraine có thể làm khuynh đảo trật tự toàn cầu,
nhưng các nước Đông Nam Á đều im lặng trước tiền lệ nguy hiểm mà Nga
đang tạo ra. Việt Nam là một đối tác gần gũi của Nga nên không nói gì và
báo chí cũng không đưa tin. Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cảnh
báo “một cuộc xâm lăng nhằm thâu tóm Đài Loan do Trung Quốc tiến hành sẽ
là quân cờ Domino đầu tiên trong ván cờ mà Bắc Kinh muốn làm bá chủ ở Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương”. Trung Quốc có thể
áp dụng cách Putin phủ nhận chủ quyền của Ukraine để yêu sách đối
với chủ quyền các vùng lãnh thổ ở Đông Nam Á. Nếu Putin không bị ngăn
chặn, thì Tập có thể làm như vậy.
NQD. 26/2/2022 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 26-2-22 |