Biểu
tình giấy trắng: quả bom nổ chậm ở Trung Quốc
Nguyễn
Quang Dy
Chỉ hơn một tháng sau ngày bế mạc Đại hội Đảng lần thứ 20, một làn sóng
biểu tình đã nổ ra tại Trung Quốc như một quả bom làm rung chuyển đất
nước và chấn động thế giới. Xu hướng cực đoan và độc tài cá nhân của Tập
Cận Bình, đặc biệt là chính sách “zero Covid”, đã kích hoạt quả bom nổ
chậm. Tập Cận Bình đã bị đẩy vào thế lưỡng
nan. Chưa rõ Bắc Kinh sẽ nhân nhượng hay đàn áp phòng trào biểu tình
“giấy trắng” như Thiên An Môn.
Giọt
nước tràn ly
Đời sống người dân Trung Quốc nói chung và
tầng lớp trung lưu nói riêng đã được cải thiện đáng kể do sự phát triển
kinh tế thần kỳ trong mấy thập kỷ. Theo quy luật, đời sống vật chất cao
hơn sẽ thúc đẩy người dân muốn có đời sống tinh thần tốt hơn. Tuy về
chính trị chưa dân chủ hóa, nhưng người dân sẽ ủng hộ chính quyền nếu
cuộc sống của họ được đảm bảo. Nhưng chính sách “zero Covid” của Tập Cận
Bình đã làm “giọt nước tràn ly”.
Một khi người dân đã bất bình nổi dậy phản đối chính sách “zero Covid”
(là cái ngòi), họ sẽ đòi quyền tự do dân chủ bị bóp nghẹt (là cái gốc).
Nói cách khác, đó là quy luật “cùng tắc biến”. Nếu “Zero Covid” là lý do
thứ nhất (trực tiếp) thì vấn đề nhân quyền là lý do thứ hai (gián tiếp).
Lý do thứ ba là đấu đá nội bộ vẫn tiếp tục sau khi Tập Cận Bình hạ nhục
Hồ Cẩm Đào tại đại hội 20, và loại các nhân vật cải cách ôn hòa khỏi ban
lãnh đạo.
Một nguyên nhân khác là truyền thống đấu tranh của người Trung Quốc.
Phong trào “biểu tình dù” ở Hong Kong (2019) tuy đã bị chìm đi vì đại
dịch Covid, nhưng tinh thần đấu tranh đòi tự do dân chủ của họ vẫn còn
sống. Phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ của sinh viên Trung Quốc
tuy bị đàn áp đẫm máu tại quảng trường Thiên An Môn (6/1989), nhưng tinh
thần của họ vẫn sống trong lòng người dân Trung Quốc như một di sản.
Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi sâu rộng vì tác động to lớn của
đại dịch Covid và cuộc chiến tranh Ukraine, người dân Trung Quốc dù muốn
hay không cũng buộc phải suy nghĩ về tương lai của Trung Quốc và Đài
Loan. Sau mấy ngày đầu tham gia biểu tình, người dân đã “vượt qua nỗi sợ
hãi”, và tạo ra sự khác biệt. Thông điệp của họ đã có màu sắc chính trị,
đòi “Tập Cận Bình từ chức” và đòi “đảng cộng sản thoái lui”.
Sau vụ hỏa hoạn làm chết 10 người ở thành phố Urumqi, Tân Cương
(24/11/2022) do lệnh phong tỏa, các
cuộc biểu tình đã lan nhanh tới 51 điểm tại 24 tỉnh/thành phố, và
50 trường đại học khắp Trung Quốc (gần một nửa nước). Rút kinh nghiệm
phong trào “biểu tình dù” tại Hong Kong (năm 2019) người dân Trung Quốc
đã có sáng kiến dùng “giấy trắng” làm biểu tượng. Một số nước khác bắt
đầu lo ngại về “hiệu ứng domino”.
Đến cuối tháng 11/2022, lệnh phong tỏa đã nhốt 530 triệu người (40 % dân
số). Nhiều người dân bị chết vì thiếu chăm sóc y tế kịp thời hoặc vì
đói. Trong khi đó, Tập Cận Bình chỉ quan tâm đến đến thành tích “zero
Covid” để củng cố quyền lực. Nay người biểu tình không chỉ đòi bỏ phong
tỏa mà còn đòi “Tập Cận Bình từ chức”. Một số người dân đã bị bắt. (The
Chinese Dream Denied,
Vivian Wang, New York Times, December 4, 2022).
Các biện pháp mà chính quyền sử dụng để đàn áp làn sóng biểu tình “giấy
trắng” không chỉ có bạo lực mà còn cả dữ liệu lớn để xác định, theo dõi,
và kiểm soát. Đó là kỹ thuật giám sát đã được phát triển để đàn áp phong
trào dân chủ ở Hong Kong. Phong tỏa không chỉ tước quyền tự do của dân,
mà còn làm thiệt hại nền kinh tế. (Quash
the white paper-Xi’s Chinese dream turns nightmare,
Katsuji Nakazawa,
Nikkei, December 1, 2022).
Quả bom nổ chậm
Lâu nay chính quyền đã có thỏa thuận ngầm (social contract) với người
dân. Để bù vào những hạn chế về tự do dân chủ, người dân Trung Quốc được
hưởng lợi từ sự ổn định và cuộc sống vật chất dễ chịu (comfort). Nhưng
xu hướng cực đoan, đặc biệt là chủ trương “zero Covid” của Tập Cận Bình
đã làm người dân bức xúc và thất vọng (frustration). Chính quyền một số
nơi như Quảng Châu đã phải nới lỏng phong tỏa để xoa dịu người dân.
Trong tương lai, dù có nới lỏng chủ trương “zero Covid”, thì xu hướng
cực đoan của chính quyền chắc không thay đổi, nhằm kiểm soát chặt người
dân (social control). Trong bối cảnh nhà nước muốn kiểm soát mọi thứ
(the state is everywhere) thì xu hướng “bất tuân dân sự” (civil
disobedience) chắc sẽ gia tăng. Vì vậy, không biết chính quyền sẽ làm
thế nào để có thể xoa dịu dân chúng và duy trì được “thỏa thuận ngầm”
(social contract).
Nay người dân Trung Quốc không chỉ đòi bỏ phong tỏa mà còn đòi quyền tự
do ngôn luận. Tuy các cuộc biểu tình chưa đủ mạnh để buộc chính quyền
phải thay đổi về chính trị, nhưng nó đang tạo ra tiền đề đó. Trong khi
những người ôn hòa chỉ muốn thay đổi chủ trương “zero Covid”, những
người cấp tiến muốn có chính phủ và lãnh đạo khác. (The
protests rocking China,
Daria Impiombato
and
Vicky Xiuzhong Xu,
ASPI, December 3, 2022).
Động thái đó đặt ra một câu hỏi chưa từng có: liệu Tập Cận Bình sau Đại
hội 20, có chịu nhân nhượng người dân hay sẽ thẳng tay đàn áp biểu tình
như một Thiên An Môn thứ hai? Khi lệnh phong tỏa bắt đầu cách đây gần ba
năm ở Vũ Hán, một vài cuộc biểu tình nhỏ đã nổ ra, song hầu hết người
dân lúc đó cho rằng chính sách phong tỏa “zero Covid” là hợp lý. Nhưng
sau ba năm, lệnh phong tỏa và xét nghiệm đã đẩy người dân tới đường
cùng.
Chính quyền đã nhận thức được phong tỏa góp phần đáng kể vào những khó
khăn kinh tế của Trung Quốc. Nhưng họ sai lầm khi cho rằng đây là nguyên
nhân chính hoặc duy nhất dẫn đến tình trạng xơ cứng của đất nước. Thực
tế là suy thoái đã bộc lộ những vấn đề cấu trúc sâu xa hơn, và để khắc
phục thì lãnh đạo Trung Quốc phải có tầm nhìn xa và táo bạo hơn. (Xi
Versus the Street,
Ian Johnson, Foreign Affairs,
November 30, 2022).
Các cuộc biểu tình chống chủ trương “zero-Covid” đã làm Tập Cận Bình mất
thể diện. Có thể nói đó là sự thách thức nghiêm trọng nhất đối với quyền
lực của ông kể từ khi lên cầm quyền cách đây một thập kỷ. Một số phản
đối chủ trương phong tỏa kéo dài, đã nhắm vào cá nhân Tập. Tại Thành Đô,
những người biểu tình nói rõ: “Chúng tôi không muốn một hệ thống chính
trị hay một lãnh đạo suốt đời. Chúng tôi không muốn một hoàng đế”.
Thành công của Tập Cận Bình trong việc đối phó với Covid-19 là một phần
quan trọng để tạo ra “huyền thoại” về ông. Chủ trương “zero Covid” phản
ánh xu hướng độc tài cá nhân của Tập muốn kiểm soát tất cả. Vì vậy, đối
phó với Covid-19 thành công sẽ là dấu ấn của một người hùng được đầu tư
quá nhiều quyền lực. (Xi
Jinping’s pandemic triumphalism returns to haunt him, Gideon
Rachman, Financial Times,
November 28, 2022). Theo giáo sư MinXin Pei, Tập Cận Bình đã lãnh đạo Trung Quốc vượt qua thời kỳ nguy hiểm với quyền lực không bị kiểm soát, và điều đó có thể gây ra xung đột trong nội bộ và cản trở cách quản trị hiệu quả. Vì vậy, chiến thắng của Tập trong trận đấu quyết định tại Đại hội Đảng lần thứ 20 không đảm bảo cho thắng lợi của ông trong tương lai. (Xi Jinping and the Paradox of Power, Minxin Pei,
Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng cách mạng văn hóa đã để lại di sản
như những “quả bom nổ chậm”. Quả bom đó đã phát nổ tại quảng trường
Thiên An Môn (6/1989) khi chính quyền dùng bạo lực đàn áp sinh viên được
phái cải cách (Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương) ngầm ủng hộ. Mỹ và phương
Tây tuy phản đối nhưng vẫn chủ trương “can dự xây dựng” với hy vọng
Trung Quốc sẽ dân chủ hóa. Đó là sai lầm và ngộ nhận.
Khi Tập Cận Bình bộc lộ xu hướng độc tài, hiếu chiến, thách thức trật tự
của phương Tây, thì Mỹ đã tỉnh ngộ. Dưới thời Donald Trump và Joe Biden,
Mỹ và phương Tây đã tăng cường liên kết để chống lại sự trỗi dậy của
Trung Quốc như đối thủ chiến lược chính. Nay phản ứng của Mỹ và phương
Tây với Trung Quốc về đối nội (đàn áp biểu tình) và đối ngoại (đe dọa
Đài Loan và lấn chiếm Biển Đông)
khác với thời Thiên An Môn (1989).
Thật trớ trêu khi thần tượng của Tập là Mao đã từng viết rằng “trên một
trang giấy trắng không tì vết, người ta có thể viết những dòng chữ mới
đẹp nhất, và vẽ những bức tranh mới đẹp nhất”. (On a blank sheet of
paper free from any mark, the freshest and most beautiful characters can
be written, the freshest and most beautiful pictures can be painted.” (Xi’s
Shattered Illusion of Control,
Orville Schell,
Foreign Affairs, December 5, 2022).
Tuy các cuộc biểu tình chưa phải là “bước ngoặt lịch sử” (historical
tipping point) nhưng nếu chính quyền dùng bạo lực đàn áp sẽ xô đẩy Trung
Quốc đến bước ngoặt đó. Tập Cận Bình không phải là người dễ chấp nhận
“sự phạm thượng” (lèse majesté) và chắc không bỏ qua. Các cuộc biểu tình
cũng nhắc nhở chúng ta rằng người dân không chỉ cần ăn, mua sắm và giải
trí, mà họ không muốn bị phong tỏa, kiểm soát, bắt nạt, và giam giữ.
Tham khảo
1. Xi Jinping and the Paradox of Power, Minxin Pei,
Xi Jinping’s pandemic triumphalism returns to haunt him,
Gideon Rachman, Financial
Times, November 28, 2022
3.
Xi Versus the Street,
Ian Johnson, Foreign Affairs,
November 30, 2022
4.
Xi
Jinping in His Own Words,
Matt Pottinger, Matthew Johnson, and David Feith,
Foreign Affairs, November 30, 2022
5.
Quash the ‘white paper’ – Xi’s Chinese dream turns nightmare,
Katsuji Nakazawa,
Nikkei, December 1, 2022
6.
China’s Covid Crisis Is a Mess of Xi Jinping’s Own Making,
Kaush Arha,
National Interest, December 3, 2022
7. The protests rocking China,
Daria Impiombato
and
Vicky Xiuzhong Xu,
ASPI, 3 Dec, 2022
8.
The
Chinese Dream Denied,
Vivian Wang, New York Times, December 4, 2022
9. Xi’s Shattered Illusion of
Control,
Orville Schell,
Foreign Affairs, December 5, 2022
NQD. 6/12/2022
|