Chuyến thăm Việt
Nam của Thủ tướng Nhật Suga Yoshihide Nguyễn Quang Dy
Ngày 16/9/2020, ông Suga Yoshihide (chủ tịch đảng
LDP) đã chính thức trở thành thủ tướng Nhật Bản (với kết quả bỏ phiếu là
314/462). Ông là thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản (đến tháng 9/2021 sẽ phải
bầu cử lại). Có thể nói, chính phủ Suga là sự nối tiếp của chính phủ Abe
mà không có Abe. Ông Suga sẽ tiếp tục chính sách kinh tế của ông Abe
(Abenomics) và chính sách đối ngoại của chính phủ Abe: Nhật là đồng minh
số một của Mỹ ở Đông Á, có quan hệ gắn bó với ASEAN theo tầm nhìn
Indo-Pacific, và có quan hệ nhạy cảm với Trung Quốc. Cũng như ông Abe,
ông Suga cũng chọn Việt Nam là nước đầu tiên để đến thăm (18-20/10) với
cương vị Thủ tướng. Nhưng tại sao Tokyo lại chọn Việt Nam và Indonesia? Thứ nhất, ông Suga không thể đi thăm Mỹ vào lúc
này khi có đại dịch và cuộc tranh cử đầy kịch tính bước vào giai đoạn
cuối (showdown). Đi thăm ASEAN là lựa chọn tốt nhất lúc này, khi đối đầu
Mỹ-Trung tại Biển Đông tăng lên. Việt Nam là chủ tịch ASEAN, có vị trí
chiến lược quan trọng và nhạy cảm tại Biển Đông, trong khi Indonesia là
nước lớn nhất ASEAN, và thành viên nhóm G-20. Việt Nam và Indonesia có
vị trí chiến lược quan trọng bậc nhất trong ASEAN. Hai nước này là cái
đê ngăn Trung Quốc bành trướng xuống phía Nam.
Thứ hai, chuyến thăm này của ông Suga tiếp theo
cuộc họp ngoại trưởng bốn nước “Bộ Tứ” (Quad) tại Tokyo (6/10) tập trung
bàn về tình hình căng thẳng ở khu vực Indo-Pacific và trật tự quốc tế
sau đại dịch Covid-19. Cuộc họp không có tuyên bố chung vì quan điểm các
nước khác nhau, và “Bộ Tứ” chưa có cơ chế làm việc chính thức
(informal). Đây là cuộc họp
ngoại trưởng “Bộ Tứ” lần thứ hai, sau cuộc họp lần đầu tại Washington
(9/2019). Trong bối cảnh các nước phải tập trung đối phó
với đại dịch, Trung Quốc tranh thủ thời cơ để tăng cường gây sức ép tại
Biển Đông. Các nước Mỹ, Canada (Bắc Mỹ) Anh, Pháp, Đức (Tây Âu), Nhật,
Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc (Châu Á) đang liên kết để đối phó với đại dịch, và
hạn chế sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc. Trong khi Mỹ triển
khai chủ trương “tách đôi” (decoupling) thì Nhật cũng đa dạng hóa chuỗi
cung ứng (supply chain). Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng, gọi “Bộ Tứ” là
“NATO Châu Á”. Tuy Hà Nội ủng hộ “Bộ Tứ” và tham gia “Bộ Tứ +3” (gồm
Việt Nam, Hàn Quốc, Tân Tây Lan) để chống
dịch, nhưng Jakarta vẫn lưỡng lự
vì ngại Trung Quốc phản ứng, và sợ làm ảnh hưởng đến vai trò “trung lập”
(neutrality) của ASEAN. Nhưng gần đây, ASEAN nói chung và bốn nước “tiền
tuyến” (frontline states) tại Biển Đông nói riêng (Việt Nam, Indonesia,
Malaysia, Philippines) có thái độ cứng rắn hơn trước sức ép ngày càng
trắng trợn của Trung Quốc tại Biển Đông. Thứ ba, trong bối cảnh nước Mỹ bị phân hóa cao độ
trong chiến dịch tranh cử tổng thống, vai trò quốc tế và cam kết đồng
minh của Mỹ suy giảm, trong khi đối đầu Mỹ-Trung ngày càng quyết liệt,
và hậu quả kinh tế của đại dịch Covid-19 ngày càng nặng nề. Vì vậy, Nhật
phải tăng cường quan hệ với các nước khu vực Indo-Pacific để bảo vệ lợi
ích của Nhật ở khu vực này, và giúp các nước ASEAN đương đầu với áp lực
của Trung Quốc. Tuy lập trường của Nhật mềm mỏng hơn Mỹ, nhưng tăng
cường hợp tác quốc phòng là “mấu chốt” (key point) trong chuyến thăm
Việt Nam của ông Suga, sau khi ba chiến hạm Nhật vừa đến thăm cảng Cam
Ranh (10/10), gồm tàu sân bay JS Kaga, tàu khu trục JS Ikazuchi, và tàu
ngầm JS Shoryu. Nhật đã tham gia “Five Eyes” (cơ chế tình báo năm
nước Mỹ, Anh, Úc Canada, Tân Tây Lan) nay trở thành “Six Eyes”. Trong
khi đó, Úc bắt đầu tham gia tập trận hải quân Malabar ở Ấn Độ Dương cùng
Mỹ, Ấn Độ, Nhật (Bộ Tứ). Năm nay, quan hệ Trung-Úc ngày càng xấu đi sau
khi Canberra kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19, làm Trung Quốc
tức giận, áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại (không mua thịt bò
và lúa mạch của Úc). Gần đây, ba nước (Nhật, Úc, Ấn) xúc tiến “Sáng
kiến Chuỗi Cung ứng Bền vững” (Supply Chain Resilience Initiative), nhằm
giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, và để ngỏ cho các nước ASEAN tham gia. Nếu
Bắc Kinh hành xử thô bạo, thì các nước sẽ liên kết để cô lập Trung Quốc.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật rút khỏi Trung Quốc, Tokyo quyết định
chi US$ 2,2 tỷ. Tháng 7/2020, Tokyo đã chi US$ 542 triệu để hỗ trợ 57
công ty đầu tư vào Nhật, và 30 công ty khác đầu tư vào ASEAN, trong số
đó một nửa đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam đang nổi lên như một nước kiểm soát
thành công đại dịch, và trở thành một địa chỉ đầu tư lý tưởng tại khu
vực cho các công ty Nhật đang rời Trung Quốc. Theo các chuyên gia Nhật,
có ba lý do quan trọng làm cho Nhật quan tâm đến Việt Nam. Một là, số
người Việt đến sống và làm việc tại Nhật tăng nhanh nhất (đến nay có
420.000 người). Hai là, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất về dòng
vốn FDI từ Nhật, để điều chỉnh chuỗi cung ứng. Ba là, ASEAN có vị trí
sống còn trong chiến lược của Nhật tại khu vực Indo-Pacific. Tính đến 12/2019, Nhật đã cho Việt Nam vay (ODA)
là US$ 23,76 tỷ (đứng đầu, chiếm 26,3% tổng vốn vay nước ngoài). Tính
đến 9/2020, Nhật có 4.595 dự án FDI tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là
US$ 59,87 tỷ (đứng thứ 2 trong số 136 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư
vào Việt Nam). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm 2020
là US$ 28,6 tỷ (giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó nhập khẩu
là US$ 14,6 tỷ (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019), xuất khẩu là US$ 14
tỷ (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019). Quan hệ Nhật-Việt đã phát triển rất mạnh trên cơ
sở hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao sớm (từ 21/9/1973), nâng cấp
quan hệ lên Đối tác chiến lược (2009) và đối tác chiến lược sâu rộng
(3/2014). Nhật là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường
của Việt Nam (2011), và mời Việt Nam dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng
(5/2016). Những năm gần đây, quan hệ Nhật-Việt đã phát triển lên một tầm
cao mới, với các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo hai nước, như Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015) và Nhật Hoàng (2017). Đặc biệt, Thủ tướng
Abe Shinzo đã thăm Việt Nam bốn lần trong 8 năm cầm quyền.
Theo Nikkei, trong chuyến thăm Việt Nam lần
này của Thủ tướng Suga Yoshihide, ngay sau hội đàm Nhật-Việt (sáng
19/10), hai bên đã ký 12 văn bản hợp tác, trong đó có hiệp định chuyển
giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng của Nhật cho Việt Nam. Đây là một
bước phát triển quan trọng cho hợp tác an ninh-quốc phòng giữa hai nước,
đặc biệt là an ninh trên biển. Nhật sẽ tiếp tục chuyển giao cho Việt Nam
tàu tuần tra của lực lượng cảnh sát biển. Hợp tác an ninh là chủ đề
chính trong các cuộc gặp của ông Suga với các lãnh đạo của Việt Nam.
Theo CSIS, Thủ tướng Suga Yoshihide đã “phá vỡ
truyền thống” khi không đi thăm Mỹ trước mà đi thăm Việt Nam và
Indonesia. Chuyến thăm này nhằm củng cố quan hệ của Nhật với khu vực,
nơi Việt Nam và Indonesia có vai trò trọng yếu trong tầm nhìn
Indo-Pacific tự do và rộng mở . Ông Suga nói: “Tôi chọn Việt
Nam vì đó là địa điểm thích hợp nhất để tôi gửi thông điệp này ra thế
giới”. Tuy liên
minh Nhật-Mỹ vẫn là nền tảng của an ninh và ổn định trong khu vực, nhưng
Nhật Bản có vai trò dẫn đầu đối với hòa bình và thịnh vượng tại đây.
Sớm hay muộn, “Bộ Tứ mở rộng” sẽ là xu hướng tất
yếu trong cấu trúc an ninh khu vực để đối phó với bành trướng và đe dọa
của Trung Quốc. Tokyo thúc đẩy tầm nhìn Indo-Pacific không chỉ qua hợp
tác an ninh quốc phòng (như tập trận và chuyển giao thiết bị quốc
phòng), mà còn qua hợp tác toàn diện (như phát triển hạ tầng và đa dạng
hóa chuỗi cung ứng). Vì vậy, Việt Nam phải cải thiện môi trường kinh
doanh (như thủ tục minh bạch, thông thoáng), và nâng cao năng lực cho
nguồn nhân lực (như ngôn ngữ và hiểu biết về văn hóa Nhật). Tác giả gửi cho viet-studies ngày 19-10-20 |