Điều chỉnh chiến lược hay trở về tương lai?

Nguyễn Quang Dy

Nếu muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh” – “If you want peace, prepare for war”. (Roman general Vegetius). 

Trong bài bình luận nhân dịp Tết Mậu Tuất: Mỹ-Trung điều chỉnh chiến lược thế nào đăng trên Viet-studies (15-16/2/2018), tôi có một số nhận xét sơ bộ và trích dịch để giới thiệu một báo cáo mới của RAND Corporation nghiên cứu về điều chỉnh tư duy chiến lược của Trung Quốc. Trong báo cáo đó, tác giả đã phân tích và nhấn mạnh tính hệ thống trong chiến tranh hiện đại: Systems Confrontation and System Destruction Warfare: How the Chinese People’s Liberation Army Seeks to Wage Modern Warfare, Jeffrey Engstrom, RAND, 2018.

Trong bài phân tích này, tôi tiếp tục bình luận và giới thiệu thêm một số tài liệu tham khảo cùng chủ đề về điều chỉnh chiến lược Mỹ-Trung như: The China Reckoning: How Beijing Defied American Expectations, Kurt Campbell & Ely Ratner, Foreign Affairs, February 13, 2018; Rising to the China Challenge, statement by Ely Ratner before the House Committee on Armed Services, Hearing on Strategic Competition with China, CFR, February 15, 2018; The Chinese Century, Hal Brands, National interest, February 19, 2018; Limiting Chinese Aggression: A Strategy of Counter-Pressure, Charles Edel, American Interest, February 9, 2018); Two Belts, Two Roads, Bruno Macaes, American Interest, February 13, 2018. 

Các học giả nói gì

Trong bài “Tính toán lại về Trung Quốc” (The China Reckoning) đăng trên Foreign Affairs (February 13, 2018) Kurt Campbell & Ely Ratner đã phân tích một cách thuyết phục những sai lầm trong chính sách Trung Quốc của các chính quyền Mỹ lâu nay dựa trên “lòng tin sai lầm” (mistaken confidence) với ảo tưởng có thể “đưa Trung Quốc vào khuôn khổ theo ý muốn của Mỹ” (mold China to the United States’ liking). Họ kêu gọi Mỹ phải có cách tiếp cận mới sáng suốt (clear-eyed policy) để đối phó với những thách thức của Trung Quốc làm cho Mỹ sao nhãng khỏi những mục tiêu cốt lõi của mình. Mỹ phải bỏ ảo tưởng là tự do hóa kinh tế sẽ làm Trung Quốc cởi mở hơn về chính trị, và phải thừa nhận rằng Trung Quốc không chịu tuân theo trật tự an ninh do Mỹ dẫn dắt. Trong bài phát biểu tại điều trần của Ủy ban Quân lực Hạ Viện “Đương đầu với thách thức của Trung Quốc” (Rising to the China Challenge) đăng trên CFR (February 15, 2018), Ely Ratner đã phân tích và khẳng định lại những quan điểm được đề cập trong bài essay nói trên, và khuyến nghị một số chính sách cụ thể.   

Trong bài “Thế kỷ Trung Quốc” (The Chinese Century) đăng trên National interest (February 19, 2018) Hal Brands khẳng định không phải người Mỹ không biết Trung Quốc sẽ trỗi dậy và đe dọa vai trò đứng đầu của Mỹ tại Đông Á (và trên thế giới). Ngay từ khủng hoảng eo biển Đài Loan (1995-1996), có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không cam chịu chấp nhận nguyên trạng (status quo), mà quyết tâm trỗi dậy thành cường quốc đứng đầu Đông Á, (thậm chí toàn cầu) để ngang hàng với Mỹ vào giữa thế kỷ 21. Các chuyên gia phân tích quốc phòng Mỹ đã lo lắng dự báo khả năng về lâu dài sẽ có xung đột giữa Trung Quốc với các đồng minh của Mỹ (và có thể cả với Mỹ). Sớm hay muộn Trung Quốc sẽ quyết tâm thay đổi nguyên trạng tại Đông Á, và thách thức vai trò đứng đầu của Mỹ trong trật tự thế giới.  

Theo Andrew Marshall (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng), nước Mỹ phải “chuẩn bị cho cạnh tranh lâu dài về ảnh hưởng và vị trí của Mỹ và Trung Quốc tại lục địa Á-Âu và vành đai Thái Bình Dương”. Nhiều học giả khác cũng cảnh báo sự trỗi dậy của Trung Quốc không phải hòa bình mà gây bất ổn định (disruptive). Ngay sau Chiến tranh Lạnh, chính quyền George W. Bush cho rằng Washington có thể phải “ngăn chặn hoặc cân bằng Bắc Kinh” (contain or balance Beijing). Ngày nay, những gì đã và đang diễn ra tại Biển Đông và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đã minh chứng cho các cảnh báo đó.  

Mối đe dọa của Trung Quốc không còn là một khả năng xa xôi, mà đã trở thành một thực tế trước mắt. Tại Đại hội Đảng 19 (10/2017) Tập Cận Bình tuyên bố thẳng thừng là “Trung Quốc bước vào một ‘kỷ nguyên mới’ và sẽ chiếm vị trí trung tâm của thế giới”. Tuy các chuyên gia chiến lược Mỹ đã dự báo điều đó đang đến, nhưng các chính quyền Mỹ “thường phản ứng chậm chễ” (consistently has been slow to react). Trong khi Trung Quốc trỗi dậy nhanh thì Mỹ phản ứng “yếu ớt” (lethargy). Tổng thống Obama đã nổi tiếng với khẩu hiệu “lãnh đạo từ phía sau” (leading from behind) và tuần tra tại Biển Đông (FONOP) bằng cách “đi qua vô hại” (innocent passage) vì không muốn căng thẳng với Trung Quốc, trong khi Trung Quốc tranh thủ cơ hội này để quân sự hóa Biển Đông, biến nó thành cái ao riêng của mình.  

Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ vẫn duy trì một lực lượng quân sự hùng hậu tại Đông Á để ngăn chặn Trung Quốc hung hăng trỗi dậy, nhằm bảo vệ các nước đồng minh và hỗ trợ các đối tác khác trong khu vực (như Singapore và Việt Nam) tăng cường năng lực quốc phòng. Kể từ thời chính quyền Bush đến chính quyền Obama, Bộ Quốc phòng Mỹ không quên mối đe dọa tiềm ẩn của Trung Quốc, và từng bước điều động một phần lực lượng không quân và hải quân sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, để “tái cân bằng” (rebalance) và răn đe Trung Quốc không được bắt nạt các nước láng giềng tại Biển Đông, cũng như các nước khác.

Tuy nhiên, các nỗ lực đó của Mỹ không theo kịp được thách thức của Trung Quốc, nên tương quan lực lượng tại khu vực Biển Đông đã thay đổi có lợi cho Trung Quốc. Theo báo cáo của RAND (năm 2015), cán cân lực lượng tại Châu Á-Thái Bình Dương đã tiến đến điểm bùng phát (tipping points). Các quan chức chính quyền Obama đã phải thừa nhận rằng các cố gắng của Mỹ (như tuần tra FONOP) không ngăn cản được Trung Quốc tăng cường đáng kể vị thế của họ tại Biển Đông bằng cách thay đổi thực địa như bồi đắp và quân sự hóa các đảo họ chiếm đóng, tiếp tục bắt nạt các nước láng giềng và phân hóa các nước ASEAN.        

Những bài học của Mỹ

Trong bài “Thế kỷ Trung Quốc” (The Chinese Century), Hal Brands đã phân tích những bài học về sự ngộ nhận của Mỹ đối với Trung Quốc. Thứ nhất, Mỹ đã không kiềm chế Trung Quốc mà còn đóng vai trò chính giúp Trung Quốc trỗi dậy, phát triển kinh tế một cách đáng kinh ngạc, nhất là sau bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng tại sao Mỹ lại ứng xử một cách ngược đời (counterintuitively) giúp sự trỗi dậy của một đối thủ đáng gờm như Trung Quốc? Có lẽ vì lúc đó Trung Quốc theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình phải “dấu mình chờ thời”, cam kết “trỗi dậy hòa bình” để tránh gây xung đột với Mỹ. Ngay cả khi Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, thay đổi thực địa và quân sự hóa Biển Đông, họ cũng khôn ngoan áp dụng chiến thuật “tằm ăn dâu” (incremental tactics), để tránh khiêu khích Mỹ phản ứng quân sự. 

Thứ hai, chính sách của Mỹ thường dựa trên những “ý tưởng cốt lõi” (core ideas) nhằm phản ứng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những ý tưởng đó theo một định hướng mà tác giả Hal Brands cho là “phản ứng quá yếu chứ không phải quá mạnh” (more of an underreaction than an overreaction). Ngày nay các ý tưởng đó đều phải xem xét lại, vì một chính sách đúng thường phải bắt đầu bằng một ý tưởng đúng. Trong trường hợp này, chính sách của Mỹ về Trung Quốc cần được người Mỹ xem xét lại để chấn chỉnh về mặt nhận thức.  

Dù Mỹ phản ứng trước thách thức của Trung Quốc như thế nào, thì chính sách của Mỹ cũng “phải dựa trên thực tế”, chứ không phải ảo tưởng. Ví dụ, Winston Lord (cựu đại sứ Mỹ tại Trung Quốc) đã từng dự đoán: “sẽ có một chính phủ nhân đạo và ôn hòa hơn tại Bắc Kinh”. Tổng thống George W. Bush cũng nói: “thời gian ủng hộ chúng ta”.  Tổng thống Bill Clinton lập luận: “Trung Quốc càng cởi mở về kinh tế thì càng giải phóng tiềm năng con người, và khi con người có quyền thực hiện ước mơ thì họ sẽ đòi hỏi nhiều hơn”.  Robert Zoellick (cựu Thứ trưởng Ngoại giao) mong muốn Trung Quốc “cộng tác với chúng ta để duy trì hệ thống quốc tế đã giúp họ thành công”.  Madeleine Albright (cựu ngoại trưởng) cũng nhất trí: “Lịch sử thế kỷ này dạy chúng ta biết khôn ngoan để đưa một cường quốc như vậy vào cộng đồng quốc tế như một thành viên có trách nhiệm, chứ không nên gạt họ ra ngoài để cô lập”.

Thứ ba, một nước Trung Quốc giàu có sẽ là một nước Trung Quốc mãn nguyện. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong chính quyền đều muốn Trung Quốc có vai trò lớn hơn trên thế giới bằng cách giúp Trung Quốc tham gia các diễn đàn quốc tế và khuyến khích họ có vai trò lớn hơn về các vấn đề an ninh và chính trị tại Châu Á-Thái Bình Dương (và toàn cầu). Gần đây, Trung Quốc đã tự coi mình là người bảo vệ toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương, để đáp lại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi của Trump. Joseph Nye (cựu trợ lý bộ trưởng Quốc phòng, hiệu trưởng trường Kennedy tại Harvard) nhận xét “nếu bạn đối xử với Trung Quốc như một kẻ thù, Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thù”. Trung Quốc và Mỹ đều có những bất đồng từ lâu vì hệ tư tưởng khác nhau và chính sách đối ngoại cũng khác nhau. Ảo tưởng của Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ “trỗi dậy hòa bình” dù đáng xem xét trong thập niên 1990s, nhưng nay đã lỗi thời.   

Thứ tư, Mỹ nên lo lắng về một nước Trung Quốc yếu hay một nước Trung Quốc mạnh? Hiện nay, nhiều nhà quan sát thạo tin cho rằng một nước Trung Quốc yếu còn nguy hiểm hơn là một nước Trung Quốc mạnh. Tổng thống Obama đã lý giải (năm 2016) “Chúng ta có nhiều lý do để lo về một nước Trung Quốc suy yếu và bị đe dọa chứ không phải là một Trung Quốc trỗi dậy thành công”. Trong trường hợp xấu nhất, Trung Quốc bị ốm yếu bởi biến động kinh tế và chính trị, có thể chuyển sự thất vọng của họ ra bên ngoài…Theo quan điểm của Mỹ, một trong những điều tồi tệ nhất không phải là Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy, mà là Trung Quốc bị đình trệ, thậm chí sụp đổ từ bên trong…Một nước Trung Quốc bị thất bại sẽ đẻ ra những khó khăn nghiêm trọng cho các nước láng giềng, cũng như cho Mỹ và cộng đồng quốc tế. Chính quan điểm này đã làm cho các chính khách Mỹ quan tâm nhiều hơn đến việc tăng cường sức mạnh cho Trung Quốc, chứ không phải là kiềm chế các ý đồ nguy hiểm của họ, ngay cả khi các ý đồ đó đã trở nên rõ ràng, đe dọa hòa bình và ổn định ở Châu Á-Thái Bình Dương. Ý tưởng này thường làm cho các chính khách Mỹ (kể cả Tổng thống Obama) lập luận rằng hệ thống quốc tế không thể vận hành bình thường nếu thiếu một nước Trung Quốc hùng mạnh…  

Thứ năm, các nhà quan sát thường đánh giá thấp khả năng Trung Quốc có thể tiến bộ nhanh như thế nào trong việc triển khai sức mạnh công nghệ cao (high-end power-projection) và năng lực chống xâm nhập (antiaccess/area denial). Một số nhà phân tích của Mỹ không thể hình dung được một nước nghèo và kém phát triển như Trung Quốc lại có thể đe dọa vị trí đứng đầu của Mỹ. James Holmes (giáo sư tại Naval War College) nhận xét rằng những người Mỹ được nuôi dưỡng trong thời chiến tranh lạnh luôn cho rằng PLA là một đội quân lạc hậu. Năm 2009, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã quyết định bỏ dự án đầu tư công nghệ cao để làm loại máy bay chiến đấu siêu việt F-22 và máy bay ném ném bom tàng hình, mà ưu tiên cho dự án công nghệ thấp nhưng cần cho cuộc chiến tiếp tục tại Iraq và Afganistan. 

Cuối cùng, một ảo tưởng cần loại bỏ cho rằng Trung Quốc là đối thủ tương lai, chứ không phải hôm nay…Nhưng tương lai của hôm qua chính là hôm nay… Điều tồi tệ nhất là thách thức của Trung Quốc không phải trong tương lai, mà ngay lúc này và tại đây. Sự cưỡng chế của Trung Quốc trong vùng xám (gray zone) không phải là giả định cho tương lai, mà nó đang làm biến đổi bức trranh địa chính trị của Châu Á-Thái Bình Dương ngay lúc này (in real time). Patrick Cronin (chuyên gia về an ninh khu vực tại CNAS) cho rằng chiến thuật từng bước “cắt lát salami” như đang diễn ra, đã làm thay đổi lớn về nguyên trạng. Trong khi Trung Quốc không muốn đối đầu quân sự với Mỹ, thì ưu thế của Mỹ đang giảm sút tới mức báo động.           

Những ảo tưởng dẫn dắt chính sách Trung Quốc của Mỹ dù không sai ngay từ đầu, nhưng đến nay đã hết tác dụng. Khi tham vọng bành trướng của Trung Quốc nhằm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông đã bộc lộ rõ, thì những ảo tưởng đó che khuất bản chất và tầm vóc các thách thức của Trung Quốc, làm suy yếu động lực phản ứng của Mỹ. Những ảo tưởng trước đây có vẻ hợp lý thì nay ngày càng nguy hiểm…Thật trớ trêu vì sau mấy thập kỷ Mỹ triển khai “constructive engagement” để giúp Trung Quốc phát triển như một “thành công trong thảm họa” (catastrophic success) thì đến nay việc ngăn chặn Trung Quốc hầu như bất khả thi…

Một số nhận xét

Trong khi các học giả tiếp tục tranh luận (như national debate) thì “trục người lớn” trong chính quyền Trump đã quyết định điều chỉnh chiến lược. Nội dung chính của Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) và Chiến lược Quốc phòng (NDS) của Mỹ đã khẳng định “Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất” đối với lợi ích cốt lõi của Mỹ, và kêu gọi Mỹ tăng cường sức mạnh để đối phó với mối đe dọa đó. Tầm nhìn chiến lược mới của chính quyền Trump thực chất không khác tầm nhìn chiến lược cũ của chính quyền Obama là xoay trục sang Châu Á để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng vì Trump muốn phủ nhận mọi di sản của Obama (như TPP và Pivot), nên Jim Mattis và “Trục người lớn” phải dùng ngôn ngữ khác (như “bình mới”)  để “đóng gói” tầm nhìn chiến lược mới này (mà về cơ bản vẫn là “rượu cũ”).

Thay vì khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thì nay là khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”. Thay vì quan hệ đồng minh chiến lược do Mỹ cầm đầu tại Đông Á, thì nay là trục “tứ cường” gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc làm nòng cốt, với vai trò lớn hơn của Nhật và vai trò mới của Ấn Độ. Nhưng thực chất đó là tầm nhìn chiến lược của Nhật (do Shinzo Abe khởi xướng từ năm 2007). Nói cách khác, Mỹ đang “trở về tương lai” (back to the future) như một nghịch lý trong bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung, với thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy điều chỉnh chiến lược là việc bình thường trong binh pháp, nhưng bi kịch của nước Mỹ là phải đối phó với một con quái vật Frankenstein do chính họ đã tạo ra. Điều trớ trêu là đúng lúc người Mỹ cần một người tài giỏi để cầm lái quốc gia thì tổng thống Trump lại là một “thiên tài ổn định”.

Quan điểm đồng thuận trong hầu hết các tài liệu về điều chỉnh chiến lược nói trên là chỉ dấu khá rõ rang cho thấy xu hướng đang nổi lên trong cuộc tranh luận mới của giới nghiên cứu chiến lược, đòi hỏi phải xem xét lại chính sách Trung Quốc mà họ cho rằng đã dựa trên tiền đề sai lầm có tính hệ thống. Theo các tác giả, đã đến lúc người Mỹ phải trung thực (honest) thừa nhận sai lầm để xem xét và tính toán lại chính sách (“rekoning”). Thay vì ảo tưởng có thể “cải tạo” Trung Quốc, người Mỹ phải tập trung chấn chỉnh nước Mỹ mạnh lên.

Xu hướng người Mỹ muốn xem xét và điều chỉnh chính sách Trung Quốc đã xuất hiện từ những năm trước, nhất là dưới thời chính quyền Obama, nhưng tranh luận vẫn chưa ngã ngũ, nên phân thành mấy nhóm quan điểm khác nhau, có lúc vấn đề này chìm đi vì các mối quan tâm khác nổi lên. Trong cuộc tranh cử năm 2016 và qua một năm cầm quyền của Trump, vấn đề Trung Quốc tuy tiếp tục gây tranh cãi, nhưng lại bị ngộ nhận và lu mờ bởi vấn đề Bắc Triều Tiên. Nhưng điều đáng chú ý là quan điểm cứng rắn hơn của Kurt Campbell và Ely Ratner lần này nhận được nhiều ý kiến đồng thuận hơn, bao gồm 9 học giả Mỹ có uy tín (Is American Policy toward China Due for a ‘Reckoning’? ChinaFile, February 15, 2018). Trong khi đó, chưa thấy China Lobby (như Henry Kissinger) lên tiếng phản biện (như trước đây).  

Trong bối cảnh chính quyền Trump đang chập chững đối phó với với những thách thức ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc, “trục người lớn” dường như đã thuyết phục được Trump phải điều chỉnh chiến lược: coi “Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất”, coi khu vực “Indo-Pacific tự do và rộng mở” là địa bàn chiến lược rộng lớn để kiềm chế Trung Quốc, và coi “Tứ giác Kim Cương” (Squad) gồm tứ cường Mỹ-Nhật-Ấn-Úc là nòng cốt làm đối trọng với Trung Quốc. Trong bốn nước đó, Nhật có vai trò cốt yếu, trong khi Úc dễ bị Trung Quốc tác động. Có lẽ vì vậy mà Mỹ đã cử đô đốc Harry Harris làm đại sứ mới tại Canberra.

Chính quyền Trump tuy đã công bố hai văn kiện vĩ mô là  “Chiến lược An Ninh Quốc gia” (NSS) và “Chiến lược Quốc phòng” (NDS), như một bước điều chỉnh chiến lược đúng hướng, nhưng dường như họ vẫn chưa có biện pháp và lộ trình cụ thể. Về lâu dài, Mỹ sẽ phải trả giá vì đã bỏ TPP (mà chưa biết bao giờ mới quay lại). Những chính sách bất cập của Trump đã đặt Mỹ vào thế nguy hiểm vì áp dụng cách tiếp cận “đối đầu mà không cạnh tranh” (confrontational without being competitive), trong khi đó Trung Quốc “ngày càng cạnh tranh mà không cần đối đầu” (increasingly competitive without being confrontational). Theo Tom Friedman (New York Times), chính Trump đang “làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”. 

Trong khi vai trò của bộ Quốc phòng (và Jim Mattis) lớn hơn, thì vai trò của bộ Ngoại giao càng yếu đi (Rex Tillerson có thể bị mất chức). Tình trạng thiếu hụt nhân sự và kinh phí tại Bộ ngoại Giao còn nan giải, cần có thời gian mới có thể khôi phục. Nay dù Chính quyền Trump đang điều chỉnh chiến lược vĩ mô để đối phó với Trung quốc, nhưng nếu chính quyền không đủ nhân sự và kinh phí cần thiết để triển khai chiến lược mới, thì cũng có thể vô nghĩa. Trong ba năm tới người Mỹ phải suy nghĩ lại và quyết định liệu ông Trump có đúng là người họ muốn bầu làm ông chủ Nhà Trắng (hay một người nào khác). Tom Friedman đã thất vọng cảnh báo “đe dọa lớn nhất đối với sự toàn vẹn của nền dân chủ hiện nay là tại Phòng Bầu dục” (The biggest threat to the integrity of our democracy today is in the Oval Office). (“Why Thomas Friedman issued a ‘code red’ warning to America”, New York Times, February 20, 2018).

Trong bàn cờ địa chính trị mới tại khu vực “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở”, thì “Tứ giác Kim cương” gồm “tứ cường” Mỹ-Nhật-Ấn-Úc là nòng cốt làm đối trọng để hình thành thế “Hai vành đai, Hai con đường” nhằm đối phó với thế “Một vành đai, Một con đường”. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng tăng, Việt Nam cần “tái cân bằng” tương quan chiến lược trong tam giác Mỹ-Trung-Việt. Trong khi hai nước lớn trong khu vực này là Trung Quốc và Ấn Độ đang trỗi dậy mạnh mẽ, Việt Nam và Đông Dương (Indochina) có vị trí địa chiến lược  quan trọng tại Biển Đông, cũng như tại “khu vực Indo-Pacific”. 

Vấn đề là Việt Nam phải định vị đúng với bối cảnh các nước lớn điều chỉnh chiến lược trong bàn cờ địa chính trị mới đang chuyển động và định hình. Việt Nam phải tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ (cũng như với Nhật và Úc) nhằm làm xúc tác (catalyst) và đòn bẩy (leverage) để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ (trong khuôn khổ tứ giác Mỹ-Nhật-Ấn-Úc), theo phương châm đa dạng hóa quan hệ để “đặt cược chiến lược” (strategic hedging). Việt Nam phải chủ động thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với các nước trong “Tứ giác Kim Cương” (cả về quan hệ song phương lẫn đa phương). Trong bối cảnh đó, chuyến thăm chính thức Ấn Độ sắp tới của chủ tịch nước Trần Đại Quang (2-4/3/2018) có nhiều ý nghĩa, tiếp theo chuyến thăm của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (24-26/1/2018).  

Một khi tàu sân bay Mỹ đến thăm Đà Nẵng (3/2018), bao giờ tàu sân bay Ấn Độ sẽ đến Cam Ranh? Các mẫu hạm của Nhật, Úc, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, chắc sẽ lần lượt đến Việt Nam vì “ngoại giao pháo hạm” (gunboat diplomacy) đang trở thành mốt. Sự kiện USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vừa có ý nghĩa tượng trưng, vừa là một bước ngoặt quan trọng thúc đẩy hợp tác chiến lược, và kích hoạt các phản ứng dây chuyền. Một khi Israel bán tên lửa Extra cho Việt Nam, bao giờ Ấn Độ sẽ bán tên lửa Akash và Brahmos? Một khi Mỹ tuyên bố “tầm nhìn Indo-Pacific” và dựa vào “Tứ giác Kim cương” làm nòng cốt, bao giờ Mỹ sẽ quay lại TPP (như trở về tương lai)? Nếu những điều kể trên không diễn ra sớm (trong năm nay), thì e rằng quá muộn (too little too late), khi tầm nhìn chiến lược của Mỹ vẫn là “vịt què” (lame duck). Không phải ngẫu nhiên Việt Nam ưu tiên “hiện đại hóa không quân và hải quân” trong kế hoạch tái cơ cấu quân đội (2018-2021), theo hướng “tinh, gọn, mạnh, linh hoạt”. 

Thay lời kết

Bàn cờ chiến lược Mỹ-Trung luôn đầy nghịch lý và cạm bẫy, dễ làm Việt Nam mắc kẹt vì ngộ nhận ai là bạn/thù truyền kiếp. Năm 1965, Mỹ đổ quân vào Việt Nam đánh Việt Cộng để ngăn chặn “làn sóng đỏ” (Trung Cộng) theo “thuyết Domino”. Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến sai lầm (wrong war), chống một kẻ thù sai (wrong enemy) tại một địa điểm sai (wrong place) vì mục đích sai (wrong purposes). Trong khi đó, Trung Quốc quyết đánh Mỹ “đến người Việt Nam cuối cùng”. Năm 1972, Nixon đã nghe lời Kissinger đi Trung Quốc bắt tay với Mao (Shanghai Communique) để chống Liên Xô, sẵn sàng bỏ rơi Đài Loan và Nam Việt Nam. Vì vậy, khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (1974) Hạm đội 7 đã án binh bất động, và khi Việt Cộng đánh chiếm Sài Gòn, Mỹ đã cuốn cờ tháo chạy. Khi Việt Nam đánh Khmer Đỏ (12/1978) Mỹ đã lên án Việt Nam xâm lược Camphuchia, nhưng khi Trung Quốc xâm lược Việt Nam (2/1979) Mỹ đã ngồi im, thậm chí ngầm ủng hộ Trung Quốc và Khmer Đỏ. 

Sau khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Mỹ đã theo đuổi chính sách “một nước Trung Hoa” và triển khai chủ trương “tham dự tích cực” (constructive engagement) giúp Trung Quốc thực hiện “bốn hiện đại hóa” để trở thành quái vật Frankenstein (theo lời Nixon). Học thuyết của Kissinger chỉ có tác dụng thời Chiến tranh Lạnh (dùng “lá bài Trung Quốc” để chống Liên Xô), nhưng sẽ phản tác dụng trong thời hậu chiến và sau đó khi Trung Quốc không “trỗi dậy hòa bình” (như Mỹ ảo tưởng). Nay Mỹ nhận ra “Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất” (như NDS nhận định) thì quá muộn (tuy “muộn còn hơn không”). Liệu Mỹ có thể đối phó với hai quái vật khổng lồ là Trung Quốc (như Frenkenstein), và Nga (như Hulk) tại lục địa Eurasia trong khi vẫn sa lầy tại các nơi khác (như Trung Đông, Afganistan và Iraq)?

Trong khi Mỹ cần một tổng thống khôn ngoan đủ bản lĩnh để cầm lái nước Mỹ trong lúc khó khăn này, thì ông Trump lại là một “thiên tài ổn định”. Hay nói theo cách của Tom Friedman là “người mắc bệnh tâm thần nặng” (deeply disturbed person). Khi hoàng đế Tập Cận Bình mở đại tiệc tiếp ông Trump trong Tử Cấm Thành để gây ấn tượng mạnh với ông vua nước Mỹ, chắc ông Vương Hỗ Ninh và Vương Kỳ Sơn lúc đó xoa tay cười thầm là đã “thuần hóa” được ông Trump, để giúp Trung Quốc vĩ đại trở lại (making China great again). Khi ông Trump đọc diễn văn tại APEC Đà Nẵng (10/11/2017) về “tầm nhìn Indo-Pacific” (và nhắc lại cụn từ này hơn 10 lần), chắc ông Tập Cận Bình cũng cười thầm vì đã biết cách đối phó với ông Trump để trong ba năm tới có thể biến Biển Đông thành cái ao riêng của Trung Quốc.  

Có người hỏi liệu bao giờ chiến tranh xảy ra tại Biển Đông. Tôi nghĩ chiến tranh đã diễn ra trên thực tế trong mấy năm qua (bắt đầu từ 5/2014) nhưng dưới hình thức khác. Tuy Mỹ vẫn tuần tra (FONOP) tại Biển Đông, nhưng bằng cách “đi qua vô hại” (innocent passage), nên không đủ răn đe Trung Quốc. Mỹ không ngăn chặn được Trung Quốc thay đổi thực địa và quân sự hóa các đảo họ đã chiếm tại Trường Sa cũng như Hoàng Sa. Trung Quốc đã qua mặt Mỹ và bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế, biến tất cả những gì họ đã đạt được thành chuyện đã rồi. Trung Quốc tăng cường phân hóa ASEAN và tiếp tục bắt nạt các nước láng giềng có tranh chấp. Trên thực tế, Trung Quốc đã kiểm soát được hầu hết Biển Đông, không cho Việt Nam và các đối tác khác khai thác dầu khí ngay trên vùng biển của mình.

Tóm lại, Trung Quốc đã thắng Mỹ và đồng minh hiệp đầu trong một cuộc chiến “không tuyên bố”. Trung Quốc đang chứng minh họ có thể thắng Mỹ và đồng minh mà không cần phải chiến tranh. Cuộc chiến tại Biển Đông có thể là một cuộc chiến chủ yếu diễn ra trong vùng xám (grey zones). Người Mỹ quen chơi cờ vua với binh pháp Clausewitz, rất khó đối phó với người Trung Quốc quen chơi cờ vây với binh pháp Tôn Tử. Đó là một cuộc đấu bất cập và bất cân xứng vì hai đối thủ được vận hành bằng hai hệ điều hành khác hẳn nhau. 

NQD. 25/02/2018

Giới thiệu một số tác giả

Kurt Campbell là Chairman/CEO of Asia Group (do ông sáng lập năm 2013). Trước đó ông là co-founder/CEO of the Center for a New American Security (sáng lập năm 2007), director of Aspen Strategy Group, Chairman of the editorial board of Washington Quarterly, director of  International Security Program and National Security Policy at the Center for Strategic and International Studies. Campbell là tác giả của một số sách trong đó có cuốn The Pivot: The Future of American Statecraft in Asia, NYC, 2016, cựu trợ lý ngoại trưởng phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương (2009-2013). Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ (2016), dư luận đồn đoán nếu Hillary Clinton thắng cử thì Kurt Cambell sẽ làm ngoại trưởng.

Ely Ratner là senior fellow, China studies, tại Council on Foreign Relations (CFR), chuyên về quan hệ Mỹ-Trung, an ninh Đông Á, và an ninh quốc gia Mỹ. Ratner từng là deputy national security advisor cho phó Tổng thống Joe Biden (2015-2017), chuyên về Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Biển Đông, và các đồng minh của Mỹ ở Châu Á. Trước đó, Ratner là CFR fellow làm việc tại Bộ Ngoại Giao Mỹ và Ủy ban đối ngoại Thượng Viện (2011-2012) chuyên về Trung Quốc. Ngoài ra, Ratner là deputy director, Asia-Pacific Security Program at the Center for a New American Security, và RAND Corporation. Ratner đã điều trần tại Quốc hội Mỹ về quan hệ Mỹ-Trung và chiến lược an ninh quốc gia. Gần đây, Ratner có nhiều bài tranh luận về quan điểm với Hugh White (Lowy Institute, Sydney) mà tôi đã có dịp giới thiệu.

Hal Brands là senior fellow at Foreign Policy Research Institute’s Program on National Security, distinguished professor of Global Affairs at Johns Hopkins University School of Advanced International Studies (SAIS), CFR international affairs fellow (2015-2016), senior fellow at Center for Strategic and Budgetary Assessments, là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn American Grand Strategy in the Age of Trump (January, 2018)

Charles Edel là Senior Fellow at the United States Studies Centre (Sydney University). Trước đó, Edel là associate professor at US Naval College, trong nhóm hoạch định chính sách của Ngoại trưởng Mỹ (2015-2017). Bruno Maçães là Senior Fellow at Hudson Institute và Senior Advisor at Flint Global (London), tác giả của cuốn The Dawn of Eurasia (January, 2018). Macaes là cựu Bộ trưởng đặc trách Châu Âu của Bồ Đào Nha (2013-2015).  

Nguồn tham khảo

1. “Systems Confrontation and System Destruction Warfare: How the Chinese People’s Liberation Army Seeks to Wage Modern Warfare”, Jeffrey Engstrom, RAND, 2018

2. “The China Reckoning: How Beijing Defied American Expectations”, Kurt Campbell & Ely Ratner, Foreign Affairs, February 13, 2018. (Đã dịch và đăng trên mạng).

3. “Rising to the China Challenge”, statement by Ely Ratner before the House Committee on Armed Services, Hearing on Strategic Competition with China, CFR, February 15, 2018

4. “Is American Policy toward China Due for a ‘Reckoning?”, ChinaFile, February 15, 2018

5. “The Chinese Century”, Hal Brands, National interest, February 19, 2018

6. “Limiting Chinese Aggression: A Strategy of Counter-Pressure”, Charles Edel, American Interest, February 9, 2018

7. “Two Belts, Two Roads”, Bruno Macaes, American Interest, February 13, 2018   

8. “How a Sino-US Relationship Reset Would Help Make America Great Again”, South China Morning Post, February 14, 2018

9. “Mỹ-Trung điều chỉnh chiến lược thế nào”, NQD, Viet-studies, 15-16/2/2018.

10. “Câu chuyện đầu năm: Nhìn lại bàn cờ Mỹ-Việt, NQD, Viet-studies, 30/1, 2018  

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 25-2-18