Fukuyama và tiếng cười nhạt cuối cùng
Nguyễn Quang Dy
Hôm qua vào mạng Viet-studies đọc thấy bài này hay quá (The
Last Hollow Laugh, AEON, March 21, 2017). Tuy không biết tác giả
(Paul Sagar), nhưng tôi đã đọc một mạch. Khi phân tích cuốn sách gây
tranh cãi The End of History and the Last Man (Francis Fukuyama,
1992), Paul Sagar không chỉ bênh vực Fukuyama mà còn lý giải rất hay về
Trumpism. Tôi đã định dịch, nhưng việc dịch mất thời gian, và bản dịch
thường không hay bằng nguyên bản tiếng Anh, nên tôi xin tóm tắt để giới
thiệu với những bạn đọc nào quan tâm đến bài viết này của Paul Sagar
cũng như cuốn sách đó của Fukuyama.
Cũng như nhiều người khác, tôi học hỏi được nhiều khi đọc cuốn sách gây
tranh cãi đó của Fukuyama, nhưng thú thực lúc trước tôi chưa hiểu lắm về
lập luận của ông ấy, và cũng hơi hoang mang khi thấy nhiều người phản
bác. Vì vậy, khi đọc bài phân tích này của Paul Sagar, tôi thấy sáng tỏ
hơn nhiều và thán phục tầm nhìn của Fukuyama. Đúng là lúc đó (năm 1992)
Fukuyama chỉ nói đến nước Nhật (đang nổi lên thách thức Mỹ). Cách đây 25
năm, Trung Quốc chưa trỗi dậy, và nước Mỹ chưa có Trumpism.
Nhưng tại sao từ năm 1992 Fukuyama đã dự đoán được những gì xảy ra ở Mỹ
năm 2016. Có rất ít học giả có thể đoán trước điều “tất yếu” đó. Noam
Chomsky là một ví dụ khác, khi ông ấy dự
đoán từ năm 2010 về những gì xảy ra năm 2016. Lúc đó người ta
chẳng thèm nghe và thậm chí còn hiểu lầm. Vì vậy, những người có tầm
nhìn xa thường cô đơn. Cách đây 100 năm khi Albert Einstein nói về “sóng
hấp dẫn” (hay “nếp nhăn”) của vũ trụ thì chắc nhiều người nghĩ rằng ông
ấy khùng. Còn Einstein thì cho rằng “chỉ
có hai điều vô hạn là vũ trụ và sự ngu xuẩn của con người” (và ông
ấy không dám chắc về điều thứ nhất).
Làm thế nào mà Fukuyama lúc đó lại nghĩ ra từ
megalothymia để lý giải
sự trỗi dậy của những người như Donald Trump. Đó là một thuật ngữ mà
Fukuyama vận dụng khái niệm thần học của Plato để mô tả phần hồn của
những kẻ độc đoán và tham vọng. Tuy cách đây 25 năm, cuốn sách gây tranh
cãi của Fukuyama bị nhiều người chỉ trích, hiểu lầm và đối xử bất công,
nhưng đến nay thì lập luận của ông ấy bỗng trở thành “tiên tri”.
Lịch sử tư duy của con người nói chung và người Mỹ nói riêng thường rất
gập ghềnh. Sau vụ khủng bố “9/11” và nhất là sau thất bại của cuộc chiến
Iraq, người Mỹ càng chỉ trích tầm nhìn “sai trái” về “sự thắng thế” của
trật tự thế giới dựa trên dân chủ tự do. Vì người ta ngộ nhận gán cho
Fukuyama tầm nhìn đó, nên ông ấy trở thành nạn nhân của những lời chỉ
trích bất công, như một sự hiểu lầm đáng tiếc. Theo Paul Sagar, cuốn
sách của Fukuyama không đề xướng tầm nhìn đó, mà ông ấy chỉ muốn tìm
hiểu để làm rõ lịch sử.
Vì Fukuyama không phải là một học giả kiểu truyền thống, nên ông ấy hiểu
Lịch Sử (viết hoa) như sự quan tâm sâu sắc đến cấu trúc sự tồn tại của
xã hội loài người. Fukuyama cho rằng Lịch Sử đầy phức tạp bởi các lực
lượng đối kháng triệt tiêu nhau để thúc đẩy xã hội phát triển. Ông lấy
cảm hứng từ tác phẩm của nhà triết học Đức Georg Hegel, qua diễn giải
của nhà triết học Nga Alexandre Kojève. Cả hai cùng đề xuất “Lịch
Sử là quá trình qua đó các mâu thuẫn trong trật tự xã hội cũ triệt tiêu
nhau bằng cách vượt qua xung đột để tiến tới một trật tự mới nơi các mâu
thuẫn cũ biến mất vì sự đối kháng đã được hóa giải”.
Ví dụ rõ nhất về quan điểm “biện chứng” đó là Karl Marx (cũng chịu ảnh
hưởng sâu sắc bởi Hegel)
cho rằng giai cấp tư sản và vô sản cuối cùng sẽ vượt qua đối kháng bởi
môt giai đoạn cách mạng chống chủ nghĩa tư bản, để tiến lên chủ nghĩa
cộng sản. Fukuyama cho rằng Lịch Sử (viết hoa) thực ra là quá trình phát
triển của xã hội loài người một cách hợp lý hóa (giải quyết các mâu
thuẫn một cách biện chứng), để tiến lên từng nấc một: từ thời Mông muội
(Dark Ages), đến thời Phục hưng (Renaissance), qua thời Khai sáng
(Enlightenment), với những phát kiến mở đường cho chủ nghĩa tư bản dựa
trên dân chủ tự do.
Fukuyama đã vứt bỏ quan điểm siêu hình của Hegel cũng như quan điểm “duy
vật biện chứng” của Marx. Thay vào đó, Fukuyama đề xuất phương pháp
nghiên cứu khoa học hiện đại kết hợp với tiến bộ công nghệ, song song
với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, nhằm lý giải tại sao văn
minh loài người đã tiến bộ được như vậy. Cái chốt là chủ nghĩa tư bản
dựa trên dân chủ tự do là giai đoạn cuối của tiến trình Lịch Sử. Măc dù
nó không hoàn thiện, nhưng đó là mô hình tốt nhất mà chúng ta có. Vì
vậy, Fukuyama mới có câu nói nổi tiếng “Lịch
Sử đã chấm dứt”, và
chúng ta đang sống trong giai đoạn “Hậu
Lịch Sử”.
Trong phân tích của mình, Fukuyama luôn nhấn mạnh đến yếu tố
thymos (tiếng
Hy Lap có nghĩa là “tinh thần”). Đó là sự công nhận tâm lý con người, mà
Thomas Hobbes gọi là “tự hào” (pride) và Jean-Jacques Rousseau gọi là
“tự trọng” (amour proper).
Người ta luôn có nhu cầu được yêu thích và tôn trọng bởi người khác.
Theo Fukuyama, một số người luôn ganh đua và tham vọng muốn được công
nhận là đứng đầu. Có người muốn được tôn trọng, và nếu cảm thấy không
được như ý, thì họ sẽ phá phách, gây rối.
Có đủ lý do để chúng ta cho rằng từ đỉnh cao đó người ta có thể trượt
xuống dốc (quay trở về Lịch sử) nhưng ở mức độ tồi tệ hơn. Fukuyama cho
rằng con người không chỉ có
thymos mà còn có
megalothymia. Đó là ham muốn
không chỉ được tôn trọng và công nhận đúng mức, mà còn muốn thống trị kẻ
khác một cách quá mức.
Megalothymia không hẳn là xấu, nhưng nếu không nhắm tới mục đích
đúng thì nó có thể trở thành tàn bạo, muốn thống trị và áp bức kẻ khác.
Lịch Sử luôn ẩn tàng nguy cơ tại điểm kết thúc.
Trong phần thứ hai của tên cuốn sách mà Fukuyama gọi là The Last Man,
ông ấy đã tham chiếu và vận dụng quan điểm của nhà triết học Đức
Friedrich Nietzsche, khi lập luận rằng xã hội hiện đại tuy nhấn mạnh sự
thật và minh bạch, nhưng đã “giết chết Thượng đế” (killed God) mà không
có gì khác để thay thế. Hầu hết con người hiện đại đều là những kẻ tiểu
nhân, trì trệ, và nhàm chán, bị ám ảnh bởi thế giới vật chất tầm thường.
Nói cách khác, nếu thiếu
megalothymia thì không
còn gì lớn lao, mà chỉ còn sự tầm thường.
Nếu “người cuối cùng” (the last man or woman) không hài lòng với cuộc
sống vật chất vì không đáp ứng
megalothymia, họ sẽ buồn
chán bởi tình trạng “nô lệ không
có chủ” mà Fukuyama đề cập đến như cuộc sống dựa trên “tiêu
thụ hợp lý”. Sự lan tỏa của khái niệm đại đồng cùng với chính trị
dân chủ thế tục, dẫn đến sự phản ứng quyết liệt, đặc biệt bởi những
người đã bị mất vị thế truyền thống tại nấc thang xã hội của họ, và họ
cảm thấy bị lừa dối bởi không được công nhận như họ tin là mình xứng
đáng (nghe quen quen?).
Fukuyama dự đoán rằng sự phản ứng đó cuối cùng phải có lối thoát chính
trị và có thể trở thành bùng nổ. Nhưng cánh Tả và CNCS đã phá sản và
thất bại. Những con người “hậu
Lịch Sử” bị thúc đẩy bởi
megalothymia sẽ không còn mơ hồ bởi thế giới đại đồng, hay thực
tế độc tài trần trụi. Đe dọa lớn hơn đối với sự ổn định của các xã hội
dân chủ tự do là sự trỗi dậy của các phần tử cực Hữu mị dân, sẵn sàng
đáp ứng những lợi ích vị kỷ và sự phản tứng của dân chúng, lợi dụng
những ham muốn của con người để giành quyền cai trị.
Ttrong tầm nhìn của mình về “Lịch
Sử chấm dứt”, Fukuyama không dự đoán những biến động cụ thể của năm
2016 diễn ra thế nào. Ông ấy nói rất ít về Trung Quốc trong mối tương
quan với Mỹ, trong khi đề cập nhiều đến Nhật. Tuy nhiên, Fukuyama biết
rõ hơn nhiều người khác là năm 2016 sẽ đầy biến động, và những sự kiện
đầy kịch tính năm 2016 sẽ dẫn chúng ta đi đâu. Tuy những kiến giải gần
đây của Fukuyama không đề cập lại những chủ đề trong cuốn sách, nhưng
chính Fukuyama, chứ không phải những người chỉ trích ông, mới có quyền
cười nhạt. Khi Fukuyama đề cập đến sự nông cạn và trống rỗng về văn hóa
của những người nổi tiếng, chắc trong đầu ông ấy đã có một ví dụ cụ thể,
như biểu tượng megalothymia.
Còn ai khác nếu đó
không phải là Donald Trump. Điểm cuối cùng là, tuy Fukuyama không dự
đoán cụ thể Trump chính là “người cuối cùng” (the last man), sẽ làm đảo
lộn trật tự của thời kỳ “Hậu Lịch Sử”, nhưng ông ấy đã nói đúng hơn
nhiều người khác.
NQD. 22/3/2017 |