Hà Nội Trong Mắt Ai

Nguyễn Quang Dy

 

 

Hà Nội không vội được đâu” (khuyết danh)

Tôi mạn phép mượn cái tên phim của đạo diễn Trần Văn Thủy (và câu châm ngôn hóm hỉnh đó) để nói về Hà Nội, vì chưa tìm được câu gì hay hơn. Tôi biết ông Thủy không phản đối, không phải chỉ vì ông ấy là bạn của tôi, mà còn vì lúc đó ông Thủy cũng đang bí cờ thì tình cờ nghĩ ra cái tên đó cho bộ phim “như được thần linh mách bảo” (lời ông Thủy).

Hà Nội đầy nghịch lý

Tuy ông Thủy từng bị “lên bờ xuống ruộng” vì “Hà Nội trong mắt ai”, nhưng cuối cùng câu chuyện đã kết thúc có hậu khi bộ phim và tác giả của nó trở thành nổi tiếng, như một “hệ quả không định trước” (unintended consequence). Tôi rất thích cái nghịch lý trớ trêu ấy. Phải chăng Hà Nội chính là một thành phố đầy nghịch lý, vì vậy mà nó hấp dẫn và ám ảnh người ta như một ma lực vô hình. Mỗi khi nghĩ về Hà Nội, tôi cứ tự hỏi tại sao rất nhiều người (cả Ta lẫn Tây) lại bị hấp dẫn và ám ảnh đến thế bởi cái thành phố nhỏ bé đầy bụi bẩn này.

Thật khó nhớ hết những bản nhạc, bài hát, câu chuyện nói về Hà Nôi. Dù người ta có kêu ca phàn nàn về Hà Nội, nhưng nếu ai đã từng sống lâu ở đó thì mỗi khi đi xa lại nhớ, lại buồn, lại yêu Hà Nội hơn, như một mối tình khó quên (và khó lý giải). Phải chăng Hà Nội đầy nghịch lý. Và chính những nghịch lý đó đã tạo ra sự hấp dẫn vô hình “phi vật thể”.      

Tôi không định kể chuyện Hà Nội vì sợ “múa rìu qua mắt thợ”, mà chỉ muốn chia sẻ vài suy nghĩ thoáng qua về những gì liên quan đến bản sắc (identity) của cái thành phố đặc biệt này. Không phải vì nó là “trái tim của cả nước”, cũng không phải vì Hà Nội mới to gấp mấy lần Hà Nội cũ, mà vì nó tiềm ẩn nhiều nghịch lý hấp dẫn và ám ảnh nhiều người.    

Câu chuyện khu phố cổ

Trong khu phố cổ Hà Nội (còn được gọi là “36 phố phường”) có khu phố Tàu (China town). Nhưng khi chiến tranh với Trung Quốc xẩy ra (2/1979) người Hoa đã bị xua đuổi khỏi Hà nội.  Trong mấy năm sau đó, khu phố Tàu bị bỏ hoang như vô chủ, tiêu điều như một khu phố ma, chẳng ai buồn đến. Thế rồi chẳng biết từ khi nào và tại sao, khu phố đó lại hồi sinh, sầm uất trở lại, đầy sức sống và hấp dẫn khách thập phương, cả Tây lẫn Ta.

Cả ngày lẫn đêm, khách thập phương đổ về khu phố cổ như có nam châm hút dòng chảy năng lượng con người. Hễ chỗ nào đông khách du lịch thì khách sạn và hàng quán lại mọc lên. Tuy khu phố cổ chẳng có cái gì “hoành tráng”, nhưng tại sao nó lại hấp dẫn khách du lịch hơn các nơi khác? Có người gọi đó là “cái hồn” (the soul) của phố và vỉa hè như là giao diện của “Đông-Tây hội ngộ”. Nói cách khác, đó là sự hấp dẫn vô hình, phi vật thể, gần như siêu thực mà có người giải thích bằng phong thủy hay “thần thái” (ambience).   

Sự phục sinh hay biến đổi của khu phố cổ hầu như tự phát do người dân, chứ không phải do quy hoạch đô thị, hay là tác phẩm của các nhà kiến trúc. Hình như nó diễn ra theo một quy luật hay do “bàn tay vô hình” nào đó, mà người ta chưa lý giải được. Câu chuyện nên bảo tồn khu phố cổ thế nào vẫn còn là một đề tài gây tranh cãi mãi, làm tốn nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu và quản trị đô thị. Nhưng chính họ cũng chẳng can thiệp được mấy vào cuộc sống sôi động của khu phố cổ này. Đó cũng là một thực tế và một nghịch lý về Hà Nội. 

Bên cạnh khu phố Tầu (China town) là khu phố Tây (French town). Đó là hai đặc trưng truyền thống là di sản văn hóa của Hà Nội. Từ xưa các cụ nhà ta đã nói “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật” như tiêu chí sành điệu thời thượng. Tuy người Hà Nội không thiếu cơm Tàu và nhà Tây, nhưng thiếu vợ Nhật. Phải chăng để bù lại, người Hà Nội thích cưỡi xe máy Honda (họ nói xe Honda máy móc bền và ít tốn xăng). Nhưng mấy anh Tây đến Hà Nội còn thực dụng hơn, vì họ “ăn cơm Việt” (cơm bụi), “lấy vợ Việt” (đỡ tốn), “ở nhà Việt” (nhà vợ). 

Câu chuyện đô thị mới

Thực ra, nhà nước có thể đầu tư nhiều tỷ USD để xây dựng một thành phố mới hoành tráng làm thủ đô như Naypyidaw (Myanmar). Đó là một thành phố hiện đại nhưng “vô hồn” (soulless), chẳng ai buồn đến, trừ các quan chức và viên chức chính phủ phải làm việc (và gia đình họ). Yangon cũ kỹ (nhưng có hồn), khác với Naypyidaw hiện đại (nhưng vô hồn). Chẳng ai thích một thành phố vô hồn, giống như thành phố ma (ghost town). Nhớ lại cách đây đã lâu, Việt Nam cũng định xây dựng thủ đô mới tại Xuân Mai hay đâu đó (thật hú vía!).

Hà Nội ngày nay còn có một đặc trưng nữa là các khu đô thị mới (new towns) đang mọc lên quanh Hà Nội như các đô thị vệ tinh. Đây là một câu chuyện đáng nói, vì các khu đô thị mới cũng phản ánh một phần “hội chứng Naypyidaw” (thu nhỏ). Ngoài khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính là các khu đô thị Mỹ Đình hay Ciputra, với những tòa nhà ngày càng cao (cao mãi), như một tiêu chí “đổi mới” trong tư duy đô thị hóa (urbanization). Thực ra đối với người Hà Nội, nhà cao tầng (căn hộ) không thể thay thế được “nhà Tây” (biệt thự).  

Nếu đặc trưng của khu phố cổ là vỉa hè và các con phố nhỏ mềm mại, chủ yếu để giao lưu, thì đặc trưng của khu đô thị mới là các con đường to và các dãy nhà cao tầng/biệt thự được quy hoạch thẳng hàng và cứng nhắc như trại lính. Mật độ xây dựng dày đặc với hàng loạt nhà cao tầng dẫn đến mật độ dân cư quá đông làm ách tắc giao thông, nhưng công năng của vỉa hè lại không ăn nhập với nhu cầu đi bộ (trừ các công viên nội bộ trong khu dân cư). Đây là một nghịch lý bất cập mà các nhà quy hoạch đô thị chắc chưa tính đến, trong khi hầu hết các chủ đầu tư bất động sản chỉ quan tâm đến xây nhà để bán nhằm thu hồi vốn (và lãi).   

Tuy các nhà đầu tư bất động sản có thể ngụy biện do quy luật cung - cầu, nhưng các nhà quy hoạch và quản trị đô thị lại khó lý giải được những bất cập đang xuất hiện tại nhiều khu đô thị mới, như một cái bong bóng khổng lồ (có thể vỡ). Thực ra các nhà quy hoạch đô thị chỉ là “cánh tay kéo dài” (như công cụ) đang bị thao túng bởi các nhóm lợi ích chỉ quan tâm đến cái lợi trước mắt, mà không thấy rủi ro tiềm ẩn của đô thị hóa bằng mọi gía.  

Tại sao họ lại quy hoạch các khu đô thị mới như vậy? Chỉ có thể lý giải bằng mấy lý do: (1) di chứng chiến tranh vẫn còn tồn đọng trong tư duy của họ, (2) ảnh hưởng của kiến trúc theo mô hình Liên Xô/Trung Quốc/Hàn quốc vẫn tác động đến văn hóa kiến trúc, (3) mục đích “chụp giật và đánh quả” vẫn chủ đạo và chi phối quy hoạch đô thị. Yếu tố con người (nhân văn) và thiên nhiên (cây xanh) không thực sự quan trọng với họ. Có lẽ vì thế mà Hà Nội đã từng chủ trương chặt cây xanh cổ thụ, chỉ vì mục đích vụ lợi (hay “đánh quả”). 

Hà Nội xưa và nay

Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Chính, Hà Nội vẫn chưa trở thành một đô thị hoàn chỉnh, vẫn chỉ ở “phía bên kia của làng xã”. Mỗi khi nói đến Hà Nội như một thực thể văn hóa có bản sắc riêng, người ta không được quên có một “Hà Nội nhà quê” và một “Hà Nội kẻ chợ”. Giáo sư sử học Trần Quốc vượng thì kết luận, “Ba chữ ‘Nông thôn, Nông dân và Nông nghiệp’ là hằng số của lịch sử văn hóa Việt Nam”.  (“Đi tìm bản sắc văn hóa Hà Nội”, Nguyễn Văn Chính, Vietnam Net, 17/9/2014). Còn nhà phê bình Vương Trí Nhàn thì cho rằng Hà Nội bốn thập kỷ sau chiến tranh vẫn trông giống một thành phố thời hậu chiến, với những bức tường loang lổ rạn nứt, và những ngôi nhà cũ kỹ, ọp ẹp, chắp vá... “Cả Hà Nội mang dáng dấp một cái chợ phóng to” (“Khi Hà Nội trở thành chính mình”, Vương Trí Nhàn, 28/4/2015). 

Hà Nội là một đô thị đặc biệt vì nó là một thành phố kiểu Á - Âu điển hình. Đây là nét độc đáo hiếm thấy trong các thành phố cổ ở châu Á. Hà Nội không chỉ có dấu ấn văn hóa của người Hoa, mà còn có di sản văn hóa của người Pháp. Có người nói “Hà Nội đẹp như Paris”. Đó là cách ví von để mô tả khu phố Tây, với những đường phố và biệt thự Pháp. Ngoài phố Tràng Tiền và Hàng Khay, còn có các phố Rue Jules Ferry (Hàng Trống), Rue Gia Long (Bà Triệu),  Rue Francis Garnier (Đinh Tiên Hoàng), Boulevard Rollandes (Hai Bà Trưng), Boulevard Careau (Lý Thường Kiệt) và Boulevard Gambetta (Trần Hưng Đạo)…

Vào đầu thế kỷ 20, Hà Nội tuy nhỏ bé nhưng là “hòn ngọc Viễn Đông”. Nay hòn ngọc đó đã biến thành một công trường khổng lồ, ngổn ngang, như thời chiến. Ấn tượng nhất là những cột điện với những cuộn giây cáp nhằng nhịt như cái mạng nhện khổng lồ mà Bill Gates dù thông minh đến mấy cũng không thể nào hiểu nổi. Nhưng cái cột điện vẫn chưa nguy hiểm bằng cái loa phường vì nó gây ô nhiễm âm thanh như để khủng bố tai người dân Hà Nội suốt mấy thập kỷ qua. Cả hai tuyệt tác nghệ thuật đó vẫn mặc nhiên tồn tại một cách khó hiểu, bất chấp thời gian như một thứ bảo tàng vĩnh cửu. Đó là một nghịch lý mang bản sắc Hà Nội, như để nhắc nhở người dân thủ đô văn minh phải nhớ thời chiến tranh và bao cấp.   

Hà Nội đã thay đổi quá nhiều: nay có 7,5 triệu dân (2015), gồm cả Hà Đông và Sơn Tây, với nhiều khu đô thị mới. Nhưng hình như “nhà càng cao thì văn hóa càng thấp”, đặc biệt là văn hóa giao thông. Nạn kẹt xe ngày càng trầm trọng, với số lượng xe máy khổng lồ (hơn 6 triệu chiếc). Đường phố Hà Nội ngày càng giống đường nông thôn, vì đầy ổ gà và sống trâu. Nhiều đoạn đường xuống cấp nhanh, đi xe máy rất nguy hiểm vì những ổ gà hay nắp cống làm xe nhảy chồm lên như vượt chướng ngại vật. Ngày trước, thỉnh thoảng còn thấy người ta duy tu đường, nhưng nay chỉ thấy họ thay nhau đào đường hay vỉa hè để làm cống, đặt cáp, hay lát lại tạm bợ, chắp vá, tùy tiện cho xong chuyện, chẳng biết ai chịu trách nhiệm.   

Mỗi khi ra đường, người dân lo nơm nớp như “thập diện mai phục”. Người nước ngoài mới tới Hà Nội lần đầu không dám qua đường một mình vì sợ xe máy. Nếu buộc phải qua đường thì phải bám vào tay người khác, liều mạng nhắm mắt đưa chân như đánh bạc với thần chết. Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi ngày cả nước có 24 người chết và 60 người bị thương vì tai nạn giao thông (VietnamNet, 11/5/2017). Theo Chủ tịch Ủy ban TWMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân, “số người chết do tai nạn giao thông trong 3 năm bằng số người chết do dịch bệnh 100 năm” (VNExpress, 24/11/2016).

Không phải chỉ có tai nạn giao thông đang đe dọa sinh mạng người dân Hà Nội, mà ô nhiễm không khí, nguồn nước, thực phẩm, và rác thải là những rủi ro tiềm ẩn gây bệnh tật, như “thập diện mai phục”. Nhiều người phải bán nhà mặt đất để mua căn hộ cao tầng vì lo sợ ô nhiễm không khí. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận ô nhiễm môi trường ở Hà Nội “đang ở mức báo động đỏ”. Theo ông Chung, nguồn ô nhiễm lớn nhất xuất phát từ 2,5 triệu xe máy cũ, đã hết hạn sử dụng từ trước năm 2000. (VNExpress, 17/2/2017).

Gần đây, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) cho biết trong năm 2016, Hà Nội đã trải qua 8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 ở Hà Nội cao gần gấp 2 lần tại thành phố HCM. Về lượng bụi PM 2.5 trung bình năm 2016 ở tp HCM là 28,23 µg/m3 (quy chuẩn là 25 µg/m3), trong khi tại Hà Nội chỉ số này lên tới 50,5 µg/m3, cao gấp đôi so với ngưỡng quy chuẩn của quốc gia và cao gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình của WHO. Hà Nội chỉ đứng sau New Delhi (124µg/m3). (Zing, 17/2/2017).

Đằng sau câu chuyện vỉa hè

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nổi lên như một ngôi sao sau mấy sự kiện gần đây, làm ông Chung được lòng dân. Đó là cách giải quyết ôn hòa vụ tranh chấp gay cấn tại Đồng Tâm, và cách xử lý triệt để vụ giải tỏa vỉa hè tại Hà Nội. Tuy Hà Nội làm triệt để, dám vạch thẳng sự thật là nguyên nhân chính do công an phường hay quận bảo kê các nhóm lợi ích địa phương, nhưng các “lực lượng chức năng” lại không đập phá vỉa hè thô bạo như trong thành phố HCM. Người ta nói vui rằng ông Chung “tuy là công an nhưng hơi bị được”.

Di sản chiến tranh với đặc thù cực đoan và thô bạo vẫn tiềm ẩn trong tư duy và hành động của nhiều người trong chính quyền. Nó phản ánh vào tư duy quy hoạch đô thị (trông như trại lính) hay chiến dịch dẹp vỉa hè (như thời chiến). Hình ảnh ông Đoàn Ngọc Hải (phó chủ tịch quận 1) trực tiếp dẹp vỉa hè tại TP HCM là một ví dụ điển hình về cực đoan và thô bạo đến vô cảm. Tuy Việt Nam đã biến thành thị trường, nhưng vỉa hè vẫn là chiến trường.  

Theo Robert Neuwirth, nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới không phải là Trung Quốc, mà là “System D”, với GDP là 10 ngàn tỷ USD, chỉ kém Mỹ là 14 ngàn tỷ USD. (“The Shadow Superpower”, Robert Neuwirth, Foreign Policy, October 28, 2011). “System D” là viết tắt từ tiếng Pháp “debrouiller” (hay debrouille), có nghĩa là khả năng xoay sở và thích ứng với mọi hoàn cảnh để tồn tại. Đó là nền kinh tế ngầm gồm cả buôn lậu và trốn thuế, mà người ta còn gọi lịch sự là “tiểu ngạch”, đang nuôi sống hàng triệu người thất nghiệp và buôn bán nhỏ. Người Việt Nam rất giỏi về “System D” nên đã tồn tại được trong chiến tranh cũng như thời bao cấp hay khủng hoảng kinh tế. Hà Nội là một thủ đô của “System D”.

Quyết định giải tỏa vỉa hè tuy đúng, nhưng nếu làm cực đoan và thô bạo thì sai, vì nó phản tác dụng và dẫn đến những hệ quả khó lường. Tại các nước đang phát triển (như Việt Nam), vỉa hè và chợ cóc tại các đô thị là một phần của “System D”, đang nuôi sống hàng triệu người dân mà nhà nước chưa đủ khả năng bảo trợ. Ngay tại các nước phát triển, hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội cũng chưa thể thay thế được “System D”. Khi dẹp vỉa hè và chợ cóc có lẽ chính quyền chưa nghiên cứu kỹ xem liệu nó có hệ quả kinh tế gì đối với xã hội.

Robert Neuwirth cho rằng do khả năng ứng phó (spontaneous) và biến báo (improvisation) nên “System D” sẽ đóng vai trò chủ yếu (crucial) cho sự phát triển của các đô thị trong thế kỷ 21. Tổ chức OECD dự báo là đến năm 2020, “System D” sẽ thuê 2/3 nhân công trên thế giới. Hơn nữa,  “System D” còn phổ cập được công nghệ mới ra thế giới với giá rẻ hơn để người nghèo cũng tiếp cận được. Nó có thể phân phối sản phẩm công bằng hơn, với giá rẻ hơn các công ty lớn. Nói cách khác, “System D” sẽ trở thành “siêu cường kinh tế lớn thứ hai thế giới”, và là tương lai của nền kinh tế toàn cầu. Chính Trung Quốc đã trở thành trung tâm thương mại và công xưởng của thế giới một phần bởi vì họ biết cách vận dụng sân chơi của “System D”. 

Đằng sau câu chuyện Kong   

Cách đây khoảng 2 tháng, UBND TP Hà Nội đã nhận được công văn của Bộ Văn hóa về việc dựng mô hình giới thiệu phim “Kong: Skull Island” tại Hồ Gươm. Theo Bộ Văn hóa, “nhằm tận dụng ảnh hưởng dự án phim có mức đầu tư cao, có bối cảnh chính quay tại Việt Nam và được công chúng toàn cầu chờ đợi, Bộ phối hợp với Công ty phát hành tổ chức một loạt các hoạt động nhằm thúc đẩy quảng bá du lịch Việt Nam nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng”. Nhưng trước phản ứng bất bình của dư luận, UBND TP Hà Nội đã trả lời Bộ văn Hóa là việc dựng mô hình khỉ Kong tại khu vực tượng đài “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hoặc các khu vực khác xung quanh Hồ Gươm, là “không phù hợp”. (VNExpress, 14/3/2017).

Người ta hiểu Hà Nội bác yêu cầu trên là có vai trò của ông Nguyễn Đức Chung, vì thông thường Sở Văn Hóa phải nghe theo Bộ Văn Hóa. Không chỉ muốn dựng mô hình khỉ Kong tại Hồ Gươm, Bộ Văn Hóa còn chọn đạo diễn Jordan Vogt-Robert làm “đại sứ du lịch”. Đây là một quyết định còn ngớ ngẩn hơn là trước đây đã chọn cô Nhã Kỳ hay cậu Bobby Chin làm “đại sứ”, phản ánh tầm nhìn văn hóa và chính trị thiển cận của những người làm công tác văn hóa và du lịch (nếu không phải nhóm lợi ích còn có động cơ gì khác phía sau).

Theo các nguồn tin trong ngành điện ảnh, hãng phim Legendary (chủ đầu tư của Kong: Skull Island) đã được tập đoàn Wanda (Đại Liên Vạn Đạt) của trùm bất động sản Trung Quốc Wang Jianlin (Vương Kiện Lâm) mua vào năm 2015 với giá 3,5 tỷ USD. (Vương Kiện Lâm là cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc). Sự thâm nhập của Trung Quốc vào Hollywood làm người Mỹ lo lắng. Năm 2016, 18 dân biểu của cả hai đảng, trong đó có chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, đã yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn các vụ đầu tư, trong đó có vụ Wanda mua Legendary. Quốc Hội Mỹ đặt câu hỏi, “Liệu định nghĩa về an ninh quốc gia có nên mở rộng để đề cập những mối lo về tuyên truyền và kiểm soát truyền thông và các định chế quyền lực mềm?”

Chẳng lẽ ngành Văn hóa - Du lịch Việt Nam không còn cách gì khác, mà phải lấy hình ảnh con khỉ Kong đã lỗi thời và nhàm chán (thậm chí phản cảm về văn hóa) để quảng bá cho hình ảnh du lịch Viêt Nam đang bị sa sút vì quản trị yếu kém. Ngoài bối cảnh đẹp, đằng sau bộ phim Kong này là câu chuyện gì? Phải chăng Việt Nam bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về kinh tế, nay cần phụ thuộc nốt về văn hóa cho “đúng quy trình”?  Chẳng lẽ cụ Tản Đà vẫn còn đúng, “Dân hai nhăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”.   

Thay lời kết

Hà Nội (hay Sài Gòn) muốn “trở về tương lai” (back to the future) như “Hòn ngọc Viễn đông” thì trước hết phải đổi mới thể chế, dù “muộn còn hơn không”.  Nếu chưa đổi mới được cả nước, thì hãy đổi mới thành phố của mình, nếu không muốn tụt hậu so với Lào và Campuchia. Chính quyền và người dân đều phải đổi mới, vì “dân nào thì chính phủ ấy”.

Đã đến lúc Hà Nội cần chứng minh dù “gần mặt trời” nhưng vẫn có thể “biến điều không thể thành có thể”.  Câu nói “Hà Nội không vội được đâu” có thể đúng với thời Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo, nhưng chưa chắc đúng với thời Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Ông Chung ít nhất đã hai lần chứng minh ngược lại khi trực tiếp chỉ đạo giải tỏa vỉa hè Hà Nội và xử lý sự cố Đồng Tâm một cách ôn hòa nhưng hiệu quả, tuy hai sự kiện đó rất “nhạy cảm”.

Nếu Đồng Tâm là một bước ngoặt, thì Hội nghị TW5 là một cái mốc đo thực tâm chống tham nhũng cũng như chủ trương đổi mới thể chế (và nhất thể hóa) của Việt Nam. Nếu chống tham nhũng là cái ngọn thì đổi mới thể chế là cái gốc (trong mối quan hệ nhân quả). Trong khi người Thái đang biến Việt Nam thành thị trường của họ (mua lại doanh nghiệp), thì người Việt đang biến đất nước mình thành chiến trường (bằng tranh giành quyền lực).

NQD. 12/5/2017

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 12-5-17