Những mảnh ghép về
Hà Nội
Nguyễn
Quang Dy
“Hà Nội đẹp đến nỗi
nó bị phá thế mà vẫn còn đẹp”
(Một nhà văn)
Hà Nội có vẻ đẹp bí ẩn của cô gái nửa Á nửa Âu, như bức tranh
mosaic. Đó là vẻ đẹp càng
ngắm càng say mê, càng ở lâu càng quyến rũ. Mỗi khi đi xa lòng vẫn nhớ
về Hà Nội, nhất là Hà Nội mùa thu, với cây cơm nguội vàng, cây bàng lá
đỏ, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ, mái ngói xô nghiêng, như còn vọng
tiếng chuông ngân... Hình ảnh tuy đơn sơ nhưng mê hoặc lòng người, không
chỉ với người Việt mà còn với người nước ngoài.
Hà Nội
của tôi
Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier yêu Hà Nội nên đã làm bộ phim tài liệu “Hà
Nội của Tôi” (Mon Hanoi,
2017) do anh viết kịch bản và đạo diễn, để ghi lại hồn cốt và “bí mật
của Hà Nội” mà nhiều người dễ bỏ qua, như văn hóa hè phố độc đáo. Đó là
góc nhìn và cảm xúc của một người Pháp đã sống nhiều năm ở Hà Nội, nên
đã “phải lòng” thành phố này như “quê hương thứ hai”. Sau khi nghỉ, anh
mở một tiệm giặt là ở phố Hàm Long, Hà Nội.
Nhiếp ảnh gia người Mỹ William Crawford cũng yêu Hà Nội, nên đã đến
thành phố này hàng mấy chục lần trong suốt ba thập kỷ (từ năm 1985) để
ghi lại những hình ảnh của Hà Nội qua những biến đổi của thời gian và
không gian. Đó là những tư liệu quý và hắp dẫn về Hà Nội, đã được triển
lãm tại Việt Nam và bảo tàng ở Mỹ, và đã xuất bản thành sách (Hanoi
Streets 1985-2015: In the Years of Forgetting, William Crawford,
2018). Anh đã cất công ghi lại khá chi tiết kiến trúc
thuộc địa và bản địa, cảnh quan đô thị và chân dung người dân trong
không gian riêng tư tại các đường phố Hà Nội và khu vực ngoại ô. Cuốn
sách đó đã tổng hợp được những bức ảnh màu đầy cảm xúc, kèm theo hồi ký
với góc nhìn trực quan của chính tác giả về con người Hà Nội, về sự thay
đổi và phát triển của thành phố và dân cư, đặc biệt là di sản khu phố
cổ, với “Hà Nội 36 phố phường”. Michael DiGregorio là đại diện Asia Foundation
tại Việt Nam (từ 2014) và tham gia nhóm công tác về năng lượng của
AmCham. Trước đó, Michael đã làm cho Ford Foundation tại Việt Nam
(2002-2009). Anh đã sống ở Việt Nam gần ba thập kỷ, nên “phải lòng” Hà
Nội. Lý do Michael đã gắn bó với Hà Nội như “quê hương thứ hai”, không
chỉ vì lấy vợ Việt, mà còn vì Hà Nội đã hấp dẫn anh bởi nhiều di sản
lịch sử và văn hóa đầy nghịch lý.
Tại sao du khách thập phương khi đến Hà Nội chỉ
thích khu phố cổ, tuy chật chội và đông đúc? Mỗi thành phố thường có hồn
cốt riêng (ambiance), và khu
phố cổ với “Hà Nội 36 phố phường” mang đậm hồn cốt của di sản thành
Thăng Long. Chẳng ai muốn đến một thành phố tuy hiện đại nhưng vô hồn
như thủ đô Naypyidaw của Myanmar. Bên cạnh khu phố cổ, Hà Nội còn có
“khu phố Tây” lịch lãm với nhiều biệt thự Pháp từ thời thuộc địa.
Martin Rama là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân
hàng Thế giới tại Việt Nam trong 8 năm (2002-2010). Anh là tác giả cuốn
sách “Những quyết sách khó khăn: Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi”.
Anh không chỉ là chuyên gia kinh tế, mà còn là nhà hoạt động nghệ thuật
nghiệp dư, đã “phải lòng” Hà Nội ngay từ lần đầu (10/1998). Sau khi rời
Việt Nam, anh đã viết cuốn “Hà Nội, một chốn rong chơi” (Giải
thưởng Bùi Xuân Phái 2014). Cuốn sách đó là lời lời tỏ tình của Martin Rama
với Hà Nội, tuy “xa mặt nhưng không cách lòng”. Trong cuốn sách, anh đã
gọi Hà Nội là “nàng thơ” khi kể câu chuyện tình yêu của mình với Hà Nội.
Với anh, “nàng” không lộng lẫy như những thủ đô châu Âu, nhưng thực sự
xinh đẹp với cá tính riêng của mình. Vào mùa hè, tính khí “nàng” hơi
đỏng đảnh, mưa nắng thất thường, thậm chí nổi cơn bão tố, nhưng đến mùa
thu, nàng lại dịu dàng.
Martin Rama quan tâm không chỉ về tăng trưởng
kinh tế của Việt Nam, mà còn về phát triển đô thị bền vững (Sustainable
Urban Development). Đó là một dự án do anh khởi xướng, và đã đề xuất
bốn phương án để dung hòa phát triển đô thị với bảo tồn di sản văn hóa.
Đó là (1) phân vùng; (2) xác định
mục đích sử dụng đất; (3) quy chế; (4) khuyến khích. Theo anh, Hà Nội
quyến rũ mọi người vì không gian văn hóa vỉa hè và cây xanh.
Paris được yêu thích bởi văn hóa cà phê vỉa hè, một “cá tính” của thành
phố. Hà Nội cũng có “văn hóa vỉa hè”, nơi mọi người kiếm sống, mua sắm,
ăn uống, giao lưu, và hẹn hò... ngoài đường. Không phải ngẫu nhiên mà
nhiều người yêu Hà Nội. Với các nhiếp ảnh gia, đó không chỉ là một
thành phố xinh đẹp như tranh vẽ và giấc mơ, mà còn tràn đầy cảm xúc.
Martin Rama đã tích cực vận động thành phố bảo tồn những di sản
văn hóa. Với vai trò
giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững (Viện Hàn lâm
Khoa học xã hội Việt Nam)
Martin Rama đã tổ chức “giải cứu” thành công bức tranh tường ở ngã tư
chợ Mơ, bị người ta đập đi để mở đường cho một dự án mới. Bức tranh
tường nặng hàng chục tấn được di chuyển tới một địa điểm mới để khôi
phục và bảo tồn với vai trò mới. Đó không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật
tuyên truyền, mà còn là di sản của Hà Nội.
Martin Rama còn vận động thành phố bảo tồn ngõ
22A Hai Bà Trưng (Hanoi
Cinematheque). Đó là một khuôn viên
rất
đẹp, có vai trò quan trọng trong lịch sử của thành phố. Với những lan
can theo phong cách trang trí nghệ thuật
Art Deco và một quán cà phê
ngoài trời dễ thương, nó như một ốc đảo thanh lịch và yên bình giữa một
khu phố khá ồn ào. Những nơi như vậy đã
góp phần hình thành “cá
tính” độc đáo của thủ đô Hà Nội. Có thể nói Hà Nội là một bức tranh ghép nhiều sắc
thái, tuy đa dạng nhưng hòa hợp trong một thành phố “tân cổ giao duyên”.
Đó là di sản độc đáo cần bảo tồn. Gần đây, quy hoạch “Hà Nội mới” với
diện tích mở rộng vì những động cơ thực dụng, đã làm cho Hà Nội biến
dạng, với các “đô thị mới”
(new towns) tuy hiện đại
nhưng quy hoạch dở và vô hồn nên khó hòa hợp với “Hà Nội xưa”. Quy hoạch
đô thị không phải để xây nhà và bán.
Lợi
ích nhóm
Trung Quốc đã cải cách thành công để kinh tế cất cánh, trở thành công
xưởng của thế giới, trong khi Việt Nam vẫn chưa công nghiệp hóa, vẫn lệ
thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và gia công hàng xuất khẩu cho các doanh
nghiệp FDI. Nếu không xây dựng được nội lực để phát triển bền vững thì
không thể độc lập và khó giữ được chủ quyền. Không phải Việt Nam thiếu
cơ hội hay nguồn lực, mà thiếu tầm nhìn chiến lược và đổi mới tư duy.
Đối với các nước chậm phát triển hay “không chịu phát triển”, có hai thứ
vô hình nhưng nguy hiểm là “chủ nghĩa đặc thù” (exceptionalism)
và “chủ nghĩa tiệm tiến” (gradualism).
Những người theo chủ nghĩa đặc thù thường lập luận rằng Việt Nam có đặc
thù riêng nên không chấp nhận các giá trị phổ quát (không giống ai).
Những người theo chủ nghĩa tiệm tiến lập luận rằng Việt Nam không nên
đổi mới quá nhanh (giữ nguyên trạng).
Đổi mới “vòng một” ở Việt Nam tuy đã triển khai từ cuối thập niên 1980,
nhưng nay đã hết đà. Đổi
mới “vòng hai” vẫn dậm chân tại chỗ. Kinh tế Việt Nam không thể cất cánh
“theo hướng rồng bay” vì ách tắc về thể chế chưa được tháo gỡ, làm cản
trở cải cách và phát triển. Báo cáo “Việt Nam 2035,
Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và
Dân chủ” do
Bộ KH-ĐT và World Bank soạn thảo (năm 2016) vẫn chưa được triển khai.
Theo mô hình 8 bước để “quản trị thay đổi” (Leading
Change, John Kotter, 1995), bước đầu tiên là “cấp bách” (urgency).
Theo lý thuyết “thay đổi quản trị” (The
Future of Management, Gary Hamel, 2007) yêu cầu đổi mới còn cấp bách
và triệt để hơn, mang tính đôt phá để cải tổ cách thức quản trị. Nhưng
tại Việt Nam, chủ nghĩa đặc thù và chủ nghĩa tiệm tiến đã làm vô hiệu
hóa quá trình đổi mới vì “quá ít và quá chậm” (too
little too late).
Một lý do thành công của đổi mới “vòng một” chính là sự cấp bách (urgency).
Chỉ khi nào bị dồn đến bờ vực tuyệt vọng (desperation),
người ta mới “đổi mới hay là chết”. Nhưng sự thành công bước đầu của đổi
mới “vòng một” đã tạo ra tâm lý “thỏa mãn” quá sớm và “vùng an toàn” (comfort
zone), làm triệt tiêu động lực đổi mới. Theo các chuyên gia kinh tế,
Việt Nam có thể để lỡ con tàu tốc hành công nghệ số, nếu chậm đổi mới
thể chế.
Người Hà Nội thích đùa: “Hà Nội không vội được đâu”. Nhưng đại dịch và
chiến tranh Ukraine là hai sự kiện bất ngờ làm cho người Việt giật mình
tỉnh ngộ trước hiểm họa khó lường. Muốn đối phó với đại dịch, với biến
đổi khí hậu, và mối đe dọa tại Biển Đông, người Việt phải có “đồng thuận
quốc gia” (national consensus).
Nếu phân hóa và chia rẽ thì không quốc gia nào có thể đứng vững trước
các thách thức khó lường trong thế kỷ 21.
Khi vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long (năm 1010) chắc ông
không hình dung được mình đã tạo ra một bước ngoặt lịch sử lớn thế nào.
Đối với bất cứ quốc gia nào, thủ đô không chỉ có giá trị địa chiến lược,
mà còn là biểu tượng và hồn cốt của dân tộc. Vì vậy, trong chiến tranh,
kẻ thù thường đánh chiếm và phá hủy thủ đô, để xóa bỏ di sản lịch sử và
văn hóa dân tộc. Nhưng trải qua 1022 năm, Thăng Long vẫn trường tồn.
Nhưng Lý Công Uẩn dù có đầu thai sống lại, chắc không muốn sống ở Hà Nội
vì giao thông ách tắc và không khí ô nhiễm. Chắc ông không thể hiểu được
tại sao người Hà Nội lại chặt hạ 6.700 cây xanh (lá phổi của thành phố)
và lấp nhiều hồ ao (là phong thủy của Hà Nội). Chắc ông cũng không thể
hiểu được tại sao người Hà Nội lại thường xuyên đào vỉa hè lên để lát
lại, như một “cái mỏ lộ thiên” mà các nhóm lợi ích khai thác mãi không
hết.
Theo thống kê của Vietnamnet (23/3/2015), đã có hơn 70 bài báo trong
nước và ngoài nước lên tiếng về vụ chặt 6.700 cây xanh Hà Nội. Điều đó
nói lên tâm trạng bức xúc của người dân và vai trò của báo chí trước
quyết định mất lòng dân của thành phố về môi trường. Sức ép của dư luận
trong nước và ngoài nước đã buộc trung ương và thành phố phải điều tra,
làm nhóm lợi ích buộc phải dừng tay. Một số quan chức đã bị kỷ luật hoặc
bị truy tố.
Theo báo chí, chiến dịch cải tạo và lát lại vỉa hè tại 100 tuyến phố Hà
Nội tốn hàng nghìn tỉ đồng ngân sách. Riêng trong giai đoan 2013-2017,
thành phố đã có kế hoạch chi 1.800 tỉ đồng để cải tạo vỉa hè. Sau khi
thợ điện đào hè lên để đặt cáp rồi lấp lại, thợ nước lại đào lên để sửa
ống nước. Việc đào lên, lấp xuống không phối hợp, không có thanh tra
giám sát, nên chất lượng kém. Có nhiều tuyến phố vừa lát vỉa hè xong đã
xuống cấp.
Theo Tiền Phong (30/3/2019) chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam
Phạm Thanh Tùng cho rằng những tuyến phố vỉa hè còn tốt thì không cần
lát lại. Ông cho rằng điều cần nhất lúc này là Hà Nội phải đổi mới tư
duy quản trị đô thị. Đã đến lúc thành phố phải có trách nhiệm với kinh
phí của nhân dân. Không nên biến việc lát vỉa hè thành “dự án đầu tư có
nhiều thất thoát”. Theo quy
luật, tham nhũng là do không kiểm soát quyền lực.
Theo
Lao động (3/11/2021) Công ty Cổ
phần Môi trường Nhật-Việt (JVE Group) đã đề xuất phương án xây hầm ngầm
chống ngập, kết hợp cao tốc ngầm để cải tạo sông Tô Lịch thành “công
viên Lịch sử-Văn hóa-Tâm linh”. JVE áp dụng công nghệ Bio-Nano Nhật để
xử lý tận gốc mùi hôi, phân hủy tầng bùn đáy, xử lý chất ô nhiễm hữu cơ,
diệt các vi khuẩn có hại đang tồn tại trong lòng sông và duy trì môi
trường sạch cho sông. Theo dự án JVE, để có thể làm hồi sinh sông Tô
Lịch theo đúng nghĩa, cần giải pháp tổng thể như thu gom nước thải, cấp
nước mới cho sông sau khi thu gom nước thải, xử lý triệt để nguồn gây ra
mùi hôi như bùn đáy, tầng nước bị ô nhiễm trong lòng sông, và thoát nước
khi mưa bão. Nhưng dự án JVE cải tạo sông Tô Lịch do Nhật tài trợ đã bị
đình trệ do đại dịch, và không được ông Thị trưởng Nguyễn Đức Chung ủng
hộ vì lợi ích nhóm. Dự án “Bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long Biên
và các khu vực liên quan”, có tổng diện tích khoảng 310 ha, đã được
Chính phủ Việt Nam quyết định làm một bảo tàng và khu sinh thái độc đáo
của thành phố ven sông Hồng, với nhiều hạng mục khác như công viên trung
tâm (Central Park), trên cơ
sở lấy cầu Long Biên làm trọng tâm, để tạo thành một không gian mở, đan
xen với không gian đô thị hiện hữu của trung tâm thủ đô Hà Nội.
Giới tinh hoa
Việt Nam vốn có truyền thống trọng trí thức (như khẩu hiệu “nhất sỹ, nhì
nông”) và hiếu học (như Văn Miếu). Nhưng ảnh hưởng của chủ nghĩa Mao đã
đảo lộn các giá trị truyền thống, với khẩu
hiệu cực đoan “trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Gần đây,
người ta vẫn tranh luận về “định nghĩa trí thức”. Kết cục là số lượng
trí thức tuy đông, nhưng chất lượng thấp, do hệ lụy của bằng giả để chạy
chức và chạy theo thành tích.
Theo
thống kê của Bộ GD-ĐT (đến
31/12/2019),
Việt Nam có
619
giáo sư, 4.831 phó
giáo sư, 17.035
tiến sĩ, 46.251 thạc
sĩ.
Một tỷ lệ rất cao. Theo Vietnamnet (5/5/2022) “luận án tiến sĩ phát
triển môn cầu lông cho công chức” là có thật chứ không phải trò đùa. Đến
năm
2020,
cả nước có 224
trường đại học và 236
trường cao đẳng,
nhưng không có trường đại học nào của Việt Nam được xếp hạng cao hơn
1000 trường trên toàn cầu.
Gần đây, nghệ sĩ Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh đã
làm cộng đồng mạng ồn ào khi bị bắt do cáo buộc tấn công tình dục thiếu
nữ Anh 17 tuổi tại Tây Ban Nha. Câu chuyện chưa đến hồi kết nhưng dư
luận đã sôi sục như “cơn bão trong cốc trà” (a
storm in a tea cup). Các nghệ sỹ được công chúng thần tượng nên dễ
gây tai tiếng. Không chỉ “Minh Béo” bị bắt tại Mỹ (2016) mà nhiều “nghệ
sỹ ưu tú” đã dính vào nghi án “ăn chặn từ thiện”.
Thế giới mạng nay đã trở thành một thế lực đáng sợ vì sự bùng nổ của
YouTube và Tik Tok. Việc gây tranh cãi trên mạng là một thú vui dễ kiếm
tiền. Thế giới mạng sẽ đổ xô vào “bình loạn” bất kể chuyện gì gây tranh
cãi, chủ yếu là để “câu view”. Từ bầu cử tổng thống Mỹ với nhân vật
Donald Trump đầy kịch tính, đến chiến tranh tàn khốc giữa Nga và Ukraine
gây phân hóa dư luận. Vụ Hồng Đăng và
Hồ Hoài Anh không ngoại lệ.
Trong bối cảnh thế giới mạng đang góp phần vào một cuộc khủng hoảng
truyền thông mới, thì người dân tại các xã hội đang chuyển đổi (transitional)
như Việt Nam vốn có nền tảng dân trí thấp, càng dễ ngộ nhận và dễ trở
thành nạn nhân. Hàng ngày, họ bị các YouTubers và TikTokers tấn công ào
ạt qua nền tảng mobile, và bị bội thực bởi quá nhiều phim Tàu và các
chương trình giải trí hay quảng cáo rẻ tiền trên các kênh TV và radio.
Đây là những vấn đề nổi cộm về văn hóa ứng xử trong xã hội do dân trí
thấp, dễ ngộ nhận. Đó còn là hệ quả của hệ thống giáo dục làm thui chột
thế hệ trẻ. Cách đây đã lâu, một vị lãnh đạo đã nhận xét: “chất tượng
giáo dục nước ta rớt nhanh như nhảy dù”. Tuy ngành giáo dục có tiến hành
cải cách, nhưng sau mỗi lần cải cách lại càng tụt hậu, vì không chú
trọng đến thực chất mà chỉ chú trọng đến hình thức như hô khẩu hiệu như
phong trào.
Hồng Đăng và Hồ Hoài Anh được coi là thành phần “tinh hoa” (elite)
trong xã hội, nhưng có thể là sản phẩm lỗi của hệ thống giáo dục. Họ lớn
lên trong một xã hội khép kín, thiếu pháp quyền. Để tồn tại, họ thường
phải sống hai mặt để che đậy mặt trái của mình. Khi đã có nhiều tiền và
có dịp ra nước ngoài, họ muốn “đổi đời” để thỏa mãn “phần con”, hơn là
nâng cấp “phần người”. Nói cách khác, đó vẫn là dân trí thấp trong văn
hóa ứng xử.
Vì quen được công chúng trong nước thần tượng nên họ dễ ngộ nhận. Khi ra
nước ngoài, họ vẫn tưởng mình là “người nổi tiếng”. Một số người theo
thuyết âm mưu còn lập luận rằng họ bị gài.
Thường ở nước nào cũng có lừa gạt và tống tiền, nhưng không đâu
có nhiều cạm bẫy và lừa gạt như ở Việt Nam, mà có người đã ví như “Thập
diện Mai phục”. Nếu có dân trí cao, hiểu biết rộng, và văn hóa ứng xử tử
tế, thì chẳng ai gài bẫy được họ.
Lời cuối
Cách đây 20 năm, vụ án “Thủy cung Thăng Long” (ở Hồ Tây), đã làm một số
quan chức phải vào tù hay mất chức. Nay dự án khổng lồ “Sungrand City”
tại Quảng An (Tây Hồ) được phép xây
dựng đã gần xong. Tuy không có trong quy hoạch, nhưng họ có cách “điều
chỉnh quy hoạch” (làm thêm nhà hát) để hợp thức hóa dự án. Nói
cách khác, quy hoạch Hà Nội nói chung, và khu vực Hồ Tây nói riêng, đã
bị nhóm lợi ích thao túng.
Gần đây, nhóm lợi ích trong vụ án “Việt Á” và các “chuyến bay giải cứu”
đã lợi dụng đại dịch để lũng đoạn thể chế, vơ vét ngân sách nhà nước và
móc túi của dân. Trong khi đó, các tỷ phú bất động sản và chứng khoán đã
lũng đoạn thị trường và thao túng chính sách để trục lợi, bất chấp các
vấn nạn như ách tắc giao thông, ô nhiễm không khí, ngập lụt vì ao hồ bị
lấp để xây dựng, cây xanh bị chặt hạ, và hệ thống thoát nước xuống cấp.
Nếu tham nhũng là “giặc nội xâm”, thì đại dịch là “tai họa kép”. Nhóm
lợi ích không chỉ vơ vét ngân sách và móc túi dân, mà còn làm cho kế
hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch càng nan giải. Theo báo
Pháp luật (28/6/2022), trong
10 năm qua, 7.390 đảng viên đã
bị kỷ luật hay tù do tham nhũng. Trong 170 cán bộ cao cấp (diện
Trung Ương quản lý) bị bắt, có 33 Ủy viên TƯ Đảng, và 50 sỹ quan cấp
tướng. Đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Trong bốn Thị trưởng của Hà Nội gần đây, đã có hai người phải “vào lò”
là ông Nguyễn Đức Chung và ông Chu Ngọc Anh. Đó là một tỷ lệ quá cao.
Nhưng trước đó, ông Nguyễn Quốc Triệu và ông Nguyễn Thế Thảo cũng để lại
nhiều tai tiếng. Nói cách khác, trong hai thập kỷ qua, Hà Nội chưa có
một thị trưởng nào xứng đáng với thủ đô. Đó không phải là do “dân trí
thấp”, mà là do “quan trí lùn”, vì hệ lụy của một thể chế đã lỗi thời.
NQD.
7/7/2022
|