Quá độ hữu hạn & Ngộ nhận vô hạn Nguyễn Quang Dy
“Quá độ” hoặc “chuyển đổi” (transition) là khái niệm thay đổi tuần tự, từ một hệ thống này sang một hệ thống khác. Hầu hết các quốc gia (hay doanh nghiệp) chuyển đổi đều phải trải qua quá trình này. Đó là một quá trình tất yếu phù hợp với quy luật phát triển, nhưng cũng đầy ngộ nhận, có thể dẫn đến sai lầm và tổn thất, nếu cực đoan và duy ý chí, không chịu nghiên cứu để làm theo quy luật. “Ngộ nhận” (misconception/misperception) là trạng thái hồ đồ, nhầm lẫn trong tư duy, dẫn đến hành động sai. Tại sao phải bàn về ngộ nhận? Bởi vì người Việt ngộ nhận quá nhiều và quá dễ. Câu chuyện về hơn 300 sinh viên Việt Nam tại Australia bị một cô gái trẻ trên facebook lừa gần 400.000 AUD vì mua vé máy bay giá rẻ trong dịp Tết vừa qua, đáng để suy nghĩ. Phải chăng người Việt hay ngộ nhận nên dễ bị lừa. Ngộ nhận như cái bẫy mà nhiều người hay mắc phải, dù phải trả giá nhưng vẫn tiếp tục ngộ nhận, như một căn bệnh tâm thần mãn tính khó chữa. Tại sao khó chữa? Bởi vì ngộ nhận như cái bẫy ảo nằm trong tâm thức của ta (state of mind). Có lẽ không ai gài bẫy cả, mà chính ta tự gài bẫy mình. Làm thế nào để tránh? Nó không giống như lái xe tránh cái ổ gà hay cái hố tử thần trên đường. Ngộ nhận ẩn tàng trong tâm thức như một bản năng khó thay đổi, như những góc mù che khuất tầm nhìn, làm ta vô minh, lú lẫn (dù có tài giỏi đến mấy). Vì vậy, muốn tránh ngộ nhận, phải giác ngộ. Nói theo nhà Phật là phải vô chấp, vô ngã, để không vô minh. Hãy điểm qua vài ví dụ điển hình. Ngộ nhận & chuyển đổi Sau chiến tranh (1975), Việt Nam phải chuyển đổi từ thời chiến sang thời bình, từ hai miền khác nhau về chế độ chính trị thành một đất nước thống nhất. Nó đòi hỏi năng lực quản trị chuyển đổi đầy khó khăn trong giai đoạn hậu chiến. Người Đức đã làm rất tốt, nhưng người Việt đã làm rất tồi. “Bên thắng cuộc” đã say sưa với chiến thắng nên ngộ nhận rằng đã thắng được Mỹ thì có thể làm bất cứ chuyện gì, rằng xây dựng kinh tế không khó bằng chiến tranh, nên ai làm cũng được. Họ không hiểu rằng đó là hai chuyện khác nhau, phải đổi mới tư duy và hành động, với tầm nhìn mới. Đáng nhẽ cả hai bên (thắng cuộc và thua cuộc) đều phải “học tập cải tạo” một cách nghiêm túc để hòa giải và bắt tay với nhau để tái thiết đất nước. Nhưng đáng tiếc là cực đoan và hận thù đã xô đẩy cả hai phía Việt Nam tiếp tục cuộc chiến không đáng có, trong khi kẻ thù truyền kiếp lợi dụng thời cơ chiếm mất Hoàng Sa và dùng Khmer Đỏ gây ra xung đột mới. Đơn giản vì Trung Quốc không muốn một nước Việt Nam thống nhất và hùng mạnh, tuột khỏi vòng tay bá quyền của họ. Thất bại về bình thường hóa với Mỹ năm 1978 (trong gang tấc) là một thất bại về tầm nhìn và tư duy chiến lược thời hậu chiến, dẫn đến hệ quả khôn lường. Việt Nam lại rơi vào vòng xoáy chiến tranh, mắc kẹt vào quá trình phân cực và xung đột của tam giác Mỹ-Trung-Xô, do ngộ nhận về bạn thù và ưu tiên chiến lược. Đó là một trường hợp xử lý “sai một ly đi một dậm”. Thống nhất đất nước là tất yếu, nhưng quản trị việc hội nhập hai miền thế nào mới là hệ trọng. Cực đoan và duy ý chí, với cái đầu nóng, nhưng thiếu năng lực quản trị, có thể phung phí cơ hội hội hiếm có và nguồn lực khổng lồ của đất nước. Kết cục hôm nay là hệ quả hôm qua. Lịch sử có thể lặp lại với những sai lầm mới, nếu vẫn ngộ nhận. Trong bối cảnh hiện nay (sau Đại hội Đảng và trước khi Mỹ có Tổng thống mới) không nên ngộ nhận trông chờ quá nhiều vào Sunnylands Summit (15-16/2/2016) hay chuyến thăm của Tổng thống Obama (5/2016). Nhưng cũng đừng coi nhẹ sự kiện Trung Quốc đưa tên lửa HQ-9 ra đảo Phú Lâm (Hoàng Sa). Các sự kiện này đều liên quan đến nhau, và cùng một bàn cờ đang chuyển động, trong đó Trung-Mỹ là hai đối thủ chính, còn Việt Nam và ASEAN là các bên liên quan đến tranh chấp, nhưng lại bất lực. Không phải chỉ vì Mỹ vẫn “ngập ngừng”, mà còn vì Việt Nam và ASEAN không đủ mạnh và đoàn kết. Trong khi cơ chế an ninh ARF trở nên lạc hậu, thì AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) vẫn còn quá mới. Từ quá độ đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội… Chúng ta đã nghe câu chuyện “quá độ đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội” từ rất lâu rồi, từ ngày còn cắp sách đi học. Lúc đó mọi người hiểu một cách mơ hồ về câu chuyện quá độ như một huyền thoại và nhắm mắt tin theo (vì chẳng ai phản biện). Rồi câu chuyện ngày càng khó hiểu hơn với những khái niệm tù mù như “bước đi ban đầu của thời kỳ ban đầu của giai đoan quá độ…”. Lúc đó chắc bộ trưởng Bùi Quang Vinh còn quàng khăn đỏ, nên chưa thể nói được rằng “làm gì có cái thứ đó mà đi tìm…” Nói như vậy để thấy quá trình giác ngộ để “vượt qua ngộ nhận” về một khái niệm đơn giản nó phức tạp đến thế nào. Tôi nhớ cách đây hơn một thập kỷ, giáo sư Nhật Kenichi Ono (Viện Grips) đã có một nhận xét thú vị, “Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi rất ấn tượng thấy các bạn Việt Nam say sưa tranh luận về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Năm năm sau trở lại Việt Nam, tôi vẫn thấy các bạn say sưa tranh luận về những vấn đề hệ trọng đó…” Có lẽ đến bây giờ chúng ta vẫn còn say sưa tranh luận về những vấn đề đó. Chỉ có khác là các chuyên gia kinh tế nay gọi điều đó là “chém gió”… Một chuyên gia nước ngoài khác (tôi không nhớ tên) có một nhận xét dí dỏm (mà chị Phạm Chi Lan hay trích dẫn) là Việt Nam thuộc loại nước “không chịu phát triển”. Quá độ thì hữu hạn, nhưng ngộ nhận thật vô hạn. …Đến định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Sau những cố gắng đổi mới tư duy kinh tế, câu chuyện “quá độ” đi lên Chủ Nghĩa Xã Hội (bị thất bại) đã được thay thế bằng câu chuyện “chuyển đổi” sang kinh tế thị trường (tức Chủ nghĩa Tư bản). Đó là một bước tiến dài để chuyển đổi tư duy kinh tế, tuy mất đứt mấy thập kỷ, nhưng ta vẫn kiên trì “Định hướng Xã hội Chủ nghĩa”. Kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa là một “sáng tạo độc đáo” không giống ai. Các nhà kinh tế (kể cả được giải Nobel) cũng chẳng hiểu nổi mô hình này là cái gì. Tại Đại hội Đảng XII, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (sắp nghỉ hưu) đã kêu gọi “thay đổi thể chế đồng bộ”, và cách đây mấy ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng sắp nghỉ hưu) có một bài dài kêu gọi “thay đổi thể chế”. Nhưng nghị quyết Đại hội Đảng XII vẫn kiên trì “định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Trong vòng xoáy khủng hoảng, hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã bị phá sản và chết lâm sàng, do ngộ nhận về kinh tế thị trường và mắc kẹt vào định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Nay tham gia sân chơi WTO và TPP, nhưng doanh nghiệp Việt nam vẫn mơ hồ về hội nhập, ngộ nhận một cách “vô hạn” về một khái niệm chuyển đổi “hữu hạn”, biến câu chuyện đơn giản thành nan giải, với cái giá phải trả “vô hạn”. Sự ngộ nhận đó đã dẫn đến hệ quả tai hại, làm Việt Nam tụt hậu vài thập kỷ so với các nước láng giềng, trong khi nước láng giềng khổng lồ phương Bắc đang muốn chúng ta trở lại thời “Bắc thuộc”. Nhưng điều trớ trêu là chính ông bạn khổng Trung Quốc cũng đang mắc kẹt vào cái bẫy chuyển đổi do ngộ nhận, và đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ của thể chế chính trị độc đảng đã lỗi thời, mà chính lãnh đạo cao nhất của họ (Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn) đã phải công khai thừa nhận. Tại sao chúng ta vẫn kiên trì ngộ nhận theo đuổi mô hình đó và đi theo đường mòn đó, trong khi chính họ cũng đang tìm cách “thoát Trung”. Lựa chọn chính sách này dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn nào? Theo báo Đại Kỷ Nguyên (16/2/2016) và Tạp chí Tranh Minh (Hong Kong), tại Hội nghị TƯ 2 của Đảng CSTQ (29/10/2015) , Tập Cận Bình đã cảnh báo về “6 nguy cơ lớn của Đảng” và nhấn mạnh, “cần dũng cảm đối diện sự thực, thừa nhận việc Đảng thoái hóa biến chất và đang đứng trước nguy cơ mất Đảng”. Vương Kỳ Sơn (bí thư Ủy ban Kỷ luật TW) cũng công khai thừa nhận (tại cuộc họp thứ 52 của UBKLTW) “đang xuất hiện vấn đề lớn” trong thể chế không thể chữa được, khiến Đảng đi vào đường cùng của sự sụp đổ, “Đấy là sự thực, không phải việc ai đó có chịu thừa nhận hay không”. Theo Ban Tổ chức Trung Ương TQ (tính đến 25/7/2015) đã có 209.920.000 người tuyên bố bỏ Đảng và các tổ chức chính trị của Đảng (như Đoàn Thanh niên Cộng sản). Chuyển đổi bị mắc kẹt Giáo sư người Mỹ gốc Hoa Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) đã nghiên cứu mô hình phát triển của Trung Quốc và đưa ra lý thuyết cho rằng “Trung Quốc đã bị mắc kẹt trong quá trình chuyển đổi do những cải cách kinh tế và chính trị nửa vời”. Minxin Pei kết luận rằng vì Đảng Cộng sản phải kiểm soát nền kinh tế để tồn tại về chính trị, nên chủ thuyết quá độ tiệm tiến (gradualism) cuối cùng sẽ thất bại” (Minxin Pei, “China’s Trapped Transition: The Limits of Development Autocracy”, Harvard University Press, 2006). Theo Minxin Pei, để duy trì chế độ chính trị, Tập Cận Bình đang áp dụng chính sách cai trị bằng sợ hãi (rule of fear), nhằm thâu tóm quyền lực dưới chiêu bài chống tham nhũng, làm xã hội Trung Quốc chìm trong không khí khủng bố như thời Cách mạng Văn hóa. (Minxin Pei, “China’s Rule of Fear”, Project Syndicate, February 8, 2016). Một hệ quả cụ thể của chiến dịch đả hổ là Lệnh Hoàn Thành (em trai Lệnh Kế Hoạch) đã chạy sang Mỹ tị nạn, đem theo nhiều bí mật quốc gia, như một “quả bom nổ chậm” có sức công phá không kém gì vụ Vương Lập Quân chạy vào Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô (2/2012). Theo các nhà kinh tế, không phải chỉ có quả bom nổ chậm về chính trị, mà bong bóng kinh tế (đặc biệt là bong bóng bất động sản) là một quả bom nổ chậm hàng ngàn vạn tấn đang chờ kích hoạt. Vạn lý Trường thành cũng không thể ngăn được dòng người (và vốn) tháo chạy ồ ạt (như bỏ phiếu bằng chân). Quyền lực cũng bị mắc kẹt Khi Nguyễn Bá Thanh chuyển từ Đà Nẵng ra Hà Nội để làm Trưởng Ban Nội chính (đầy quyền lực) có thể ông ấy quá tự tin và ngộ nhận về trò chơi quyền lực mới, vì chống tham nhũng nguy hiểm như săn hổ dữ. Nguyễn Bá Thanh có thể làm mưa làm gió tại Đà Nẵng (như lãnh chúa), nhưng ra Hà Nội ông ấy có thể bị vô hiệu hóa và mắc kẹt vào một cơ chế quyền lực khác mà ông ấy không làm chủ. Thuyên chuyển quyền lực (power transition) là một việc không đơn giản. Nguyễn Bá Thanh đã hấp tấp tuyên bố “hốt liền” trong khi chưa chuẩn bị các điều kiện cần và đủ (về luật chơi và người chơi). Tập Cận Bình đã đưa Vương Kỳ Sơn vào ghế thường trực BCT trước khi bổ nhiệm ông này làm bí thư Ủy ban Kỷ luật Trung ương. So với Nguyễn Bá Thanh, Vương Kỳ Sơn chuyên nghiệp hơn nhiều, cả về con người lẫn bộ máy quyền lực. Không biết Đinh La Thăng có học được bài học quá đắt của Nguyễn Bá Thanh để tránh cái bẫy ngộ nhận hay không, mặc dù cái ghế Bí Thư thành phố HCM không nguy hiểm bằng cái ghế Trưởng ban Nội chính. Nhưng dù sao, đặc điểm cơ chế quyền lực (nổi và chìm) tại Sài Gòn cũng khác Hà Nội. So với Hoàng Trung Hải, nhiệm vụ của Đinh La Thăng khó khăn phức tạp hơn nhiều, như một con dao hai lưỡi, rất dễ mắc kẹt vào cái bẫy chuyển đổi quyền lực (trapped transition). Sở hữu toàn dân Một ngộ nhận lớn khác là quyền “sở hữu toàn dân” (đặc biệt là về tài nguyên ruộng đất). Khái niệm tù mù về quyền sở hữu toàn dân nghe có vẻ hợp đạo lý Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng thực ra đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm lợi ích thân hữu thao túng và chiếm đoạt của công biến thành của tư, làm cho mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt. Những cải cách nửa vời về sở hữu ruộng đất đã làm cho xã hội bị mắc kẹt trong một cái bẫy nguy hiểm, như một quả bom nổ chậm chưa được tháo ngòi. Sở hữu toàn dân là nguồn gốc làm cản trở sự phát triển của đất nước qua nhiều thập kỷ, dưới mức tiềm năng, làm cho Việt Nam ngày càng tụt hậu so với các nước láng giềng. Nếu không đổi mới về thể chế kinh tế và chính trị, nếu không cải cách triệt để về quyền sở hữu ruộng đất, thì không thể hóa giải được mâu thuẫn xã hội, và Việt Nam không thể phát triển bền vững. Càng yếu kém và lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và chính trị, thì Việt Nam càng khó giữ độc lập và chủ quyền. Chính sách mị dân Nhân dân là một danh từ được các nhà chính trị (của mọi thời đại) nhắc đến nhiều nhất để mị dân (dù họ có phải dân túy hay không), với những khẩu hiệu nghe sướng tai như “Chính phủ Của dân, Do dân, Vì dân” (Abraham Lincoln), mà người Việt hay nhắc đến (như của chính mình). Trong Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (Thomas Jefferson) mà cụ Hồ đã trích dẫn trong Tuyên Ngôn Độc lập của ta, cũng nhấn mạnh dân quyền, “Mọi người sinh ra đều bình đẳng” (All men are created equal…). Tại Việt nam, danh từ nhân dân được sử dụng một cách “lạm phát”, với nhiều vận dụng độc đáo như “quân đội nhân dân”, “công an nhân dân”, “ủy ban nhân dân”, “hội dồng nhân dân”, tòa án nhân dân”, … Cái gì cũng “nhân dân” (chỉ có một ngoại lệ là “ngân hàng nhà nước”). Những người cầm quyền ở Việt Nam luôn chú ý đến “dân vận”, thường xuyên vận dụng các cụm từ mị dân như, “lấy dân làm gốc”, “trung với nước hiếu với dân”, “uống nước nhớ nguồn”… nhất là khi phải huy động sức dân cho chiến tranh, hay đóng góp tài chính… Nhưng khi dân phản đối về một vấn đề gì đó (như Trung Quốc) họ thường bị trấn áp như “thế lực thù địch” hay “phản động”. Như vậy thì làm sao “thoát Trung”? Khủng hoảng lòng tin Ngay từ thời “cải cách ruộng đất”, nhiều người có công với cách mạng đã bị đấu tố và xử tử oan sai, do ngộ nhận và cuồng tín. Bây giờ mấy từ “dân oan” hay “khiếu kiện” đã trở thành những từ khóa được nhắc đến nhiều nhất. Chính quyền ngày càng xa dân, đối xử bất minh với dân, lời nói không đi đôi với việc làm, nên những khẩu hiệu mị dân trở nên vô nghĩa và phản cảm (như loa phường). Chính quyền ngày càng mất lòng dân, nên phải đối phó và nói dối. Lòng tin một khi đã mất rất khó lấy lại. Không phải chỉ có bên Trung Quốc mà ngay tại Việt Nam, nhiều đảng viên trung kiên đang bỏ đảng. Ngộ nhận là một tai họa, có thể kéo dài quá trình chuyển đổi, thậm chí tụt hậu. Chuyển đổi là vấn đề sống còn đối với vận mênh đất nước, nhưng thay đổi quá ít và quá muộn (too little too late) có thể trở thành vô nghĩa, vì để mất cơ hội mới, hoặc đánh mất nốt lòng tin còn sót lại. NQD. 18/2/2016
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-2-16 |