Lý giải sóng ngầm
tại bãi Tư Chính
Nguyễn Quang Dy
“Muốn
hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh”
(Si vis pacem, para bellum).
Những gì đang diễn ra tại bãi Tư Chính là dư chấn như sóng ngầm tiếp
theo khủng hoảng lần trước (7/2017 và 3/2018). Vì vậy, tuy không bất ngờ
nhưng cũng đừng chủ quan. Theo báo SCMP
(12/7/2019), Trung Quốc đã điều tầu HD-8 đến vùng biển gần bãi Tư Chính
(Vanguard Bank) để thăm dò dầu khí (từ 3/7/2019). Tàu HD-8 được hộ tống
bởi 2 tàu hải cảnh số 3901 (12.000 tấn) và số 37111 (2.200 tấn), được
trang bị trực thăng và pháo.
Cảnh Sát Biển Việt Nam đã điều 4 tàu CSB đến ngăn chặn các tàu Trung
Quốc vi phạm chủ quyền. Ngoài 4 tàu CSB Việt Nam và 2 tàu hải cảnh Trung
Quốc trực tiếp đối đầu (stand-off) suốt tuần qua tại vùng biển gần bãi
Tư Chính (cách Vũng Tầu khoảng 440km), có hàng chục tàu khác của hai bên
hoạt động ở ngoại vi. Sự kiện này xảy ra bất chấp cam kết (5/2019) của
bộ trưởng Quốc phòng hai nước nhằm giải quyết tranh chấp qua đàm phán.
Theo báo chí chính thống (11/7/2019), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến
thăm và làm việc với Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển. Theo nguồn tin không
chính thức, Thủ tướng đã nói chuyện qua điện thoại với các tàu CSB đang
hoạt động tại vùng biển bãi Tư Chính. Tuy nội dung cụ thể không được
thông báo, nhưng chắc Thủ tướng đã chỉ đạo CSB nâng cao cảnh giác để
tránh bị động và bất ngờ trước các tình huống khó lường có thể xảy ra
trên biển.
Bối
cảnh cũ
Cuộc đối đầu lần này tiếp nối cuộc khủng hoảng lần trước tại bãi Tư
Chính (7/2017 & 3/2018) cũng như sự kiện dàn khoan HD-981 (5/2014).
Trong cuộc khủng hoảng lần trước, Trung Quốc đã huy động hàng trăm tàu
để hộ tống dàn khoan HD-760 tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam. Họ đã đe dọa Việt Nam để buộc Repsol phải dừng khoan tại lô 136/03
(Cá Kiếm Nâu) và lô 07/03 (Cá Rồng Đỏ) nằm trên thềm lục địa của Việt
Nam.
Theo các chuyên gia,
Exxonmobil (Mỹ) ký hợp đồng với PVN để khai thác khí tại lô 118 (Cá Voi
Xanh) có thể làm Bắc Kinh tức giận. Nhưng chắc họ tức giận hơn khi PVN
và Repsol (Tây Ban Nha) định khai thác dầu khí tại lô 136/03 và lô 07/03
tại khu vực bãi Tư Chính. Lô 136/03 và 07/03 kề bên (overlaps) một lô
dầu khí lớn mà Trung Quốc đã bán quyền khai thác cho Crestone (từ năm
1992) nay thuộc quyền Brightoil (Trung Quốc). Tháng 4/2017, kế hoạch khai thác dầu khí tại cụm
Cá Rồng Đỏ được chính phủ Việt Nam chấp thuận, theo đó 12 giếng dầu sẽ
lần lượt được đưa vào hoạt động (từ cuối năm 2019) có tổng công suất
khai thác mỗi ngày từ 25.000 đến 30.000 thùng dầu và 60 triệu m3 khí
thiên nhiên. Vì lô 07/03 (Cá Rồng đỏ) nằm gần bờ nhất nên được ưu tiên
triển khai trước. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, cần triển khai sớm dự
án Cá Voi Xanh (là ưu tiên cao nhất). Theo nguồn tin khả tín từ giới kinh doanh dầu khí
quốc tế, việc hủy bỏ kế hoạch khai thác dầu khí tại mỏ Cá Rồng đỏ khiến
các bên tham gia phải chịu thiệt hại lên tới 200 triệu USD. Nguyên nhân
chính là do áp lực của Trung Quốc đòi chủ quyền theo đường “lưỡi bò”, và
đe dọa tấn công các đảo do Việt Nam kiểm soát tại Trường Sa và bãi Tư
Chính.
Nhưng theo quan điểm của Việt Nam (và quốc tế), việc Bắc Kinh không cho
Việt Nam và các đối tác thăm dò và khai thác dầu khí tại lô 136/03 và
07/03, hay lô 118, là vô lý và ngang ngược. Tuy lô 118 nằm ngoài đường
“Lưỡi bò”, nhưng Trung Quốc vẫn lập luận rằng khi ExxonMobil khai thác
họ có thể hút cạn kiệt bể khí “nằm dưới đường Lưỡi Bò”.
Thời
điểm mới
Theo Stratfor (12/7/2019) “Trung Quốc và Việt Nam đều không thông báo
công khai về đối đầu lần này vì họ không muốn tình trạng căng thẳng đó
leo thang vào lúc này”. Báo chí hai nước cũng không lên tiếng (trừ báo
SCMP tại Hong Kong). Nhưng từ năm ngoái, ông Jack Ma, chủ của Alibaba đã
trở thành cổ đông lớn của báo này, nên SCMP không còn độc lập như trước.
Tuy nhiên, người ta biết rằng ngày nay mọi hoạt động trên biển không qua
được mắt vệ tinh, và mọi diễn biến không thể dễ dàng bưng bít được thông
tin như trước.
Nhưng điều đáng lưu ý là thời điểm xảy ra sự kiện đối đầu tại Bãi Tư
chính lại trùng hợp với chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch
Quốc hội Việt Nam. Tiếp theo thỏa thuận “hưu chiến” Mỹ-Trung tại G-20
Osaka summit (29/6/2019), Mỹ đã quyết định đánh thuế 456% lên thép của
Việt Nam có nguồn gốc từ Đài Loan hay Hàn Quốc. Bắc Kinh có thể nghĩ
rằng lúc này Hà Nội đang ở thế bất lợi, nên họ cần gây sức ép mạnh hơn.
Trong khi tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân
tại Bắc Kinh (11/7/2019), Chủ tịch Tập Cận
Bình đã nói “hai nước nên bảo vệ hòa bình và ổn định trên biển bằng hành
động cụ thể” (safeguard maritime peace and stability with concrete
actions). Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cũng đã
nói với Chủ tịch Quốc hội Việt Nam là “hai bên nên cộng tác để xây dựng
bộ quy tắc ứng xử (COC) tại Biển Đông”.
Trước đó, khi G-20 Osaka summit đang họp thì Hải quân Trung Quốc tập
trận bắn đạn thật tại Biển Đông (phía Bắc Trường Sa, từ 29/6 đến 3/7).
Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo Trung Quốc đã bắn thử tên lửa diệt hạm YJ-12
từ Trường Sa, đe dọa tự do hải hành tại Biển Đông. Gần đây, (6/2019) Hải
quân Trung Quốc đã tăng cường hoạt động tại khu vực đảo Thị Tứ, và đâm
chìm một tàu đánh cá Philippines tại bãi Cỏ Rong (mà không cứu người).
Có thể nói, trong khi Mỹ-Trung “vừa đánh vừa đàm”, Trung Quốc tăng cường
gây sức ép và bắt nạt các nước khu vực (như Philippines và Việt Nam).
Một là để thử phản ứng của Mỹ và đồng minh. Hai là để phân hóa ASEAN và
giữ Việt Nam không ngả theo Mỹ, trước chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Việt
Nam. Ba là để trấn an nội bộ trong nước, vì mỗi khi nội bộ bất ổn thì
Bắc Kinh thường gây chuyện với bên ngoài để kích động tinh thần dân tộc.
Khả
năng chiến tranh
Theo Graham Allison (Belfer Center/Harvard), Mỹ và Trung Quốc dễ sa vào
“bẫy Thucydides”, và chiến tranh tại Biển Đông khó tránh khỏi. Allison
khảo sát 16 trường hợp tranh chấp trên thế giới, có 12 trường hợp dẫn
đến chiến tranh. Với đa số áp đảo (3/4), Allison lập luận rằng đó là
“quy luật tất yếu” (inevitable). Nhưng lập luận đó có lẽ không ổn.
Theo Alexander Vuving (APCSS/Hawaii), 12 trường hợp Allison cho là đã
xảy ra chiến tranh có đặc điểm như “prisoner’s dilemma”, trong khi 4
trường hợp còn lại (không xảy ra chiến tranh) có đặc điểm như “chicken
game”. Theo lý thuyết trò chơi, 2 loại đó có đặc điểm khác nhau, nên kết
cục khác nhau, không thể “vơ đũa cả nắm”. Trong tranh chấp tại Biển
Đông, khả năng xảy ra chiến tranh Mỹ-Trung “rất thấp” (unlikely) vì
giống “chicken game”.
Tại Biển Đông, Trung Quốc triển khai chiến lược “tầm ăn dâu” để “thay
đổi thực địa” (change facts on the ground) như một “chuyện đã rồi” (fait
accomli). Trong khi người Trung Quốc coi Biển Đông như một “vùng xám”
(grey area) để họ chơi cờ vây và vận dụng Binh pháp Tôn Tử (không đánh
mà thắng), thì người Mỹ thường chơi cờ vua và vận dụng binh pháp
Clausewitz. Đó là hai cách tư
duy theo hệ quy chiếu khác nhau, không nên lẫn lộn.
Tại Biển Đông, Trung Quốc thường dùng kế sách “bên miệng hố chiến tranh”
(brinkmanship) để bắt chẹt đối phương phải nhân nhượng. Trong trò chơi
“brinkmanship”, muốn hòa bình phải sẵn sàng chiến tranh. Winston
Churchill đã nói “Một dân tộc tìm cách tránh chiến tranh bằng cái giá
của sự nhục nhã thì cuối cùng sẽ nhận lấy cả sự nhục nhã và chiến
tranh”. Cụ Hồ cũng từng nói “chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp
càng lấn tới”. Nay Trung Quốc là “thực dân mới” (lời ông Mahathir), nếu
càng nhân nhượng, họ càng lấn tới.
Dưới thời ông Obama, Mỹ không dám đương đầu với Trung Quốc như thời ông
Trump hiện nay. Trung Quốc đã nắm được chỗ yếu đó, nên đã lấn tới. Tuần
tra FONOP tại Biển Đông theo cách “đi qua vô hại” (innocent passage) đã
vô hình trung khuyến khích Trung Quốc càng hung hăng hơn. Trung Quốc đã
tranh thủ bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ chiếm tại Hoàng
Sa và Trường Sa thành các căn cứ quân sự như hiện nay.
Đối tác chiến lược
Nhưng tại sao Trung Quốc lại tập trung gây sức ép tại bãi Tư Chính mà
không gây sức ép tại mỏ khí Cá
Voi Xanh (lô 118) của Exxonmobil. Đơn giản vì bãi Tư Chính là khâu yếu
nhất, khó bảo vệ vì cách xa bờ (cách Vũng Tầu 440km). Tháng 7/2017 và
3/2018, Việt Nam và Repsol (Tây Ban Nha) đã phải ngừng khoan dầu khí và
chịu thua Trung Quốc do đơn độc và yếu hơn (không có đồng minh bảo vệ).
Trong khi đó, Cá Voi Xanh (lô 118) của ExxonMobil chỉ cách Đà Nẵng 88km,
và đụng vào ExxonMobil là đụng vào Hải Quân Mỹ.
Nếu Trung Quôc bắt nạt được Việt Nam và Tây Ban Nha (tại lô 136/03 và
07/03), thì họ có thể gây sức ép với Ấn Độ (tại lô 128) và Mỹ (tại lô
118) để nhổ ba cái gai nhọn cắm vào “lưỡi bò” của họ. Nếu nhổ được ba
cái gai đó, họ sẽ kiểm soát được Trường Sa và làm chủ Biển Đông. Cũng
như Scarborough, bãi Tư Chính là “làn ranh đỏ” (red line), có ý nghĩa
địa chiến lược. Nếu Việt Nam (và Mỹ) để mất bãi Tư Chính vào tay Trung
Quốc như Philippines (và Mỹ) đã để mất Scarborough (năm 2012) thì đó sẽ
là một sai lầm chiến lược lớn. Các sự kiện diễn ra liên quan đến lô 136/03 (Cá
Kiếm nâu) tháng 7/2017, lô 118 (Cá Voi xanh) tháng 11/2017, và lô 07/03
(Cá Rồng đỏ) tháng 3/2018, đã làm bộc lộ bản chất và thái độ ngang ngược
của Trung Quốc. Họ dựa trên sự áp đặt đường lưỡi bò bất hợp pháp tại
biển Đông để ngăn cản tất cả các đối tác quốc tế nào muốn hợp tác dầu
khí với Việt Nam. Điều đó nhất quán với “Tam chủng Chiến pháp” (Three
War Doctrine) của Trung Quốc.
Nhưng liệu Mỹ dưới thời ông Trump có bảo vệ Việt Nam không, khi hai bên
chưa phải là đồng minh và đối tác chiến lược? Theo chuyên gia Bonnie
Glaser (CSIS) “có rất ít khả năng Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Việt
Nam chống lại Trung Quốc, vì Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ”.
(What would the U.S. have done differently? I find it unlikely that the
U.S. would militarily defend Vietnam against China. Vietnam isn’t an
ally).
Nếu Mỹ không can thiệp vào tranh chấp tại Biển Đông và không sẵn sàng
bảo vệ đồng minh hay đối tác (như Philippines hay Việt Nam), thì đúng ý
Trung Quốc, vì họ chỉ muốn loại Mỹ ra khỏi Biển Đông. Nếu ASEAN cũng
không can thiệp và khoanh tay đứng nhìn khi Việt Nam bị bắt nạt và đe
dọa thì cũng đúng ý Trung quốc. Họ chỉ muốn phân hóa làm suy yếu ASEAN
bằng cách tách bó đũa ra để bẻ từng chiếc, nên không đàm phán đa phương.
Alexander Vuving đã nhận xét rằng quan hệ Trung-Việt nay tách xa hơn
“nhưng không quá xa”, còn quan hệ Mỹ-Việt nay gần hơn “nhưng không quá
gần”. Tuy nhiên, sau khi tổng thống Obama đến thăm Việt Nam (5/2016), bỏ
cấm vận vũ khí, và thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Mỹ (6/2017), gặp
Tổng thống Donald Trump, thì quan hệ Mỹ-Việt hầu như đã trở thành đối
tác chiến lược “trên thực tế” (de facto). Thế cân bằng tĩnh đang bị phá
vỡ, biến tam giác cân “Mỹ-Trung-Việt” trở thành tam giác “bất cân xứng”,
đầy biến số.
Làm sao giữ nước
Vấn đề cốt lõi (bottom line) là Trung Quốc muốn áp đặt đường “lưỡi bò”
để thâu tóm Biển Đông như cái ao của họ. Trung Quốc không muốn Việt Nam
(hay Philippines) hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông với bất kỳ đối
tác nào khác (như Tây Ban Nha, Mỹ, Ấn Độ, Nga) mà không phải Trung Quốc.
Họ chỉ muốn Việt Nam cùng Trung Quốc khai thác chung theo cách của họ mà
ông Mahathir có lần chỉ trích là “thực dân kiểu mới”.
Trong bối cảnh trật tự thế giới ngày càng mất trật tự (disorder) như
hiện nay, nước nào cũng cần có đồng minh chiến lược để không bị cô độc.
Những nước nhỏ yếu hơn là hàng xóm của một siêu cường (như Trung Quốc)
càng cần có đồng minh chiến lược để làm đối trọng khi cần thiết (hedging
strategy). Nhưng đừng nên ảo tưởng trông chờ vào cường quốc khác bảo vệ
mình, nếu không biết phát huy nội lực để tự cường và độc lập. Muốn vậy,
phải nâng cao dân trí, đổi mới thể chế và điều chỉnh hệ quy chiếu để
không bị lạc hậu và tụt hậu.
Dư luận cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần ưu tiên đầu tư để
nâng năng lực của Cảnh sát Biển (nói riêng) và Hải quân (nói chung).
Điều đó tuy đúng nhưng có lẽ chưa đủ, và có thể là “quá ít và quá muộn”
(too little too late). Tuy phải làm mọi cách để nâng cao năng lực CSB,
nhưng năng lực chiến đấu không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh cứng (như khí
tài và hỏa lực) mà còn phụ thuộc vào sức mạnh mềm (như dân trí và dân
khí).
Ngày trước, khi thực dân Pháp đem chiến hạm đến cửa biển Thuận An để dọa
nạt, triều đình chỉ muốn yên lặng để “giữ hòa khí”, trong khi người Việt
chỉ ham uống rượu và ngâm thơ. Dân trí như vậy, làm sao không mất nước?
Ngày nay, khi Trung Quốc đem chiến hạm đến bãi Tư Chính để bắt nạt, Việt
Nam cũng muốn yên lặng để giữ hòa khí và đại cục, trong khi tranh cãi
sôi nổi nên làm đường sắt cao tốc 200km/h hay 350km/h, nên cho “mở lon
Viêt Nam” và “dùng lu” để chống lụt hay không. Dân trí như vậy, làm sao
giữ được nước?
Trong khi hy vọng tranh chấp tại bãi Tư chính
có thể dàn xếp được (trước mắt), Việt Nam cần chuẩn bị cho mọi tình
huống (lâu dài). Trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng Bí thư/Chủ tịch
nước Nguyễn Phú Trọng (nếu sức khỏe cho phép), việc ký kết hay bàn bạc
về một thỏa thuận hợp tác chiến lược (như với các đồng minh/đối tác
khác) là thiết yếu để tạo ra một đòn bẩy chiến lược đủ sức răn đe đối
với các tham vọng của Trung Quốc. Điều này phù hợp với “chiến lược phát
triển bền vững kinh tế biển” (theo Nghị quyết 36-NQ/TW).
Tham khảo
“China and Vietnam in standoff over Chinese survey ship mission to
disputed reef in South China Sea”,
Liu Zhen, South China Morning Post, July 12, 2019
“China, Vietnam: Reports Suggest Maritime Standoff Near Spratly
Islands”,
Stratfor, situation report, July 12, 2019
“Tensions Bubble to the Surface in China-Vietnam Spat”,
Murray Hiebert & Gregory Poling, CSIS AMTI update, June 28, 2017
“Khủng hoảng Biển Đông lần thứ hai”,
Nguyễn Quang Dy, Viet-studies, July 31, 2017
NQD. 14/7/2019
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-7-19 |