Thách thức và cơ hội sau Ukraine

Nguyễn Quang Dy

 

Thế giới vẫn chưa thoát khỏi đại dịch Covid-19 thì cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine đã ập tới như một thảm họa kép, với những hệ quả khó lường. Sau hơn một tháng chiến tranh đẫm máu, nhiều thành phố Ukraine đã bị hủy diệt, làm hàng vạn người chết và vài triệu người phải chạy ra nước ngoài tị nạn. Nhưng chính phủ Zelensky vẫn dũng cảm chiến đấu và đứng vững trước một đổi thủ mạnh hơn nhiều lần, làm thế giới phải khâm phục. Mỹ và các đồng minh NATO gắn kết hơn bao giờ hết, đang cấm vận Nga và viện trợ cho Ukraine.    

Nga và Trung Quốc

Theo Richard Haass (Foreign Affairs) trên thực tế có hai cuộc chiến tranh: một cuộc chiến tranh của Nga chủ yếu nhằm hủy diệt các thành phố Ukraine, và một cuộc chiến tranh của quân đội Ukraine chống lại quân đội Nga. Nếu Nga thắng cuộc chiến thứ nhất, thì Ukraine đang thắng cuộc chiến thứ hai. Tất cả phụ thuộc vào liệu Putin có thắng được canh bạc này hay không, và liệu cái giá mà Putin phải trả có vượt quá cái mà ông thu được hay không. (The early winners and losers in Putin’s war, Richard Haass, ASPI, April 1, 2022).

Sau hơn một tháng, lực lượng hùng mạnh của Nga với 150 ngàn quân vẫn không chiếm được Kiev, bị tổn thất nặng nề, đang bị sa lầy, nay phải điều chỉnh chiến lược. Nga đã mất khoảng 15 ngàn quân với 6 sỹ quan cấp tướng, bộc lộ nhiều điểm yếu phải mất nhiều năm để xây dựng lại. Phương Tây cấm vận chưa từng có, đang làm cho kinh tế Nga bị kiệt quệ. Đến nay, hàng vạn người đã phải “bỏ phiếu bằng chân” rời bỏ nước Nga. Làn sóng phản chiến ngày càng lan rộng, làm cho Putin ngày càng bị cô lập về đối nội và đối ngoại.  

Lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, Nga đã sử dụng vũ khí “siêu vượt âm” trên thực địa. Theo các nguồn báo chí (NHK, 20/3), Nga có ba loại tên lửa “siêu vượt âm” (hypersonic) là “Pioneer” ICBM, “Zircon” cruise missile, và “Dagger” air-to-surface missile. Ngày 20/3, Nga đã dùng tên lửa Dagger và Kalibr để phá hủy một căn cứ kiên cố của Ukraine tại Nikolaev. Trước đó, ngày 18/3, Nga đã dùng tên lửa Dagger để phá hủy một hầm ngầm kiên cố chứa thuốc nổ cho tên lửa và bom gần biên giới Ba Lan, như một hành động răn đe.    

Theo Graham Allison (Harvard KSG) phát động chiến tranh dễ hơn nhiều so với kết thúc chiến tranh. Chiến tranh thường tạo ra một lớp sương mù dày đặc bởi “tuyên truyền” (propaganda) và “thông tin thất thiệt” (disinformation). Vì vậy, “sự thật là thương vong đầu tiên của chiến tranh”. Một khi đã khởi động, chiến tranh có sức sống và động lực riêng của nó, và cuối cùng “chiến tranh là địa ngục”. (Piercing the Fog of War: What Is Really Happening in Ukraine? Graham Allison & Amos Yadlin, National Interest, March 24, 2022).

Giống những gì Winston Churchill đã làm trong những ngày đen tối nhất của Thế chiến thứ II khi nước Anh đối phó với cuộc tấn công tổng lực của Đức Quốc xã, Zelenskyy đã dũng cảm lãnh đạo nhân dân và quân đội Ukraine chống xâm lược. Ông cho thế giới thấy thế nào là lãnh đạo. Xung đột Nga-Ukraine là cuộc chiến truyền thông đầu tiên trên mạng xã hội. Allison không tán thành nhận định của giới quan sát khi kết luận là Nga “đã thua” hay “đang thua” cuộc chiến tranh, khi một phần tư dân số phải bỏ quê hương để tị nạn.

So với lúc bắt đầu cuộc chiến, Nga đã kiểm soát được nhiều hơn lãnh thổ Ukraine. Theo Allison, Nga đang củng cố (regrouping) và điều chỉnh (adjusting) chiến lược cho giai đoạn tiếp theo khi họ phải dựa nhiều hơn vào sức hủy diệt của hỏa lực pháo binh và tên lửa tại các thành phố, để tiếp tục khuất phục người Ukaine. Putin có thể bỏ khẩu hiệu “phi phát xít hóa” (de-nazification) vì biết rằng Zelenskyy là lãnh đạo duy nhất của Ukraine có đủ chính danh để thuyết phục người dân ủng hộ một giải pháp chính trị để ngăn cuộc chiến kéo dài.

Trong khi đó, Trung Quốc và Tập Cận Bình đang bị mắc kẹt vào một tình thế khó xử so với một tháng trước đây. Vì gắn bó chặt chẽ với Putin, nên Tập đã bị dư luận lên án. Đó là quyết định sai lầm (flawed judgement) làm tổn thương uy tín của Trung Quốc và làm gia tăng rủi ro vì Trung Quốc có thể bị trừng phạt tiếp theo. Việc Trung Quốc liên kết với Nga đã phản tác dụng, làm mất lòng Tây Âu, và làm cho Mỹ có chính sách cứng rắn hơn với trung Quốc. Đó là cái giá mà Trung quốc phải trả nếu có ý định tấn công chiếm Đài Loan.

Nhưng người có nhiều cơ hội và năng lực nhất để làm trung gian hòa giải chính là Tập Cận Bình. Ông là lãnh đạo duy nhất trên thế giới có thể thuyết phục được Putin. Nhưng ngoài phản hồi thuận lợi bề ngoài, đến nay Tập Cận Bình vẫn chưa chịu làm trung gian hòa giải. Theo nhiều nguồn tin, Mỹ đã cung cấp cho Tổng thống Zelenskyy và Ngoại trưởng Dymtro Kuleba điện thoại di động được kết nối an toàn với vệ tinh để đảm bảo họ có thể liên lạc với các quan chức Mỹ bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu. Hệ thống thông tin quân sự “3C” (command-and-control communications) của chính phủ Ukraine hoạt động hiệu quả.   

Liệu Tập Cận Bình có nghĩ lại không về đối tác “không giới hạn” (no limits) với Nga như trong Tuyên bố Chung giữa Tập Cận Bình và Putin tại cuộc gặp cấp cao nhân dịp khai mạc Thế vận Hội Olympics tại Bắc Kinh. Chắc chắn Tập và các trợ lý phải suy nghĩ về năng lực yếu kém của quân đội, vũ khí và hậu cần của Nga, và phản ứng nhanh và mạnh của “phương Tây” (Global West) bao gồm Nhật và Úc, nay sẵn sàng đảo ngược mấy thập kỷ quan hệ kinh tế, tài chính, và thương mạu với Trung Quốc, để trừng phạt xâm lược. Đó là khởi đầu của “sự cáo chung của Putin”, đang trở thành kẻ tội đồ cô đơn (isolated pariah).

Theo Joe Nye (Harvard), sau khủng hoảng tài chính năm 2008, Bắc Kinh cho rằng Mỹ đang suy thoái, nên đã quyết định từ bỏ chính sách ngoại giao “dấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Nay Tập Cận Bình cho rằng đã đến lúc Trung Quốc phải quyết thay thế Mỹ để dẫn đầu thế giới vào năm 2049 (kỷ niệm một trăm năm lập nước). Bắc Kinh ủng hộ cuộc chiến Ukraine của Putin vì phù hợp với chủ trương “ngoại giao chiến lang”. (Why China Won't Mediate an End to the Ukraine War, Joseph Nye, Project Syndicate, April 1, 2022). 

Trung Quốc không chỉ trích Nga xâm lược Ukraine, làm họ đứng ngoài lề và bị cô lập về ngoại giao. Chủ tịch Trung tâm Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh Wang Huiyao đề xuất Trung Quốc làm trung gian hòa giải giúp Putin một “lối thoát”. Tuy Pháp, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng hòa giải, nhưng họ không có nhiều đòn bẩy với Putin như Tập Cận Bình. Nhưng đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa chịu làm vai trò hòa giải đó. Theo Joe Nye, muốn làm trung gian hòa giảinhư Roosevelt” thì lãnh đạo Trung Quốc phải linh hoạt và cótrí tưởng tượng”. 

Theo Jude Blanchette (CSIS China studies), Thái độ ứng xử của Trung Quốc với Ukraine là một sai lầm ngoại giao to lớn.  Cuộc chiến tranh Ukraine đã thúc đẩy Đài Loan phải tăng cường năng lực quốc phòng, và tìm ý nghĩa mới cho đối tác quốc phòng với NATO, QUAD và AUKUS. Sự đe dọa của Bắc Kinh đối với Đài Loan đã thúc đẩy Washington và Đài Bắc xích lại gần hơn, và buộc các nước khu vực như Nhật và Úc phải tuyên bố có lợi ích sát sườn với an ninh của Đài Loan. (Xi Jinping’s Faltering Foreign Policy: The War in Ukraine and the Perils of Strongman Rule, Jude Blanchette, Foreign Affairs, March 16, 2022).

Mỹ và đồng minh

Theo Tom Friedman (NYT), cuộc xung đột Ukraine còn hơn cả Thế chiến I và Thế chiến II. Đó là một “Thế chiến Ảo” (World War Wired). Hầu như tất cả mọi người dù ở bất cứ nơi nào trên trái đất đều có thể theo dõi cuộc chiến một cách cụ thể, hoặc tham gia với mức độ nào đó, hoặc bị tác động kinh tế. Những gì xảy ra trên đường phố Kiev, Mariupol và Donbas có thể tác động đến các hệ thống chính trị, vượt ra ngoài Ukraine với tương lai lâu dài. (Ukraine Is the First Real World War, Thomas Friedman, NYT, April 3, 2022).

Nay ai có điện thoại di động đều có thể xem những gì đang diễn ra ở Ukraine và tỏ thái độ qua truyền thông xã hội. Bất cứ ai có điện thoại thông minh và thẻ tín dụng đều có thể giúp những người xa lạ ở Ukraine qua Airbnb. Trung quốc càng theo dõi chặt chẽ vì nền kinh tế của họ cũng bị tổn thương bởi cấm vận của phương Tây. Hàng ngàn người đang rời Trung Quốc vì chính phủ không cho họ tiếp cận internet và các nguồn tin khả tín. Nhiều người tuy không thiếu năng lực, nhưng không thể chuyển thông tin chính xác cho cấp trên. 

Tỷ phú Elon Musk (tập đoàn Tesla) đã khởi động dịch vụ truyền tin băng thông rộng qua hệ thống vệ tinh SpaceX để cung cấp internet tốc độ cao cho Ukraine sau khi một quan chức Ukrainian dùng tweeter đề nghị ông trợ giúp vì Nga đã cố cắt đứt Ukraine với thế giới về thông tin. Ngoài ra, còn có một đội quân biệt động mạng (cyberwarriors) có thể tham gia chiến đấu ở bất cứ đâu. Chủ nghĩa tư bản chuyên chế biển thủ (kleptocracy) tuy bị đe dọa, nhưng chưa bị dẹp bỏ một cách dễ dàng, bất chấp những gì đang diễn ra.

Putin không bao giờ chịu để cho người Slavic ở Ukraine thiết lập thành công một nền dân chủ với thị trường tự do tại EU sát nách nước Nga biển thủ với tư duy trì trệ. Rõ ràng Putin không thực sự hiểu ông ta đang sống trong một thế giới nào, không thực sự biết những yếu kém trong hệ thống mà chính ông đã lập ra, và càng không hiểu thế giới tự do và dân chủ nay có thể hợp lực để chống lại ông như thế nào tại Ukraine, và trên hết Putin càng không hề biết có bao nhiêu người trên thế giới đang theo dõi cuộc chiến tranh Ukraine. 

Theo Trung Tâm Địa Kinh tế (Atlantic Council) sáu nước đứng đầu có dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Nga ký gửi (theo tỷ lệ): Trung Quốc 17,7 %; Pháp 15,6 %; Nhật Bản  12,8 %; Đức 12,2 %; Mỹ 8,5 %; Anh 5,8 %, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 6,4 %. Tất cả các nước đó (trừ Trung Quốc) đã bị phương Tây phong tỏa (frozen), với tổng số 330 tỷ USD (tương đương một nửa dự trữ ngoại tệ của Nga). Trong khi kinh tế của Nga đang bị kiệt quệ vì chiến tranh, thì dự trữ ngoại tệ bị phong tỏa.   

Bằng viện trợ vũ khí, đạn dược và thông tin tình báo cho Ukraine, Mỹ và các đồng minh NATO đang tiến hành một cuộc chiến tranh “ủy thác” (proxy war) chống lại Nga. Bài diễn văn trước Quốc hội Mỹ của Zelensky đã làm lay động tâm thức người Mỹ khi ông kêu gọi Washington phải làm “nhiều hơn nữa”. Tuy Mỹ và NATO đã đẩy viện trợ cho Ukraine đến gần lằn ranh đỏ (danger zone) làm gia tăng khả năng xung đột trực tiếp, thì Zelensky có lợi ích sống còn khi thúc đẩy Mỹ và NATO can thiệp quân sự. (Can America and NATO Avoid a Broader War Over Ukraine? Christopher Layne, National Interest, March 22, 2022). 

Sức ép từ Quốc hội, từ giới truyền thông, và từ công chúng Mỹ đang tăng lên làm tan chảy quyết tâm của Chính quyền Biden không muốn bị lôi cuốn vào một cuộc xung đột trực tiếp. Nhưng bài diễn văn của Zelensky đã xô đẩy Mỹ đến gần hơn nấc thang chiến tranh (slithering into war), vì sau đó Biden đã gọi Putin là “tội phạm chiến tranh” (war criminal) với công bố một đợt viện trợ quân sự mới cho Ukraine, trị giá gần một tỷ USD, gồm các loại vũ khí tối tân như súng chống tăng, máy bay không người lái (drones) và tên lửa đất đối không S-300. Có thể nói bài diễn văn của Zelensky là một tác phẩm truyền thông đáng được giải Oscar.

Theo các nguồn tin, năm ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine, Biden nói Putin đã ra lệnh tấn công. Nếu đúng vậy thì tại sao Washington không thương lượng với Nga về việc Ukraine gia nhập NATO, để tránh chiến tranh. Nhưng Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã giữ lập trường cứng nhắc, từ chối thay đổi chính sách “mở cửa” của NATO. Các quan chức Mỹ chắc chắn phải biết nếu chiến tranh nổ ra thì Ukraine sẽ phải gánh chịu tổn thất rất lớn về người và vật chất. Càng đáng ngạc nhiên hơn khi Joe Biden, Kamala Harris và Tony Blinken gọi Tổng thống Putin là “tội phạm chiến tranh”, và “kẻ độc tài giết người” (murderous dictator). Việc lên án cá nhân Putin làm cho cuộc xung đột càng khó hòa giải.

Theo báo chí (New York Times), các biện pháp trừng phạt nặng nề của phương Tây làm nổi lên câu hỏi tại Washington và thủ đô các nước Châu Âu, liệu leo thang xung đột với Nga có dẫn đến việc “thay đổi chế độ” (regime change or collapse) mà Biden và các lãnh đạo Châu Âu rất thận trọng, không muốn đề cập tới. Đây là một ván cờ thế đầy rủi ro. Vào tháng 7/1941, Mỹ cấm vận dầu khí với Nhật, làm Tokyo mất nguồn nhiên liệu sống còn, nên Nhật phải chiếm các mỏ dầu của Indonesia và tấn công Trân Châu cảng (Pearl Harbor). 

Theo tạp chí Foreign Policy, bảy học giả trên thế giới đã tham gia trao đổi về chủ đề cuộc chiến tranh Ukraine sẽ tác động thế nào đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Nga đã xâm lược Ukraine một tháng nay, và không quá lời nếu gọi đó là một biến chuyển của thế kỷ (epochal shift). Có thể nói đó là cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện đầu tiên tại Châu Âu kể từ năm 1945. Dường như Trung Quốc đang xích lại gần Nga trong khi Mỹ và các đồng minh gắn kết hơn bao giờ hết, làm cho nước Đức thức tỉnh để tái vũ trang. (U.S. Grand Strategy After Ukraine, Anne-Marie Slaughter, Kishore Mahbubani, Stephen Walt, Toshihiro Nakayama, Shannon O’Neil, Raja Mohan, Robin Niblett, Foreign Policy, March 21, 2022).

Theo Niall Ferguson (Stanford) có 7 kịch bản xấu. (1) Nga không thể khuất phục được Kiev và Zelenskiy trong vòng ba hay bốn tuần; (2) Các biện pháp trừng phạt không làm cho Nga suy sụp về kinh tế nghiêm trọng đến mức Putin phải bỏ cuộc; (3) Biden muốn thấy khủng hoảng kinh tế và khủng hoảng quân sự dẫn đến một cuộc đảo chính chống Putin; (4) Nguy cơ sụp đổ có thể xô đẩy Putin đến chỗ tuyệt vọng làm liều; (5) Trung Quốc khó có thể làm trung gian hòa giải; (6) Sự thiếu tập trung dài hạn góp phần làm các vấn đề phức tạp hơn; (7) Các hệ lụy khó lường gồm “lạm phát đình trệ” (stagflation) ngày càng nghiêm trọng. (Seven Worst-Case Scenarios From the War in Ukraine, Niall Ferguson, Bloomberg, April 3, 2022).

Tuy nhiên, Ferguson cho rằng cuộc chiến Ukraine khó có thể kéo dài. Một là theo quy luật các cuộc chiến tranh trước đây đã được khảo sát; Hai là Nga sắp hoàn thành việc bao vây các lực lượng Ukraine ở Donbas. Vì vậy, một lệnh ngừng bắn là khả thi trong mấy tuần tới, có thể vào tháng 5. Nhưng còn mất nhiều thời gian tìm kiếm hòa bình vì tình trạng “hòa bình mà không có hòa bình” còn kéo dài do có quá nhiều bạo lực để có thể đóng băng xung đột (frozen conflict). Theo Ferguson, Biden gọi Putin là “tội phạm chiến tranh” và muốn loại bỏ quyền lực của Putin có thể làm cho xung đột leo thang với nguy cơ khó kiểm soát.

Việt Nam và Biển Đông

Theo Derek Grossman (RAND), khả năng xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam cao hơn là giữa Trung Quốc và Đài Loan. Điều đó có nghĩa là Việt Nam chứ không phải Đài Loan có nguy cơ trở thành miếng mồi ngon cho Trung Quốc xâm chiếm trong tương lai, cũng như Ukraine là miếng mồi ngon cho Nga xâm lược. Một sự cố trên biển Đông có thể lan tới đất liền, làm gián đoạn không khí hòa bình hiện nay trên biên giới Việt-Trung. Một kịch bản như vậy có nhiều khả năng hơn là Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. (Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Derek Grossman, Nikkei, March 21, 2022).

Có nhiều căn cứ thực tế ủng hộ lập luận của Grossman. Việt Nam không phải là thành viên của liên minh quân sự nào, không có hiệp ước phòng thủ chung với bất kỳ cường quốc nào. Nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam thì không có nước nào can thiệp bảo vệ Việt Nam. Tuy Việt Nam mua rất nhiều vũ khí của Nga, nhưng hai nước không có hiệp ước an ninh chung. Gần đây, tuy quan hệ Mỹ-Việt phát triển mạnh nhưng vẫn là “đối tác toàn diện”, chưa phải là “đối tác chiến lược”, thua xa quan hệ Việt-Nga, Việt-Trung và Việt-Ấn.

Nếu xảy ra xung đột trên Biển Đông thì Việt Nam chỉ có thể tự mình đương đầu với Trung Quốc mà không thể cầu viện bất kỳ nước nào hỗ trợ. Trong khi đó, các chính phủ Mỹ từ trước đến nay, dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa, đều ủng hộ Đài Loan trên cơ sở “Luật Quan hệ Đài Loan” (Taiwan Relations Act, 1/1979).  Gần đây, Tổng thống Joe Biden đã hai lần khẳng định Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công quân sự. Mỹ đã cung cấp cho Đài Loan nhiều hệ thống vũ khí tối tân để răn đe và tự vệ chống lại Trung Quốc.

Theo SIPRI, hầu hết các loại vũ khí chủ yếu của Việt Nam đều mua của Nga, trong đó có 6 tàu ngầm lớp Kilo 636, 4 tàu hộ tống Gepard 3.9, 36 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2, và 2 khẩu đội tên lửa Bastion để bảo vệ bờ biển. Từ 1995 đến 2021, Việt Nam đã nhập vũ khí tổng cộng 9,07 tỷ USD, trong đó của Nga là 7,4 tỷ USD (81,6%). (Will Vietnam Be Able to Wean Itself Off Russian Arms? Le Hong Hiep, Fulcrum, April 4, 2022).

Việt Nam là nước nhập khẩu vũ khí của Nga đứng thứ năm trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Nay Nga bị Mỹ và phương Tây cấm vận nên các nước mua vũ khí của Nga sẽ bị ảnh hưởng, nhất là Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cấp thiết phải đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, vì phụ thuộc vào một nguồn của Nga sẽ làm cho Việt Nam gặp nhiều rủi ro. Ví dụ, phụ tùng thay thế cho động cơ chiến hạm Gepard không còn vì nhà máy ở Ukraine đã bị phá hủy. Gần đây, khi Nga tăng cường quan hệ với Trung Quốc lại càng rủi ro. 

Để đa dạng hóa nguồn cung vũ khí không đơn giản, phải thay dần hệ thống vũ khí của Nga bằng vũ khí của các nước khác. Kế hoạch hiện đại hóa quân đội Việt Nam đã bị chững lại từ năm 2016. Ngân sách quốc phòng hạn hẹp nên việc mua vũ khí của các nước phương Tây cũng khó khăn, nếu chưa thiết lập đối tác chiến lược. Theo số liệu của SIPRI, vũ khí mua của Nga chiếm 90% giai đoạn 1995-2014, giảm còn 68,4% giai đoạn 2015-2021, trong khi của Israel là 13,7%,  Belarus là 5,7%, Hàn Quốc là 3,3%, Mỹ là 3%, và Hà Lan là 2,4%.

Bài học sau Ukraine

Theo Minxin Pei (Claremont McKenna), NATO rất thận trọng khi viện trợ cho Ukraine là do sợ chiến tranh hạt nhân với Nga. Bắc Kinh có thể rút kinh nghiệm để gia tăng kho vũ khí hạt nhân và đe dọa dùng vũ khí hạt nhân để răn đe Mỹ đừng can thiệp vào Đài Loan. Về kinh tế, Trung Quốc chắc nhận thấy Nga để một nửa dự trữ ngoại tệ ($300 tỷ) trong các ngân hàng phương Tây trước khi tấn công là một bài học mà Trung Quốc phải tránh. (A three pillar strategy to prevent war in East Asia China, Minxin Pei, Nikkei, April 4, 2022).

Về quân sự, Ukraine đã sử dụng có hiệu quả các loại súng chống tăng và chống máy bay là một bài học để lãnh đạo Đài Loan rút kinh nghiệm đầu tư vào các vũ khí cơ động này nhiều hơn là vào máy bay hiện đại rất tốn kém. Nhưng Ukraine cũng dạy cho thế giới một bài học là phải tìm cách ngăn chặn chiến tranh thế nào chứ không phải tìm cách thắng chiến tranh thế nào. Theo Minxin Pei, một chiến lược toàn diện để ngăn chặn chiến tranh ở Đông Á phải dựa trên “ba trụ cột”:  Một là phải răn đe quân sự có hiệu quả; Hai là phải biết tiếp cận đối phương về ngoại giao; ba là phải biết quản trị khủng hoảng để tránh rủi ro.

Gần đây, Elon Musk (chủ Tesla và SpaceX) đã dùng Twitter để “thách đấu tay đôi” với Tổng thống Putin. Tuy câu chuyện thách đấu có vẻ lãng mạn, nhưng kế hoạch Starlink là thật, có thể “biến điều không thể thành có thể”.  Elon Musk dự kiến sẽ phóng khoảng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất từ năm 2019 đến năm 2024, nhằm lắp đặt một mạng lưới vệ tinh khổng lồ gồm 3 lớp trên quỹ đạo tính từ mặt đất (340km, 550km, và 1,150km) để cung cấp các dịch vụ Internet vệ tinh tốc độ cao, chi phí thấp, trong mọi điều kiện thời tiết. 

Theo kế hoạch về Starlink, số vệ tinh trong tương lai sẽ tăng lên 42.000 cái để tạo thành một mạng Internet toàn cầu. Ngoài chức năng phục vụ viễn thông, các vệ tinh trên quỹ đạo thấp có giá trị quân sự cao, vì thời gian quay ngắn hơn và tổn thất truyền dẫn trong không gian nhỏ hơn, có thể đảm bảo băng thông liên lạc rộng hơn, với tốc độ truyền nhanh hơn và hiệu quả trinh sát cao hơn. Gần đây, tên lửa Falcon 9 đã đưa 60 vệ tinh vào quỹ đạo. Đây là lô vệ tinh thứ 8 mà một khi hoàn chỉnh, sẽ đem lại lợi thế quân sự rất lớn cho Mỹ.

Trong tương lai, Starlink sẽ được vận dụng để tác chiến trong không gian. Một số vệ tinh sẽ được bố trí thành hệ thống giám sát và cảnh báo sớm tên lửa của đối phương, được kết nối với hệ thống đánh chặn “THAAD”, hệ thống tên lửa “Aegis”, và các tàu khu trục lớp Arleigh Burke trên biển. Theo các thí nghiệm đánh chặn được mô phỏng, Mỹ có thể đánh chặn 350 tên lửa xuyên lục địa với tỷ lệ thành công rất cao. Hệ thống vệ tinh đó có thể cung cấp thông tin cho máy bay không người lái (drones) với tốc độ 610 megabit/giây. 

Không phải ngẫu nhiên mà tháng 12/2019, Mỹ đã quyết định thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến Không gian (Space Operations Command) gồm 9 đơn vị (Deltas). Đây là lực lượng vũ trang độc lập thứ sáu bao gồm Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, Cảnh sát biển và Không quân, nhằm bước đầu thiết lập vị thế độc lập của lực lượng vũ trụ. Thông qua các cuộc diễn tập quân sự bí mật và chiến đấu thực tế, các hoạt động vũ trụ của Mỹ đã được đẩy nhanh từ cấp chiến thuật lên cấp chiến lược, để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.

Trật tự thế giới mới

Theo Francis Fukuyama (Stanford) cuộc chiến Ukraine sẽ định hình lại tương lai của dân chủ tự do. Ông không hình dung “sự cáo chung của lịch sử” sẽ là một thế giới “không tưởng” (utopian) hay dự báo rằng “cả thế giới sẽ trở thành dân chủ” với “một lộ trình theo một đường thẳng” (straightforward, linear movement in that direction).  (We could be facing the end of “the end of history”, Megan Gibson, New Statesman, March 30, 2022).

Lúc này thế giới cần những người sáng suốt được trang bị vốn hiểu biết về lịch sử (historical insight) và cam kết với những giá trị tự do dân chủ để giúp thế giới vượt qua những trận chiến về tư tưởng (ideological battles). Francis Fukuyama là một trong số đó. Cuốn sách mới “Chủ nghĩa Tự do và Bất đồng” (Liberalism and Its Discontents, Mcmillan, March 2022) là một ví dụ, trong đó ông lập luận để bảo vệ tự do dân chủ và đa nguyên. (Moderation in the Name of Liberty is No Vice, John Halpin, Washington Monthly, April 3, 2022).

Fukuyama cho rằng sự suy thoái của chủ nghĩa tự do (Liberalism) bộc lộ qua sự trỗi dậy của các chế độ chuyên chế như Trung Quốc và Nga. Chủ nghĩa dân tôc đã thúc đẩy sự trỗi dậy của chủ nghĩa phi tự do (illiberalism). Bản chất của chủ nghĩa tự do làm cho nó dễ bị chỉ trích vì tính phổ quát (universalism) sẽ bất cập với các quốc gia (nation-states). Theo Putin, Ukraine không có bản sắc riêng để tách khỏi Nga và sẽ sụp đổ khi quân đội Nga tấn công. Nhưng Ukraine đã ngoan cường kháng cự vì người Ukraine có lý tưởng độc lập, tự do và dân chủ, không muốn sống trong một chế độ độc tài tham nhũng, bị áp đặt từ bên ngoài. 

Nga xâm lược Ukraine đã dẫn đến sự hỗn loạn và bạo lực. Lúc này có hai kịch bản khác nhau về tương lai. Nếu Putin thắng, đè bẹp được độc lập và dân chủ của Ukraine, thì thế giới sẽ quay lại thời kỳ chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến và cực đoan, giống như đầu thế kỷ 20. Mỹ cung không phải ngoại lệ, vì những người dân túy như Donald Trump sẽ bắt chước phương pháp chuyên chế của Putin. Ngược lại, nếu Putin dẫn nước Nga đến thảm họa về quân sự và kinh tế, thì đó là cơ hội để rút ra bài học về chủ nghĩa tự do. Nếu quyền lực không bị kiểm soát bởi pháp luật, sẽ dẫn đến tại họa quốc gia và tái tạo ý tưởng về một thế giới tự do dân chủ.

Fukuyama dự báo chiến tranh Ukraine sẽ đem lại những hệ quả về về địa chính trị, trong đó Nga sẽ thua và điều này sẽ giúp phương tây thoát khỏi tình trạng suy thoái của nền dân chủ toàn cầu. Fukuyama biết rõ về Ukraine, vì đã đến thăm nhiều lần theo chương trình đào tạo phát triển lãnh đạo (Leadership Academy for Development) của Stanford. Theo Fukuyama, “ác mộng xấu nhất” là một thế giới mà Trung Quốc và Nga liên kết để Trung Quốc giúp Nga xâm chiếm Ukraine và Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Nếu Mỹ và phương Tây không thể ngăn chặn được điều đó, thì đây chính là sự kết thúc của “sự cáo chung của lịch sử”.

NQD. 7/4/2022

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-4-22