Tuần trăng mật của Trump & Bàn cờ Mỹ-Trung
Nguyễn Quang Dy
“Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn” (Lenin) Tuy “tuần trăng mật” (100 ngày) của chính quyền Donald Trump đã hết, nhưng vẫn còn một loạt vấn đề nổi cộm chưa được tháo gỡ. Có lẽ chưa có một tổng thống Mỹ nào lại trải qua một “tuần trăng mật” có nhiều sóng gió và kịch tính đến như vậy. Trong khi chờ những đánh giá toàn diện, bài này chỉ đưa ra một số nhận xét khái quát về những vấn đề then chốt, hy vọng giải mã được phần nào bức tranh hỗn độn nhiều màu sắc bất thường. Trong số các vấn đề nổi cộm (như những quả bom nổ chậm) thì quan hệ Mỹ-Trung là nan giải nhất và đầy kịch tính trong “tuần trăng mật”, mà đỉnh điểm là cuộc gặp lần đầu giữa Donald Trump và Tập Cận Bình tại Mar-A-Lago (6-7/4/2017). Không phải những vấn đề khác không quan trọng, nhưng quan hệ Mỹ-Trung là quan trọng nhất, vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề Bắc Triều Tiên, Đài Loan, và Biển Đông (trong đó có Việt Nam). Bài này sẽ đề cập đến quan hệ Mỹ-Trung, trong bối cảnh đối nội và đối ngoại hiện nay. Tổng thống vịt què Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng hỗn độn hiện nay thực ra không phải do chính sách (vì hầu như Trump chưa có chính sách và chủ thuyết), mà chủ yếu là do tính cách cá nhân của tổng thống (và các cố vấn chính). Đã hết “tuần trăng mật”, nhưng cơ cấu nhân sự của Nhà Trắng và Nội các vẫn còn thiếu hụt. Chủ thuyết của Trump là không có chủ thuyết, vì ông điều hành bằng phản ứng linh hoạt, thông qua “twitter” và “executive orders”. Nhiều nhân sự chủ chốt tại Bộ Ngoại Giao (và các bộ khác) vẫn còn thiếu, nên ngoại trưởng Tillerson làm việc không có trợ lý. Hội đồng An ninh Quốc gia bị khủng hoảng khi Michael Flynn bị cách chức (vì nói dối về quan hệ với Nga), và bị thay thế bởi tướng H.R. McMaster (20/2/2017). Steve Bannon, cố vấn chính của Trump vừa bị giáng chức, rút khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia (5/4/2017). Giám đốc CIA (Mike Pompeo), đại sứ tại LHQ (Nikki Haley), bộ trưởng năng lượng (Rick Perry), giám đốc tình báo quốc gia (Dan Coats), và chủ tịch Liên quân (tướng Joseph Dunford) cũng vừa mới được bổ xung vào NSC. Ngay trong “tuần trăng mật”, Trump đã làm dư luận nóng lên, gây tranh cãi và bất bình về vấn đề nhập cư (travel ban). Trump không những đối đầu với giới báo chí mà còn thách thức cả hệ thống tòa án và tư pháp, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng hiến pháp. Dư luận đã nói đến khả năng “phế truất” Tổng thống (thay bằng phó tổng thống Mike Pence). Trong cuốn sách mới “The Case for Impeachment” (Dey Street Books, April 2017), giáo sư Allan Lichtman (đã từng tiên đoán Trump sẽ thắng cử) nay lại tiên đoán Trump sẽ bị phế truất. Dù Lichtman đoán đúng hay sai, thì chỉ số tín nhiệm của Trump chỉ còn 37%, thấp nhất trong số các tổng thống mới (theo Gallup Poll), làm ông trở thành tổng thống “vịt què”. Phải chăng tính cách thất thường của Trump là nguyên nhân trực tiếp, hay Trumpism là nguyên nhân sâu xa? (“the Crisis of Trumpism”, Rich Lowry, Politico, March 29, 2017). Hàn thử biểu Mỹ-Trung Chính sách Trung Quốc của Trump bất nhất (vì thiếu chủ thuyết) làm hàn thử biểu Trumpism bị chập mạch, nên nhiệt độ lên xuống thất thường, nhảy từ cực này sang cực kia. Phát ngôn của tổng thống (và các cố vấn chính) đầy mâu thuẫn, gây bất ngờ và lúng túng cho đối thủ lẫn đồng minh, làm nội bộ đảng Cộng Hòa cũng phản ứng mạnh. Ngay trước khi nhậm chức, Trump đã bất ngờ điện đàm với bà Thái Anh Văn (2/12/2016) gửi đi một tín hiệu cứng rắn, muốn lật lại chính sách “một nước Trung Quốc” đã tồn tại hơn 40 năm qua như trụ cột cho quan hệ Mỹ-Trung. Để khẳng định thái độ đó, Trump đã dùng twitter để công kích Trung Quốc (5/12/2016). Ngoài Trump, phát ngôn “chống Tàu” của những nhân vật chủ chốt như Steve Bannon, Peter Navarro, và Rex Tillerson (tại cuộc điều trần trước Quốc hội, ngày 11/1/2017) cũng cứng rắn, làm hàn thử biểu nhảy vọt sang cực tả, khiến dư luận lo ngại về triển vọng đối đầu Mỹ-Trung (về thương mại và Biển Đông). Nhưng đùng một cái, hàn thử biểu lại đột ngột nhảy vọt sang cực hữu, khi Donald Trump điện đàm với Tập Cận Bình (9/2/2017). Trump đã làm dư luận bất ngờ khi ông xuống thang, chấp nhận nguyên tắc “một nước Trung Quốc”. Động thái đó làm dư luận lo ngại, cho rằng Trump là “hổ giấy”, chỉ giỏi to mồm dọa già và chém gió mà thôi. Tiếp theo chuyến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (3/2/2017) để trấn an đồng minh, chuyến thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc của ngoại trưởng Rex Tillerson (19/3/2017) đã gây tranh cãi và chỉ trích. Tại Bắc Kinh, Tillerson đã làm dư luận ngỡ ngàng và khó hiểu khi ông đột nhiên chấp nhận quan điểm của Trung Quốc về “quan hệ nước lớn kiểu mới” (khác hẳn với thái độ trước đó). Rex Tillerson thậm chí còn “nói theo cách của Trung quốc”, lặp lại gần nguyên văn lập trường của Bắc Kinh (như “không đối đầu, không xung đột, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi”). Với Bắc Kinh, điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. “Tillerson hầu như đã chấp thuận mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới. Đó là một sai lầm lớn” (theo Bonnie Glaser, CSIS). Tillerson đã “rơi vào cái bẫy của Trung Quốc”, và đã “trao cho Bắc Kinh một thắng lợi ngoại giao” (Washington Post, April 7, 2017). Mar-a-Lago Summit Đó là bối cảnh trước Mar-a-Lago summit. Nhưng một sự kiện bất ngờ đã xảy ra ngay khi Trump mở tiệc chiêu đãi Tập Cận Bình (7/4/2017), làm đảo lộn bàn cờ. Tổng thống đã đơn phương ra lệnh bắn 59 tên lửa Tomahawk vào sân bay Al Shayrat để trừng phạt Syria (cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học). Đòn tấn công bất ngờ này nhằm mục đích gì? Trump đánh Syria để lấy điểm vì chỉ số tín nhiệm của ông đã xuống quá thấp (37% theo Gallup Poll)? Hay Trump muốn cảnh cáo Trung Quốc, rằn mặt Triều Tiên/Iran, và răn đe Nga? Có lẽ tất cả các mục tiêu nói trên đều có lý (tuy chưa đủ). Sau quyết định tấn công Syria, đúng là uy tín của Trump được cải thiện. Nhiều người lên tiếng ủng hộ ông, kể cả những người vừa chỉ trích Trump (như thượng nghị sỹ John McCain). Dường như thói quen giành phiếu ủng hộ (như khi đang tranh cử) vẫn còn in đậm trong tâm thức của Trump. Tuy đòn tấn công Syria mang yếu tố bất ngờ đối với Trung Quốc, nhưng Mỹ lại báo trước cho Nga (có lẽ để tránh tổn thương cho người Nga). Ngay sau đó, ngoại trưởng Rex Tillerson đã đến Moscow (12/4/2017) để hội đàm, trong khi Nga phản ứng mạnh làm quan hệ trở nên căng thẳng. Liệu Tillerson có thuyết phục được Putin hợp tác bỏ qua vụ này, trong khi FBI đang điều tra cáo buộc Michael Flynn đã “đi đêm” với Nga để tác động vào kết quả tranh cử? Tại sao vụ tấn công bằng 59 tên lửa Tomahawks không gây thiệt hại gì cho Nga, và không gây tổn thất lớn cho Syria? Phải chăng đây là một phép thử quan hệ Mỹ-Nga? Tuy nhiều người cho rằng quan hệ Mỹ-Nga đã xuống “mức thấp nhất” (do Mỹ tấn công Syria), nhưng thực tế Tillerson vẫn gặp hội đàm với Putin và đàm phán với ngoại trưởng Nga về nhiều vấn đề quan trọng (không như người ta tưởng). Quan hệ Mỹ-Nga tuy có chững lại, nhưng về cơ bản vẫn không khủng hoảng, vì cả hai bên vẫn đang cần nhau. Trump tranh thủ mọi cơ hội để xóa bỏ di sản của Obama (Obama legacy deconstruction). Trump muốn chứng minh rằng ông không hèn yếu như Obama, dám đánh Syria (vì vượt làn ranh đỏ) và thách thức Nga để chứng minh ông không “đi đêm” với Putin. Tuy Mỹ tấn công Syria có làm Tập Cận Bình giật mình, nhưng không làm hỏng Mar-a-Lago summit. Cả Tập Cận Bình và Donald Trump đều rất cần cuộc gặp này, tuy cả hai bên đều chưa sẵn sàng. Đối với Tập Cận Bình, đại hội đảng 19 vào cuối năm nay mới là quan trọng nhất. Theo tạp chí Foreign Affairs, chính quyền Trump thiếu chuẩn bị cụ thể, nên kết quả gặp cấp cao đạt được rất ít tiến bộ để thúc đẩy quan hệ. Kế hoạch “Đàm phán 100 ngày” chưa cụ thể. Trump nhận lời đi thăm Trung Quốc, nhưng chưa biết khi nào. Chương trình “Đối thoại Toàn diện” (Comprehensive Dialogue) thay cho “Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (Strategic and Economic Dialogue) dựa trên “4 trụ cột” mới do Trung Quốc đề xuất, nên họ dễ thao túng: (1) an ninh & ngoại giao, (2) kinh tế & thương mại, (3) an ninh mạng & luật pháp, (4) ngoại giao nhân dân. Về phía Mỹ, cho đến nay, Bộ Ngoại Giao vẫn chưa có thứ trưởng và trợ lý ngoại trưởng phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương, để phối hợp công việc cụ thể. Hai bên vẫn còn nghi ngại sâu sắc về vấn đề Bắc Triều Tiên. Mỹ tấn công Syria bằng 59 tên lửa Tomahawk đã làm Tập Cận Bình bất ngờ và mất mặt, nên không hy vọng xây dựng được lòng tin qua cuộc gặp cấp cao lần này. Nếu Trump định dùng cách răn đe bằng quân sự như Nixon (Madman theory) để ám chỉ rằng nếu bị thách thức, Mỹ không ngần ngại đơn phương tấn công Bắc Triều Tiên, thì sẽ phản tác dụng, làm suy yếu khả năng các bên phối hợp trừng phạt Bắc triều Tiên. Tuy nhiên, có một kết quả khác không ồn ào, nhưng có ý nghĩa tích cực là Tập Cận Bình đã gặp thống đốc Alaska khi máy bay dừng tiếp xăng. Cặp đôi hoàn hảo Như trong một số vấn đề hệ trọng khác, sự kiện Donald Trump mời Tập Cận Bình đến Mar-a-Lago và quyết định tấn công Syria, đều có dấu ấn (hay “vân tay”) của Ivanka Trump và Jared Kushner. Đó không phải chỉ là con gái và con rể của Trump, mà còn là các cố vấn chủ chốt, được tin cậy nhất trong Nhà Trắng (như một “cặp đôi hoàn hảo”). Không phải ngẫu nhiên mà “công chúa” Ivanka đã bế con đến Đại Sứ Quán Trung Quốc mừng Tết Đinh Dậu (1/2/2017). Đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải đã rút kinh nghiệm, thiết lập được kênh liên lạc với Ivanka Trump qua một mối quan hệ đặc biệt là Wendi Deng Murdoch (tức Đặng Văn Địch), từng là Phó chủ tịch Tập đoàn truyền hình Star TV châu Á, là vợ thứ ba của Trùm truyền thông Rupert Murdoch (đã ly hôn từ 2013). Nhiều người không biết Wendi Deng có mối quan hệ thân tình với Ivanka, sau khi mai mối thành công cho Ivanka Trump và Jared Kushner lấy nhau (vượt qua trở ngại tôn giáo). Nghe nói “bà mối” Wendi Deng đã nhận lời giúp Đại sứ Trung Quốc thu xếp để Ivanka đến Đại sứ Quán Trung Quốc chúc Tết. Sau chuyến thăm Washington của Dương Khiết Trì (27/2), Rex Tillerson đã đến Bắc Kinh (19/3) để thu xếp cho Mar-a-Lago summit. Ngoài Wendi Deng, Trung Quốc còn có các đầu mối khác để tác động đến gia đình Trump, như công ty Alibaba (của tỷ phú Jack Ma) và Anbang (của Ngô Tiểu Huy). Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, Ngô Tiểu Huy là cháu rể ông Đặng Tiểu Bình, là thân hữu của Chu Vân Lai (con ông Chu Dung Cơ) và Trần Tiểu Lỗ (con ông Trần Nghị). Có tin Trung Quốc đã cấp thêm cho gia đình Trump 38 nhãn hiệu hàng hóa, sau khi Jared Kushner bí mật gặp Ngô Tiểu Huy (ngày 16/11/2016) để thỏa thuận về những giao dịch giữa hai bên. Sau khi Ivanka Trump chính thức trở thành “cố vấn đặc biệt” cho bố (từ 29/3/2017) và có văn phòng tại “Tây Cung” của Nhà Trắng, Steve Bannon đã bị giáng chức, rút khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia (5/4/2017). Đó là hai biến động nhân sự quan trọng trong Nhà Trắng, trước khi Trump gặp Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago summit (6-7/4/2017). Ba ngự lâm pháo thủ Bộ ba gồm James Mattis (Bộ trưởng Quốc phòng), Rex Tillerson (Ngoại trưởng), John Kelly (Bộ trưởng An ninh Nội địa) được coi là trụ cột của “phe người lớn” (Axis of Adults). Phe này còn có McMaster (cố vấn An ninh Quốc gia), Mike Pompeo (Giám đốc CIA), Nikki Haley (Đại sứ tại LHQ), Gary Cohn (Cố vấn kinh tế). Đây là một trung tâm quyền lực mới trong chính quyền Trump, đang lặng lẽ kèm cặp tổng thống. Nếu xu hướng này thắng thế, chính quyền Trump (hay Mike Pence) sẽ gần giống chính quyền Bush. Tuy họ không tham gia chiến dịch tranh cử và phong trào của Trump, nhưng ảnh hưởng của họ đã thể hiện rõ trong quyết định tấn công Syria bằng tên lửa, đàm phán với Trung Quốc, và cứng rắn hơn với Nga, trái ngược với khẩu hiệu “biệt lập” của Trump lúc tranh cử. Tác động cân bằng của họ có thể giúp Nhà Trắng tránh khỏi ảnh hưởng cực đoan của Steve Bannon. Việc Bannon bị loại khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia là một dấu hiệu thắng thế của “phe người lớn” đối với “phe cực đoan” (Cabal of Crazies). (“Is Trump’s Axis of Adults Beating Down the Cabal of Crazies?”, Max Boot, Foreign Policy, April 18, 2017). Khi quyết định tấn công Syria, chắc Trump đã chịu nhiều ảnh hưởng của “phe người lớn” cũng như Ivanka và Jared Kushner. Có nhiều dấu hiệu cán cân quyền lực trong Nhà Trắng đã thay đổi làm “phe người lớn” thắng thế (vì tranh thủ được Trump và “cặp đôi hoàn hảo”). Trong khi đó “phe cực đoan” (Steve Bannon, Peter Navarro) có vẻ thất thế, và vai trò của Reince Priebus (Chánh Văn phòng Nhà trắng) và Kellyanne Conway (cố vấn) cũng mờ nhạt. Đây là một bước ngoặt, nhưng lúc này chắc Trump vẫn cần Steve Bannon. Steve Bannon có công giúp Trump thắng cử, và có sứ mệnh của một nhà “cách mạng Leninist” là phá bỏ trật tự của chính quyền cũ (“state deconstruction”). Nhưng về lâu dài, Trump sẽ cần Jared Kushner hơn. Giữa Steve Bannon (một con cáo già cực đoan) và Jared Kushner (một con sói trẻ thực dụng), chắc Trump sẽ phải chọn một. Dù thế nào thì Trump sẽ không bao giờ sa thải con gái cưng thông minh và trung thành. “Cặp đôi hoàn hảo” vẫn là một nhân tố ổn định trong cơ cấu quyền lực của Nhà Trắng (chừng nào Trump còn trị vì). Uy tín của “phe người lớn” đang tăng vì Trump biết lắng nghe và thay đổi quan điểm nhanh như gió. Chỉ số tín nhiệm Trump có dấu hiệu tăng. Nhiều quan chức cũ đang muốn ra làm việc (vì còn rất nhiều vị trí đang bỏ trống). Phe này gắn kết với nhau và hay gặp ăn sáng hàng tuần để trao đổi. Một số hay ăn tối với tổng thống (Mattis ăn tối với Trump hai lần một tuần). Là những nhân vật chuyên nghiệp dầy dạn kinh nghiệm, họ thường lặng lẽ “chữa cháy” mỗi khi Trump hứng thú tweeting gây sóng gió bất thường trong dư luận. (New Power Center in Trumpland The Axis of Adults”, Kimberly Dozier, Daily Beast, April 17, 2017). Những rủi ro tiềm ẩn Theo tạp chí Foreign Policy, Nhà Trắng bị phân hóa bởi hai nhóm có khuynh hướng cực đoan, đi ngược lại chính sách lâu nay về Trung Quốc. Một nhóm có đầu óc kinh doanh thiển cận (như Jared Kushner và Rex Tillerson) muốn nhân nhượng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Châu Á, để đổi lấy thỏa thuận về vấn đề Bắc Triều Tiên và thâm hụt thương mại. Nhóm kia có tư tưởng quốc gia cực đoan (như Steve Bannon và Peter Navarro) muốn chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh về kinh tế và quân sự. Vì vậy, Trump không có một chiến lược nhất quán nào để đối phó với Trung Quốc, và không có một chủ trương rõ ràng nào về khu vực Châu Á-TBD. Dù Trump có lợi thế bất ngờ, có thể quyền biến trong các vấn đề khác, nhưng về đối ngoại sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm. (“Trump’s Team Has No Idea What It’s Doing On China”, Mira Rapp-Hooper & Alexander Sullivan, Foreign Policy, April 5, 2017). Lawrence Summers (nguyên bộ trưởng tài chính Mỹ) cho rằng những vấn đề nhiều người Mỹ quan tâm hoặc là không đúng, hoặc là thứ yếu, trong khi họ lại không chú ý đúng mức đến thách thức quan trọng nhất về kinh tế. Việc tranh luận về thay đổi chính sách “một Trung Quốc” hay Trung Quốc thao túng đồng tiền, không giúp ích gì mà còn có thể nguy hiểm. Tương lai kinh tế Mỹ là do những quyết sách tại Washington chứ không phải tại Bắc Kinh. Trung Quốc đang gia tăng quyền lực mềm trên thế giới với một tầm nhìn toàn cầu, để thao túng hệ thống kinh tế thế giới, trong khi Mỹ lại lui về bảo hộ trong nước. Phát biểu của Tập Cận Bình tại Davos là một phần của chiến lược tổng thể đó. (“The most important economic challenge that China poses”, Lawrence Summers, Washington Post, April 9, 2017). Theo David Dollar (Brookings Institution), từ năm 2000 đến 2007 Mỹ đã mất 16,9 triệu đến 13,6 triệu việc làm. Khủng hoảng tài chính 2008 đã làm con số này giảm xuống còn 11,2 triệu, và cho đến nay con số này khá bình ổn. 40% trong số đó là do hàng Tàu tràn vào thị trường Mỹ sau khi Trung Quốc vào WTO (2001). Năm ngoái Mỹ nhập khẩu $480 tỷ hàng hóa Trung Quốc, trong khi chỉ xuất sang Trung Quốc có $170 tỷ. Đây là vấn đề quan trọng nhất mà hai bên phải tìm cách giải quyết trong “100 ngày đàm phán” thương mại. Graham Allison (Gián đốc Belfer Center, Harvard) cho rằng trong 500 năm qua, sự trỗi dậy của các cường quốc mới đã làm đảo lộn vai trò thống trị của các cường quốc cũ tới 16 lần. Kết quả của 12 trong số 16 lần đó là chiến tranh. Khi một cường quốc mới trỗi dậy đe dọa thay thế vai trò thống trị của cường cũ, thì đó là lúc phải rung chuông báo động vì nguy hiểm. Theo thuyết “cái bẫy Thucydides”, sự trỗi dậy của thành Athens làm thành Sparta lo sợ nên chiến tranh là không thể tránh khỏi. Allison tin rằng trong những năm tới, chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục thách thức và đối đầu với Mỹ. Điều đáng lưu ý là tính cách của Trump và Tập tuy rất khác nhau nhưng lại như bản sao của nhau trong gương (mirror images). Theo Michael Anton (Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ), chính sách ngoại giao tốt nhất không phải là can thiệp (interventionism) và cũng không phải là biệt lập (isolationism), mà là một chiến lược chống khủng bố quyết liệt (gọi là “enhanced whack a mole”). Trump đã hành động mau lẹ, quay ngoắt 180 độ so với lập trường trước đây, dù ông mất hy vọng vào hòa hoãn với Nga. Nói cách khác, Trump tin vào yếu tố bất ngờ, thiếu nhất quán và khó dự đoán. Đó có thể là dấu ấn của chính sách đối ngoại của Mỹ trong giai đoạn này. Triển vọng Mỹ-Việt Sau khi Trump đắc cử tổng thống, nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ bị bất ngờ, phải vội vã tìm mọi cách tiếp cận để vận động Trump. So với Nhật và Trung Quốc, Việt Nam lúc đầu có vẻ chậm chân, nhưng gần đây tỏ ra năng động hơn. Hà Nội chắc đã nhận ra cơ hội tốt dưới thời Obama đã bị bỏ qua. Trong khi Hà Nội tìm cách đối phó với hành động hung hãn của Bắc Kinh tại Biển Đông và xích lại gần Mỹ, thì Trump lại quyết định rút khỏi TPP, làm Hà Nội hẫng hụt và lo lắng, sợ Washington có thể “đi đêm” với Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc tranh thủ lôi kéo Việt Nam (và các nước khác) để lấp khoảng trống quyền lực. Người ta lo ngại khi Mỹ nghĩ lại thì tình hình đã đi quá xa và có thể quá muộn. Gần đây, các quan chức cấp cao Việt Nam đã tìm cách tiếp cận với chính quyền Trump. Hà Nội muốn trở thành một trong các “đối tác tin cậy” của Washington tại Đông Nam Á, để đối phó với những tranh chấp và nguy cơ về chủ quyền tại Biển Đông. Chính quyền Trump cũng tỏ ra quan tâm muốn đáp ứng. Sau khi đắc cử, trong cuộc điện đàm với thủ tướng Việt Nam, Trump tỏ ra quan tâm đến quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tiếp theo chuyến thăm Mỹ của thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc (20-23/3/2017), phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm chính thức Washington để gặp ngoại trưởng Rex Tillerson (19-23/4/2017). Thứ trưởng bộ quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cũng có kế hoạch thăm Mỹ để gặp các quan chức quốc phòng (trong một hai tháng tới). Sau đó, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể đi thăm chính thức Washington. Cuối tháng 2/2017, Tổng thống Trump đã gửi thư cho chủ tịch nước Trần Đại Quang tỏ ý muốn tăng cường hợp tác song phương. Cuộc họp thượng đỉnh APEC tại Đà Nẵng (11/2017) do Việt Nam chủ trì, là một cơ hội tốt để vận động Trump đến dự và thăm Việt Nam. Ngày 31/3/2017, chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp đại sứ Mỹ Ted Osius. Tuy phía Mỹ chưa cam kết chính thức, nhưng Đại sứ Osius nói Tổng thống Mỹ có thể dự APEC. Chưa bao giờ Việt Nam lại tỏ ra nôn nóng muốn tăng cường quan hệ với Mỹ như hiện nay. Một ưu tiên cao của Hà Nội là đàm phán hiệp định thương mại song phương với Mỹ (để bù lại việc Mỹ rút khỏi TPP). Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ 38,5 tỷ USD hàng hóa (bằng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu), và Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất. Hà Nội cũng muốn tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, và lặng lẽ kêu gọi Washington tiếp tục tuần tra tại biển Đông (FONOP). Tháng 1/2017, Exxon Mobil và PetroVietnam đã ký hai hợp đồng khai thác khí đốt tại mỏ “Cá Voi xanh” tại Biển Đông, trị giá 10 tỷ USD. Đây là một dự án lớn có ý nghĩa chiến lược vì Tillerson vốn là CEO của Exxon Mobil. Thay lời kết Thứ nhất, phương châm “đa dạng hóa, đa phương hóa” quan hệ, sẵn sàng làm “đối tác tin cậy” của các nước, là một chủ trương đối ngoại hay, nhưng kết quả dở. Một đất nước có rừng vàng biển bạc, được thế giới viện trợ, nhưng tại sao vẫn nghèo nàn và tụt hậu, nợ nần chồng chất và suy thoái, vẫn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc? Nếu vẫn bám giữ nguyên tắc “ba không”, thì Việt nam làm sao có đối trọng để “thoát Trung” và độc lập? Thứ hai, trong suốt tám năm khi ông Obama làm tổng thống, quan hệ Việt-Mỹ tuy có nhiều tiến bộ, nhưng đã bỏ qua nhiều cơ hội đáng tiếc. Dường như ta đã quen với trò chơi đánh đu để câu giờ, kéo cưa lừa xẻ để mà cả lợi ích trước mắt, mà bỏ qua những vấn đề cốt lõi lâu dài. Bây giờ, khi nước Mỹ và thế giới đã thay đổi khó lường, và chuyển hẳn sang một giai đoạn mới, thì ta vẫn loanh quanh tại bến đò xưa. Nếu vẫn tiếp tục trò chơi cũ với chính quyền mới của Mỹ và cộng đồng thế giới, thì có nguy cơ phá sản và chìm đắm về kinh tế. Thứ ba, muốn thoát khỏi tình trạng nan giải hiện nay về kinh tế và đối ngoại, thì chỉ còn cách đổi mới thể chế toàn diện và dân chủ hóa nhằm hòa giải dân tộc và kiến tạo quốc gia, để phục hưng đất nước. Nếu chính quyền vẫn cứ bảo kê cho các nhóm lợi ích và quan tham cướp đất và trấn áp người dân, “ăn không từ một thứ gì” và gây thù chuốc oán, đẩy người dân đến bước đường cùng, hoặc đầu tư vào các dự án rủi ro hủy hoại môi trường, dẫn đến bi kịch như Đồng Tâm hay Formosa, thì có nguy cơ đổ vỡ và chìm đắm về chính trị. Những hình ảnh gây sốc của thường dân Syria bị chết do chất độc hóa học đã châm ngòi cho Mỹ trừng phạt (được đa số dư luận ủng hộ). Nếu Đồng Tâm bị đàn áp khốc liệt, thì những hình ảnh gây sốc sẽ có tác động tương tự, làm Mỹ và thế giới quay lưng lại với Việt Nam. Mấy báo lớn của Mỹ đã lên tiếng. Nếu không tháo gỡ ngay, Đồng Tâm sẽ là một bước ngoặt, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng bạo lực đầy nguy hiểm, do hậu quả của luật sở hữu đất, làm dân mất hết lòng tin. Mọi cố gắng “đa phương hóa, đa dạng hóa” để Việt Nam làm “đối tác tin cậy” của các nước sẽ thành vô nghĩa. Việt Nam có thể “trở về thời kỳ đồ đá”. Tham khảo:1. “Is Trump’s Axis of Adults Beating Down the Cabal of Crazies?”, Max Boot, Foreign Policy, April 18, 2017 2. “New Power Center in Trumpland: The Axis of Adults”, Kimberly Dozier, Daily Beast, April 17, 2017 3. “The Inside Story of the Kushner - Bannon Civil War”, Sarah Ellison, Vanity Fair, April 14, 2017 4. Xi Jinping and Donald Trump still need to find a strategic footing”, David Lampton, SCMP, April 11, 20175. “A False Start for Trump and Xi: The Meaning of the Mar-a-Lago Meeting”, Graham Webster, Foreign Affairs, April 10, 20176. “The most important economic challenge that China poses”, Lawrence Summers, Washington Post, April 9, 2017 7. “Vietnam Wastes Little Time Trying to Connect with the Trump Administration”, Murray Hiebert, CSIS, April 7, 2017 8. “The Trump Doctrine: Unpredictability and Incoherence”, Andrew Sullivan, New York Magazine, April 7, 2017 9. “What’s Next for Trump and Xi?”, Rana Mitter, Project Syndicate, April 7, 2017 10. “How Trump and Xi could stumble into war”, Graham Allison, Washington Post, March 31 2017 NQD. 19/4/2017
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 19-4-17
|