Việt Nam cô đơn và
lạc trong một thế giới bất an và bất định
Nguyễn Quang Dy
“Chỉ có những kẻ khôn ngoan nhất và ngu xuẩn
nhất là không thể thay đổi”
(It is only the wisest and the stupidest that
cannot change). (Confucius, 551-479
BC)
Có thể nói ngay (mà chưa cần phân tích) là Việt Nam cô đơn và lạc trong
một trật tự thế giới mới bất an và bất định, của một thế giới “không
phẳng” (xin lỗi Tom Friedman). Nhiều nước cũng khốn đốn (như Venezuela)
chứ không riêng Việt Nam. Nhưng Việt Nam đang trong một tình thế hiểm
nghèo (vì Trung Quốc đè) và có đặc thù riêng cần làm rõ. Chủ nghĩa “đặc
thù” (exceptionalism) và “tiệm
tiến” (Gradualism) cùng với chủ
nghĩa “cực đoan” (extremism)
và “giáo điều” (dogmatism),
chính là những rào cản trước đòi hỏi đổi mới và tiến bộ. Sau nhiều năm
cố gắng đổi mới và hội nhập với thành quả đáng kể, Việt Nam đang tụt hậu
so với láng giềng. Tuy có nhiều tài nguyên và nguồn nhân lực, nhưng đất
nước đang kiệt quệ về tài chính và phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy hô khẩu
hiệu “làm bạn với tất cả”,
nhưng Viêt Nam vẫn “thân cô thế cô”
(Bill Hayton), bị bắt nạt nhưng không có đồng minh bênh vực. Trong khi
sa vào “bẫy thu nhập trung bình”, Việt Nam vẫn chưa chịu thay đổi thể
chế.
Trật tự thế giới
mới
Năm 2016 được đánh dấu bởi hiện tượng “Brexitism”
(tại Anh) và Trumpism (tại
Mỹ). Đó là một xu thế mới tạo ra một bước ngoặt lịch sử, và mở ra một
thời kỳ mới, không chỉ đối với Anh mà cả Cộng đồng Châu Âu, không chỉ
đối với Mỹ mà cả thế giới. Toàn cầu hóa đang bị thách thức bởi chủ nghĩa
dân tộc đang trỗi dậy, các giá trị và thành quả của nó đang bị phản bác.
Tự do thương mại bị thay thế bởi chủ nghĩa biệt lập (như
America First). Các giá trị
dân chủ tự do (liberal democracy) bị thách thức, và nhân quyền bị coi
nhẹ. Trật tự thế giới đang thay đổi như một số học giả đã từng cảnh báo
trong cuốn “The End of History”
(Francis Fukuyama) hay “The End of
Power” (Moises Naim). Tuy có nhiều cách lý giải khác nhau, nhưng hầu
hết đều nhất trí là trật tự thế giới mới bất an và bất định, thậm chí
“vô chính phủ”
(Robert
Kaplan, “Eurasia’s Coming Anarchy”,
Foreign Affairs, February 15, 2016).
Dù trật tự thế giới dựa theo mô hình “Concert of Powers” như Henry Kissinger đề xuất trong cuốn “A World Restored” (1957), hay phản ánh mô hình “Anarchical Society” mà Hedley Bull lý giải trong cuốn “Anarchical Society” (1977) thì cũng không khác nhau mấy. Điều quan trọng là luật chơi, chính sách, và thể chế đã dẫn dắt thế giới từ sau Thế chiến Thứ II tới nay đã lỗi thời. Trong khi đó, các nước lớn lại đang ganh đua với nhau về vai trò bá chủ thế giới. Có lúc chính sách đối ngoại của Mỹ đã làm cho tình hình xấu đi, do hành động của họ, hoặc do họ không hành động. Sự thiếu nhất quán trong chính sách đối ngoại của Mỹ đã làm cho sức mạnh răn đe của họ ngày càng yếu đi, và buộc các nước đồng minh phải tự lo cho an ninh của mình. Hệ quả là Trung Quốc đã trỗi dậy và đang cùng với Bắc Triều Tiên đe dọa Châu Á (và Mỹ). Người ta gọi trật tự thế giới mới là “World Order 2.0”. (Richard Haass, “A World in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order”, Penguin, 2017). Về cơ bản, tầm nhìn của Richard Haass, cũng như của Robert Kaplan (và một số học giả khác) phản ánh sự “hỗn độn” (disorder) của trật tự thê giới mới đầy bất an và bất định.
Trong khi phương Tây và Mỹ đi xuống (falling), thì phương Đông đi lên
(rising) với sự trỗi dậy đầy ấn tượng của Trung Quốc. NATO và EU phân
hóa do tác động của Brexitism & Trumpism. Sau khi Anh rút khỏi EU, Pháp
cũng lao đao, còn Đức phải suy nghĩ lại về an ninh của mình. Trong khi
đó, Trung Quốc tranh thủ cơ hội, thách thức Mỹ và trật tự thế giới do Mỹ
cầm đầu, với “Giấc mộng Trung hoa” (China
Dream) và bàn cờ lớn “Một Vành đai, Một Con đường” (One belt, One road). Hiện nay, bán đảo Triều Tiên, Biển Hoa Đông, và
Biển Đông đã trở thành những điểm nóng như “thùng thuốc súng” (powder
kegs). Trước sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc và sự rút lui của
Mỹ, Nhật buộc phải tự lo cho an ninh của mình bằng cách sửa đổi
Hiến pháp (điều 9) để có thể tái
vũ trang. Đây là một thay đổi rất lớn trong bức tranh địa chính trị Đông
Á, có thể làm thay đổi cục diện chiến lược tại khu vực.
Trong bối cảnh đó, nhiều nước phải điều chỉnh thể chế và chính sách để
thích ứng với môi trường và trật tự thế giới mới. Nhưng với nhiều người,
thay đổi tư duy “đặc thù” là việc không hề dễ. Người ta vẫn hành xử như
“thời chiến tranh lạnh”, ngộ nhận về quyền lực và vị thế của mình, mà
không lường được hệ quả. Sự ngạo mạn và ngộ nhận quyền lực không đúng
lúc, đúng chỗ, sẽ dẫn đến tai họa. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một ví
dụ.
Mỹ có thể cử biệt
đội SEAL xâm nhập Pakistan để tìm diệt Osama Bin Laden (2/5/2011), và
Trung Quốc cũng có thể cử các biệt đội “Săn Cáo” (Fox
Hunt) sang Mỹ và các nước khác để săn lùng các quan chức tham nhũng
của họ đang lẩn trốn. Nhưng Việt Nam không phải là Mỹ hay Trung Quốc.
Mình phải tự biết mình là ai và đang ở đâu. Lúc này, Việt Nam đang trong
một tình thế đầy hiểm nghèo, cả về kinh tế lẫn chủ quyền Biển Đông.
Trong một quan hệ bất đối xứng (asymmetric)
các nước nhỏ hơn và yếu hơn càng phải thao lược. Nói cách khác, đừng nên
quá sợ Trung Quốc, nhưng cũng đừng nên coi thường Đức, là đối tác chiến
lược quan trọng nhất trong số các nước EU (nhất là sau khi Mỹ rút khỏi
TPP).
Theo các chuyên
gia, Trung Quốc đã ứng dụng “Tam chủng Chiến pháp” (Three
Warfares doctrine) bao gồm “chiến tranh tâm lý”
(psywar),
“chiến tranh pháp lý” (lawfare),
và chiến tranh truyền thông (media warfare),
để đạt được mục tiêu chiến lược. Theo binh pháp Tôn Tử, thượng sách là
“thắng mà không cần đánh” (winning
without fighting). Trung Quốc quen dọa nạt và bắt nạt (bluffing and
bullying) các nước láng giềng tại Biển Đông, cũng như tại Doklam (nơi
đang diễn ra xung đột giữa Trung Quốc với Ấn Độ và Bhutan). (Brahma Chellaney, “Calling the
Chinese bully’s bluff”, Project Syndicate, August 8, 2017).
Việt Nam đi về đâu
Trong giai đoạn đổi mới lần thứ nhất (từ 1986), đặc biệt là sau khủng
hoảng tài chính Châu Á (từ 1997), khi kinh tế một số nước bị đình trệ
thì Việt Nam nổi lên như “con hổ mới” ở Châu Á. Nhưng đáng tiếc là chưa
đầy 10 năm dưới thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2006-2016), kinh tế Việt
Nam chưa kịp cất cánh thì đã lụn bại. “Con hổ mới” đã biến thành “con
mèo hoang”. Các nhóm lợi ích
thân hữu đã lợi dụng thể chế độc quyền độc đảng để lũng đoạn và tham
nhũng, biến các tập đoàn kinh tế nhà nước (những “quả
đám thép”) thành gánh nặng thua lỗ và nợ nần (như Vinashin). Mô hình
kinh tế thị trường “định hướng
XHCN” đã đẻ ra một thứ quái thai là “tư
bản đỏ”. Các nhóm lợi ích được chính quyền bảo kê đã kết hợp “CNXH
thân hữu” (là cái vỏ) với CNTB hoang dã (là cái ruột) trong một cuộc hôn
phối vụ lợi. Đoàn tàu cách mạng Việt Nam đã bị chúng bắt cóc và bẻ ghi
chạy theo một hướng khác.
Trong khi Trung Quốc cải cách kinh tế thành công và “cất cánh” với mô
hình phát triển mang “bản sắc Trung Quốc”, được các học giả phương tây
gọi là “nền độc tài bền vững” (resilient
authoritarianism), thì Việt Nam thất bại. Nguyên nhân vừa do thể chế
bất cập (structural gaps) giữa
kinh tế thị trường và định hướng XHCN, vừa do điều hành tồi (operational failure) và quản trị kém (poor governance) cộng với tham nhũng tràn lan. Một khi quyền lực và
tham nhũng không bị kiểm soát, thì nó sẽ hoành hành như con quái vật
Frankenstein bị xổng. Tư duy “kiểu Việt Nam” dựa trên sự ngộ nhận về
tính “đặc thù” (exceptionalism)
và tư tưởng “giáo điều” (dogmatism),
bị các nhóm lợi ích lợi dụng và thao túng để trục lợi.
Cải cách hành chính bị vô hiệu hóa bởi chống đối ngầm (passive
resistance). Luật doanh nghiệp bị gây khó dễ bởi các loại “quy
trình” và “giấy phép con” (thậm chí vi hiến) được các bộ ngành và địa
phương đặt ra để trục lợi (rents seeking). Mọi việc đều bị chính trị hóa. Thói quen tư duy
(mindset) “kiểu Việt Nam”, và cách làm việc “không giống ai” đã bị dập
khuôn thành “quy trình” dựa trên danh nghĩa “hệ tư tưởng XHCN” (như bất
khả xâm phạm), nên rất khó thay đổi. Ví
dụ cái “loa phường”, ai cũng biết là đã quá lỗi thời, nhưng đến tận bây
giờ người ta vẫn chưa từ bỏ. Đó là những sản phẩm ý thức hệ từ thời “chính
trị là thống soái”.
Kết quả là tài nguyên thiên nhiên (“rừng vàng biển bạc”) đang cạn kiệt
dần. Trong khi dầu khí, than đá, kim loại (và kể cả cát) sắp hết, thì ô
nhiễm môi trường ngày càng tăng, nhiều nơi tới mức báo động, như bờ biển
miền Trung (bị ô nhiễm bởi Formosa), hoặc không khí ô nhiễm tại Hà Nội.
Tài chính quốc gia đang cạn kiệt: ngân sách thu không đủ chi, dự trữ
quốc gia chỉ đủ trả nợ đến hạn. Chính phủ không biết lấy tiền từ đâu để
đầu tư phát triển, trong khi viện trợ phát triển (ODA) đang cạn dần. Nạn
tham nhũng tràn lan đã làm giảm tín nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc
tế, và lòng tin của người dân cũng đang cạn kiệt. Nhiều người cảm thấy
bất an và bất lực đành “bỏ phiếu bằng chân”. Mỗi năm có khoảng một trăm
ngàn người bỏ đất nước ra đi. Họ có thể là doanh nhân, trí thức, hay
quan chức. Dòng người di cư ngày càng đông đã gây ra nạn chảy máu chất
xám và thất thoát tài chính. Cũng như người Trung Quốc, người Việt đang
đổ xô di cư sang Mỹ, Canada, Úc, Anh, và các nước phương Tây khác.
Khủng hoảng kép
Trong tháng 7/2017, có hai sự cố như “khủng hoảng kép” (double crises)
vào thời điểm nhạy cảm, đặt Việt Nam vào thế mắc kẹt.
Thứ nhất là khủng hoảng do khoan dầu tại Biển Đông. Việt Nam đã yêu cầu
Repsol ngừng khoan thăm dò lô 136-03 trong vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam trước sức ép của Trung Quốc đe dọa tấn công các cứ điểm Trường
Sa nếu Việt Nam không chịu dừng. Dù ngừng tạm thời hay lâu dài, Việt Nam
khuất phục Trung Quốc về quyền khai thác dầu khí, do không có đồng minh
bảo vệ, và không đủ sức mạnh răn đe. Thứ hai là khủng hoảng ngoai giao
Viêt-Đức. Việt Nam đã dùng hạ sách bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin
và đưa về nước (theo thông báo của phía Đức) “như
một bộ phim hành động thời chiến tranh lạnh”. Đức đã phản ứng mạnh
mẽ, lên án Việt Nam vi phạm luật pháp Đức và quốc tế một cách “trắng
trợn” (blatant) và “chưa từng có” (unprecedented).
Vụ bắt cóc này đang
dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng chưa lường hết, vì cả hai phía đều
đang bị mắc kẹt. Chính phủ Đức coi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là “không
thể chấp nhận được” (unacceptable) và “không thể bỏ qua”. Đức đang đặt
mọi phương án trừng phạt Việt Nam lên bàn (và chờ thái độ phản ứng của
Việt Nam), đúng lúc Việt Nam cần Đức ủng hộ Hiệp định tự do thương mại
(EVFTA),
cũng như tranh chấp tại Biển Đông. Đức là đối tác chiến lược quan trọng
nhất của Việt Nam tại EU.
Đối với Việt Nam, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai sau Trung Quốc và
là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ. Thương mại song phương
Viêt-Đức tăng từ $10 tỷ (2006) lên $48 tỷ (2016). Sau khi TPP bị Mỹ bỏ
rơi, thì có lẽ EVFTA là cái phao cứu sinh duy nhất đối với Việt Nam.
Nhưng, thủ tướng Angela Merkel có thể gây áp lực với các nước EU phủ
quyết EVFTA cho Việt Nam (dự kiến năm 2018).
Hiện nay, Viêt Nam đang bị bao vây bởi quá nhiều vấn đề nan giải (như
“thập diện mai phục”). Nhưng nan giải và bức xúc nhất vẫn là vấn đề nợ
công và Biển Đông. Việt Nam làm thế nào để trả nợ và đối phó với nguy cơ
vỡ nợ (nếu mất khả năng thanh toán) hay nguy cơ xung đột Biển Đông do
tranh chấp chủ quyền và khai thác dầu khí (không thể nhân nhượng)? Liệu
Trung Quốc có dám tấn công Trường Sa (như năm 1988) hay chỉ hù dọa bắt
nạt Việt Nam, theo kế “rung cây dọa khỉ” và “bất chiến tự nhiên thành”
(trong Binh pháp Tôn Tử)?
Tại hội nghị
ngoại trưởng ASEAN-50 (Manila, August 5-8, 2017), mặc dù bị cô lập trong
lập trường về Biển Đông, và trước sức ép của Trung Quốc, nhưng đoàn Việt
Nam vẫn kiên trì đấu tranh. Cuối cùng hội nghị ASEAN vẫn ra được Thông
cáo Chung phản ánh được phần nào quan điểm cứng rắn của Việt Nam về Biển
Đông và về quy tắc ứng xử (COC), làm Trung Quốc tức giận, hủy cuộc gặp
chính thức giữa hai ngoại trưởng. Tuy nhiên, Thông cáo Chung của ba
ngoại trưởng Mỹ, Nhật, Úc (Manila, 7/8/2017) có nội dung và lời lẽ cứng
rắn hơn nhiều so với Thông cáo Chung của các ngoại trưởng ASEAN
(6/8/2017). Ba ngoại trưởng đã lên án hành vi “bồi đắp đảo và quân sự
hóa các thực thể đang tranh chấp”, và kêu gọi “quy tắc ứng xử Biển Đông
phải ràng buộc pháp lý, thực chất và hiệu quả”.
(Laura
Zhou, “China Vietnam maritime tensions
flare as foreign ministers meeting called off”,
SCMP, August 7, 2017
Vụ bắt cóc Trịnh
Xuân Thanh tại Berlin tuy táo tợn nhưng “chuyên nghiệp một cách vụng về”
(too good too be true). Thứ
nhất, họ tiến hành giữa ban ngày tại công viên có nhiều người qua lại
(rất lộ liễu). Thứ hai, họ để lại smart phone tại hiện trường (có chứng
cứ). Thứ ba, họ thuê xe có cài đặt thiết bị GPS chống trộm (dễ phát
hiện). Thứ tư, họ đưa Trịnh Xuân Thanh vào Đại Sứ Quán Việt Nam (theo
thông báo của Đức). Không biết đây là do sơ xuất của những người thực
hiện, hay là họ làm
theo kịch bản của một đạo diễn “cao tay”,
cố ý diễn kịch để
khiêu khích chính phủ Đức. Có lẽ đây là một nước cờ “gambit”
trong “trò chơi vương quyền” (game
of thrones) đầy bí ẩn “kiểu Việt Nam”, trong khi có “đợt sóng ngầm”
(theo Lê Hồng Hiệp) đang diễn ra trước Đại hội Đảng Giữa kỳ. Khủng
hoảng ngoại giao do sự kiện này gây ra sẽ tác động tiêu cực đến quan hệ
Viêt Nam với Đức (cũng như với EU), làm cho quá trình hội nhập và hợp
tác quốc tế của Việt Nam càng thêm khó khăn. Nó vừa phản ánh khủng hoảng
chính trị và đấu tranh quyền lực tại Việt Nam đã tới đỉnh điểm, vừa bộc
lộ khủng hoảng truyền thông và đấu đá phe phái, với nhiều “tin vịt”
(fake news) làm thật giả lẫn lộn.
Giải pháp khả thi
Gốc rễ của vấn nạn tham nhũng là do chế độ độc quyền, độc đảng, bị các
nhóm lợi ích thân hữu thao túng để trục lợi. Trong một chế độ không có
pháp quyền mà chỉ có đảng trị, thì không thể kiểm soát được quyền lực,
vì những người cầm quyền tự cho mình đứng trên pháp luật và thao túng
mọi quyền lực và nguồn lực xã hội, dẫn đến tha hóa quyền lực, bất công
xã hội và mất lòng dân. Nếu bắt và xử được một Trịnh Xuân Thanh thì sẽ
có mười Trịnh Xuân Thanh khác, nếu không thay đổi thể chế chính trị. Vì
vậy, để thúc đẩy cải cách thể chế (vòng hai), Việt Nam cần tập hợp những
“nhân tố thay đổi” (change
agents)
trong nước và ngoài nước thành một liên minh những người cùng chủ trương
cải cách thể chế (a
coalition of like-minded institutional reformers).
Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng vừa thành lập là một ý tưởng đúng hướng
(nếu đó là thực chất), vì một chính phủ “Kiến tạo” (Constructive
government).
Đối với Việt Nam, lúc này có lẽ Nhật là đối tác chiến lược quan trọng
nhất làm đối trọng trước sự bành trướng và bá quyền của Trung Quốc tại
Biển Đông, khi Mỹ không còn đáng tin cậy. Nhật không phải chỉ là một
cường quốc kinh tế, mà còn là một cường quốc quân sự, sẵn sàng hỗ trợ
các nước Đông Nam Á duy trì cân bằng quyền lực tại khu vực này. Lợi ích
an ninh của Nhật tại Biển Hoa Đông song trùng với lợi ích chiến lược của
họ tại Biển Đông, nên cam kết an ninh của Nhật đối với Việt Nam và khu
vực chắc bền vững và đáng tin cậy hơn.
Vì Chính quyền Trump đã quyết định rút khỏi TPP và có thể giảm cam kết
an ninh với Châu Á, nên việc các nước khu vực hợp tác chiến lược mạnh mẽ
hơn với Nhật càng trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết để lấp vào chỗ trống
đó. Các nước không chỉ cần tăng cường quan hệ song phương mà còn phải
lập ra một “Mạng lưới An ninh trên Nguyên tắc” (Principled
security network) như Tổng thống Barack Obama đã từng gợi ý, hoặc
một “Mạng lưới Liên kết mở” (Mesh
Networks) như Anne-Marie Slaughter & Mira Rapp-Hooper mới đề cập gần
đây (“How
America’s Asian Allies Can Survive Trump”, Project Syndicate,
January 24, 2017).
Cơ chế của một mạng lưới an ninh khu vực như vậy phù hợp với mô hình an
ninh tập thể và đối tác chiến lược, nhằm đảm bảo sự tồn tại bền vững.
Theo Anne-Marie Slaughter, ngay cả khi “một khâu bị đứt thì hệ thống vẫn tồn tại”. Quan hệ an ninh song
phương được tăng cường giữa Nhật với Việt Nam cũng như các nước khác
(như Mỹ, Ấn, Úc) là nòng cốt để xây dựng một “Đối tác Chiến lược cùng
Quan điểm” (Like-Minded Strategic
Partnership) bao gồm Mỹ-Nhật-Ấn-Úc và Việt Nam (AJIA+V). Một liên
minh bền vững như vậy là một đảm bảo thiết yếu cho sự thiếu hụt cam kết
an ninh của Mỹ đối với khu vực, cũng như là một răn đe hiệu quả đối với
mối đe dọa ngày càng lớn của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong bối cảnh
đó, thỏa thuận Mỹ sẽ cho tàu sân bay thăm Cam Ranh (năm 2018) qua chuyến
thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (7-10/8/2017) tiếp theo
chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, (31/5/2017) là một dấu hiệu
răn đe, có thể làm thay đổi cuộc chơi (game changer).
Việt Nam hoặc bất
cứ nước nào khác cũng không thể một mình đương đầu với Trung Quốc. Các
nước có cùng lợi ích chiến lược tại Biển Đông phải liên kết lại trong
một liên minh để răn đe và ngăn chặn Trung Quốc bành trướng.
Muốn duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông, không thể trông chờ vào
Trung Quốc và ASEAN thỏa thuận một bộ quy tắc ứng xử (COC) có hiệu lực.
Trong mấy năm nữa, ít nhất cho đến hết nhiệm kỳ của Tổng thống Donald
Trump, khi khu vực còn nghi ngờ vào các cam kết của Mỹ, nếu các nước này
không hình thành được một liên minh gồm các nước có chung lợi ích chiến
lược như vậy, để đối phó với Trung Quốc, thì sẽ là quá ít và quá muộn
(như bài học dưới thời Tổng thống Barack Obama).
Thay lời kết
Những người cực đoan giống con gà trống. Mỗi lần nó gáy thì thấy mặt
trời mọc, nên nó ngộ nhận tưởng là do mình gáy nên mặt trời mọc. Vì vậy,
nếu nó chưa gáy mà mặt trời đã mọc thì nó rất tức tối, cho rằng mặt trời
sai, chưa gáy đã mọc. Những người cực đoan thường bảo thủ, với tư duy
“đặc thù”, nên không chịu lắng nghe. Họ có xu hướng luôn khẳng định mình
là đúng, còn những người khác là sai. Vì tư duy cực đoan và giáo điều,
họ tin rằng chỉ có họ mới có quyền phán quyết đúng sai. Những ai không
giống họ và không theo họ đều bị coi là phản động và thù nghich. Vì họ
không chấp nhận đa nguyên, nên khẩu hiệu “thêm
bạn bớt thù” là vô nghĩa. Nếu không tỉnh ngộ và thay đổi thì Việt
Nam rất khó hội nhập, sẽ cô đơn không có bạn bè mà chỉ có kẻ thù. Ngay
bạn bè và đồng minh cũng có thể biến thành kẻ thù.
Chính quyền Việt Nam tỏ ra quyết liệt chống tham nhũng (tuy nhắm vào
những đối thủ chính trị nhất định) nhưng lại không chịu thay đổi thể chế
chính trị (là nguyên nhân đẻ ra ra tham nhũng). Trong khi chống tham
nhũng, lãnh đạo Việt Nam sợ đánh “vỡ bình” (chế độ) nhưng lại sẵn sàng
đánh chìm cái thuyền kinh tế & đối ngoại (là cái phao cứu sinh). Câu
chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin là một ví dụ, bất chấp luật
pháp của Đức và quốc tế, có thể bị Chính phủ Đức trừng phạt, tuy Đức là
đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam tại EU. Khủng hoảng bất
ngờ trong quan hệ Đức-Viêt thật không đúng lúc khi Việt Nam rất cần Đức
và EU để ủng hộ EVFTA, và bênh vực Việt Nam đối phó với Trung Quốc tại
Biển Đông. Trong khi hô khẩu hiệu “làm bạn với tất cả”, Việt Nam đang biến một đối tác tốt thành thù
địch. Đây là một nghịch lý chết người, mà chỉ có thể hóa giải được bằng
thay đổi thể chế.
Quyền lực và tham nhũng là hai thứ khó kiểm soát, nếu không quyết thay
đổi thể chế bằng cách thay mô hình đảng trị (party
rule) bằng pháp quyền (rule of
law). Nếu quyền lực không bị kiểm soát nó sẽ tiếp tục đẻ ra tham
nhũng, do quản trị yếu kém và thiếu minh bạch. Đó là nguyên nhân chính
làm kinh tế thị trường “định hướng XHCN” bị méo mó, đi trệch đường ray phát triển. Từ mô
hình phát triển (growth model)
để “hóa rồng/hóa hổ” Việt Nam đã biến thành “con mèo hoang”, với mô hình
thất bại (failed state). Đó là
bài học đắt giá từ những “diễn biến tiêu cực” trong một thập kỷ qua, làm
triệt tiêu thành quả đổi mới của hai thập kỷ trước đó, làm Việt Nam vẫn
sa lầy tại ngã ba đường ý thức hệ.
Tham khảo
1.
Le Hong Hiep,
“Asia’s Evolving Security Order”,
Project syndicate, August 7, 2017
2.
Brahma Chellaney, “Calling the Chinese bully’s bluff”, Project Syndicate, August
8, 2017
3.
Laura Zhou, “China Vietnam maritime tensions
flare as foreign ministers meeting called off”,
SCMP, August 7, 2017
4.
Anne-Marie Slaughter
&
Mira Rapp-Hooper,
“How America’s Asian Allies Can Survive Trump”, Project Syndicate,
January 24, 2017
5.
Robert Kaplan, “Eurasia’s Coming
Anarchy”, Foreign Affairs, February 15, 2016
6. Moises Naim, “the End of Power”,
Basic Books, New York, 2013 7. Graham Allison, “Destined for War: Can America and China Escape Thucydides’s Trap?”, Houghton Mifflin Harcourt, 2017. 8. Graham Allison, “China vs. America: Managing the Next Clash of Civilizations”, Foreign Affairs, August 15, 2017 9. Richard Haass, “A World in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order”, Penguin, 2017 10. Richard Haass, “The End of Asia’s Strategic Miracle?”, Project Syndicate, Aug 16, 2017
NQD. 12/8/2017 (Cập nhật: 18/8/2017)
(Nguyễn Quang Dy là
Harvard Nieman Fellow 1993, hiện nay là nhà báo và nhà nghiên cứu độc
lập. Bài này viết theo chủ đề “Việt Nam và trật tự thế giới mới” để đóng
góp làm tài liệu tham khảo cho Hội thảo Hè 2017, và để đăng trên
Viet-studies).
|