Xoay trục sang Châu Á: Tầm nhìn và Hành động
Nguyễn Quang Dy
Từ “Xoay trục” đến “Tái cân bằng” đến “Xoay trục 2.0”: Tiếng kèn ngập ngừng
Quan điểm của Hillary Clinton về Châu Á có tầm nhìn chiến lược và được các nước Châu Á hoan nghênh (trừ Trung Quốc). Nếu bà Clinton được bầu làm Tổng thống thì sẽ là tin mừng đối với Châu Á (nhưng sẽ là tin buồn đối với Trung Quốc). Tuy nhiên, giữa tầm nhìn và hành động có một khoảng cách. Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách này?
Gần đây người ta thường nói đến “Xoay trục sang Châu Á” như một cụm từ thông dụng và là tâm điểm chính sách Châu Á của chính quyền Obama. Vậy nó được hình thành như thế nào, thực chất là gì, và triển vọng ra sao? Thực ra ngay từ đầu, nó không phải là kết quả nghiên cứu sâu sắc của một think tank nào cả, mà là hệ quả do phản ứng linh hoạt và nhạy bén của các nhà ngoại giao Mỹ, đứng đầu là ngoại trưởng Hillary Clinton.
Chính Hillary Clinton là người đầu tiên đã tuyên bố tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (2009) rằng Mỹ có lợi ích chiến lược tại khu vực này (làm Trung Quốc tức giận). Các nhà quan sát coi đó là khởi đầu chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng”. Nhưng cả Trung Quốc lẫn các nước đồng minh của Mỹ tại khu vực vẫn chưa thực sự tin vào chủ trương này của Mỹ. Washington phải có tầm nhìn rõ ràng và hành động mạnh mẽ hơn.
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (Hà Nội, 22/7/2011), ngoại trưởng Hillary Clinton đã chuẩn bị kỹ hơn và đọc một bài diễn văn khẳng định lập trường của Mỹ tại Châu Á (làm ngoại trưởng Dương Khiết Trì tức giận bỏ ra ngoài). Hội nghị đó là một bước ngoặt, khi Mỹ khẳng định lợi ích chiến lược và vai trò lãnh đạo của mình, xóa được phần nào nghi ngờ của đồng minh, và làm Trung Quốc lo ngại. Trong một lần đối thoại với bà Clinton, ông Đới Bỉnh Quốc đã hỏi, “Tại sao các vị không xoay trục đi chỗ nào khác ngoài khu vực này?”
Vào tháng 11/2011, trong một bài dài đăng trên tạp chí “Foreign Policy”, ngoại trưởng Hillary Clinton đã lý giải chính sách “xoay trục” bằng một quan điểm mới là Mỹ chủ động chứ không phải bị động: Mỹ quyết định rút quân khỏi Iraq và Afghanistan là nhằm “xoay trục” sang Châu Á, chứ không phải là Mỹ bị động “thoái lui” trong thế yếu. Hillary Clinton đã đề xuất 6 hành động chủ chốt để “xoay trục” (trong đó có 4 điểm được “mượn” trong nội dung một báo cáo của CSIS). Nhưng tầm nhìn phải có hành đông kèm theo. Trước khi Tổng thống Obama đến dự Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á tại Bali (11/2011), ông đã quyết định đến thăm Australia để tuyên bố điều động 2.500 lính thủy đánh bộ đến Darwin, như một hành động cụ thể để “xoay trục” sang Châu Á, nhằm bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, quyết định mang tính tượng trưng đó lại gây ấn tượng là chính sách “xoay trục” của Mỹ chủ yếu là điều động binh lực, nên không lâu bền. Vì vậy, 6 tháng sau, Washington đã điều chỉnh thuật ngữ “xoay trục” thành “tái cân bằng”. Dù sao, đó là khởi đầu tốt đẹp mà bà Hillary Clinton đã có công đề xướng nhằm khẳng định lợi ích chiến lược và vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực, làm các nước đồng minh tạm yên tâm trước đe dọa ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc sau đó, Washing ton đã không có hành động tiếp theo để biến nó thành một chiến lược nhất quán. Hơn nữa, Tổng thống Obama còn hoãn chuyến thăm 4 nước Châu Á và không dự Hội nghị Thượng đỉnh Châu Á tại Indonesia và Brunei (10/2013) vì chính phủ Mỹ “đóng cửa” (do hết kinh phí). Quyết định không đúng lúc này đã làm cho Tổng thống “mất mặt”, gây hoang mang, nghi ngờ về chính sách “xoay trục” của Mỹ, đánh đi một tín hiệu xấu. Điều này làm người ta nhớ lại “Tiếng kèn Ngập ngừng” (Uncertain Trumpet, Maxwell Taylor, 1960). Tất nhiên Trung Quốc mừng ra mặt, tranh thủ phân hóa ASEAN, tuyên truyền là đừng tin vào Mỹ. Một khi đã mất lòng tin thì rất khó lấy lại. Tại sao một số nước ASEAN ngả theo Trung Quốc? Không phải họ chỉ sợ cái gậy của Trung Quốc, mà họ còn cần củ cà rốt của Trung Quốc. Tháng 5/2014, Trung Quốc đột ngột đưa dàn khoan HD981 vào Biển Đông, và ráo riết xây dựng các căn cư quân sự và đảo nhân tạo tại các đảo ngầm mà họ chiếm tại Trường Sa và Hoàng Sa. Hành động ngang ngược này đã làm lãnh đạo Hà Nội bị sốc và bừng tỉnh khỏi cơn mê ngủ, và làm Washington giật mình. Trung Quốc đã bộc lộ bộ mặt thật là kẻ cướp muốn chiếm cả Biển Đông, không những đe dọa chủ quyền các nước khu vực mà còn đe dọa tự do hàng hải quốc tế, thách thức lợi ích chiến lược và vai trò cầm đầu của Mỹ. Đây là bước ngoặt quan trọng làm người Mỹ phải điều chỉnh tư duy chiến lược, nhất là trong giới nghiên cứu và Quốc hội, buộc chính quyền Obama phải có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc. Mỹ đã đưa máy bay trinh sát và tàu chiến đến biển Đông để tuần tiễu, bất chấp Trung Quốc phản đối, đồng thời tăng cường quan hệ với Việt Nam, không chỉ về kinh tế chính trị mà còn cả về an ninh quốc phòng. Vừa rồi, Tổng thống Obama đã đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu dục, bất chấp nhiều ý kiến phản đối. Tổng thống Obama cũng quyết tâm đẩy nhanh quá trình đàm phán TPP, và bỏ dần cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam. Các nhà quan sát cho đây là bước ngoặt dẫn đến “Xoay trục 2.0”. Bản chất chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” là nhằm “ngăn chặn” Trung Quốc trỗi dậy hung hãn như quái vật “Frankenstein” (Richard Nixon, 1994), đe dọa lợi ích chiến lược của Mỹ và thách thức vai trò lãnh đạo của Mỹ. Vì vậy, từ chỗ ban đầu tìm cách lý giải cho việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan và Iraq, nay Washington đã có lý do chính đáng để chuyển hướng ưu tiên chiến lược từ Trung Đông sang Châu Á-Thái Bình Dương. Có lẽ Mỹ nên cảm ơn Trung Quốc vì họ đã bộc lộ bản chất quái vật Frankenstein quá sớm. Nhưng tầm nhìn mới đòi hỏi Washington cần phải có hành động mới quyết liệt và đồng bộ hơn. Nhiều người tại khu vực vẫn lo ngại “tiếng kèn ngập ngừng” của Mỹ. Họ cho rằng bà Susan Rice (Cố vấn An ninh Quốc gia) không hiểu biết mấy về khu vực này và cũng chẳng thực sự quan tâm, trong khi đó ông John Kerry (ngoại trưởng) tuy có kinh nghiệm, nhưng lại bị lôi cuốn vào bàn cờ Trung Đông và Châu Âu, nên không còn thơi gian cho Châu Á. Có lẽ vì vậy mà Tổng thống Obama đã hủy bỏ chuyến thăm Châu Á (2013). Hy vọng chuyến thăm Châu Á và Việt Nam dự kiến vào cuối năm nay không bị ông hủy bỏ như vậy. Trước sưc ép kinh tế và quân sự của Trung Quốc hiện nay, các nước Châu Á rất cần Mỹ. Nhưng họ cần nhất một lập trường nhất quán (không phải là “tiếng kèn ngập ngừng”). Người Châu Á cần Mỹ không phải chỉ để đối phó với nguy cơ Trung Quốc trước măt, mà còn nhằm hợp tác lâu dài, giúp các nước khu vực phát triển và dân chủ hóa. Họ cần có những người hiểu biết và đồng cảm với khu vực, để lắng nghe những mối quan tâm lo lắng của họ. Đấy mới là ý nghĩa thực sự của chủ trương “Tham dự Tích cực” và “xoay trục”. Nội dung “xoay trục” không phải chỉ có điều động binh lực Mỹ (như điều lính thủy đánh bộ đến Darwin) mà còn phải tăng cường sức mạnh quân sự cho các đồng minh tại khu vực (như bỏ cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam). “Xoay trục” không phải chỉ tăng cường hợp tác kinh tế khu vực để tránh lệ thuộc vào Trung Quốc (qua TPP) mà còn thúc đẩy hợp tác văn hóa giáo dục (như dự án Đại học Fulbright). Tuy nhiên, muốn biến tầm nhìn thành hiện thực, cần phải hành động kịp thời và quyết liệt hơn, vì nếu hành động quá ít và quá chậm (too little too late) thì sẽ mất cơ hội hoặc phải trả giá đắt. Nên nhớ là dự án Đại học Fulbright đã bị chậm lại gần hai thập kỷ, và chương trình đào tạo Fulbright (FETP) đã suýt nữa bị xóa sổ.
Tầm nhìn và hành động của Mỹ ở khu vực: Duy trì nguyên trạng
Lich sử tham dự của Mỹ tại Châu Á-Thái bình Dương có thể tóm tắt như sau. Trước và trong đại chiến thứ 2, đối thủ chính của Mỹ ở khu vực này là Nhật, đã canh tân giàu mạnh và quân sự hóa trở thành phát xít. Bắt đầu cuộc chiến, vì chủ quan khinh địch nên Mỹ đã bị Nhật bất ngờ nện cho một trận thua nhục nhã tại Trân Châu Cảng. Đừng tưởng Nhật bắt chước Phương Tây để hiện đại hóa thì sẽ giống phương tây, không đánh Mỹ. Lúc kết thúc cuộc chiến, để ra oai Mỹ đã nện cho Nhật 2 quả bom nguyên tử (tuy không cần thiết).
Sau chiến tranh, trong khi Nhật trở thành đồng minh chính của Mỹ thì Trung Quốc lại trở thành đối thủ chính của Mỹ tại khu vực này. Nhất là sau 1949, Trung Quốc đã trở thành cơn ác mộng mới, làm Mỹ phải đau đầu “ngăn chặn”, dẫn đến 2 cuộc chiến tranh đẫm máu tại Triều Tiên và Việt Nam, làm Mỹ hao tổn bao xương máu, tiền của và thời gian. Nhưng chống Trung Quốc mãi không ổn, Mỹ đã “xoay trục” bắt tay với Trung Quốc để rút khỏi Việt Nam, tập trung chống Liên Xô, và chia sẻ quyền lực với Trung Quốc tại khu vực. Đó là “sáng kiến vĩ đại” của tiến sĩ Henry Kissinger, dẫn đến Shanghai Communique (1972). Đừng tưởng Mỹ bắt tay với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ giống Nhật Bản, không chống Mỹ.
Không phải ông Kissinger không giỏi, và mưu kế của ông ấy không cao. Nhưng tầm nhìn của ông ấy khác với tầm nhìn của người Trung Quốc, và tư duy của người Mỹ khác với tư duy của người Trung Quốc. Ông Kissinger có thể chơi cờ vua giỏi, nhưng chắc không giỏi cờ tướng hay cờ vây. Ông ấy có thể thạo binh pháp Clausewitz, nhưng chắc không thạo binh pháp Tôn Tử. Không biết ông ấy có thực sự tin rằng “Constructive Engagement” là diệu kế có thể thuyết phục người Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình” không, nhưng thực tế là ông ấy đã giúp Trung Quốc trở thành con quái vật Frankenstein. Chính sếp của ông ấy là cố Tổng thống Nixon đã nghĩ như vậy, và chính đệ tử của ông ấy là Robert Blackwill cũng nghĩ như vậy.
Trong khi Mỹ rút quân chiến đấu khỏi Việt Nam (theo Hiệp định Paris, 1973) và Bỏ rơi Nam Việt Nam (30/4/1975) thì Trung Quốc đã lợi dụng thời cơ “đục nước béo cò” chiếm mấy đảo của Việt Nam ở Biển Đông (1974). Mỹ biết nhưng đã lờ đi, không giúp hải quân VNCH chiếm lại. Chính sách Trung Quốc của Mỹ lúc đó đã “xoay trục” từ “ngăn chặn” thành “tham dự tích cực” (Constructive Engagement). Khi các “đại ca” đã bắt tay nhau, thì các “đàn em” sẽ bị hy sinh hoặc bị bỏ rơi, dù Việt Cộng hay Chống Cộng cũng vậy.
Sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ rút quân khỏi Thailand (Utapao, Udon, Korat) và Philippines (Clark, Subic), chỉ giữ lại mấy căn cứ quân sự tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự có mặt của Mỹ tại khu vực này giảm xuống tới mức thấp nhất, tạo ra một khoảng trống quyền lực, nhất là tại Đông Nam Á nơi các nước ASEAN yếu và dễ phân hóa. Biển Đông hầu như bị bỏ ngỏ, là cơ hội vàng đối với Trung Quốc. Nhưng lúc đó Trung Quốc còn yếu nên chưa dám liều, phải nghe theo Đặng Tiểu Bình “lặng lẽ chờ thời” để “ngư ông đắc lợi”.
Nay Tập Cận Bình lên ngôi đã củng cố xong quyền lực, thấy thời cơ tốt (hoặc vì nội bộ bất ổn) nên đã quyết định đẩy nhanh lấn chiếm và kiểm soát Biển Đông (là nơi vừa xung yếu, vừa nhiều tài nguyên). Chính Tập Cận Bình đã buộc người Mỹ phải mở mắt, tạm biệt chủ thuyết “Tham dự Tích cực” (Constructive Engagement) của tiến sĩ Kissinger, để trở về tương lai với chủ thuyết “Ngăn chặn” (Containment). Nhưng “ngăn chặn” thế nào?
Tầm nhìn và hành động của Trung Quốc: Thay đổi nguyên trạng
Các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đều có tham vọng bành trướng bá quyền, muốn nhòm ngó và thôn tính các nước láng giềng. Vấn đề chỉ là chờ thời gian và cơ hội. Không làm gì có chuyện Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình” như người Mỹ tưởng. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc đã đủ mạnh, không những là cường quốc hạt nhân và quân sự, mà còn vượt qua Nhật Bản trở thành cường Quốc kinh tế thứ hai thế giới. Lãnh đạo Trung Quốc cho rằng thời cơ đã đến, có thể thách thức vai trò cầm đầu của Mỹ, nhân lúc Mỹ đang lúng túng đối phó với khủng hoảng kéo dài tại Trung Đông và khủng hoảng mới tại Châu Âu.
Về phía Tây, Trung Quốc muốn bành trướng ra khu vực Trung Á giàu tài nguyên và khu vực Nam Á-Ấn Độ Dương có vị trí chiến lược quan trọng. Trong một thời gian dài, Trung Quốc đã thao túng được chính quyền quân sự Myanmar làm con bài để phân hóa ASEAN, và bành trướng Xuống Nam Á. Nhưng từ khi tình hình chính trị Myanmar thay đổi bất lợi cho Trung Quốc và có lợi cho Mỹ, thì hướng bành trướng này bị ngăn chặn. Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc gần đây đã thỏa thuận tài trợ cho Pakistan 46 tỷ USD.
Về phía Bắc, Trung Quốc từ lâu đã nhòm ngó và thèm muốn nguồn tài nguyên (dầu hỏa) tại khu vực Siberia rộng lớn, nhưng Nga không phải là đối thủ dễ chơi. Gần đây Trung Quốc lợi dụng cơ hội Nga bị Mỹ và Phương Tây cấm vận vì khủng hoảng Ukraine, để xich lại gần Nga như một “lá bài răn đe” Mỹ và để tranh thủ mua rẻ dầu hỏa của Nga. Nhưng Nga khó trở thành đồng minh chiến lược của Trung Quốc, vì Nga biết rõ tham vọng của Trung Quốc, và không quên Trung Quốc đã từng liên kết với Mỹ để chống Liên Xô.
Về phía Đông, sau khi “bình định” xong Hong Kong và Ma Cao, Trung Quốc muốn thôn tính nốt Đài Loan (là “lợi ích cốt lõi”) và các hải đảo tại Biển Hoa Đông. Việc Trung Quốc tuyên bố “khu vực nhận diện phòng không” tại Biển Hoa Đông và tranh chấp đảo “Điếu Ngư” (Senkaku) với Nhật Bản đã làm khu vực này nóng lên, và làm quan hệ Trung-Nhật căng thẳng. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc thừa hiểu Nhật Bản và Hàn Quốc không phải là những đối thủ dễ chơi vì tiềm lực họ mạnh, và là đồng minh chiến lược của Mỹ.
Về phía Nam, khu vực Đông Nam Á, nhất là bán đảo Đông Dương và Biển Đông là khâu yếu nhất, dễ thôn tính nhất. Trong khi Việt Nam bị Trung Quốc thao túng, thì ASEAN cũng yếu và dễ bị phân hóa. Vai trò Việt Nam trong ASEAN quan trọng không phải vì tiềm lực kinh tế, mà vì địa chính trị đối với Trung Quốc. Trong lịch sử, Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc là sau thỏa thuận dại dột tại Thành Đô (9/1990) vị trí địa chính trị của Việt Nam đã bị vô hiệu hóa vì bị mắc kẹt trong cái bẫy ý thức hệ với Trung Quốc, bị Trung Quốc khống chế mọi mặt, cả kinh tế lẫn chính trị.
Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền “đường chin đoạn”, đem dàn khoan HD 981 đến Biển Đông xâm phạm chủ quyền Việt Nam (5/2014), ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự và đảo nhân tạo tại các đảo đá ngầm mà họ chiếm tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là một bước ngoặt mới trong tầm nhìn của lãnh đạo Bắc Kinh, làm lãnh đạo Hà Nội bị sốc và bừng tỉnh khỏi cơn mê ngủ, và làm cho lãnh đạo Washington cũng phải giật mình lo ngại, buộc phải tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Chính nước cờ thế (gambit) này của Trung Quốc đang xô đẩy Việt Nam vào vòng tay người Mỹ. Ông Tập Cận Bình đã từ bỏ lời khuyên của ông Đăng Tiểu Bình, và làm ngược lại các lãnh đạo trước đó. Bắc Kinh đã triển khai một chính sách đối ngoại đầy tham vọng với “Giấc mộng Trung Hoa” (China Dream), “Giấc mộng Châu Á-Thái Bình Dương” (Asia-Pacific Dream), “Con đường Tơ lụa Trên biển” (Maritime Silk Road), với những quyết sách kinh tế táo bạo như lập “Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á” (Asian Infrastructure Investment Bank) làm đối trọng với IMF. Trung Quốc không chỉ võ mồm, mà đầu tư rất lớn. Theo giáo sư David Shambaugh nếu cộng tất cả các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các dự án lớn này, con số lên đến 1.41 ngàn tỷ USD. (Trong khi kế hoạch Marshal trước đây chỉ có 103 tỷ USD). Như một quy luật, Trung Quốc càng giàu mạnh thì lại càng hung hăng, càng muốn thách thức và thay đổi trật tự thế giới cũ do Mỹ cầm đầu. Việc Trung Quốc gấp rút xây dựng các căn cứ quân sự và đảo nhân tạo tại Biển Đông nhằm kiểm soát toàn bộ vùng biển này là hành động tất yếu, chỉ là vấn đề thời gian. Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông bằng cách lấn dần từng mảng, như chuyện đã rồi, dù thiên hạ có phản đối nhưng chẳng ai làm gì được. Nhiều người cho rằng Trung Quốc có tiềm lực kinh tế và quốc phòng rất mạnh (chỉ đứng sau Mỹ) nên có thể làm gì cũng được. Nhưng nếu xét kỹ thì “Gót chân Asin” của Trung Quốc không phải chỉ là vùng xa xôi hẻo lánh khó quản lý như Tây Tạng, Tân Cương, mà ở ngay tại các trung tâm lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến. Thứ nhất, đó là khoảng cách giàu nghèo và sự bất bình ngày càng tăng của dân chúng, ở thành phố cũng như nông thôn. Số lượng các cuộc biểu tình và bạo động ngày càng tăng, cả về số lượng và quy mô. Bóng ma Thiên An Môn vẫn còn lảng vảng đâu đây, để một ngày nào đó có thể nổi lên bóp cổ chế độ.
Thứ hai, Trung Quốc tuy giàu, nhưng thị trường tài chính/chứng khoán rất dễ bị tổn thương vì nó liên thông toàn cầu. Chỉ trong 3 tuần tháng 6/2015, Trung Quốc đã mất 3.400 tỷ USD (bằng 44% GDP quốc gia). Không biết sự kiện bán tháo chứng khoán gây náo loạn gần đây có “bàn tay thù địch” nào không, nhưng đó là một lời cảnh báo, chắc còn tiếp diễn. Chiến tranh mạng là con dao hai lưỡi đối với trung Quốc. Đó là cuộc chiến không có tiếng súng, không cần tuyên bố, xảy ra chớp nhoáng, nhưng hậu quả khôn lường. Thị trường chứng khoán có thể là mục tiêu đầu tiên của một cuộc chiến tranh mạng giữa các cường quốc.
Thứ ba, chưa biết đấu tranh quyền lực tại Trung Quốc do tập Cận Bình phát động dưới danh nghĩa chống tham nhũng (“đả hổ diệt ruồi”) sẽ dẫn tới đâu, nhưng người ta bắt đầu liên tưởng đến hệ quả “cách mạng văn hóa mới” như “quả bom nổ chậm”. Theo các giới nghiên cứu, 64% dân giàu Trung Quốc (vốn trên 1.6 triệu USD) đã và đang di cư ra nước ngoài. Nếu có biến động về chính trị hay tài chính thì cuộc di cư ồ ạt này (như “bỏ phiếu bằng chân”) sẽ làm nền kinh tế Trung Quốc kiệt quệ nhanh chóng. Có lẽ những lý do nội bộ này là động cơ chính thúc đẩy Bắc Kinh triển khai một chính sách đối ngoại hung hăng hơn, mặc dù tự làm cô lập mình, ngược lại với chiến dịch lấy lòng thiên hạ (“Charm Offensive”).
Trung Quốc sẽ tiếp tục chơi nưóc cờ thế (gambit). Những dấu hiệu gần đây cho thấy, nếu Việt Nam xích lại gần Mỹ, họ sẽ dùng cái gậy để tiếp tục dọa. Nếu biết ta yếu bóng vía, họ sẽ đe dọa bằng kế sách “bên miệng hố chiến tranh”, gây sức ép từ phía Bắc, phía Đông, hay phía Tây Nam. Nếu biết ta tham, họ sẽ dùng củ cà rốt để tiếp tục mua. Cái gậy hay củ cà rốt đều là “sức mạnh cứng” mà họ có thừa. Nhưng cái họ thiếu là “sức mạnh mềm”.
Tầm nhìn mới ở khu vực: Vượt ra khỏi ASEAN
ASEAN là một ý tưởng hay. Nhưng ASEAN 10 không phải là ASEAN 5. Đó là một bức tranh Mosaic, lắp ghép bằng các mảng miếng đa dạng có màu sắc khác nhau, rất dễ bị Trung Quốc phân hóa và thao túng. Đoàn kết ASEAN đến nay vẫn là khẩu hiệu suông. Muốn có một ASEAN mạnh, có tiếng nói chung, ép được Trung Quốc phải theo luật chơi (như “COC” và đàm phán đa phương), thì các nước ASEAN phải ra khỏi “cái hộp thể chế”. Nguyên tắc không can thiệp vào nội bộ nước khác là một điểm yếu hiện nay, khi đối phó với Trung Quốc.
“ARF” (Asian Regional Forum), East Asia Summit, APEC, v.v. là những ý tưởng tốt. Nhưng đến nay, nó chỉ là câu lạc bộ để thảo luận, chứ chưa phải để hành đông, trong khi đó cái bóng đen của con rồng Trung Quốc đã phủ khắp Biển Đông. Những gì mà ARF làm được còn quá ít và quá muộn không đủ đối phó với mối đe dọa của Trung Quốc. Phải có một khuân khổ mới hiệu quả hơn, làm nòng cốt cho an ninh tập thể khu vực. ASEAN + 1 là một ý tưởng đúng, nhưng đến nay chưa hiệu quả, vì còn thiếu một khuân khổ thích hợp, để gắn kết với TPP. Trong số các đối tác của ASEAN, Nhật Bản có vai trò quan trọng nhất khu vực Đông Á, nhưng trước đây còn rụt rè. Gần đây, trước sự đe dọa của Trung Quốc, chính phủ của thủ tướng Abe cứng rắn hơn, cuối cùng đã vượt ra khỏi được “cái hộp hiến pháp” để có vai trò an ninh khu vực. Tại Đối thoại Shangri-La, Singapore (29-31/5/2015) Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani đã đề xuất cùng 10 nước ASEAN tuần tra Biển Đông. Đây là một ý tưởng đúng, nhưng không khả thi (vì khó huy động cả 10 nước ASEAN). Australia cũng là một đối tác quan trọng, nhưng lâu nay bị coi là “người ngoài” (odd man out), vì lợi ích chưa thực sự gắn bó với khu vực. Gần đây, Australia còn tự nguyện bỏ tiền ra tìm kiếm chuyến bay Malaysia Airlines 370 bị mất tích tại Ấn Độ Dương (nghe nói là để lấy lòng Trung Quốc). Về thương mại và đầu tư, Australia rất cần Trung Quốc. Nhưng sau khi Chính quyền Obama có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, điều động máy bay trinh sát đến tuần tra Biển Đông, thì Canberra đã thay đổi hẳn thái độ. Ngày 1/6/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Andrews đã tuyên bố Australia sẽ tiếp tục cho máy bay quân sự bay qua Biển Đông ngay cả khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Nhưng để duy trì lập trường và vai trò tích cực của Nhật Bản và Úc, gắn kết hai đối tác có tiềm lực kinh tế và quốc phòng mạnh tại Châu Á-Thái Bình Dương vào an ninh tập thể khu vực này, phải có một cơ chế mới hiệu quả hơn. Sự chuyển hóa tích cực của bức tranh địa chính trị tại khu vực này sẽ phụ thuôc vào ba yếu tố thiết yếu sau đây.
Thứ nhất, “tam giác đều” Mỹ-Trung-Viêt phải chuyển hóa nhanh thành “tam giác lệch”, với chiều Mỹ-Việt xích lại gần nhau hơn như đối tác chiến lược trên thực tế (de facto), đủ để Việt Nam tin tưởng mà bỏ chính sách “ba không” (thrre no’s) đang làm vô hiệu hóa khả năng bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và vai trò Việt Nam trong khu vực. Nhưng muốn thực hiện được yếu tố thứ nhất, phải thực hiện nhanh yếu tố thứ hai.
Thứ hai, phải mau chóng lập “tứ giác chiến lược” (strategic rectangle) gồm Nhật-Việt-Úc-Phi, thành nhóm nước “tiên phong” (frontline) làm nòng cốt cho an ninh tập thể khu vực. “Tứ giác chiến lược” này cần dựa trên “tầm nhìn Đông Á” và thể chế hóa như một “liên minh chiến lược” (strategic alliance). “Tư giác chiến lược” này có 3 lợi thế: (1) Dễ thực hiện vì cả bốn nước đã là đối tác chiến lược/toàn diện, (2) Không sợ “quá nhạy cảm” với Trung Quốc (như đối tác chiến lược Mỹ-Việt). (3) Làm đầu tầu kết nối các nước Đông Á, thực hiện “Tầm nhìn Đông Á” bằng hành động cụ thể (hợp tác quân sự, tập trận và tuần tra chung).
Thứ ba, phải mau chóng chuyển sang “fast track” để sớm biến TPP thành hiện thực, làm cơ sở hỗ trợ những nước yếu như Việt Nam khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc, và gắn kết các nước khu vực Đông Á lại với nhau thành đồng minh “cùng hội cùng thuyền”.
Tiến tới “Xoay trục 3.0”: Sức mạnh thông minh
Từ “xoay trục” đến “tái cân bằng” và “xoay trục 2.0” là một quãng đường dài, nhưng vẫn còn “quá ít và quá muôn” (too little too late). Nói theo ngôn ngữ điện ảnh, thì “Chiếc cầu Còn xa” (A Bridge Too Far)” (tên một bộ phim chuyện của Joseph Levine, 1977). Có lẽ đã đến lúc phải nghĩ đến “Xoay trục 3.0”, để đối phó với Trung Quốc, không phải chỉ bằng “sức mạnh cứng” mà còn bằng “sức mạnh mềm” (vì đó chính là điểm yếu của Trung Quốc).
Về thực chất, chính sách “xoay trục” sang Châu Á là nhằm “tái cân bằng” lực lượng để “ngăn chặn” Trung Quốc bành trướng. Việc điều động 2.500 lính thủy đánh bộ đến Darwin, cho máy bay trinh sát và tàu chiến tuần tra Biển Đông, mới chỉ là bước dạo đầu. Mỹ cam kết bố trí 60% lực lượng hải quân ở Châu Á-Thái Bình Dương (trong khi ở Đại Tây Dương là 40%). Hiện nay tỉ lệ bố trí tại hai nơi này là 50-50. Ngoài ra Mỹ phải giúp các nước đồng minh/bạn bè tại khu vực tăng cường lực lượng. Ví dụ, Mỹ đang bỏ dần cấm vận bán vũ khí cho Việt Nam và từng bước nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược”, để hải quân Mỹ có thể sử dụng căn cứ Cam Ranh, và hải quân Việt Nam có thể tham gia tập trận và tuần tra.
Ngoài “xoay trục” bằng tái cân bằng “sức mạnh cứng” (hard power), Mỹ phải tái cân bằng “sức mạnh mềm” (soft power) để có “sức mạnh thông minh” (smart power). Muốn “xoay trục” nhanh và hiệu quả, thì cả hai phía phải “cùng xoay”. Vừa phải “xoay trục” về kinh tế (như thúc đẩy nhanh triển khai TPP) nhằm cô lập Trung Quốc, vừa phải “xoay trục” về văn hóa giáo dục (như triển khai nhanh dự án Đại học Fulbright) và tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật giữa các nước, để hỗ trợ quá trình dân chủ hóa (là “sức mạnh mềm”).
Có một bài học lịch sử đáng nhớ. Tuy những người Pháp thực dân đã để lại một di sản thuộc địa đáng buồn tại Việt Nam, nhưng những người Pháp nhân văn cũng đã để lại những di sản văn hóa đáng quý. Đó là “hệ quả không định trước” (unintended consequences) cần trân trọng. Những cái tên như Alexandre De Rhodes, Alexandre Yersin, Louis Pasteur, v.v. đã trở thành những “thánh nhân” trong lòng người Việt. Trường Mỹ thuật Đông Dương đã để lại một thế hệ họa sĩ Việt tài năng mà tác phẩm của họ đã trở thành một hiện tượng bất tử, không thể lặp lại. Dù trải qua bao biến động cách mạng, những biệt thự Pháp tại hà Nội vẫn là dấu son của thành phố, và “văn hóa rượu vang” không thể thiếu trong một bữa tiệc. Người ta hay nói đùa (hay thật) là “ăn cơm tàu, ở nhà tây, lấy vợ nhật” mới sành điệu (high living).
Nhìn lại lịch sử giao lưu văn hóa với các cường quốc, không hiểu tại sao chỉ có người Pháp để lại được một số di sản văn hóa có ý nghĩa sâu đậm như vậy. Có lẽ vì vậy mà người Pháp đáng yêu hơn là đáng ghét. Trong khi người Trung Hoa đáng ghét hơn là đáng yêu (mặc dù ai cũng thích ăn “cơm tàu” và đọc “Tam Quốc”). Người Nga có nền văn hóa vĩ đại, đã từng là đồng minh chiến lược của Việt Nam, nhưng không hấp dẫn được thế hệ trẻ bằng Vodka và Tolstoy. Người Nhật đến Việt Nam rất sớm, nhưng không ở lâu, chỉ để lại vài hình tượng còn sót lại tại Faifo (Hội An) và “văn hóa Honda” thời hậu chiến. Người Mỹ thời chiến tranh Việt Nam và thời hậu chiến chỉ hấp dẫn người Việt bằng “văn hóa Hollywood và McDonald”. Nhưng sau 20 năm, đã có 16.500 sinh viên Việt Nam đi học Mỹ. Đó là một tài sản quý nối kết hai nước, như là “sức mạnh mềm”. Có lẽ đây là lý do Trung Quốc sợ Việt Nam “diễn biến hòa bình” và xui ta chống Mỹ. Vì vậy, Đại học Fulbright càng có ý nghĩa (nhưng đừng quá muộn).
Gần đây, Tổng thống Obama đã nhìn thấy tầm quan trọng của Châu Á-Thái Bình Dương, và quyết tâm “xoay trục”, để bảo vệ lợi ích chiến lược và vai trò lãnh đạo của Mỹ, đồng thời bảo vệ các nước đồng minh và bạn bè ở khu vực trước mối đe dọa của Trung Quốc. Tầm nhìn mà bà Hillary Clinton đề xướng đang được chính quyền Obama triển khai. Chỉ có điều là hành động như thế nào để tầm nhìn có ý nghĩa và trở thành hiện thực (trước khi quá muộn). Bởi vì, trong khi người Mỹ và người Việt vẫn đang nhảy điệu “slow waltz” theo “tiếng kèn ngập ngừng”, thì người Trung Quốc không ngồi yên, đang nhảy “rock’n roll”.
Có người cho rằng, ông Obama đã có tầm nhìn và hiểu đúng về Trung Quốc, nhưng đáng tiếc điều đó không còn thực sự có ý nghĩa nữa (it doen’t really matter anymore). Bởi vì, những gì Trung Quốc đang làm tại Biển Đông hay Việt Nam có thể làm cho những gì Mỹ đang “xoay trục” trở thành quá ít và quá muộn (too little, too late).
Tham Khảo
1. “A new era in US-Vietnam Relations”, A Report of the Sumitro Chair, CSIS, June 2014
2. “The South China Sea – The Struggle for Power in Asia”, Bill Hayton, Yale University Press, 2014. Book review, Ben Richardson, October 16, 2014.
3. “Pivot 2.0 : How the Administration and Congress Can Work Together to sustain American Engagement in Asia to 2016”, A Report of the Asia Program, CSIS, January 2015
4. “The time is right for president Obama to visit Vietnam in 2015”, Murray Hiebert & Phuong Nguyen, CSIS, February 19, 2015
5. “Obama got China right but it’s too late”. Andrew Perk, Observer, Fabruary 6, 2015 6. “A new US Grand strategy towards China”, Robert Blackwill & Ashley Tellis, The national Interest, April 13, 2015 7. “From Foe to Frenemy: Why the US is courting Vietnam”, David Brown, Foreign Affairs, June 29, 2015
8. With an absent US, China marches on”, Fareed Zakaria, Washington Post, July 2, 2015
NQD. July 16, 2015
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-7-15 |