VIẾT NHÂN KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY TRUNG QUỐC ĐẠI BẠI TRONG CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC VIỆT NAM
Nguyễn Trọng Bình
Là người Việt dĩ nhiên là tôi rất tự hào về lịch sử và “truyền thống chống giặc ngoại xâm” của dân tộc. Tuy vậy, thời gian gần đây mỗi khi nghĩ đến chuyện này tôi thấy có không ít băn khoăn. 1. Phải thừa nhận rằng, trong suốt chiều dài dựng nước của dân tộc ta thì việc phải đối phó với giặc ngoại xâm đến từ Trung Quốc là lâu dài và gian khổ nhất (1000 năm Bắc thuộc trước đó và gần nhất là cách đây tròn 35 năm, ngày 17/2/1079). Việt Nam cũng tiến hành chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhưng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn và chỉ một lần. Không những thế, khi người Pháp, người Mỹ xâm lược Việt Nam, về mặt quân sự, chính trị tuy họ có gây ra những mất mát đau thương cho người Việt nhưng nếu nhìn ở phương diện văn hóa, tư tưởng, giáo dục thì người Pháp và người Mỹ đã có những đóng góp đáng kể giúp Việt Nam tiến bộ và văn minh hơn trước. Đặc biệt ít nhiều đã giúp Việt Nam đã thoát ra khỏi sự “nô lệ về tư tưởng” của người Trung Quốc. Còn với Trung Quốc, thời nào cũng vậy, mỗi khi sang xâm lược Việt Nam họ không những tàn ác về mặt quân sự mà rất nham hiểm, thâm độc về mặt tư tưởng. Họ không chỉ thảm sát người Việt mà còn tìm mọi cách làm cho dân tộc ta đời đời không thể ngoi lên được để họ mãi “đè đầu cỡi cổ”. Lịch sử đã ghi nhận họ không chỉ bắt, giết nhân tài nước Việt mà còn đốt hết văn thư, sách vở của cha ông ta. Nham hiểm hơn họ còn tìm mọi cách để trấn yểm những nơi mà họ gọi là “long mạch” với ý nghĩ làm cho dân tộc Việt phải diệt vong... Cho nên, với tôi cách nói “truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta” phải chăng là cách nói mang hàm ý chống giặc ngoại xâm Trung Quốc là chủ yếu? Nếu đúng như vậy thì mươi, mười mấy năm qua nhận thức của người Việt Nam về cái “truyền thống” ấy hình như đang có sự lệch lạc và sai lầm rất nghiêm trọng. Điều này thể hiện rất rõ ở qua cách tuyên truyền giáo dục cho thế hệ cháu con về cái “truyền thống” ấy. Để giáo dục thế hệ mai sau cái “truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc”, những “người có trách nhiệm” và các sử gia viết sách giáo khoa hầu như chủ yếu nói về lịch sử chiến đấu, “chiến thắng” liên quan đến hai cuộc chiến tranh với người Pháp và Mỹ gần đây mà hiếm khi đề cập đến những cuộc chiến đấu của cha ông với người Trung Quốc trước đó và sau này (nếu có cũng chỉ là cách nói sơ lược, chung chung). Một minh chứng cụ thể là trong những ngày này cách đây 35 năm, hơn 60 ngàn quân Trung Quốc hung hăng tràn sang xâm thảm sát đồng bào ta ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Họ tiến hành cuộc chiến tranh chớp nhoáng theo lệnh của Đặng Tiểu Bình với ý nghĩ “dạy cho Việt Nam một bài học”. Sự tàn ác và nham hiểm của họ nói thì nhiều nhưng có thể miêu tả ngắn gọn qua biểu hiện trong nhận thức của quân dân ta lúc bấy giờ đó là: hoàn toàn bất ngờ, không ai nghĩ là “đồng chí”, “anh em”, “láng giềng” với nhau mà họ lại hành xử với chúng ta tàn ác và man rợ như vậy. Lịch sử về cuộc chiến tranh này rõ ràng như vậy nhưng thử hỏi có bao nhiêu người Việt Nam nhất là thế hệ trẻ hiện nay biết được? Thế thì một câu hỏi đặt ra là tại sao với kẻ mà lúc nào cũng rắp tâm nếu thôn tính không được thì hủy diệt dân tộc ta nhưng thời gian qua ta lại ít khi lên tiếng hoặc không dám lên tiếng mỗi khi nói về “truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc”? Những năm gần đây tôi tin là bất kì người dân Việt Nam nào nếu có bỏ chút ít tìm hiểu tình hình chính trị của đất nước cũng đều biết mối quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc đang có nhiều “lấn cấn”. Tuy vậy, dẫu là biết có bất ổn nhưng tôi tin đa phần người dân Việt Nam lại không biết (kể cả tôi) quan điểm, sách lược cụ thể của lãnh đạo nước nhà trong việc đối phó với sự nham hiểm của bọn người Trung Quốc như thế nào nhất là trong những thời điểm mà thái độ hiếu chiến và ngang ngược của họ ngày một tăng theo cấp số nhân (dĩ nhiên ở đây người dân không đòi hỏi để biết những vấn đề thuộc về bí mật quân sự, bí mật quốc gia, vấn đề là người dân muốn biết cái quan điểm mà qua đó cho thấy thái độ, tư thế, vị thế, bộ mặt của một đất nước Việt Nam độc lập, bình đẵng trong mối quan hệ với Trung Quốc là như thế nào). Điển hình là việc họ liên tục gây hấn trên Biển Đông như cắt cáp tàu của ta, bắt bớ đánh đập, bắn giết ngư dân ta rất nhiều lần. Báo chí truyền thông của họ thì liên tục mạt sát, hăm he, biêu riếu ta trong khi báo chí truyền thông (chính thống) của ta thì hoàn toàn ngược lại. Qua các cơ quan truyền thông chính thống, gần như người dân Việt chỉ biết được quan điểm rất chung chung của “những người có trách nhiệm” liên quan đến vấn đề này là phải “dùy trì mối quan hệ láng giềng hữu nghị” hay “kiên trì giải quyết những bất đồng thông qua đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế”. Dĩ nhiên, quan điểm chủ trương này là đúng đắn. Trước hết nó thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam bao đời nay nên buộc phải chín bỏ làm mười mà nhân nhượng họ. Tuy vậy, vấn đề là ta đã thực tâm, thực lòng với họ nhưng họ có thực tâm thực lòng với ta hay không? Và tôi tin là không một người Việt Nam nào có hiểu biết (nhất là những lãnh đạo cấp cao của ta) lại không biết sự quỷ quyệt và nham hiểm của giới lãnh đạo Trung Quốc. Nếu như vậy, thì nhất định chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại những chuyện mà ta đã nhân nhượng họ bấy lâu nay. Nhất là trong nhiều trường hợp có khi sự nhân nhượng đã biến thành sự nhu nhược và yếu hèn lúc nào không hay. Tôi lấy ví dụ tại sao lại không cho người dân biểu tình chống lại sự hung hăng của họ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ cướp của ta; tại sao báo chí đưa tin về những vụ việc liên quan đến sự bắt bớ đánh đập ngư dân ta trên biển Đông lại hạn chế và né tránh trong từ ngữ diễn đạt; tại sao không cho hay không dám tổ chức những buổi lễ nhằm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cách đây 35 năm - ngày mà họ xua hơn 60 ngàn quân tràn sang xâm lược nước ta...? Trong những trường hợp này, rõ ràng rất khó mà thuyết phục dân chúng với lý do chúng ta phải nhân nhượng những “chuyện vặt” để hướng đến “đại cuộc” gì đó. Bởi lẽ cần nhớ rằng vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển với họ và vấn đề giáo dục thế hệ cháu con nhằm “phát huy truyền thống đánh giặc ngoại xâm” thông qua việc tổ chức tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống cách đây 35 năm là hai vấn đề khác nhau. Việc tranh chấp lãnh thổ suy cho cùng đó là vấn đề mà nói trắng ra là thế giới ai cũng biết (duy chỉ có dân ta đa phần lại rất mơ hồ), là vấn đề nhất định phải mang ra đàm phán đa phương (trên cơ sở luật pháp quốc tế) còn vấn đề tổ chức tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ là vấn đề thuộc về nội bộ của chúng ta. Về nguyên tắc thì Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác không được quyền can thiệp vào chuyện nội bộ này. Cho nên không có lý do gì chúng ta lại không cho dân mình cất lên nói lên tiếng nói nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống mà lịch sử đã thừa nhận đó là cuộc chiến tranh vệ quốc rất bi tráng và hào hùng trong suốt chiều dài dựng nước của dân tộc (trừ phi có kẻ nào đó không thừa nhận chuyện này). Một vấn đề nữa, tôi tin rằng chắc rằng giới lãnh đạo và các tướng lĩnh trong quân đội nước ta hiện nay đều không quên nội dung toàn văn lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/2/1946 đặc biệt là những câu mở đầu của văn bản này như sau: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.” Ai cũng biết tình cảnh của cách mạng Việt Nam thời điểm ấy do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo khó khăn như thế nào. Nhưng hãy xem cách Chủ tịch Hồ Chí Minh đối phó với sự hung hăng của thực dân Pháp lúc ấy ra sao. Rõ ràng sự nhân nhượng của Hồ Chí Minh qua việc ký kết hiệp định sơ bộ 6/3 và hòa ước 14/9 với người Pháp là có thật. Nhưng vấn đề là sự nhân nhượng ấy nó thể hiện cái tư thế rất đường hoàng của một dân tộc, một đất nước vừa tuyên bố độc lập, yêu cầu người Pháp phải thừa nhận và tôn trọng chứ không phải nhân nhượng trong sự cam chịu vì khiếp sợ và nhu nhược. Nhân nhượng chẳng qua là để tranh thủ thời gian nhằm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mà theo nhận định của chủ tịch Hồ Chí Minh là rất khó tránh khỏi. Dẫu biết mọi so sánh đều khập khiểng nhưng qua vấn đề trên một lần nữa cho thấy trong hoàn cảnh hiện nay trong mối quan hệ giữa ta với Trung Quốc cụ thể là vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển thì công lý (chiếu theo luật pháp quốc tế) và chính nghĩa đang nghiêng về phía chúng ta. Vấn đề là thái độ của chúng ta trong vấn đề này như thế nào? Chúng ta phải làm gì và đã làm gì để có thể tranh thủ sự ủng hộ của đông đảo bạn bè trên thế giới hay không mà thôi? Cho nên, nếu chúng ta cứ mãi nhân nhượng Trung Quốc theo kiểu bất chấp “truyền thống yêu nước” và “truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm phương Bắc” của nhân dân thì theo tôi hậu quả sẽ rất khôn lường. Cá nhân tôi cho răng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, một chính quyền, một nhà nước nếu nhân danh chuyện phải duy trì quan hệ hòa bình hữu nghị với kẻ thù bên ngoài bằng việc cản trở thậm chí truy cứu lòng yêu nước của dân mình đều là cách ứng xử tệ hại và sai lầm. Trong mọi thời điểm nếu phải cân nhắc giữa một bên là nhân dân trong nước và một bên là những kẻ ngoại bang nham hiểm nếu là một chính trị gia khôn ngoan, một nhà nước thực sự vì dân sẽ không đời nào lại chọn kẻ ngoại bang mà bỏ rơi thần dân trong nước mình. Đây không phải tư tưởng mà mấy trăm năm trước Nguyễn Trãi đã từng nói hay sao? Việc nhân nghĩa cốt ở an dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
2. Một vấn đề mà thời gian gần đây tôi cũng hay suy nghĩ đến là tại sao các nhà viết sử, các chính trị gia ở ta hay khuyên thế hệ mai sau bằng cụm từ “phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm” . Cá nhân tôi thấy có gì không ổn từ cách nói này. Bởi lẽ, cách nói này ít nhiều phản ánh và hàm chứa một tư duy yếm thế, nhược tiểu của dân tộc ta. Rõ ràng chúng ta không hề muốn chiến tranh, nhưng tại sao lại bảo phải cháu con cần“phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm”? Nói như thế phải chăng chúng ta đang tự thừa nhận mình ở thế bị động, kẻ thù có thể ồ ạt mang quân qua giày xéo quê hương bất cứ lúc nào. Phải chăng chúng ta đang tự thừa nhận những khi đất nước thanh bình thì tinh thần dân tộc, nội bộ của chúng ta đang “có vấn đề bất ổn” nên kẻ thù mới có cơ hội phát động chiến tranh xâm lược? Có vẻ như lịch sử cũng đã cho thấy điều này thì phải? Hầu như mỗi khi quân xâm lược phương Bắc tiến hành xâm lược nước ta, ngoài nguyên nhân là do cái tham vọng “bành trướng” muôn đời của họ thì còn một lý do nữa là nội bộ của chúng ta “có vấn đề” (triều đình phong kiến nhu nhược hoặc không thì cũng chủ quan, lơ là và mất cảnh giác). Thật ra đây chỉ là những băn khoăn của riêng tôi khi nghĩ về tình hình của đất nước hiện nay trong mối quan hệ với Trung Quốc. Có thể nhiều người sẽ không đồng tình với suy nghĩ này. Tuy vậy, tôi cũng muốn nói rằng hiện nay thay vì nhà nước và chính quyền lo tìm cách đối phó với dân mình khi họ bày tỏ và thể hiện lòng yêu nước hãy dồn tất cả tâm trí để mà đối phó với người “đồng chí” ngoài miệng thì nói lời “hảo, hảo” nhưng trong dạ thì tìm đủ mọi cách để hễ có cơ hội là chà đạp ta. Bởi không khéo có khi ta lại rơi vào cái bẫy của người “đồng chí 4 tốt” nhưng nham hiểm này. Ngoài ra, trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam phải làm thế nào để thể hiện vị thế của dân tộc mình để những kẻ có ý định xâm lược phải từ bỏ âm mưu và ý định của chúng chứ không phải thụ động “chờ” kẻ thù sang rồi lúc ấy mới... “phát huy truyền thống đánh giặc”. Và để làm được điều này tôi cho rằng trước hết, những người có trách nhiệm cao nhất của đất nước cần phải phân biệt rõ và xác định đúng kẻ thù thực sự đang rình rập mình. Trong cảm nhận và sự hiểu biết của cá nhân tôi, tôi cho rằng kẻ thù nguy hiểm nhất Việt Nam hiện nay và trong tương lai không phải ai xa lạ mà chính là “người hàng xóm” ở ngay bên cạnh mình. Tôi tin rằng nhiều người cũng sẽ đồng tình với tôi về quan điểm này. Cho nên, tôi cho rằng đừng bao giờ đối xử thô bạo với nhân dân trong nước khi họ biểu lộ lòng yêu nước dưới bất kỳ hình thức nào. Trong lịch sử nhân loại, bất kỳ cuộc chiến tranh mang màu sắc “gà nhà bôi mặt đá nhau” nào cũng đều cho thấy sự xuẩn ngốc của những chính trị gia nắm quyền. Cần Thơ, 15/2/2014
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 15-2-14 |