Nguyễn Thị Ngọc Hải trò chuyện với PGS-TS Cao Bảo Vân
Nhờ Cha Phù Hộ Viết Được
“Theo Cách Nhà Binh”
1.”CON GÁI NHỜ PHÚC CHA” NGAY KHI ĐI TÌM TƯ LIỆU.
Nguyễn Thị Ngọc Hải (PV):
Chắc chắn viết cuốn sách công phu, liên quan thời kỳ dài, chị phải vượt
nhiều khó khăn. Ý tưởng đã đến như thế nào? Các tướng lĩnh, đồng đội của
cha chị giúp nhiều không?
PGS-TS Cao Bảo Vân:
Ba tôi mất đột ngột năm 1980 khi đang là Phó Tổng Tham mưu trưởng thứ
nhất QĐNDVN. Đến hơn 10 năm sau –khoảng 1991-92 mới là thời kỳ nở rộ
việc các tướng lĩnh xuất bản hồi ký. Nhiều đồng đội và cả Đại tướng Võ
nguyên Giáp khuyến khích mẹ tôi viết về ba tôi. Có người nhiệt tình gửi
ngay cả ghi chép, bài họ viết về các kỷ niệm với ba tôi.
Nhờ vậy mà ngay từ dạo đó gia đình đã có những tài liệu viết tay khá
sống động của một số nhân chứng lịch sử,những người trong cuộc. Đáng
tiếc là mẹ tôi không thể bình tâm lại sau những mất mát để thực hiện.
Mãi tới 20 năm sau - vào năm 2007 - Hội Lịch sử tổ chức lễ kỷ niệm 30
năm ngày mất của ba tôi. Cả trăm sỹ quan quân đội tham dự và chia sẻ, và
lần đầu tiên tôi được nghe đồng đội đánh giá về cha mình, trong đó một
cựu binh Điện Biên Phủ - Đại tá Nguyễn Chấn gọi tướng Cao Văn Khánh là
“một trong số ít vị tướng tài của dân tộc ta. Anh là Chiến tướng, Trí
tướng, Nhân tướng, Danh tướng của QĐNDVN”.
Rồi tình cờ tôi được vào
xem và phát hiện bộ ảnh Chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh của Tổng hành
dinh dưới hầm ngầm D67 khi khu vực này mở cửa cho tham quan rộng rãi.
Rất nhiều hình ảnh có ba tôi (khi đó là Tổ trưởng tổ Trung tâm từ tháng
4-1975) đang họp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng Tham mưu.
Bất giác tôi tự hỏi về vai trò của ba trong quân đội. Ông đã làm gì suốt
những năm tháng của chiến tranh? Rồi còn điều lạ lùng nữa là: Một người
suy tư nhiều như ba, Nam chinh Bắc chiến suốt 30 năm, lý lịch lại “có
vấn đề“- có các anh ruột là Bộ trường, nghị sỹ Quốc hội phía bên kia
chiến tuyến nhất định trải qua nhiều tâm sự và biến cố mà gia đình không
thể biết được. Ba đã nghĩ gì, làm gì trong những hoàn cảnh đó?
Và từ năm 2007 đó, những nỗ lực tìm kiếm tài liệu của tôi mới thực sự
bắt đầu. Vì viết sách sau khi ba mất tới 30 năm, nên những tướng lĩnh,
bạn bè cùng thời ông không còn nhiều. Cùng với ba tôi, họ đã vĩnh viễn
mang theo một phần ký ức lịch sử về những giai đoạn hiểm nghèo gian khổ
hy sinh nhất của đất nước.
Tuy nhiên, với những ai còn có thể, họ giúp đỡ rất tận tình. Hơn lúc nào
hết, khi đi tìm tư liệu để
viết, tôi cảm nhận được thế nào là “con được nhờ đức cha“
PV:
Thường sách viết thể loại hồi ức của các nhân vật, tướng lĩnh xưa nay
tập trung làm nổi bật tính chất anh hùng, hy sinh, phẩm chất cao quý
nhưng ít làm được các “công trình có tính kỹ thuật“ về các trận đánh cụ
thể của chiến tranh. Sách chị đã làm được rất hài hòa với tính cách nhân
vật. Chị đã làm thế nào khi không phải là nhà khoa học quân sự?
Cao Bảo Vân:
May mắn là phong cách khoa học của ba tôi – ông để lại rất nhiều thư từ,
hình ảnh giúp tôi lần theo đó đến những nơi cần đến.
Tôi gặp gỡ nhiều người quen biết ông, tìm lục các thư viện, các lưu trữ,
đọc được cả báo cáo những trận đánh từ kháng chiến chống Pháp năm
1946-48. Tôi cố gắng giải mã những ký hiệu quân sự nhỏ li ti trong các
sổ tay tác chiến và tìm thấy rất nhiều các lệnh điều quân ký tên ba tôi
từ những năm 1950.
Cứ ngày đi làm, tối về tôi sắp xếp đối chiếu tư liệu với từng bối cảnh
lịch sử, nhờ đó lấp đầy dần những lỗ hổng lịch sử trong biên niên sử
hoạt động của ba từ năm 1945 đến lúc mất.
Đến giờ mà có những giai đoạn, tôi vẫn nắm được hoạt động của ông tới
từng phút, nhờ những nhật ký tham mưu tác chiến, những dòng tâm trạng,
những nhận xét của ông viết vội lên trong lịch xé từ sổ tay.
Cuộc đời ba tôi là những chiến dịch, là mặt trận, chiến trường với những
trận đấu cân não, là trách nhiệm với tính mạng chiến sỹ qua từng quyết
định chiến lược chiến
thuật. Do vậy tìm hiểu diễn biến các chiến dịch, các quyết định quân sự
là cách duy nhất tôi có thể hiểu cha mình, biết những thách thức ông
phải đương đầu và cách ông vượt qua hiểm nguy - cũng như hiểu được bản
lĩnh phẩm chất chỉ huy, tình cảm của ông với gia đình và binh sỹ.
Do ba tôi luôn trực tiếp tham gia những chiến trường ác liệt nhất ngay
từ năm 1945 đến Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 nên viết sách về cha cũng
cho tôi như nhìn lại lịch sử quân đội với chuyện người thật việc thật.
Tôi viết cuốn sách này sau khi ba đã mất, không thể biết ông có sẵn lòng
đồng ý cho viết về mình không, nên tôi cố gắng chỉ dám kể trung thực và
những sự kiện có thể kiểm chứng được.
Ba tôi vốn là trí thức thời Pháp, đã học Luật và là thầy dạy toán. Ông
luôn tiếp cận và giải quyết các vấn đề quân sự một cách khoa học chặt
chẽ. Và tôi chỉ cảm nhận và
truyền tải khía cạnh này trong sách. Tất cả đều bắt nguồn từ khao khát
của tôi muốn biết mọi chi tiết về cha.
Cũng có người nói, nhờ cha phù hộ nên tôi viết được các trận đánh “theo
cách nhà binh“.
2. SỰ TỈNH TÁO
TRÍ THỨC - TÍNH CÁCH CỦA MỘT DANH TƯỚNG
PV:
Có thời kỳ nhiều người theo cách mạng nước ta bị ảnh hưởng “chủ nghĩa lý
lịch“ – Tướng Cao Văn Khánh cũng trong số đó. Có phải những áp lực chịu
đựng ấy, hay là những gì “nhạy cảm lịch sử “ khiến NXB viết lời nói đầu
“… không nhất thiết đồng tình quan điểm và cách tiếp cận“. Vậy sự ngại
ngần đó là gì?
Cao Bảo Vân:
Cũng đã phải bỏ mất một số chi tiết, câu chữ. Có thể từ kinh nghiệm của
một số cách tiếp cận quá trực tiếp của hồi ký thường được gọi là “nhạy
cảm” chăng?
Thực ra nhiều chỗ bị cắt là những sự kiện, bối cảnh bị cho là nhạy cảm
chứ ít liên quan trực tiếp chuyện ba tôi. Nhưng cắt bỏ chi tiết nhiều
khi ảnh hưởng đến sự hiểu rõ bối cảnh. Một số câu chuyện (thí dụ chuyện
của cậu tôi - GS Đặng Văn Ngữ - cho thấy được đặc điểm trí thức bỏ cả sự
nghiệp ở nước ngoài về tham gia kháng chiến vì yêu nước, chứ ít chịu sự
áp đặt của khuôn khổ). Ngay cả lời trích của các nhà lãnh đạo lớn in
trong sách đã xuất bản trước rồi mà vẫn bị coi là không còn phù hợp nữa.
Tình hình đó khiến tôi rất băn khoăn trước khi xuất bản, nhưng do mẹ tôi
tha thiết muốn có cuốn sách nhân dịp 2017 là 100 năm kỷ niệm ngày sinh
của ba tôi nên sách được in theo mong muốn của bà.
PV:
Khi đọc sách, bên cạnh nhiều chuyện hay cuộc đời ông và bối cảnh cuộc
kháng chiến có ích cho thế hệ sau hiểu đất nước mình, tôi đặc biệt ấn
tượng “tính cách tỉnh táo
trí thức“ của vị tướng tài. Phẩm
chất đó được chị chú ý thế nào trong sách?
Cao Bảo Vân:
Tôi cho rằng ông là người tỉnh táo nhất vì ông hiểu rõ cả địch lẫn ta,
rất công bằng và khách quan của người trí thức, thấy hết, biết người
biết mình trong mọi hoàn cảnh. Về quân sự, nếu không đánh giá đúng đối
phương, không biết thừa nhận cả thế mạnh của địch và thấy điểm yếu của
ta thì không thể chiến thắng. Muốn vậy phải có thực lực chuyên môn và
thực tế chiến trường. Chiến tranh là một ngành khoa học phức tạp nhất.
Đặc biệt khi quân đội ta khởi điểm là đội quân có vũ khí thô sơ đối đầu
với xe tăng máy bay đại bác. Không thể chiến thắng bằng mệnh lệnh hay
lòng căm thù xung phong (như ba tôi viết vậy trong báo cáo).
Ba tôi để lại nhiều ghi chép, đánh giá, nhận định rất công bằng. Ông qua
nhiều vai trò: Khu trưởng trong kháng chiến chống Pháp
- sau này là Cục trưởng cục Quân huấn. Cục trưởng Cục huấn luyện
chiến đấu. Cục trưởng cục Nhà trường, hiệu trưởng trường Sỹ quan lục
quân. Ông đã xây dựng những nền tảng đào tạo chính quy cho Khu 5 từ
những năm 1946-48 và sau cho toàn quân. Xây dựng hệ thống nhà trường
quân sự, chương trình huấn
luyện ngày càng khắt khe và tập trận không ngừng.
Đặc biệt trong sổ tay ông chuẩn bị chiến
dịch kỹ từng trận đánh, tỷ mỉ tới từng chi tiết. Rất nhiều phương án
chiến thuật, chỉ rõ điểm yếu về kỹ năng chỉ huy và chiến đấu mà từng đơn
vị cần hoàn thiện, rồi sau đó luôn tự đánh giá và tổng kết.
PV:
Còn về tư chất, sự tỉnh táo giúp ông đối diện với nghịch cảnh thế nào?
Cao Bảo Vân:
Về tính cách con người, ông
cũng luôn tỉnh táo. Là một trí thức, ông đánh giá cao và hiểu rõ văn
minh phương Tây nhưng quan niệm dân tộc chỉ giữ được phẩm giá khi có Độc
lập -Tự do. Chính vì lẽ đó ông tham gia Cách mạng và kiên nhẫn chịu đựng
vượt qua mọi thăng trầm.
Xuất thân trí thức, với lý lịch gia đình ở phía bên kia (chưa kể tin đồn
vô tình hay hữu ý do họ tên - người ta đồn ông là anh trai
Đại tướng Cao Văn Viên- Tổng tham mưu trưởng Quân lực VNCH) -
việc ông tồn tại trong quân ngũ sau những năm 50 đã có thể coi là kỳ
tích.
Dù đóng vai trò quan trọng trong công tác xây dựng huấn luyện chỉ huy
tác chiến đem lại sức mạnh cho Quân đội trong chiến tranh cũng như thời
bình, nhưng hầu như làm cấp
phó - ông vẫn khiêm tốn nhìn
nhận cả vai trò của người khác cả cấp trên cấp dưới và nhẫn nại cả khi
chưa được hiểu đúng. Ông thường nói: ”Nếu những người có khả năng không
chịu ở lại giúp Quân đội, chiến sỹ sẽ hy sinh nhiều hơn “.
Những việc ông vượt qua trở ngại chỉ làm tôi càng thấu hiểu ba tôi và
nhiều trí thức trong và ngoài Quân đội đã có những thời kỳ chịu đựng và
tự trọng vượt qua những áp lực ghê gớm thế nào.
Ông lại khiêm nhường hầu như không trả lời phỏng vấn. Thậm chí chụp hình
cũng chọn đứng phía sau.Các nhà sử học cũng kêu rất khó viết về ông.
Khi mất, mộ ba tôi cũng nằm tại chiến trường xưa cùng các Liệt sỹ Đại
đoàn 308 của ông đã hy sinh trong trận Vĩnh Yên thời Kháng chiến chống
Pháp.
PV:
Sách ra, chị nhận được dư
luận và tiếng vang thế nào ?
Cao Bảo Vân:
Sách in số lượng ít, chủ yếu tặng bạn bè thân quen, có thể vì thế nhiều
lời khen hơn chê. Chắc vì do con gái viết về cha chứ không phải nhà
nghiên cứu, sử học… nên dễ được thông cảm. Tôi tự thấy còn muốn sửa chữa
nhiều chỗ.
Nhưng sự bất ngờ lớn nhất chính là nhận xét của bạn đọc cả trong và
ngoài nước, làm tôi cảm động. Họ nói cuốn sách đã khơi lại một thời hào
hùng xả thân, những con người tự trọng sống vì lý tưởng lựa chọn dấn
thân khi đất nước lâm nguy và những khát vọng về sự hùng cường, tự do,
dân chủ.
Nhiều người tìm mọi cách liên lạc, đến cả cơ quan tìm chỉ để cảm động
chia sẻ niềm vui. Bác Nguyễn Trung viết thư dài, trong đó nói cuốn sách
đã viết được lịch sử chứ không chỉ là hồi ức của cha mình - đã đánh thức
ông một thời hào hùng của đất nước mà chính ông là một phần máu mủ nhỏ
bé của thời ấy. Ông nói Bảo Vân đã làm được một việc cực kỳ khó: ”Trả
lại tất cả những gì của Caesar cho Caesar và cuộc sống hôm nay rất cần
những lẽ phải này.”
Viết cuốn sách này, tôi muốn tái hiện cuộc sống và công việc thầm lặng
của ba, giúp cho con cháu hiểu về tiền nhân, làm tấm gương để soi mỗi
khi gặp khó khăn và nghịch cảnh.
PV:
Mẹ chị (GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Toản -
chuyên gia đầu ngành sản phụ khoa, người từng viết nhiều sách
khoa học - là UV Thường vụ
thường lên tiếng với thế giới
về các vấn đề trong Hội nạn nhân chất độc da cam) - đọc sách nhớ
lại cuộc đời dài xa cách và đám cưới nổi tiếng của ông bà trong hầm De
Castries giữa Điện biên Phủ vừa
chiến thắng – bà nói gì ?
Cao Bảo Vân:
Mẹ tôi đón nhận và đọc một cách bình thản. Theo bà, sách viết quá nhiều
về các trận đánh, mà còn quá ít về cuộc sống nội tâm của ba tôi. Số phận
của ba mẹ tôi cũng như rất nhiều trí thức, quan lại, có gia đình ruột
thịt phía bên kia chiến tuyến. Cả cuộc đời cống hiến, nhưng có những
nghi kỵ đề phòng là một bi kịch của một giai đoạn mà con cái khó có thể
hiểu được.
Hiển nhiên, bà có thể nói nhiều điều về cuộc sống nội tâm của ông - điều
mà tôi không biết và rất tiếc không kịp biết khi ba ra đi - lúc tôi còn
quá trẻ- nhưng bà lại không viết.
Tuy nhiên từ đó đến nay bà càng thường xuyên đọc lại cuốn sách. Chắc nó
giúp bà nhớ lại được nhiều kỷ niệm hơn.
PV:
Xin cảm ơn chị đã bỏ công sức rất nhiều làm một việc tuyệt vời.
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI thực hiện.
|