Ngày 30-4 của Phạm Xuân Ẩn Nguyễn Thị Ngọc Hải
Tờ Newsweek viết về việc Phạm Xuân Ẩn đã cứu trùm cảnh sát mật vụ của chế độ Sài Gòn, bác sỹ Trần Kim Tuyến, đi được chuyến bay cuối cùng di tản khỏi Sài Gòn như thế nào? “Tuyến sẽ bị giết chết nếu ông ta còn ở lại”, Newsweek viết. Khi ông Tuyến cuống cuồng gọi điện cho Sứ quán Mỹ tìm sự giúp đỡ của CIA thì được trả lời là tất cả đã đi hết. Quá hoảng sợ lo cho tính mạng, ông quay lại tìm người bạn thân Phạm Xuân Ẩn, một phóng viên báo Time nhiều quyền lực và có mối quan hệ rộng vào bậc nhất Sài Gòn.. Ông Ẩn vội đưa Tuyến lên chiếc xe của mình tới Tòa Đại sứ Mỹ kiếm tìm cơ hội cuối cùng nào có được. Nhưng cảnh tượng thật hãi hùng. Tòa đại sứ đông nghẹt những người cầu cứu hoảng loạn. Chiếc xe cũ Renault của ông Ẩn không sao len vào được... Gọi điện khắp các địa chỉ cần thiết khác trong thành phố, cuối cùng ông Ẩn liên lạc được với một nhà báo Mỹ có thể nhắn cho Tòa Đại sứ... Nhờ thế họ mới biết được còn chuyến di tản cuối cùng của CIA tại ngôi nhà của CIA ở đường Gia Long, nơi đã diễn ra biểu tượng cuối cùng của Sài Gòn sụp đổ. Ở tòa nhà này, họ cũng suýt nữa thì trượt chuyến đi. Khi xe của ông tới nơi, cánh cửa thép của tòa nhà đã đóng lại để tránh dòng người có thể ập vào. “Đề nghị cho gọi ông Polgar”. Ẩn yêu cầu được gặp người sếp mà ông quen. Nếu gặp được Polgar chắc chắn ông ta biết được câu chuyện trầm trọng của ông Tuyến, sẽ giải quyết ngay. Nhưng người lính gác không chịu gọi. Vừa may lúc vợ của người lính gác mua đồ ăn đến, cánh cửa hé ra cho bà ta vào. Thế là ông Ẩn một tay giữ chặt cửa, tay kia đẩy thật mạnh bạn mình vào lọt. Tờ Newsweek kết luận: “Thế là, vị trùm cảnh sát mật vụ Sài Gòn đã được một điệp viên của Hà Nội cứu thoát, leo lên mái nhà để lên máy bay đi di tản.” Chuyện gì đã xảy ra sau đó? Vợ con ông Ẩn đã đi theo người của báo Time. Để rồi sau này lại phải vất vả mới về lại Sài Gòn. Chỉ còn mình ông ở lại vì chưa có mệnh lệnh nào. Ông không đi, bởi “ngoài việc đất nước đang sang giai đoạn mới, đã đẩy được người ngoại quốc chiếm đóng ra khỏi xứ sở, còn lý do nữa là mẹ tôi đã quá già yếu không thể đi được”. Đó là lời ông Ẩn trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài. Vào năm 1992 khi tôi bắt đầu viết cuốn sách đầu tiên đưa Phạm Xuân Ẩn ra ánh sáng, mãi tới 10 năm sau mới in được, cuốn “Phạm Xuân Ẩn -- Tên người như cuộc đời”, một công việc có ý nghĩa trong đời viết lách của mình, tôi đã phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn về ngày 30-4 ở Sài Gòn. Vì sao ông Tuyến lại rơi vào cảnh đó, khi mà ông ta là người đứng đầu bảng danh sách số người mà Mỹ phải đưa đi? Phạm Xuân Ẩn tả lại: “Ông ta là nhân vật thứ ba sau Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Làm giám đốc Sở Nghiên cứu Văn hóa Chính trị Xã hội, người Mỹ gọi là Sở Mật vụ. Trong suốt cuộc đời tôi hoạt động dưới vỏ bọc làm một nhà báo của Mỹ, ông mến tôi. Sau đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963, ông ta cũng bị bắt. Ông ta đi cùng chuyến máy bay với ký giả Stanley Karnow từ Hồng Kông về và bị bắt ngay trước mắt Stanley. Sau lúc ông bị bắt, tôi tới nhà thăm. Bả đang mang bầu. Vì sao ông ta kẹt lại khi vợ con ông ta đi cả rồi? Vì ông này ghét Thiệu. Trước giải phóng một tháng, ngay sau khi Đà Nẵng đã thất thủ, Tuyến vẫn đang trong một âm mưu lật đổ Thiệu để lập chính phủ mới. Tối 1-4 bác sỹ Trương Khuê Quang, giám đốc trường Quốc gia Nghĩa tử, người trung gian của Tuyến đưa Tuyến đến gặp Trí Quang. Đêm mùng 3 rạng mùng 4 Thiệu bắt nhốt hết những phần tử âm mưu đảo chính, kể cả nghị sỹ, dân biểu, nhà báo.. Ông Tuyến vẫn nấn ná chờ vì nghĩ rằng Thiệu bỏ chạy sớm sẽ thả đàn em của mình ra... Nhưng mãi khi ông Hương lên rồi, ngày 26 mới thả. Ông Tuyến yên trí thế nào CIA cũng phải đưa mìh đi.” Tướng Phạm Xuân Ẩn nhớ lại cảnh ông Tuyến chạy đến cầu cứu: “Người cháu ông Tuyến - một viên thiếu tá - chở ông đến bằng xe Honda. Tôi giục nó về lo cho vợ con, để ông Tuyến lại. Tôi bắt đầu gọi điện. Kêu Tòa Đại sứ. Năm cái telephon tất cả. Sự thể diễn ra đúng như báo chí đã nói rồi. Tuyến đi chuyến cuối cùng với ông Trần Văn Đôn. Ông Đôn cũng thảm, không sao chen lên được mấy chuyến trước. Con ông phải động viên “Ba, ba đừng bỏ cuộc.” Cô bí thư của ông Polgar chủ nhiệm CIA tên là Hà Hiếu Lang, em đại tá Điệp nhường 3 chỗ cho gia đình tướng Đôn. Người cuối cùng lên được máy bay là ông Tuyến. Trong hình, cái người thấp bé là ổng... Không leo lên được, tướng Đôn phải đưa tay kéo lên. Chi tiết này sau tôi biết được do đọc báo trong bài người ta phỏng vấn tướng Đôn. Tấm hình minh chứng phút cuối cùng đó của một phóng viên hãng UPI. Hãng được sử dụng 20 năm, gần đây tác giả mới lấy bản quyền.” Trong bài của Morley Safer, ông ta viết: “Ẩn đã can đảm giúp cho Trần Kim Tuyến thoát khỏi Việt Nam. Tuyến là một trong những viên chức cao cấp nhất của CIA tại Việt Nam. Là một tay âm mưu bất trị làm việc cho Thiệu sau đó chống lại chính quyền Thiệu. Vào ngày cuối cùng của Sài Gòn Tuyến vẫn còn nỗ lực thương thuyết với Phật giáo để lập một chính quyền mới.” Những việc cứu “kẻ thù” như thế không chỉ diễn ra một lần. Ông đã từng cứu nhiều bạn Mỹ của ông thoát chết trong những hoàn cảnh vô cùng phức tạp và còn nguy hiểm cho ông trong chiến tranh. Câu chuyện ngày 30-4 của tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn vẫn còn gây tranh luận tới tận gần 30 năm sau - vào năm 2006 khi ông Ẩn mất và giới truyền thông trong ngoài nước viết nhiều về ông. Một bài do đài RFA phỏng vấn nhà báo Mỹ Don Southerland - người đang là Tổng giám đốc chương trình đài Châu Á tự do, trong đó có lý giải ngày 30-4 của Phạm Xuân Ẩn lý giải tại sao ông Ẩn lại cứu bác sỹ Trần Kim Tuyến. Dan Southerland là người chứng kiến phút giây đó: “Đêm 29-4 trước khi các trực thăng chuẩn bị rời Việt Nam, tôi đang liên lạc với các trụ sở truyền thông nước ngoài thì Ẩn vẫn còn ở lại đó dù vợ con ông đã đi. Ông nói có một vấn đề hệ trọng là cần tìm cách cho bác sỹ Tuyến ra đi. Tôi sau khi liên hệ với một giới chức cao cấp của tòa Đại sứ Mỹ và được bảo là hãy nói cho ông Tuyến hay rằng có thể đến 22 Gia Long có thể gặp được số quan chức Nam Việt nam như Trần văn Đôn và một số người khác để được bốc đi khỏi Sài Gòn.” Và câu chuyện diễn ra như thế nào ta đã biết. Dan Southerland nhận định như sau: “Ông Ẩn đã giúp người vốn chống Cộng cuồng nhiệt. Tôi muốn nói là ông Ẩn đã giúp một người có lý tưởng mà ông Ẩn hoạt động gần hết đời để chống lại nó… Lời của đại tướng Võ nguyên Giáp đánh giá rằng “nhờ các tài liệu tình báo của Phạm Xuân Ẩn mà Hà Nội như có mặt tại phòng chiến tranh của Lầu Năm góc” là đúng. Bởi vì Ẩn có thể cung cấp cho Hà Nội một số việc, chẳng hạn cách suy nghĩ, lý luận của người Mỹ. Đó là khả năng lớn nhất của ông Ẩn. Ông ta có thể cảm nhận sự thật.” “Có thể kết luận việc ông Ẩn hết sức giúp Trần Kim Tuyến ra khỏi Việt nam là chỉ thuần về ơn nghĩa và tình bằng hữu mà chuyện này có thể đã khiến ông mất sự tin cậy của Hà Nội.” Khi viết cuốn sách “Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời”, tôi cũng băn khoăn về suy diễn này và đã đem hỏi hai người chỉ đạo trực tiếp của ông là Trần Quốc Hương, Nguyên Bí thư TW Đảng, và Đại tướng Mai Chí Thọ. “Cứu Tuyến, đó là biểu hiện rất đặc biệt về tư chất Ẩn. Con người trung hậu như vậy nhất định sẽ thành công trong sự nghiệp. Đó gần như là Luật Nhân - Quả”(lời đại tướng Mai Chí Thọ). Còn ông Trần Quốc Hương thì nói: “Ẩn xử sự đúng với bản chất con người của mình trọng đạo lý.” Ngày 30-4-1975 đã lùi xa 40 năm. Giá như tổ chức một cuộc đại phỏng vấn mọi người Việt Nam chung một câu hỏi: Ngày 30-4-75 đến với bạn như thế nào? Câu trả lời sẽ là phần máu thịt toàn vẹn đắp lên phần xương, là những diễn biến sự kiện lịch sử đã ghi lại. Và trong số đó, ngày 30-4 của Phạm Xuân Ẩn đã hiện lên con người nhân văn nhất trong những giây phút sống còn. Viết về ông, tôi được các tác giả nước ngoài nhận xét tặng những lời ghi nhận quý báu: Giáo sư sử học Mỹ Larry Berman, tác giả cuốn “Điệp viên hoàn hảo”: “Cuốn sách của bà đã mở đường cho tất cả chúng tôi” (Your biography of Pham Xuân Ẩn led the way for the rest of us..). “Trong tất cả những người viết về Phạm Xuân Ẩn, bà là người hiểu rõ chủ nghĩa nhân văn của ông ấy hơn ai hết” (You know An’s humanity better than anyone who writes his story”. Giáo sư người Mỹ Thomas Bass - tác giả cuốn sách mới viết về Phạm Xuân Ẩn “Điệp viên Z 21, kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” đã trả lời phỏng vấn trên “Tuổi trẻ cuối tuần” ra ngày 27-4-2014 như sau: “Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải là tác giả quan trọng hàng đầu về Phạm Xuân Ẩn. Cuốn sách của bà là chỉ dẫn quan trọng cho tất cả chúng tôi những người theo bước chân bà viết về ông”. Sau cùng, tôi vinh dự còn giữ một kỷ vật quý không công bố, đó là lá thư viết tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cảm ơn về cuốn sách Phạm Xuân Ẩn. NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 21-4-15 |