KhaiSilk và Lòng “Tự Tôn dân tộc” của Người Việt
Nguyễn Trọng Bình
1. Bản chất vấn đề
Bản chất của vụ Khaisilk là gì? Theo tôi, đó đơn giản chỉ là chuyện “mua
gian, bán lận”; là “treo đầu dê bán thịt chó”, là “tay không bắt giặc”;
là lợi dụng và “kinh doanh niềm tin” từ đám đông dân chúng… Đây là những
chiêu trò, thủ thuật mần ăn rất phổ biến ở bất cứ nơi đâu trên quả đất
này nhưng có lẽ phổ biến và đặc biệt nhất là ở xã hội Việt Nam hiện nay.
Sở dĩ nói đặc biệt là vì sự “đặc thù”, rất không giống ai của cái thể
chế chính trị và kinh tế Việt Nam của Việt Nam hôm nay chính là điều
kiện để các chiêu trò kia nẩy nở và phát huy tác dụng ở mức cao nhất.
Đặt vấn đề như thế để thấy rằng, dư luận báo chí truyền thông những ngày
qua cứ ầm ĩ và đao to búa lớn; nào là Khaisilk là sự “khủng hoảng”, là
cơn “địa chấn”…; hay thậm chí có người (trong đó có ông Bộ trưởng Bộ
Công thương) còn nghiêm trọng hóa cho rằng Khaisilk đã “phản bội niềm
tin” của người tiêu dùng; làm “tổn thương niềm tự hào” và “lòng tự tôn
dân tộc”… nghe mà không thể nhịn cười.
Nói cách khác, trước khi bàn đến những chuyện to tác và lớn lao trên
thiết nghĩ, cần phải trả lời câu hỏi ông chủ Hoàng Khải của “thương
hiệu” Khaisilk là người như thế nào; có phải là một
doanh nhân đúng nghĩa hay
không? Phải trả lời câu hỏi này trước rồi mới bàn đến những chuyện trọng
đại kia.
Thực ra, trong bối cảnh chung về tình hình xã hội, văn hóa hiện nay,
theo tôi khái niệm
doanh nhân trên thực tế
không tồn tại ở Việt Nam. Nhưng nếu buộc phải thừa nhận là có thì theo
tôi số người được gọi là doanh nhân ở Việt Nam hiện nay, có lẽ cũng đếm
không hết hai bàn tay. Vì sao tôi nói như vậy?
Trước hết, chúng ta biết rằng nền kinh tế Việt Nam mấy mươi năm qua cả
về lý luận lẫn thực tiễn đều lấy kinh tế Nhà nước làm nền tảng, chủ đạo.
Với chủ trương và đường hướng như vậy, nên trước hết xã hội Việt Nam đã
vô tình tự thủ tiêu cái gọi là “ý tưởng” khởi nghiệp của các cá nhân
trong xã hội (hứa hẹn trở thành doanh nhân đúng nghĩa); gây ra sự mất
cân bằng, mất cân đối giữ các thành phần kinh tế. Không dừng lại ở đó,
tuy kinh tế Nhà nước được ưu ái mọi thứ nhưng cho đến nay có thể khẳng
định các tập đoàn kinh tế Nhà nước, phần nhiều chỉ là những đống hoang
tàn, đổ nát; là gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia. Bởi lẽ những người
được phân công lèo lái các tập đoàn này về cơ bản chỉ có một năng lực
duy nhất là… tham nhũng và phá hoại. Điều này thì ai cũng biết và ai
cũng thấy.
Kế đến, tuy Việt Nam hiện tại cũng có không ít doanh nghiệp, tập đoàn
kinh tế với danh nghĩa chủ tập đoàn là những cá nhân như trường hợp
Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức hay Vingroup của tỉ phú Phạm
Nhật Vượng…nhưng nói cho cùng bản chất kinh doanh ở những tập đoàn này
trên thực tế chỉ là đầu cơ, tích trữ dựa vào mối quan hệ thân hữu và
“lợi ích nhóm” từ đó chi phối và thao túng cả nền kinh tế. Tài “thao
lược” và sở trường của các “đại gia” ở các tập đoàn này, nói cho cùng là
khả năng “móc nối”, “cấu kết” và mua chuộc “một bộ phận không nhỏ” các
quan chức lãnh đạo biến chất để dành lấy các dự án béo bỡ nhất. Họ cũng
sở hữu một đặc điểm nổi trội và quan trọng khác là khi có cơ hội sẽ luôn
miệng rao giảng vấn đề “đạo đức kinh doanh” hay làm từ thiện nhằm quảng
cáo và PR.
Minh chứng rõ nhất cho vấn đề này trường hợp ông chủ tập đoàn Hoàng Anh
Gia Lai Đoàn Nguyên Đức liên quan đến sự kiện bất động sản năm 2013. Khi
ấy, thị trường bất động sản ở Việt Nam bị đóng băng, các đại gia bất
động sản đã tìm cách tác động để Chính phủ Việt Nam bơm tiền giải cứu
bằng gói hỗ trợ 30.000 tỉ. Trong tư cách của một chuyên gia đồng thời là
một doanh nhân thành đạt, có nhiều kinh nghiệm kinh doanh trên thương
trường quốc tế, Tiến sĩ Alan Phan khi ấy đã có nhiều bài viết phân tích
chỉ ra rằng cách làm ấy sẽ không mang lại hiệu quả, hãy để cho thị
trường bất động sản rơi tự do thì sẽ có lợi hơn. Lúc bấy giờ, trong tư
cách của một “ông trùm”, ông Đoàn Nguyên Đức đã không ngần ngại lên
tiếng mắng chửi Tiến sĩ Alan Phan bằng lời lẽ và ngôn từ của kẻ đầu
đường xó chợ. Điều đáng nói là, những phân tích và dự báo của Tiến sĩ
Alan Phan đã không sai, gói 30.000 tỉ trên thực tế chỉ giúp những đại
gia đầu cơ bất động mà thôi, người dân bình thường không hưởng được chút
lợi lộc nào. Đến nay thì gói 30.000 tỉ coi như hoàn toàn phá sản và bầu
Đức hiện nay về cơ bản cũng đã tháo chạy khỏi lĩnh vực bất động sản.
Từ đây, theo tôi những trường hợp như Bầu Đức, Phạm Nhật Vượng hay Hoàng
Khải… nói cho cùng không thể coi là những
doanh nhân đúng nghĩa mà
chỉ là những “con buôn” ranh mãnh, “thức thời” và cơ hội mà thôi. Hay
nói khác đi đó là những tên “gian thương” theo đúng nghĩa
“vi phú bất nhân, vi nhân bất
phú” trong truyền thống mần ăn chụp giựt của người Việt và người
Trung Quốc trước đây.
Cũng từ đây, nếu bảo rằng Hoàng Khải và tập đoàn Khaisilk làm “tổn hại
thương hiệu Việt” hay “tổn thương niềm tự hào, tự tôn dân tộc” thì thật
là một chuyện khôi hài. Lẽ nào, một tên gian thương, “mua gian bán lận”
lại có thể dễ dàng gây ảnh hưởng và làm tổn thương đến niềm tự hào của
cả dân tộc này hay sao? Nói như vậy là phê phán hay khen ngợi, đề cao
Khaisilk? Mà dân tộc Việt hôm nay dễ bị tổn thương đến vậy à?
Còn về chuyện “phản bội niềm tin của người tiêu dùng” ư? Thật ra, có khi
phải nói ngược lại mới đúng. Nghĩa là đám đông tiêu dùng đã và đang phản
bội lại niềm tin của ông chủ Khaisilk. Vì lẽ, ông ta làm giàu với
“thương hiệu” Khaisilk có hơn 30 năm rồi; ông ta luôn tin rằng việc
“treo hàng Việt bán hàng Tàu” của mình là bình thường, là đúng đắn, là
“đứa nào làm ăn ở Việt Nam mà không làm như vậy”. Ấy vậy mà cái đám đông
người Việt hôm nay vì cái tâm lý “ghét người Tàu” nên tiện đó ghét và
bày trừ hàng Tàu luôn. (Nhưng đó chỉ là cái miệng nói thế thôi chứ trên
thực tế không hẳn như vậy. Bởi không phải thấy hàng hóa giá rẻ mang
thương hiệu Tàu đang tràn ngập khắp xứ sở nghèo hèn này hay sao?). Và
thế là, ông chủ Khaisilk chết vì cái niềm tin mù quáng này của ông. Giá
như ông “treo hàng Việt và bán hàng Nhật” hay hàng của quốc gia nào khác
thì có lẽ đâu đến nỗi như hôm nay!?
2. Khaisilk - nạn nhân, thủ phạm và đồng phạm?
Kinh doanh, làm giàu và nếu có thể, qua đó tạo dựng thương hiệu quốc gia
vốn là một ước mơ, một khát vọng chính đáng. Tuy vậy, mọi ước mơ và khát
vọng nhất thiết phải được thiết kế dựa trên nền tảng thực tế về “nội lực
quốc gia” cũng như tất cả mọi phương diện đời sống, văn hóa của xã hội
và đất nước. Nếu không mọi ước mơ rất dễ rơi vào ảo tưởng hoặc không thì
cũng vô tình tự biến mình thành nô lệ và nạn nhân cho những đòi hỏi và
kỳ vọng rất vô lý và mơ hồ của đám đông (vốn có đặc điểm quan trọng là
thiếu bao dung nhưng thừa bảo thủ, luôn định kiến nhưng cũng rất xu
thời).
Từ
đây, công bằng mà nói, xét trong bối cảnh xã nhất là môi trường và văn
hóa kinh doanh ở Việt Nam hiện nay, có thể nói ông chủ Khaisilk không
chỉ là thủ phạm (hành vi lừa đảo, bán hàng giả mạo cho người tiêu dùng)
mà ở phương diện nào đó còn là một nạn nhân. Nạn nhân của chính ông và
chính đồng bào mình.
Sự
bẽ bàng của Khaisilk hôm nay, về sâu xa là do cái tâm lý ảo tưởng về
“niềm tự hào và tự tôn dân tộc” của người Việt mà ra. Nói khác đi, ông
Hoàng Khải chính là nạn nhân của một đám đông người người Việt đang ngày
đêm xây dựng cái lâu đài “thương
hiệu Việt” trên cát; ông ta chết vì những tràng pháo tay cùng lời
tung hô của đám đông tuy vẫn đang vùng vẫy, ngập ngụa trong cái ao làng
nhưng lúc nào cũng “hoang tưởng
về biển lớn” (chữ của Tiến sĩ Alan Phan năm nào) và rất hiếm khi
biết tự vấn lại bản thân mình, dân tộc mình.
Tiếp theo, Hoàng Khải còn là nạn nhân của cái thể chế chính trị và kinh
tế không giống ai ở xứ sở này. Cái xứ sở mà muốn làm ăn và tồn tại bền
vững, lâu dài thì nhất định phải vứt bỏ liêm sỉ, vứt bỏ lương thiện và
tử tế đi. Một quốc gia sản xuất cà phê thuộc loại hàng đầu thế giới mà
người dân phải uống cà phê pha bắp rang hoặc khốn nạn hơn là hóa chất
(mua từ chợ tử thần Kim Biên – cũng là hàng Tàu) thì “tử tế” và “lương
thiện” chỉ là lời lẽ hoa mỹ của những kẻ đạo đức giả mà thôi.
Thế nên, những ai nhanh nhảu lên tiếng phê phán, chỉ trích Khaisilk hết
lời những ngày qua thiết nghĩ hãy nghiêm túc nhìn lại vấn đề này.
Và nếu cứ lớn tiếng và khư khư cho rằng Khasilk làm “tổn hại thương hiệu
quốc gia”, “tổn thương niềm tự hào dân tộc” thì nói cho cùng, ở Việt Nam
hôm nay không phải chỉ một mình Khaisilk làm chuyện này. Tội của
Khaisilk dù sao cũng chỉ là cái móng tay so nếu với tội của những kẻ đã
và đang làm cho Việt Nam trở thành quốc gia
“không chịu phát triển”; ngày
một kiệt quệ và băng hoại mọi giá trị.
Khaisilk đã lợi dụng và khai thác sự ảo tưởng và dễ dãi của người Việt –
như đã nói cũng là một cách “kinh doanh niềm tin” vốn rất phổ biến trong
môi trường làm ăn ở xã hội Việt Nam hôm nay. Đây là hành vi lừa đảo,
“treo đầu dê bán thịt chó” cần phải phê phán.
Tuy vậy, dù sao thì Khaisilk cũng không để lại hậu quả là một đống nợ
công quốc gia do làm ăn thua lỗ như các lãnh đạo và các quan chức trong
các tập đoàn kinh tế Nhà nước thời gian qua (nhưng cuối cùng chỉ có vài
“con chốt” xấu xố bị mang ra hành quyết). Những đống nợ mà theo các
chuyên gia kinh tế là toàn thể dân chúng nước Việt hôm nay và mai sau
không biết có trả hết không.
Thêm nữa, dù sao ông chủ của Khaisilk cũng rất can đảm thừa nhận việc
làm gian dối của mình và lên tiếng xin lỗi dân chúng chứ không như những
kẻ vừa làm “công bộc” vừa đi “buôn chổi đót”, hay “chạy xe ôm” nhưng vẫn
có thể xây được biệt phủ và mở tài khoản ở nước ngoài.
Cuối cùng, cần phải thấy rằng những cây lụa có nguồn gốc “made in China”
trước khi có mặt trong các cửa hàng của Khasilk trên toàn quốc có “hành
trình riêng” của nó. Nghĩa là sự gian dối này suốt 30 năm qua không phải
chỉ có Hoàng Khải mà rất nhiều người biết thậm chí biết rất tường tận.
Vấn đề là tại sao tới giờ này nó mới bị phanh phui để rồi những ngày qua
cả xã hội cứ lồng lộn lên chẳng khác gì đĩa phải vôi?
3. Thay lời kết
“Ông
Hoàng Khải không phải doanh nhân thành đạt đầu tiên được biết tới bởi
xây dựng thương hiệu thành công trên sự lừa dối”.
Tác giả của một bài viết đăng trên chuyên mục
“Góc nhìn” của báo điện tử
Vnexpress ngày 30/10/2017 đã khẳng định như thế.
Nhận định trên quả không sai. Tuy vậy, đáng tiếc là mục đích cuối cùng
của tác giả trong toàn bài viết cũng chỉ để ném thêm một cục đá to tướng
về phía ông chủ Khaisilk!? Tác giả chỉ trích ông chủ Khaisilk đã “chọn
con đường ngắn” để làm giàu bằng cách so sánh với Herve Joncour - một
thương gia nổi tiếng và giàu có trong ngành tơ lụa nước Pháp nhưng lại
cố tình không chịu thấy cái môi trường và văn hóa kinh doanh ở Pháp và
Việt Nam trong hai thời điểm là hoàn toan khác xa nhau.
“Tơ
lụa xứ mình vốn đã đẹp, chỉ cần gắn lên đó sự chân thật, tử tế thì đã đủ
làm nên một thương hiệu Việt bền vững”.
Chắc
không? Viết như thế nhưng liệu có bao giờ tác giả tự hỏi thời gian qua,
có khi không chỉ có ông chủ Khaisilk mà nhiều người khác nữa cũng đã rất
nhiều lần ngước mặt lên trời mà cảm thán
“muốn làm người lương thiện”
của anh Chí Phèo trong câu chuyện cùng tên của Nam Cao trước năm 1945?
Nghĩa là những người tham gia làm ăn như ông chủ Khaisilk thật ra không
phải không thấy điều đó. Trong số họ cũng có không ít người muốn làm ăn
lương thiện và tử tế nhưng với cái “môi trường” kinh doanh cực kỳ phức
tạp và hoàn toàn không công bằng giữa các thành phần kinh tế ở Việt Nam
hiện nay đã cho họ biết “tử tế” và “lương thiện” chỉ là những khái niệm
thừa thãi và xa xỉ mà thôi. Muốn làm ăn lương thiện nhưng trước đó phải
“bôi trơn” và chung chi thì lương thiện cái nỗi gì? Sự tha hóa và trượt
dài của Khaisilk suốt 30 năm qua hay sự phá sản của vô số các doanh
nghiệp trên khắp cả nước hiện nay không phải cũng có nguyên nhân từ đây
hay sao?
Nói tóm lại, nói ra tất cả những điều trên đây không phải để bào chữa
hay bênh vực cho hành vi lừa dối khách hàng của Khaisilk mà để thấy
rằng, nếu giờ đây cả xã hội chỉ biết chăm chăm moi móc nhất là đổ hết
mọi chuyện liên quan đến những vấn đề lớn lao (như xây dựng thương hiệu
hay làm “tổn thương niềm tự hào và tự tôn dân tộc”) cho Khaisilk thì
cũng là “té nước theo mưa” hay “dậu đổ bìm leo” mà thôi. Chẳng giúp ích
được gì!
Vậy nên, chuyện nào ra chuyện đó. Xin chớ có dễ dãi mang “lòng tự hào”
và “tự tôn dân tộc” gì đó (vốn rất mơ hồ) ra để áp đặt và bắt một mình
ông chủ Khaisilk phải gánh lấy. Chơi như thế là không đẹp. Hơn nữa,
không phải chính cách tư duy cũ kỹ này đã và đang hại chính ông ta và
dân tộc này hay sao!?
CT, 30/10/2017
------------
Nguồn tham khảo:
1. “Bộ
trưởng Trần Tuấn Anh: Vụ Khaisilk làm tổn thương đến lòng tự tôn dân
tộc”.
Xem tại:
http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Bo-truong-Tran-Tuan-Anh-Vu-Khaisilk-lam-ton-thuong-den-long-tu-ton-dan-toc-post180760.gd
2.
“Lụa và Khaisilk”. Xem
tại: https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/lua-va-khaisilk-3662662.html
|