Lại Nói Về Vấn Đề “Đối Thoại”
(Nhân chuyện
Thủ Thiêm và biểu tình của người dân
Nguyễn Trọng Bình
1.
“Đối thoại” kiểu...Ban tuyên
giáo
Còn nhớ, cách đây
khoảng một năm, ông Võ Văn Thưởng - Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương -
có phát biểu và đặt vấn đề về sự “đối thoại” giữa Đảng, Chính quyền và
dân chúng nói chung (đặc biệt là với những người bất đồng chính kiến)
như sau:
“Chúng ta không sợ
đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và
học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận.
Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
Phát biểu trên của
ông
Thưởng được khá nhiều cơ quan báo chí chính thống dẫn lại và ngay sau đó
đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn phi chính thống.
Và cho đến nay, sau gần một năm nhìn lại có thể khẳng định rằng, tất cả
những gì ông Thưởng nói năm xưa chỉ là sự bột phát trong lúc cao hứng và
nông nổi nhất thời của bản thân ông mà thôi. Và nói cho cùng thực ra đây
còn là một “kiểu đối thoại” rất “đặc trưng” của những người làm công tác
tuyên giáo trong hệ thống Đảng và Chính quyền Nhà nước lâu nay.
Nghĩa là miệng lúc
nào liếng thoắng như một con két nhưng tiếc thay nhìn vào thực tế thì
hoàn toàn trái ngược, không phải vậy. Dân gian gọi đây là sự
“nói một đằng nhưng làm một nẻo”
hay chỉ giỏi nói, giỏi “chém gió” mà không làm. Đã vậy đến khi xảy ra
những sự cố, biến cố ngoài ý muốn thì lại tiếp tục “bài ca con cá” rất
quen thuộc: 1) “qua sự việc lần
này chúng ta cần phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc...”; 2) “đây âm
mưu và thủ đoạn của các “thế lực thù địch” nhằm bôi nhọ Đảng, Nhà nước
ta và kích động dân chúng bạo loạn lật đổ...”
Câu chuyện ở Thủ Thiêm và đặc biệt là chuyện hàng ngàn người dân ở một
số địa phương trên cả nước rầm rộ xuống đường biểu tình nhằm phản đối
Luật đặc khu và Luật An ninh mạng ngày 10/6/2018 vừa qua là một minh
chứng cụ thể nữa về vấn đề này. Với câu chuyện Thủ Thiêm, một lần nữa cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích nhằm thao túng chính sách về thu hồi đất đai, đẩy người dân thấp cổ bé miệng vào bước đường cùng trên khắp cả nước. Và điều đáng nói là, cái sự thể rõ như ban ngày ấy lại không được Chính quyền Nhà nước tiếp thu để điều chỉnh dù rằng có không biết bao nhiêu chuyện tương tự đã xảy ra trước đó. Những khuôn mặt già nua, đen sạm, cùng những giọt nước mắt của những người dân tay lắm chân bùn trong khi gặp gỡ với đại diện chính quyền TP Hồ Chí Minh đã nói lên tất cả những oan khiên và uất nghẹn của người dân đối với chính quyền nơi đây. Vì đã hơn 20 năm rồi, họ vác đơn đi kiện khắp nơi nhưng đều không được giải quyết thỏa đáng chỉ vì một cái lý do hết sức ngớ ngẩn: “bản đồ quy hoạch” Thủ Thiêm bị thất lạc!? Đất đai cha ông bao đời khai phá để lại cho con cháu nhưng chỉ sau một đêm ngủ dậy tất cả phải tay trắng ra đường; sống lay lắt vật vờ vì Nhà nước làm quy hoạch!? Chính quyền“đối thoại” với người dân như vậy đó hỏi sao họ không bất mãn? Nhưng khi mọi sự đã vượt quá sức chịu đựng, nếu như họ đứng lên phản kháng thì lại bị quy là “phản động”, “chống lại Nhà nước”, “chống lại Chính quyền nhân dân”!?
Với câu chuyện về Luật đặc khu va An ninh mạng, rõ ràng nếu mọi chuyện
được minh bạch ngày từ đầu; hay như Luật biểu tình sớm được thông qua
thì có lẽ những kẻ quá khích ở Bình Thuận sẽ được kiểm soát một cách
chặt chẽ và hiệu quả hơn; những thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần cho
cả hai phía người dân và Chính quyền chắc chắn cũng giảm thiểu đáng kể.
Sự việc này một lần nữa cho thấy giữa “ý đảng” và “lòng dân” giờ đây là
một cái hố ngăn cách đang ngày một sâu và rộng thêm ra; nó là hệ lụy nối
dài của biết bao lần người dân mất niềm tin vào Đảng và Chính quyền
trong rất nhiều sự vụ trước đó. (Như vụ giàn khoan HD 981 mà “người bạn
vàng” của Đảng đã ngang ngược cắm xuống thềm lục địa nước nhà; vụ
“Formosa thất thủ”, vụ người dân Đồng Tâm vây bắt và giam lỏng các chiến
sĩ Công an; hay gần nhất là hàng loạt sự phản kháng của các tài xế liên
quan đến các trạm BOT...).
Đất nước đã hòa bình thống nhất có hơn 40 năm vậy mà giờ đây ngay trên
mảnh đất quê hương những người dân (già, trẻ, gái, trai) và
“Chính quyền của nhân dân”
lại trở thành đối thủ của nhau, sẵn sàng lao vào nhau, xem nhau như kẻ
thù không đội trời chung? Thử hỏi có đau lòng không và tất cả những
chuyện này là do ai? Những người quá khích đập phá tài sản và tấn công
lực lượng cảnh sát là điều không thể chấp nhận. Nhưng giá như trước đó,
những người có trách nhiệm của đất nước nếu nghiêm túc và thành tâm “đối
thoại” với người dân (hay với những người bất đồng chính kiến) về tất cả
những vấn đề có liên quan thì rất có thể vấn đề đã không tồi tệ đến thế.
2. Nói
“nửa sự thật” và tuyên truyền một chiều chỉ đào sâu thêm hố ngăn cách
Trong thời đại bùng nổ về công nghệ thông tin mà vẫn không có một nền
báo chí tư nhân đã là một nghịch lý và sự thoái bộ so với ngay trong thế
kỷ 20 - thời kỳ đất nước bị thực dân Pháp đô hộ - chứ đừng nói chi so
với các quốc gia phát triển và văn minh hiện nay. Đã vậy, giờ đây bộ
Luật An ninh mạng lại được thông quá với những điều khoản mang nặng tính
áp đặt như thể muốn tạo thêm hành lang để kiểm soát, kiểm duyệt và nhất
là thủ tiêu quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do phản biện của
người dân chỉ càng cho thấy rõ hơn bản chất “độc
thoại” của Chính quyền Nhà nước mà thôi. Ai cũng biết và ai cũng
thấy, các phương tiện truyền thông chính thống lâu nay về cơ bản chỉ là
công cụ tuyên truyền, định hướng một chiều cho Đảng và Chính quyền. Cả
nước có hàng mấy trăm tờ báo, tạp chí thế nhưng, chẳng những không phản
ánh đầy đủ và trung thực suy nghĩ và tiếng nói của người dân mà còn quy
chụp họ thế nọ thế kia thì sao gọi làm sao người dân tin tưởng và đồng
thuận đây?
Hàng ngàn người trên khắp cả nước rầm rộ xuống đường phản đối dự Luật
đặc khu vậy mà mấy trăm tờ báo lại “kiên định lập trường” cùng nhau đánh
tráo khái niệm bằng cách lươn lẹo chữ nghĩa gọi đó là
“tụ tập đông người” trái
phép. “Tụ tập đông người” và
“biểu tình” là hai khái niệm, hai phạm trù khác nhau hoàn toàn về bản
chất. Tại sao và hà cớ gì lại sợ ai chữ
“biểu tình” đến vậy trong
khi đó là một quyền cơ bản của người dân đã được ghi trong Hiến pháp rất
rõ ràng? Hiến pháp đã quy định nhưng lại trì hoãn không chịu ban hành
luật đã là lỗi của chính quyền vậy mà giờ đây lại tiếp tục lươn lẹo chữ
nghĩa thì hỏi sao dân chúng không nghi ngờ và mất niềm tin?
Một vấn đề nữa, đương nhiên, không ai chấp nhận những hành động quá
khích và manh động của một số người dân ở Bình Thuận nhưng chính quyền
cũng không nên định hướng báo chí tuyên truyền theo kiểu “cả vú lắp
miệng em” như thế; hết lần này đến lần khác, mỗi khi có biến cố xảy ra
là lại “vơ đũa cả nắm” rằng
“người dân bị kích động, bị xúi giục, bị mua chuộc, bị lôi kéo bởi các
phần tử phản động”... Tuyên truyền và đối thoại như thế chẳng khác
gì đang châm dầu vào lửa, khoét sâu hơn cái hố ngăn cách giữa người dân
với chính quyền.
Hơn nữa, thay vì lấy lý do ấy để tuyên truyền sao không chân thành và
nghiêm túc tự nhìn lại và trả lời tại sao người dân hôm nay lại có những
phản ứng như vậy? Tại sao mấy chục năm qua, Đảng lãnh đạo toàn diện đất
nước nhưng đã làm gì và ăn ở thế nào mà “các thế lực thù địch” lại ngày
một đông hơn và cứ “điên cuồng chống phá” như vậy? Tại sao giờ đây người
dân không còn tin, nghe và làm theo những gì Đảng nói trên các phương
tiện truyền thông chính thống mà lại tin, nghe và làm theo lời “xúi
giục” của các “thế lực thù địch” của Đảng trên mạng xã hội? Hay mấy chục
năm qua, Đảng và chính quyền đã “vì dân” kiểu gì mà đến giờ nhân dân lại
đói khổ đến nỗi phải nhận vài trăm ngàn của “các thế lực thù địch” để
chống lại Đảng?
Đặc biệt, nếu chính quyền bảo rằng người dân nhận tiền của kẻ xấu để
“bạo loạn” và “lật đổ” vậy nếu người dân nói từ lâu đã nghi ngờ Đảng và
chính quyền “nhận tiền” (trên danh nghĩa “hợp tác toàn diện”) từ “người
bạn vàng” để vô tình hay cố ý bán đứng dân tộc này bằng những chính sách
và đạo luật thiếu minh bạch có được không? (Ví như dự luật đặc khu vừa
qua là một minh chứng. Hay những dự án, những công trình béo bỡ trải dài
khắp 3 miền đất nước tại sao cho đến nay phần nhiều người thắng thầu đều
là “anh bạn vàng” kề bên?).
Muốn đại bộ phận nhân dân tin tưởng hoặc không có những phản ứng tiêu
cực lẽ ra Đảng và chính quyền phải chủ động đối thoại với họ về tất cả
những mối hoài nghi ấy một cách công khai minh, bạch thay vì cứ cố tình
bưng bít, giấu diếm hoặc tránh né...
Nếu chính quyền kết tội những
người “chống Đảng, chống Nhà nước” vì đã
“xuyên tạc sự thật” thì
chính quyền cũng nên tự xem lại mình có
“xuyên tạc sự thật” nhằm
“chống lại nhân dân” không khi chỉ cho phép truyền thông chính thống nói
một nửa sự thật về một sự vụ, sự kiện nào đó? Ai cũng biết sự thật
trong cuộc sống chỉ có một tuy nhiên, những người bị kết tội “chống
Đảng” và Nhà nước thường có xu hướng “bôi đen” thêm và thổi phồng lên
bằng cách “thêm mắm dặm muối”
còn Đảng và chính quyền lại có xu hướng “tô hồng” và làm giảm nhẹ nó đi
bằng cách đánh tráo và lươn lẹo chữ nghĩa. Suy cho cùng cả hai cáh làm
trên đều là
“xuyên tạc sự thật” vì
một bên có xu hướng làm cho vấn đề trầm trọng và bi đát hơn còn một bên
thì lại muốn giảm nhẹ và thậm chí không có gì. Vậy nên nên cuối cùng tất
cả đều xấu như nhau, chẳng ai hơn ai.
3. Sự
thất bại toàn diện và thảm hại về chiến lược xây dựng “Con Người Mới -
XHCN”
Không ai phủ nhận, kể từ sau ngày 30/4/1975 đến nay, trên bình diện xây
dựng và phát triển kinh tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã có
những bước phát triển cũng như những thành tựu đáng trân trọng. Đời sống
vật chất của người dân về cơ bản đã khấm khá hơn. Tuy nhiên, tất cả điều
này chỉ là tự ta so với chính ta trước đây, còn nếu mang ra so với bè
bạn năm châu thì rõ ràng đó là sự phát triển không tương xứng với tiềm
năng tiềm lực của mình nếu không muốn nói là một sự trì trệ và tụt hậu
rất dài.
Đó là nói về phương diện kinh tế và đời sống vật chất; còn ở góc độ văn
hóa thì sao? Có lẽ cũng nên dũng cảm mà thừa nhận rằng, đất nước Việt
Nam hôm nay đã và đang phải nhận một sự thất bại toàn diện và thảm hại.
Và sự thất bại lớn nhất ở đây chính là sự thất bại về việc xây dựng “Con
Người Mới - Việt Nam XHCN” do Đảng đề ra suốt mấy mươi năm qua. Sự thất
bại này đang hứa hẹn sẽ để lại một hậu rất nguy hiểm và khôn lường. Bởi
đây là nguyên nhân cốt tử đưa đến sự lạc hậu và trì trệ của toàn xã hội;
sự tồn vong không chỉ của chế độ mà còn cả dân tộc trong tương lai nếu
như không kịp thời chỉnh sửa và khắc phục ngay từ bây giờ.
Không khó để nhận ra 3 biểu hiện căn bản, cụ thể và quyết định cho thấy
sự thất bại này như sau:
Một
là,
sự giả dối và thiếu trung thực của con người khi nhìn nhận và đánh giá
những vấn đề về xã hội và đất nước ở cả hai phía chính quyền lẫn người
dân. Như đã nói ở trên, trước những vấn đề (đặc biệt là những vấn đề
quan trọng) của xã hội và đất nước, chính quyền bao giờ cũng bưng bít,
giấu diếm, tránh né, không dám nói hết những sự thật cho người dân biết.
Còn về phía người dân thì có bộ phận vì sợ chính quyền nên đã a dua
theo; bộ phận còn lại vì những uất ức và dồn nén nên có xu hướng thổi
phồng thêm theo hướng tiêu cực. Hậu quả là cả xã hội từ quan cho đến dân
đều quay cuồng trong sự giả dối, gặp nhau hàng ngày nhưng ai cũng phải
đeo mặt nạ vào để trò chuyện với nhau...
Hai
là,
sự thui chột cái thiên lương, thiên tính thể hiện qua cách ứng xử, hành
xử bốc đồng và man rợ từ lời nói cho đến hành vi trong các mối quan hệ
hàng ngày giữa con người với nhau.
Ba là,
sự lạc
hậu, trì trệ và nhất là “tư duy nước đôi” và “ba phải” của tầng lớp vốn
được xem là “trí thức” và “tinh hoa” trong xã hội. Có thể nói, một đất
nước muốn phát triển thì vai trò của tầng lớp “trí thức, tinh hoa” trong
xã hội là rất quan trọng. Thế nhưng, do đặc thù về thể chế chính trị
(độc đảng cầm quyền) những “trí thức” đồng thời là Đảng viên đa phần đều
nếu không bị chi phối và mắc kẹt trong hệ tư tưởng cũ kỹ thì cũng rơi
vào cái bẫy về “ý thức hệ” do người “đồng chí 4 tốt” giăng ra. Vì vậy mà
thành phần này mỗi ngày mỗi trì trệ, bảo thủ và giáo điều hơn. Không
những vậy, đây là thành phần vốn được hưởng nhiều “đặc quyền, đặc lợi”
nên rất dễ trở nên tha hóa biến chất vì không ai kiểm soát; đặt biệt là
đang dần trở nên kiêu ngạo và ảo tưởng, không chỉ coi thường các tầng
lớp khác mà còn “ăn không chừa
một thứ gì” của họ.
Trong khi đó, tầng lớp được xem là “tinh hoa ngoài Đảng” cũng đã và đang
chịu rất nhiều sự tác động và chi phối làm cho ngày một thêm phân tán và
bệ rạc hơn. Một số thì đang trôi dạt muôn phương, vì nhiều lý do khác
nhau thà chấp nhận “bán chất xám”, làm thuê cho các ông chủ nơi xứ người
chứ không về làm việc tại “xứ mình”; phần còn lại trong nước thì vì
miếng cơm manh áo và an nguy của gia đình và bản thân nên chấp nhận cuộc
sống lay lất, vật vờ kiểu “ăn
không dám ăn, nói không dám nói”; lại thêm thói háo danh và ba phải,
vậy nên, trông rất thảm hại, vừa đáng thương nhưng cũng thật đáng
trách...
Ở Việt
Nam, ai cũng biết Ban Tuyên giáo
Trung ương chính là cơ quan
đầu não có nhiệm vụ tối quan trọng là tham mưu cho Đảng
trong mọi vấn đề về
tư tưởng,
chính trị của không chỉ các Đảng viên mà mọi tầng lớp nhân dân;
là cơ quan định hướng, tuyên truyền các hoạt động văn hoá, nghệ thuật,
khoa học, giáo dục, truyền thông, báo chí...nhằm xây dựng “Con Người Mới
- Việt Nam XHCN”. Vậy nên, sự thất bại của Con Người Việt Nam hôm nay
(như phân tích ở trên) suy cho cùng trách nhiệm trước hết và lớn nhất là
thuộc về cơ quan này.
4.
Thay lời kết
Một đất nước muốn phát triển và ngày một văn minh, tiến bộ thì các quyền
tự do, dân chủ cơ bản nhất của người dân nhất định phải được đảm bảo
tuyệt đối. Và muốn có tự do, dân chủ thì không có cách nào khác ngoài sự
chân thành đối thoại
trước
hết là giữa chính quyền với người dân với nhau. Có như thế mới không tạo
ra những ngờ vực, nghi kỵ và hiểu lầm từ đó đưa đến những cách phản ứng
và hành xử tiêu cực (và tiêu cực nhất là bạo lực và vấy máu lẫn nhau như
cuộc biểu tình ở Bình Thuận vừa rồi).
Bên
cạnh đó, đất nước
muốn phát triển thì
cần có
sự đoàn kết, đồng thuận, chung sức, chung lòng của mọi tầng lớp dân
chúng. Mỗi cá nhân trong xã hội trước hết cần phải
làm đúng với chức phận và
công việc của mình trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Sau nữa là làm
bằng tất cả niềm đam mê và ý thức trách nhiệm để đạt được hiệu quả cao
nhất.
Tóm lại, đất nước muốn phát triển thì các quyền tự do, dân chủ của người
dân phải được chính quyền tuyệt đối tôn trọng trên tinh thần đối thoại,
trao đổi trung thực, thẳng thắn và nhất là tôn trọng những ý kiến khác
biệt, không quy chụp hoặc bắt nạt đe dọa về chính trị. Và đây cũng chính
là điều kiện cần. Còn điều kiện đủ là sự thượng tôn pháp luật của tất cả
mọi công dân (dù có Đảng hay không) trong đó Hiến pháp là bộ luật cao
nhất. Làm được như thế thì dân tộc và đất nước tự khắc sẽ ngày một trở
nên độc lập, tự cường. Một khi đã thực sự độc lập và tự cường rồi thì
không còn phải e sợ hay lệ thuộc vào các thế lực ngoại bang xấu xa nào
nữa. Và khi đó, sự ấm no và hạnh phúc của người dân mới có cơ may và
điều kiện trở thành hiện thực. Còn như tất cả những gì đã và đang xảy ra
thì mọi sự tuyên truyền về “độc
lập, tự do, hạnh phúc” của đất nước và con người nếu không phải là
một sự áp đặt và cố tình “độc thoại” thì cũng là sự ngụy biện và dối trá
nhằm đánh lừa dân chúng mà thôi.
-----------------
Nguồn tham khảo:
1.
Tá
Lâm – “Ông Võ Văn Thưởng: Không
sợ đối thoại tranh luận”.
http://plo.vn/thoi-su/ong-vo-van-thuong-khong-so-doi-thoai-tranh-luan-702827.html
2. Nguyễn Trọng Bình – Đối thoại nhận thức và rào cản”. Xem tại:
http://www.viet-studies.net/kinhte/NTrongBinh_DoiThoai.html
3. Nguyễn Quang Dy – “Văn hóa đối
thoại và sự đồng thuận quốc gia”. Xem tại:
http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_VanHoaDoiThoai.htm
CT,
16/6/2018
NTB
|