Nghĩ Từ Phát Biểu Của Ông Vương Nghị

 

Nguyễn Trọng Bình

 

 

Ngày 27.6, qua các phương tiện truyền thông, được biết ông Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc đã có có một phát ngôn “bất hủ” liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông hiện nay. Đại khái, ông này nói rằng, trong cuộc tranh chấp này thì Trung Quốc mới thật sự là “nạn nhân lớn nhất”. Và nếu như để mất chủ quyền trên biển Đông thì không còn mặt mũi nào nhìn “liệt tổ liệt tông” mình.

Phát ngôn này của ông Nghị hẳn nhiên là một sự tráo trở của chính quyền ông Tập Cận Bình. Tuy vậy, ở góc nhìn khác, phải thừa nhận phát biểu này của ông ngoại trưởng Trung Quốc xứng đáng là một bài học để các lãnh đạo của Việt Nam hiện nay “học tập” và rút kinh nghiệm.

Bài học về đối ngoại

Ông Vương Nghị hẳn là hiểu rất rõ trong thời đại thông tin ngày nay, phát biểu của ông sẽ nhanh chóng lan truyền khắp năm châu bốn biển. Và ông cũng thừa hiểu, người dân Việt Nam hay Philippines khi nghe phát biểu trên đương nhiên sẽ cho rằng chính quyền Bắc Kinh là kẻ “đổi trắng thay đen”. Nhưng có hề gì, ông cứ nói và buộc phải nói vì nhiệm vụ của ông là góp phần cụ thể hóa mục tiêu trong toàn bộ chiến lược tổng thể, khổng lồ nhằm độc chiếm biển Đông của đế chế Trung Hoa thời Tập Cận Bình. Cho nên, từ góc nhìn lịch sử về một nền văn hóa Trung Hoa lâu đời ở Châu Á, phát biểu của ông Nghị chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đến dư luận quốc tế đặc biệt là những nước, những tổ chức, cá nhân ủng hộ quan điểm, lập trường của Trung Quốc (do bị lôi kéo, bị lệ thuộc về kinh tế hoặc do không có cơ hội tìm hiểu thực chất vấn đề tranh chấp trên biển Đông hiện nay). Nói cách khác, đây là một  “chiêu thức” rất độc và tinh vi của chính quyền ông Tập Cận Bình hiện nay:  kết hợp hài hòa giữa “sức mạnh cứng” (kinh tế, quân sự, tiền để mua chuộc...) với “sức mạnh mềm” (ngụy tạo về văn hóa, lịch sử...) để tạo ảnh hưởng và lợi thế cho mình trong cuộc tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.

Bài học về đối nội

Về mặt đối nội (với nhân dân Trung Quốc), rõ ràng chỉ bằng mấy từ nhưng ông Nghị đã thành công khi đánh trúng vào tâm lý của một tỉ mấy dân Trung Quốc về vấn đề chủ nghĩa dân tộc (khoan nói đến chuyện cực đoan hay không cực đoan) và chủ nghĩa yêu nước (dĩ nhiên là theo quan điểm của họ).

Đây là gì nếu không phải là sức mạnh của tinh thần “đại đoàn kết dân tộc”; tranh thủ lòng dân trong nước mà các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hiện nay đang lợi dụng một cách rất triệt để? Vấn đề mà các lãnh đạo Việt Nam cũng thường hay nhắc tới một cách rất chung chung là phải “dựa vào dân” hay “lấy dân làm gốc” nhưng trên thực tế thì tự biên tự diễn, “mọi chuyện đã có Đảng và Nhà nước lo”.

Nói đâu cho xa, mới đây thôi, sau một tháng hội họp tốn không biết bao nhiêu tiền bạc của nhân dân nhưng khi được hỏi tại sao Quốc hội không ra một nghị quyết hay tuyên bố gì về chuyện Trung Quốc đang bồi đắp, cải tạo đảo trái phép ở biển Đông, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam thì người phát ngôn của Quốc hội nước nhà đã trấn an dân chúng rằng: “Quốc hội sẽ ra tuyên bố khi thấy cần thiết”.

Có thể thấy, trong cùng một thời điểm, cùng một vấn đề, trong khi ông Nghị đã rất khôn khéo mang “liệt tổ liệt tông” ra để thề bồi nhằm trấn an dân mình thì những người có trách nhiệm nước nhà lại nhìn vấn đề một cách nhẹ nhàng và bình thản. Thực ra, phát biểu trên cũng chính là một tuyên bố mà cơ quan đại diện cho quyền lực cao nhất của 90 triệu dân Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc xây đảo trái phép hiện nay vốn “chẳng có gì mà ầm ĩ”.

Nhân đây, với tư cách một cử tri với đầy đủ quyền lợi hợp pháp của một công dân, tôi cũng tuyên bố quan điểm này của Quốc hội Việt Nam hoàn toàn đi ngược lại với ý chí và nguyện vọng của cá nhân tôi. Và tôi cũng tin là đại bộ phận người dân Việt Nam cũng đồng quan điểm này với mình. Xin đơn cử ra đây câu hỏi của cử tri Hoàng Xuân Dương (quận 3 Tp Hồ Chí Minh) đặt cho Đại biểu quốc hội Trương Tấn Sang trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 29/6/2015 như sau: “Hai năm qua Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền nước ta. Những nước ít liên quan hoặc không liên quan đã lên tiếng phản đối, còn ra hẳn Nghị quyết. Trong khi đó, Quốc hội Việt Nam là cơ quan đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của dân mà vẫn chần chừ. Tại sao như vậy?” [1]. Từ đây, riêng về chuyện biển Đông, tôi cũng cho rằng phát biểu của ông chủ tịch Quốc hội Việt Nam trong phiên bế mạc, ngày 26/9/2015 rằng “Kỳ họp thứ thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thành công, để lại niềm tin, ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, cử tri cả nước, đáp ứng kỳ vọng của cử tri....” là rất chủ quan và hoàn toàn không có cơ sở.

Bài học về tài “ăn nói”, thuật ứng xử trước công chúng của những chính khách thực thụ

Ở góc nhìn này, có thể nói phát ngôn của ông ngoại trưởng Trung Quốc một lần nữa cho thấy giới lãnh đạo ở Trung Quốc rất giỏi về khoản “ăn nói” nhằm trấn an và tạo niềm tin đối với dân chúng trong nước cũng như “ghi điểm” với dư luận quốc tế (ủng hộ Trung Quốc) liên quan đến những vấn đề quốc gia đại sự.

Trong cái nhìn so sánh, nếu phải kiểm kê lại tất cả các phát ngôn của các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt gian khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa nước nhà cách đây 1 năm sẽ thấy chỉ có duy nhất phát biểu của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (“không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông”) trong chuyến thăm Philippines năm 2014 là đáng để suy ngẫm, còn lại thì chưa thấy một phát ngôn của bất kỳ lãnh đạo nào thật sự có sức nặng, nhằm trấn an hay xoa dịu nỗi bất bình, tạo niềm tin đối với dân chúng. Quanh đi quẩn lại vẫn là những cách nói chung chung của người phát ngôn ở Bộ ngoại giao; hoặc là những cách nói và lời lẽ (đã được soạn sẵn và duyệt trước) của hầu hết các lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, đại loại như: “đây là vấn đề phức tạp”,“nhạy cảm”; “chúng ta phải bình tĩnh, khôn ngoan,  khéo léo trong đấu tranh”, “phải làm sao giữ cho được sự ổn định, giữ cho được cái đại cuộc lâu dài của đất nước”...

 Thật lòng mà nói, nếu chỉ quanh đi quẩn lại những cách nói và lời lẽ như trên thì ai không nói được; cần gì đến tầm vóc, trí tuệ của những chính khách, của các chính trị gia - những người đại diện cho bộ mặt một quốc gia trong thời đại “sức mạnh tri thức”?

Từ đây, không phải nói quá nhưng qua đây ít nhiều đã gián tiếp cho thấy cái mặt bằng về trình độ “quan trí” ở Trung Quốc có vẻ cao hơn ở Việt Nam dù rằng cả hai nước đều giống nhau về cơ chế, thể chế chính trị: chỉ có người trong Đảng mới được “cử” ra làm “quan”. Nói cách khác, nếu phải mang ra “cân, đo, đong, đếm”, dù có hơi “phũ” nhưng phải thừa nhận so với Trung Quốc thì các lãnh đạo Việt Nam nhìn chung đang thua họ một... “cái đầu” (trí tuệ, tầm nhìn, tri thức, mưu lược trong trị nước...). Có thể trong mắt chúng ta, các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là những kẻ hung hăng, ngang ngược, xảo ngôn... nhưng dù muốn dù không cũng phải thừa nhận họ là chính khách thực thụ, xứng đáng đại diện cho bộ mặt của quốc gia họ trên trường quốc tế hiện nay. Đây phải chăng cũng là một đáp án, một lời giải thích cho câu hỏi vì sao cả hai nước tuy cùng chung ý thức hệ và vô số những điểm tương đồng khác nhưng các lãnh đạo Trung Quốc đã đưa đất nước họ thoát nghèo và trở thành cường quốc còn Việt Nam thì ngược lại? Không những vậy còn bị họ bắt nạt và xem thường?

Tạm kết

Càng nghĩ, càng đau và càng buồn nếu biết rằng hiện nay không chỉ đang ráo riết thay đổi nguyên trạng các đảo đã chiếm đoạt của Việt Nam ở biển Đông mà hàng ngày, hàng giờ Trung Quốc còn tấn công, uy hiếp ngư dân ta ngay tại cính vùng biển, ngư trường truyền thống của mình bao đời nay. Không biết những người đang nắm quyền điều hành đất nước nghĩ gì về chuyện này, có đau xót không; có dám thẳng thắn “phê và tự phê” (vì đã không hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ dân mình) không? Và cũng không biết những người đang nắm quyền điều hành cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân còn muốn tập đoàn chính trị của ông Tập Cận Bình làm gì với đất nước và dân tộc này nữa thì mới thỏa mãn cái điều kiện về sự một“cần thiết” cho bản Nghị quyết thể hiện ý chí và nguyện vọng của 90 triệu dân Việt Nam ra đời?

Một bản nghị quyết nhằm lên án hành động “vừa ăn cướp vừa la làng” của họ thực chất cũng là một biện pháp đấu tranh ngoại giao trong hòa bình. Đặc biệt sẽ là tài liệu - cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể không những có sức nặng trong thời điểm hiện tại (giúp dư luận quốc tế hiểu rõ hơn về lập trường quan điểm của Việt Nam) mà còn có giá trị lịch sử để thế hệ con cháu sau này tiếp tục đấu tranh. Đây là điều không có gì phải bàn cãi và lo sợ cho cái “đại cuộc” bị phá vỡ cũng như không có cơ sở nào để suy diễn nếu bản nghị quyết ra đời sẽ kích động hận thù dân tộc, kích động chiến tranh. Nếu Đảng và Nhà nước đã nói và khẳng định mọi chuyện phải “dựa vào dân” thì không có lý do gì khi “giặc đã nhà” lại không nghe dân, không tin dân.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đã công khai nói rằng sẽ rất nhục nhã và có tội với “liệt tổ liệt tông” họ nếu như chủ quyền quốc gia bị mất (dù rằng chủ quyền ấy thực chất là kết quả từ việc ăn cướp mà có) vậy còn các lãnh đạo Việt Nam thì sao?

Câu hỏi này trước hết, có lẽ xin được gửi đến ông Tổng Bí Thư Ban chấp hành Trung ương ĐCS Việt Nam. Hi vọng ông sẽ có câu trả lời rõ ràng, thích đáng trước toàn thể quốc dân đồng bào nước Việt trước khi có chuyến công du sang tận Huê Kỳ. Bằng không thì dù ông có đi hay không đi thì chuyến công du này đối với dân chúng cũng chẳng mang lại hy vọng gì cho họ (ít ra và trước hết là với cá nhân người viết bài này). Bởi nói cho cùng nếu mình không tự cứu mình thì dẫu có gặp 100 “chú” Obama thì cũng chết với “ông bạn vàng” ngay cạnh nhà mà thôi.

CT, 30/6/2015

NTB


 

[1] Xem tại địa chỉ http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chu-tich-nuoc-da-dam-phan-nay-lua-ve-chu-quyen-bien-dong-3241049.html

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-6-15