Nghĩ từ phong trào “tụng ca” ông Đinh La Thăng hiện nay

Nguyễn Trọng Bình

 

1. Từ sau Tết nguyên đán đến nay, “đồng chí” Đinh La Thăng – tân bí thư Thành ủy TP HCM một lần nữa trở thành đề tài gây “bão”, gây “sốt” trên khắp các phương tiện truyền thông chính thống nước nhà; lấn át cả đề tài quen thuộc“tháng giêng là tháng ăn chơi” của cả dân tộc (nhất là mùa lễ hội “văn minh hay là dã man” ở các tỉnh thành miền Bắc). Thậm chí, theo bài viết đăng trên một tờ báo điện tử nọ thì chuyện về những em chân dài trong giới showbiz  - đề tài từ lâu đã trở thành “truyền thống” và thương hiệu của giới truyền thông nước nhà - cũng phải ngậm ngùi nhường lại ngôi quán quân (độ “hot”) cho đồng chí tân Bí thư:

“Ai đang “gây bão” trên truyền thông và xã hội? Xin thưa, đó không phải là “nữ hoàng giải trí” Hà Hồ với những xì căng đan tình ái ồn ào. Những ngày này, người được đông đảo công chúng quan tâm, được báo chí cập nhật từng phát ngôn, hành động chính là tân Bí thư Thành uỷ TP. HCM, ông Đinh La Thăng.”[1]

Thật sự không biết nên buồn hay nên vui với cách ví von rất... chân thành này. Một chính trị gia “vì nước, vì dân” được mang ra so sánh với cô nàng “chân dài tới nách” không vì ai khác ngoài chính bản thân mình! Than ôi, phải chăng đây là bằng chứng cụ thể và sống động nhất để những ai đang bi quan về xã hội hôm nay hãy bình tâm mà nghĩ lại: cho dù đất nước này có đang thật sự loạn chuẩn, suy đồi, xuống cấp về đạo đức, văn hóa đi nữa thì xin hãy cứ vững tin rằng vị thế của những “chính trị gia” nước nhà vẫn “trên cơ” các em chân dài trong giới showbiz!? Nghĩa là tất cả“vẫn còn trong tầm kiểm soát”?

2. Công tâm mà nói, những việc làm của ông Đinh La Thăng tính từ thời ông còn là Bộ trưởng Bộ GTVT ít nhiều đã cho thấy ông là người hiếm hoi trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao hiện nay “nói được làm được” chứ không hẳn chỉ biết mỗi chuyện “chém gió, thổi mây”. Những phát ngôn và việc làm của ông dù sao cũng đã ít nhiều đáp ứng được nỗi khát khao, mong mỏi của đại bộ phận dân chúng nước nhà về hình mẫu của người lãnh đạo “vì dân phục vụ” bấy lâu.

 Tuy vậy, cho đến tận hôm nay mà phong trào tụng ca ông Thăng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; đặc biệt là mọi phát ngôn của ông Thăng đều được các cơ quan truyền thông cắt ra, giật tít để tường thuật nóng mà thiếu sự phân tích thấu đáo đã vô tình làm lộ ra những mang lở loét chết người; có nguy cơ gây nên những phản ứng ngược, hiệu ứng ngược trong chiến dịch lăng xê và tuyên truyền của hệ thống chính quyền Nhà nước.

Dẫu biết rằng viết bài ngợi ca lãnh đạo cũng là một... nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan truyền thông, tuy vậy, qua chuyện này mới biết hiện nay quả là có nhiều cây bút rất có tài trong cái khoản “tụng ca” lãnh đạo cấp cao. Nhìn cách họ đặt vấn đề, họ viết và nịnh lãnh đạo bằng cách “đạp” người khác xuống mà thấy hổ thẹn cho những người cầm bút không có khả năng ấy. Giống như khi ông Đinh La Thăng làm việc với ông Chủ tịch huyện Củ Chi được cả đội ngũ viết lách tường thuật như sau:

- "Đồng chí đã gặp Tổng giám đốc Vinamilk chưa? Gọi điện ngay cho tôi nói chuyện. Có số điện thoại không? Gọi kiểm tra là biết ngay". Lãnh đạo huyện Củ Chi ấp úng vì không có số điện thoại Tổng giám đốc Vinamilk, ông Thăng nói: "Tôi kiểm tra thế là biết ngay. Chủ tịch huyện chưa gặp Tổng giám đốc Vinamilk thì làm sao biết được nguyên nhân bà con không bán được sữa. Sản lượng sữa của đàn bò Củ Chi thấm gì so với năng suất của Vinamilk? Phải gặp họ mới có phương thức giải quyết cho bà con được...", ông Thăng nói.[2]

Khôn quá hóa hèn. Một câu hỏi mang tính thách đố nhằm “bắt bí” cấp dưới và hoàn toàn thiếu kỹ năng của người quản trị nhưng không hiểu sao cả đội ngũ viết lách không nhận ra lại còn giật tít trong sự hân hoan, khoái trá?

Thử hỏi, có gì là sai trái hay kém cõi khi ông Chủ tịch huyện không có số điện thoại cá nhân của bà Mai Kiều Liên – người phụ nữ từng được một tạp chí nước ngoài bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ quyền lực nhất châu Á - đến ngay cấp dưới của bà rất nhiều người cũng không có được? Đó là chưa kể, cho dù ông Chủ tịch huyện có số điện thoại của bà Tổng giám đốc nữa nhưng nếu hôm ấy bà phải ra nước ngoài công tác (cương vị của bà thì đi nước ngoài như đi chợ) thì làm sao mà liên lạc được. Muốn gặp bà Tổng giám đốc một tập đoàn kinh tế lớn thì phải thông qua bộ phận thư ký của bà để hẹn và sắp lịch chứ? Mà bàn về chuyện quốc kế dân sinh quan trọng như thế chẳng lẽ qua điện thoại là giải quyết được hay sao?

Thật tội nghiệp cho ông chủ tịch huyện Củ Chi bị người ta làm cho mất mặt, mất uy tín vì cái chuyện vốn dĩ không có gì để mà ầm ĩ đã. Chẳng ai thèm quan tâm và thông cảm dù ông đã chân thành bộc bạch: “Tôi không bất ngờ khi Bí thư Đinh La Thăng hỏi như vậy và cũng không tâm tư gì. Bởi vì người tôi làm việc ở Vinamilk là các giám đốc phụ trách thu mua, còn chị Mai Kiều Liên - tổng giám đốc Vinamilk - thì tôi chưa liên hệ vì đã có sự phân công ở Vinamilk rồi.[3]

Từ đây, nhìn rộng ra phong trào “tụng ca” phải chăng đã và đang vô tình xổ toẹt “công đức” của người người tiền nhiệm ông Thăng vừa mới nghỉ hưu – ông Lê Thanh Hải; góp phần nhấn chìm luôn “đồng chí” Hoàng Trung Hải -  người cũng vừa được phân công nắm cương vị Bí thư cùng lúc với ông Thăng ở thủ đô Hà Nội. Đó là chưa kể tới mấy chục “đồng chí” đồng cấp khác của ông Thăng trên khắp các tỉnh thành trên cả nước. Các “đồng chí” này của ông Thăng đang làm gì sao không thấy báo giới nói với công chúng? Có “đồng chí” nào cảm thấy mình bị đối xử không công bằng không khi cũng làm được nhiều việc nhưng vì không muốn nhờ truyền thông lăng xê, đánh bóng tên tuổi nên dân chúng không ai biết? Hay tất cả các “đồng chí” có tự thấy xấu hổ về năng lực và tầm nhìn lãnh đạo của mình nếu so với ông Thăng thời gian qua?

Ở phương diện khác, phong trào “tụng ca” “đồng chí” Đinh La Thăng phải chăng cũng đã góp phần “giải huyền thoại” về chân dung của những người lãnh đạo thực sự “vì dân vì nước” trên đất nước này suốt mấy chục năm qua? Những chân dung mà tất cả buộc phải tôn thờ giống như thánh nhân chứ không phải người thường.

Hóa ra, lãnh đạo “vì dân vì nước” đôi khi chỉ cần làm vài động thái như ông Thăng mà thôi. Nghĩa là chỉ cần hiểu nhân dân muốn gì và xắn tay cùng làm với nhân dân thay vì ngồi trong phòng kín “ngâm” cứu hàng mấy nghìn trang tuyển tập triết học Mác-Lê rồi chế tác ra công trình lý luận với tên gọi “kinh tế thị trường định hướng XHCN”; hay ngồi “rút” mãi sợi dây kinh nghiệm của thời kỳ quá độ lê thê không biết khi nào mới hết; còn không thì ngồi rung đùi lấy làm sung sướng và tự hào về những “thành tựu to lớn” trong các bản báo cáo, nghị quyết mà bất chấp thực tiễn cuộc sống đã và đang diễn ra như thế nào...

Nhưng nếu như thế thì từ cổ chí kim có chính trị gia nào trên thế giới được dân chúng ủng hộ, ngợi ca mà chỉ “ngồi chơi xơi nước” đâu. Trọng dân, hiểu dân, lắng nghe dân, xắn tay vào làm với nhân dân đó là việc làm hết sức bình thường và đương nhiên của người lãnh đạo thì có gì mà phải “tụng ca”. Cả xã hội lên “cơn sốt” về một chuyện bình thường có phải là bất bình thường không? Tại sao đội ngũ truyền thông vẫn chưa chịu dừng lại? Sao không cho các “đồng chí” khác của ông Thăng một cơ hội được thể hiện năng lực phẩm chất của người lãnh đạo giống như ông?  

Cuối cùng, ông Thăng là người giàu nhiệt huyết, năng nổ, quyết liệt trong xử lý công việc là điều có thể cảm nhận được. Tuy vậy, có một chuyện cực kỳ quan trọng mà lẽ ra ông nên làm nhưng đến nay chưa thấy ông làm đó là gặp gỡ, đối thoại với nhân sĩ, trí thức ở TP HCM về các vấn đề liên quan đến xã hội dân sự hay cụ thể nhất là tình hình về biển Đông trong mối quan hệ với Trung Quốc hiện nay mà người dân không riêng gì ở TPHCM rất quan tâm. “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân” - ông Thăng có dám gặp gỡ và nhất là chân thành đối thoại với họ trên tinh thần dân chủ, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra...” không? Khi nào ông sẽ chủ động làm việc này để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa chính quyền nhà nước với nhân dân giống như cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trước đây đã từng làm (cũng với chức danh Bí thư Thành ủy TP HCM như ông Thăng bây giờ)?

***

3. Bình tĩnh quan sát sẽ thấy, giống như những năm trước, lợi dụng thời điểm dân ta nghỉ ngơi đón chào năm mới, chính quyền Trung quốc đã rầm rộ vận chuyển vũ khí, đạn dược tối tân ra những hòn đào mà trước đây chúng đã dùng vũ lực để chiếm đoạt của ta. Và trong khi truyền thông quốc tế lên tiếng, đồng bào ở nước ngoài xuống đường tuần hành phản đối những hành động ấy thì truyền thông nước nhà không hiểu sao lại rất biết “kiềm chế”. Quanh đi quẩn lại chỉ thấy mỗi chuyện về mùa lễ hội“văn minh hay dã man” cùng phong trào tụng ca dày đặc về ông Thăng. Có lẽ nào đây là cách mà chính quyền dùng để đánh lừa đại bộ phận dân chúng để họ xao lãng những vấn đề liên quan đến sự tồn vong của dân tộc? Thật lòng, bản thân tôi không muốn nghĩ như vậy nhưng nếu đúng như thế thì phải chăng thêm một lần nữa cái “bẫy ý thức hệ” của “người anh em” xảo quyệt đang ngày một siết trói chặt Việt Nam hơn nữa? Thử hỏi, tại sao mỗi khi tình hình trong nước có dấu hiệu bất ổn thì nhà cầm quyền Trung Quốc tìm cách chuyển sự chú ý của dân chúng họ ra bên ngoài (Biển Đông). Trong khi đó, biển đảo của cha ông đang hàng ngày hàng giờ bị xâm lấn thì lãnh dạo của ta lại không muốn dân chúng biết đến bằng cách giấu nhẹm hoặc đưa tin rất dè dặt. Hoặc không thì hướng dân chúng đến những vấn đề “tào lao mía lao”; “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”...?

Tại sao như vậy? Có lẽ nào “cái nước mình nó thế...!?”

CT, 8/3/2016

 

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 8-3-16