VIỆT NAM THỜI BÁO
Cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có liên đới trong vụ ‘bay giải
cứu’?
Nguyễn Nam
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trương dừng các chuyến bay thương mại đón
khách về Việt Nam, chỉ thực hiện chuyến bay giải cứu những người khó
khăn, thực sự cần thiết trong cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng
chống Covid-19, chiều 01-12-2020. Hành khách trên mọi chuyến bay về nước
đều phải cách ly 14 ngày.
Khi ấy, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,
giải thích những đường bay thương mại quốc tế mở lại từ giữa tháng
9-2020 sẽ dừng chiều đón khách về Việt Nam, chỉ duy trì chiều đưa khách
từ Việt Nam đi các nước. Việc này nhằm kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát
chặt chẽ việc cách ly người nhập cảnh.
Các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam ở nước ngoài vẫn được duy trì
với người hoàn cảnh khó khăn, tuổi cao sức yếu, thu nhập thấp... Chính
phủ sẽ xem xét mở lại đường bay thương mại từ nước ngoài vào dịp thích
hợp.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “phải bình
tĩnh và quyết liệt hơn”, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ hơn, nêu
cao trách nhiệm, cảnh giác ở mọi địa bàn. Các địa phương thực hiện thông
điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y
tế), trước hết là đeo khẩu trang và khử khuẩn.
“Tiếp tục thực hiện chiến lược từng mang lại hiệu quả trong hai đợt dịch
trước đây là kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt
để từ bên trong, chữa trị hiệu quả và có trách nhiệm”, Thủ tướng Nguyễn
Xuân Phúc nói.
Thời điểm diễn ra các phát biểu trên, không ai nghe thấy Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến chuyện phải mua bằng được vắc-xin phòng
Covid, mặc dù khi ấy ở Sài Gòn đã có một doanh nghiệp tư nhân ký kết mua
đến 31 triệu liều AstraZeneca.
Cũng trong cuộc họp chiều ngày 01-12-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
yêu cầu chính quyền TP.HCM cấp bách điều tra, truy vết, cách ly mọi F1,
F2 với các ca dương tính Covid-19 được phát hiện hồi hạ tuần tháng
11-2020, “không để vòng tuần hoàn thứ ba nguy hiểm ra cộng đồng. TP.HCM
không bị coi là ổ dịch mà là nơi lây nhiễm từ bên ngoài” – Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc nhận định.
Trở lại với vụ lệnh dừng bay thương mại.
Trích sổ tay phóng viên: Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao
chiều 3-12-2020, trả lời câu hỏi của phóng viên, đề nghị cho biết về
những thay đổi trong kế hoạch đưa công dân Việt Nam về nước sau khi Thủ
tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 1-12 chỉ đạo dừng các chuyến bay thương mại
đón khách về Việt Nam, chỉ thực hiện chuyến bay giải cứu những người khó
khăn, thực sự cần thiết, người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau, các cơ quan chức năng của
Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong thời gian
vừa qua, đã và đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong và
ngoài nước để tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước an
toàn và phù hợp với năng lực cách ly trong nước.
Cho đến nay, đã có hơn 240 chuyến bay được tổ chức, đưa hơn 66.000 công
dân Việt Nam từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước.
Trước những diễn biến mới nhất của dịch Covid-19 ở Việt Nam, theo ý kiến
chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp ngày 1-12, trong thời gian
tới, các cơ quan chức năng sẽ tạm thời chưa thực hiện các chuyến bay
thương mại đưa công dân về nước theo hình thức tự nguyện trả phí cách
ly, và sẽ xem xét các chuyến bay đưa công dân về nước đối với những
trường hợp thực sự khó khăn, khẩn thiết”.
Một tháng sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra yêu cầu thúc đẩy nối
lại các chuyến bay thương mại tới các nước sau dịp Tết Nguyên đán Tân
Sửu.
Như vậy với những rối rắm chuyện thủ tục của ‘bay giải cứu’ – ‘bay
thương mại’ từ các lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gián tiếp tạo
điều kiện cho nhũng nhiễu quyền lực, mà mới đây trước thềm xuân Nhâm
Dần, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can ở Cục Lãnh sự, Bộ
Ngoại giao. |