NGƯỜI VIỆT
Nam Hàn
‘xoay trục’
Hiếu Chân/Người Việt
Sau một cuộc tranh
cử kéo dài nhiều tháng – mà người dân Nam Hàn ví von là “cuộc tranh cử
Trò Chơi Con Mực,” vì giống như cuộc đua tranh một mất một còn trong bộ
phim điện ảnh nổi tiếng “Squid Game,” ông Yoon Suk-yeol, ứng cử viên của
đảng Quyền Lực Nhân Dân (People Power Party) đối lập, 61 tuổi, giành
chiến thắng sít sao và trở thành tổng thống đắc cử của Nam Hàn.
Ông sẽ tuyên thệ
nhậm chức vào ngày 10 Tháng Năm, thay thế tổng thống mãn nhiệm kỳ Moon
Jae-in của đảng Dân Chủ (Democratic Party) cầm quyền.
Thắng lợi của ông
Yoon Suk-yeol không chỉ đánh dấu sự thay đổi phương hướng chính trị của
đất nước Nam Hàn, từ khuynh hướng cấp tiến của đảng cầm quyền hiện nay
sang khuynh hướng bảo thủ mà còn báo hiệu những chuyển biến mới trong
đường lối đối ngoại của nước này, đặc biệt là quan hệ giữa Nam Hàn với
Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Bắc Hàn và vị thế của Nam Hàn trong khu
vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Từng là công tố
viên trong chính phủ của Tổng Thống Moon Jae-in trước khi từ chức để
phản đối tổng thống, ông Yoon không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực
quan hệ đối ngoại. Nhưng theo nhận định của Andre Yeo trên trang Foreign
Policy, ông Yoon đã quy tụ được nhiều chuyên gia kỳ cựu, học giả về
ngoại giao theo quan điểm bảo thủ giống ông.
Nhiều phân tích gia
đồng ý như vậy. Trong các cuộc vận động tranh cử, ông Yoon nhiều lần kêu
gọi Nam Hàn có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Hàn và liên minh chặt chẽ
hơn với Hoa Kỳ. Ông cũng kêu gọi giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, cứng rắn
hơn với Bắc Kinh trong lĩnh vực nhân quyền, đồng thời tìm cách cải thiện
quan hệ với Nhật.
Đường lối này có
phần trái ngược với con đường hòa hoãn mà Tổng Thống Moon theo đuổi
trong suốt năm năm qua. Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng Thống Moon đặt
quan hệ với Bắc Hàn thành ưu tiên chiến lược hàng đầu, che khuất cả nỗ
lực nâng cao vị thế của Nam Hàn trong khu vực và trên thế giới. Tổng
Thống Moon đã ba lần họp thượng đỉnh ông Kim Jong Un, chủ tịch Bắc Hàn,
cố gắng nối lại đối thoại và tìm kiếm hòa bình với Bắc Hàn, đã đứng ra
làm trung gian kết nối các cuộc đàm phán giữa ông Kim Jong Un và tổng
thống Hoa Kỳ khi đó là ông Donald Trump. Nhưng những nỗ lực của Tổng
Thống Moon đều thất bại; Bắc Hàn vẫn đẩy mạnh chương trình chế tạo vũ
khí nguyên tử và đối thoại Mỹ-Bắc Hàn nhanh chóng sụp đổ do cả hai bên
đều không nhân nhượng những yêu sách cốt lõi của mình.
Tham vọng một bán
đảo Triều Tiên không có vũ khí nguyên tử đã trở thành ảo vọng. Ý tưởng
ký kết một hiệp định hòa bình chính thức giữa hai miền Triều Tiên thay
cho thỏa thuận đình chiến năm 1953 được ông Moon đề ra vào cuối nhiệm kỳ
cũng đã không thực hiện được; trong khi sự thù địch giữa hai bên ngày
càng tăng và Bắc Hàn liên tục thử nghiệm vũ khí, mới nhất là vụ phóng
hai hỏa tiễn mà Hoa Kỳ và Nam Hàn cho là các bộ phận của hỏa tiễn đạn
đạo tầm xa ngay trước ngày người dân Nam Hàn đi bầu cử tổng thống.
Khi tranh cử, ông
Yoon thậm chí kêu gọi duy trì các biện pháp cấm vận kinh tế của Liên
Hiệp Quốc cho đến khi nào Bắc Hàn đã hoàn toàn từ bỏ vũ khí nguyên tử –
một lập trường tương thích với quan điểm của Hoa Kỳ hơn là với chính
quyền Nam Hàn của Tổng Thống Moon và là điều mà Bắc Hàn cực lực phản
đối. Ông Yoon cũng kêu gọi gia tăng các cuộc tập trận chung Mỹ-Nam Hàn –
hoạt động quân sự mà Tổng Thống Moon đã cắt giảm trong thời gian ông cầm
quyền vì không muốn tạo duyên cớ để Bình Nhưỡng gia tăng gây hấn bằng
các vụ bắn thử hỏa tiễn và vũ khí nguyên tử.
“Hòa bình là vô
nghĩa trừ khi nó được sức mạnh hậu thuẫn. Chỉ có thể tránh được chiến
tranh khi chúng ta có khả năng thực hiện tấn công phủ đầu và thể hiện ý
muốn sử dụng sức mạnh,” ông Yoon nói khi vận động tranh cử.
Một số quan sát
viên nhận định, Tổng Thống Đắc Cử Yoon Suk-jeol có thể sẽ đẩy Nam Hàn
vào cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử nếu không có hy vọng Bắc Hàn từ bỏ
chương trình vũ khí của họ, và như vậy triển vọng phi nguyên tử hóa bán
đảo Triều Tiên sẽ mãi chỉ là giấc mơ xa vời. Chính phủ của ông Yoon được
biết sẽ tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho Bắc Hàn và tìm cơ hội
nối lại ngoại giao và đối thoại, nhưng với quyết tâm theo đuổi vũ khí
nguyên tử của Bình Nhưỡng, mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên dự kiến
sẽ tiếp tục băng giá và thù địch một thời gian dài nữa.
Trong quan hệ với
Hoa Kỳ và Trung Quốc, chính phủ Nam Hàn của Tổng Thống Moon Jae-in chọn
chính sách đu dây, cân bằng giữa hai cường quốc. Hoa Kỳ là đối tác hàng
đầu về an ninh của Nam Hàn trong khi Trung Quốc là thị trường đầu tư lớn
nhất của các công ty Nam Hàn, là nước nhập cảng nhiều sản phẩm của Nam
Hàn, nhất là sản phẩm công nghệ cao. Chính sách này được giới nghiên cứu
gọi là “sự mơ hồ chiến lược,” trong đó Nam Hàn không tỏ rõ sẽ đứng về
phía nào. Seoul cho đến nay cũng lảng tránh các liên minh không chính
thức để không bị coi là đã về phe chống Trung Quốc.
Là người có khuynh
hướng bảo thủ, ông Yoon cho biết ông sẽ thay thế “sự mơ hồ chiến lược”
của chính quyền Moon bằng “sự rõ ràng chiến lược,” theo đó Seoul sẽ đứng
hẳn về phía Washington. Ông gọi cuộc cạnh tranh giữa hai đại cường
Mỹ-Trung Quốc “là cuộc ganh đua giữa chủ nghĩa tự do và chế độ chuyên
chế” – một tư tưởng rất giống với quan điểm của Tổng Thống Hoa Kỳ Joe
Biden.
Biểu hiện rõ nhất
của sự “xoay trục” trong chính sách của Nam Hàn với Hoa Kỳ và Trung Quốc
sắp tới là việc ông Yoon đề nghị Nam Hàn mua thêm một hệ thống phòng thủ
hỏa tiễn tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) từ Mỹ để đối phó với Bắc Hàn,
bất chấp rủi ro rằng hành động này có thể khiến Trung Quốc, đối tác
thương mại lớn nhất của Nam Hàn, tung ra đòn trả đũa kinh tế. Cách đây
năm năm, Bắc Kinh đã phản ứng rất mạnh khi Nam Hàn lắp đặt hệ thống
THAAD đầu tiên gần Seoul vì Trung Quốc lo ngại hệ thống radar cực mạnh
của THAAD có thể phát hiện mọi chuyển động của quân đội Trung Quốc.
Một thách thức về
đối ngoại của Tổng Thống Đắc Cử Yoon là liệu ông có làm ấm lại được mối
quan hệ lạnh nhạt giữa Nhật và Nam Hàn do những tổn thương từ thời quân
phiệt Nhật chiếm đóng Triều Triên trong Đệ Nhị Thế Chiến hay không.
Tại cuộc họp báo
sau khi đắc cử hôm Thứ Năm, 10 Tháng Ba, ông Yoon nói ông muốn thấy Nhật
và Nam Hàn nhìn về các cơ hội tương lai hơn là bám víu vào quá khứ và
quan điểm đó của ông đã nhận được sự đồng cảm của ông Fumio Kishida, thủ
tướng Nhật. Ông Kishida đã chúc mừng chiến thắng của Tổng Thống Đắc Cử
Yoon, đề nghị một “mối quan hệ Nhật-Hàn lành mạnh” mà ông coi là “tối
cần thiết.”
Chính quyền Tổng
Thống Biden nhiều lần nhấn mạnh Mỹ, Nhật và Nam Hàn phải làm việc chặt
chẽ với nhau để cùng kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc, nhưng hai
đồng minh Châu Á này vẫn đang vướng vào một cuộc tranh chấp về những vấn
đề lịch sử mà chỉ có hy vọng giải quyết khi lãnh đạo hai nước có quyết
tâm gác lại quá khứ.
Rõ ràng, Tổng Thống
Đắc Cử Yoon Suk-jeol có thể mang lại một chuyển biến mới về đường lối
đối ngoại của Nam Hàn, theo hướng phù hợp hơn với chiến lược an ninh Ấn
Độ Dương-Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ đề ra. Đây là một cuộc “xoay trục”
thật sự mà nếu thành công có thể làm thay đổi đáng kể cán cân quyền lực
ở Đông Á, khiến Trung Quốc phải nghĩ lại chiến lược mở rộng ảnh hưởng,
thâu tóm Đài Loan hoặc gây hấn ở Biển Đông. Gió đổi hướng ở Nam Hàn hy
vọng sẽ mang lại lợi ích cho các nước nhỏ trong khu vực.
Trở ngại lớn cho
các kế hoạch đối ngoại của ông Yoon là đảng Dân Chủ đối thủ hiện vẫn
chiếm vị thế đa số trong Quốc Hội Nam Hàn và hoàn toàn có thể cản trở
các chương trình hành động của tổng thống, ít ra là trong một vài năm
đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông cũng còn phải ưu tiên nguồn lực
giải quyết các vấn đề dân sinh đang rất bức bách của Nam Hàn như kiểm
soát đại dịch COVID-19 đang bùng phát với hơn 300,000 ca nhiễm mỗi ngày,
giải quyết tình trạng khan hiếm nhà ở và giá nhà cao chót vót gây bất
mãn trong cư dân đô thị, tình trạng thiếu việc làm rất trầm trọng trong
giới trẻ.
Cuộc thay thế ông
chủ Nhà Xanh (Blue House) từ một tổng thống Dân Chủ có xu hướng cấp tiến
sang một tổng thống có xu hướng bảo thủ đang làm xã hội Nam Hàn chia rẽ
sâu sắc; ông Yoon thắng cử chỉ với chênh lệch 0.8% số phiếu bầu. Chưa rõ ông Yoon sẽ thành công ở mức độ nào trong việc thực thi chương trình hành động đối ngoại mang tính xoay trục của mình. Nhưng người ta hy vọng sau năm năm cầm quyền ông Yoon có thể lập ra nền tảng mới cho quan hệ đối ngoại của Nam Hàn mà những người kế vị ông – dù bảo thủ hay cấp tiến – khó mà đảo ngược được. Theo ý nghĩa đó, cuộc thay đổi nhà lãnh đạo ở Nam Hàn đang thổi một luồng gió mới vào cuộc cạnh tranh địa chính trị trong khu vực Châu Á theo hướng có lợi cho các chế độ dân chủ tự do và tiến bộ. |