Người Việt
Nguyễn Phú Trọng ‘Nam tiến đốt lò’ và tình cảnh ‘anh Ba’, ‘anh Hai’
Phạm Chí Dũng
Từ Nguyễn Hữu
Tín đến Nguyễn Thành Tài
Một sự trùng hợp
có phần kỳ lạ đã xảy ra trong chiến dịch ‘đốt lò’ và giai đoạn 3 ‘Nam
tiến’ của Nguyễn Phú Trọng. Ngày 8 tháng Mười Hai năm 2018, thêm một ‘đệ
ruột’ của ‘bố già’ Lê Thanh Hải là cựu phó chủ tịch thường trực TP.HCM
Nguyễn Thành Tài bị khởi tố và tống giam vì tội danh mà về danh nghĩa là
‘vi phạm quản lý đất đai,’ nhưng thực chất rất có thể Tài đã ‘ăn bẩn’
trong ít nhất việc duyệt bán một khu đất vàng cho doanh nghiệp mà không
qua đấu giá.
Đúng một năm
trước, cũng vào ngày 8 Tháng Mười Hai, là Đinh La Thăng – quan chức vừa
bị mất chức ủy viên bộ chính trị nhưng vẫn còn ghế ủy viên trung ương –
đã phải tra tay vào còng mà không thể đi họp lớp cũ ở Ba Vì trong một
buổi sáng đẹp trời.
Nếu ‘căn’ theo
số mệnh lên voi xuống chó của Đinh La Thăng, Nguyễn Thành Tài và cái
ngày 8 Tháng Mười Hai tai nghiệt đó sẽ không thể tránh được triển vọng
bị truy tố và phải nhận một bản án, nếu không đến 31 năm tù giam như
Thăng, thì chí ít cũng phải một phần ba con số ấy.
Tính đến nay,
Nguyễn Thành Tài là cái tên thứ hai sau một quan chức đồng cấp khác –
cựu phó chủ tịch TP.HCM Nguyễn Hữu Tín – mà đã khiến ‘Anh Hai Nhựt’ (Lê
Thanh Hải) mất đứt hai ‘đệ ruột’.
Ngày 19/11/2018,
Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã tống đạt quyết
định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Hữu Tín
về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây
thất thoát, lãng phí.
Trước đó vào
ngày 18/9/2018, ông Tín đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án
hình sự, nhưng chưa bị bắt mà ‘tại ngoại hầu tra’.
Như vậy, Nguyễn
Hữu Tín đã bị khởi tố thêm tội danh – một tín hiệu rất quan trọng cho
thấy vụ án của ông ta và những quan chức đồng phạm không chìm xuồng mà
sẽ mở rộng và phát triển với khung án tù giam có thể tương đương với mức
án tù ban đầu của Vũ ‘Nhôm’ là khoảng một chục năm.
Từ khi Lê Thanh
Hải còn tại vị như một ‘bố già’ ở Sài Gòn và kể cả sau khi ‘Anh Hai’ mất
chức bí thư thành ủy TP.HCM vào cuối năm 2015, Nguyễn Hữu Tín được rất
nhiều dư luận xem là ‘đệ ruột’ của ông Hải. Tuy không được đánh giá có
tài sản cá nhân ‘mập’ như Lê Thanh Hải, nhưng Nguyễn Hữu Tín cũng được
xem là một trong những quan chức giàu có đến độ có thể chẳng nhớ nổi nhà
đất và kim ngân của mình tích góp hay vơ vét được từ những phi vụ nào.
Một dấu hỏi lớn
bật ra. Vì sao đã bị khởi tố từ ngày 18/9 nhưng phải đến hai tháng sau
Nguyễn Hữu Tín mới bị bắt, trong khi lẽ ra một quan chức cao cấp ‘ăn
bẩn’ và ‘ăn nhiều’ như Tín đã phải tra tay vào còng từ lâu?
Dấu hỏi tương tự
có thể khớp vào trường hợp Nguyễn Thành Tài. Bị Thanh tra chính phủ kết
luận về hành vi sai phạm liên quan đến khu đất vàng từ giữa năm 2018,
nhưng vì sao cho đến nay Tài mới chính thức bị công an bắt?
‘Anh Ba’
Không biết vô
tình hay hữu ý, hai vụ Bộ Công an bắt Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài
lại xảy ra chỉ ít ngày sau cái chết đột ngột và đầy nghi vấn của chủ
tịch nước Trần Đại Quang.
Bằng chứng rõ
nhất để củng cố cho giả thiết ‘biến động quyền lực và hồi tố thời hậu
Quang’ là vụ Trần Bắc Hà đã bị bắt tại Campuchia.
Cho tới nay,
‘Anh Ba X’ Nguyễn Tấn Dũng đã bị mất hai ‘tướng’ rất đắc lực là Trầm Bê
và Trần Bắc Hà.
So với Trầm Bê,
Trần Bắc Hà có ‘giá’ hơn, bởi nếu Trầm Bê chỉ là một đại gia ngân hàng
và mang bản tính khá hiền khi chịu bỏ khá nhiều tiền xây chùa chiền và
làm công đức, thì Trần Bắc Hà lại là một tay tài phiệt lưu manh theo
đúng nghĩa, thao túng giới ngân hàng và doanh nghiệp theo dạng côn đồ,
thậm chí Hà còn ngông cuồng đến mức dám cho tay chân ‘thỉnh,’ mà thực
chất là hành vi ăn cướp, một tượng phật 500 năm tuổi trong một ngôi chùa
ở Lào để mang về Việt Nam.
Không chỉ có
thế, Trần Bắc Hà còn thao túng cả chính giới Việt Nam, qua mặt nhiều
quan chức cấp ủy viên trung ương và cả ủy viên bộ chính trị, để Hà được
xem là ‘dưới một người (Nguyễn Tấn Dũng) nhưng trên vạn người’. Trần Bắc
Hà được cho là tay hòm chìa khóa của gia đình Nguyễn Tấn Dũng.
Cộng với những
đồn đoán về mối quan hệ được xem là ‘hữu cơ’ giữa Trần Đại Quang và
Nguyễn Tấn Dũng, vụ bắt Trần Bắc Hà đã chuyển một thông điệp lớn đến
trước cửa nhà ‘Anh Ba X’: cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không hề an
toàn. Hơi nóng hầm hập của ‘lò’ cứ ngày lại ngày càng làm đinh ốc cửa
nhà ông Dũng muốn bật tung ra.
Vào năm 2017 và
lan sang cả năm 2018, có hai cái tên trong gia đình Nguyễn Tấn Dũng đã
bị ‘điểm danh’ là Nguyễn Thanh Phượng (Ngân hàng Bản Việt) và Nguyễn
Thanh Nghị (Bí thư tỉnh Kiên Giang). Chỉ chưa biết là đến khi nào hai
quan chức này bị ‘lên thớt’.
Vào Tháng Mười
Hai năm 2018, cùng với tin ngoài lề về vụ hai vợ chồng Tất Thành Cang –
Phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM và là ‘đệ ruột’ giá trị nhất được
Lê Thanh Hải cài cắm trong cơ quan này – kéo nhau ra một tòa án địa
phương để ly hôn, người ta cũng chứng kiến một động tác được xem là ‘tẩu
tán tài sản’ khi Công ty chứng khoán Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng
thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty Savimex.
‘Anh Hai’
Khá tương đồng
với tình cảnh của Nguyễn Tấn Dũng, Lê Thanh Hải đã mất hai thủ hạ thân
tín là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài.
Với việc những
đàn em của Lê Thanh Hải là Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài bị bắt,
Tất Thành Cang có thể bị bắt, số phận Lê Thanh Hải “gia tộc Lê Thanh
Hải” đang lộ ra những dấu hiệu khá rõ về sự sụp đổ trong một ngày không
còn xa nữa, để cá nhân Lê Thanh Hải gần như chắc chắn phải được kết thúc
như một công đoạn đầu tiên để dẫn tới cửa nhà Nguyễn Tấn Dũng.
Chưa kể hàng
loạt thân nhân của Lê Thanh Hải bị ‘điểm danh’.
Kẻ đầu tiên
trong ‘gia tộc Lê Thanh Hải’ bị đảng ‘làm lông’ là Lê Tấn Hùng – Tổng
giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) và là em ruột
của Lê Thanh Hải. Vào tháng Ba năm 2018, Thanh tra TP.HCM bất chợt công
bố kết luận thanh tra về việc Lê Tấn Hùng đã “chi khống 13,3 tỉ đồng” –
một dấu hiệu hầu như chắc chắn là nếu không ‘biết điều’, Lê Tấn Hùng sẽ
đi thẳng vào nhà giam.
Chỉ 5 ngày sau
vụ Lê Tấn Hùng, đến lượt con trai cựu bí thư Lê Thanh Hải là ông Lê
Trương Hải Hiếu – Thành ủy viên, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân quận 12 – bị Ủy ban Kiểm tra thành ủy TP.HCM công khai thi hành
kỷ luật. Theo đó, ông Lê Trương Hải Hiếu “đã vi phạm trong việc có quan
hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ
chức”. Ban Thường vụ Quận ủy Quận 12 đã quyết định kỷ luật ông Lê Trương
Hải Hiếu bằng hình thức khiển trách.
Ngày 20 tháng
Mười Một năm 2018, ‘báo đảng’ Thanh Niên đăng bài về Học viện Cán bộ
TP.HCM và Trương Thị Hiền như một cách ‘tôn vinh’ Ngày nhà giáo Việt
Nam. “Có dấu hiệu ‘thông đồng’ gói thầu hàng trăm tỉ tại Học viện Cán bộ
TP.HCM” – báo Thanh Niên giật tít như thế và còn chú thích rằng bà
Trương Thị Hiền là phu nhân của cựu ủy viên bộ chính trị, cựu bí thư
thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải. Tuy nhiên, sau đó đoạn chú thích này đã
biến mất, còn tựa đề được đổi thành “Hủy bỏ kết quả đấu thầu tại Học
viện Cán bộ TP.HCM”.
Với trường hợp
Trương Thị Hiền, cho đến nay đảng đã đụng chạm đến hầu hết những người
thân của Lê Thanh Hải, thít chặt hơn nữa vòng vây đối với cựu quan chức
cao cấp có tục danh ‘Hải Heo’.
Lê Thanh Hải
từng được một số dư luận đồn đoán là “một trong những quan chức cộng sản
giàu nhất Việt Nam”. Đặc biệt là mối quan hệ “đặc biệt” giữa ông Hải và
bà Trương Mỹ Lan của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Lê Thanh Hải
cũng từ lâu bị xem là ‘tội phạm’ ghê gớm trong vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm mà
đã đẩy hàng chục ngàn gia đình ở khu vực này vào cảnh bị cướp đất, màn
trời chiếu đất và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, hàng chục
năm trời rồng rắn kéo nhau đi khiếu nại tố cáo từ Nam chí Bắc.
‘Kỷ niệm’ ngày 8
Tháng Mười Hai?
Vào thời gian
này và đặc biệt sau cái chết của Trần Đại Quang, những nước cờ tuần tự
và có vẻ khá chắc chắn của Nguyễn Phú Trọng đang áp sát cựu bí thư Lê
Thanh Hải, tương tự những nước đi của ông Trọng đối với “gia tộc Nguyễn
Tấn Dũng”.
Chỉ sau sự kiện
‘chủ tịch nước Trần Đại Quang chẳng may qua đời dù đã được tận tình cứu
chữa,’ hàng loạt vụ việc mà trước đó tưởng như bế tắc và chìm xuồng như
vụ Nguyễn Hữu Tín – Phó chủ tịch TP.HCM, vụ ‘thế lực và đường dây nào
bảo kê cho Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn ra nước ngoài,’ và mới đây nhất là
vụ Trần Bắc Hà, mới được hồi tố. Nguyễn Hữu Tín chính thức bị bắt rồi
người đầu tiên trong ‘đường dây Trịnh Xuân Thanh’ là Đường Hùng Cường
cũng vừa bị bắt, còn bây giờ là Trần Bắc Hà và Nguyễn Thành Tài.
Đã rất rõ là bàn
cờ giai đoạn 3 của ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng đang đánh thẳng vào Sài
Gòn, trước khi tiến tới một số tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Giai đoạn này
có thể sâu hiểm nhất, sắt máu nhất, kể cả tàn nhẫn nhất kể từ đầu chiến
dịch ‘đốt lò’. Nhiều quan chức Nam Bộ sẽ chính thức vào ‘lò’ và làm ‘bạn
chăn kiến’ với Đinh La Thăng. Không loại trừ khả năng chính Nguyễn Phú Trọng, một thâm nho Bắc Hà, đã chọn ngày 8 Tháng Mười Hai năm 2018 cho bắt Nguyễn Thành Tài để ‘kỷ niệm’ ngày bắt Đinh La Thăng và như một hàm ý: lịch sử lặp lại vụ Đinh La Thăng và mở màn cho một giai đoạn ‘đốt lò’ nóng bỏng mới. |