Nga sẽ không chấp nhận để Trung Quốc 'thao túng' ở Biển Đông mặc dù có thể sẽ vẫn tiếp tục tham gia 'diễn tập hải quân' chung với Trung Quốc ở khu vực Biển Hoa Đông gần Nhật Bản, theo một nhà quan sát từ Việt Nam.
Nga có thể đã bất ngờ về sự kiện Trung Quốc 'đưa giàn khoan' vào khu vực Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và động thái ngay trước cuộc 'tập dượt' Nga - Trung có thể hoàn toàn nằm trong một toan tính từ trước của Trung Quốc, theo TSKH Lương Văn Kế từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trao đổi với BBC hôm 08/5/2014 từ Hà Nội, nhà nghiên cứu khu vực học nói:
"Nước Nga có thể cũng hơi bất ngờ trước quyết định này của Trung Quốc. Nhưng dự án của họ, tôi tin là như vậy, đã được sắp đặt trước rồi, cho nên Nga có lẽ vẫn tham gia, nhưng quy mô, tính chất và mục tiêu của nó có lẽ sẽ có những điều chỉnh.
"Với toàn bộ tầm nhìn chiến lược toàn cầu của Putin cũng như của nước Nga, tôi nghĩ rằng họ cũng hoàn toàn có khả năng nhận biết giới hạn của nước Nga, can dự hay là hợp tác với Trung Quốc."
Theo nhà nghiên cứu, có thể Trung Quốc đã đặt Nga vào một thế khó xử tại thời điểm được cho là 'nhạy cảm' với vụ giàn khoan đang nóng lên hiện nay.
Tuy nhiên, điều này cũng đặt Nga vào việc cân nhắc lập trường với Việt Nam như một 'đối tác chiến lược' hay không.
Ông Lương Văn Kế nói:
"Về mặt bố cục chiến lược của nước Nga, người ta rất muốn trở lại thời kỳ hoàng kim thời Liên Xô, rất muốn tìm các căn cứ quân sự nước ngoài mà họ đã công khai bày tỏ cái ý định muốn trở lại Đông Nam Á, muốn trở lại Việt Nam.
"Chuyện chấp nhận để Trung Quốc để thao túng ở Biển Đông rồi đe dọa Việt Nam, trước hết là một đồng minh chiến lược của nước Nga ở Đông Nam Á, chắc chắn Nga sẽ không thể chấp nhận."
'Tùy thuộc vào Việt Nam'
Hôm thứ Năm, cựu Trưởng ban Biên giới của Chính phủ Việt Nam nói với BBC Trung Quốc sẽ chưa rút ngay giàn khoan HD 981 ra khỏi khu vực tranh chấp tại Hoàng Sa.
Theo cựu quan chức này, việc rút hay không của giàn khoan này, hoặc thậm chí có các động thái mang tính 'lấn tới nữa' với quy mô 'rộng hơn nữa' phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà trong đó có thái độ của chính nhà cầm quyền Việt Nam.
"Họ làm đến mức độ nào và bao giờ hoàn thành cái yêu sách vô lý của họ thì nó còn phụ thuộc vào chúng tôi, tức là những người Việt Nam có các quyền và lợi ích chính đáng của mình tại khu vực này, tại các vùng biển và thềm lục địa của mình," Tiến sỹ Trần Công Trục nói với BBC.
"Rồi phụ thuộc vào các khu vực có liên quan đến lợi ích trực tiếp và gián tiếp, rồi phụ thuộc vào tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế.
"Cần phải thức tỉnh tất cả những lực lượng đó để cùng chung sức trong cuộc đấu tranh để mà ngăn cản được bước tiến nguy hiểm của Trung Quốc."
'Nói khác với làm'
Hôm 08/5, một Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc, ông Trình Quốc Bình, đã lên tiếng về sự kiện giàn khoan của Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa và tuyên bố 'Trung Quốc không có đụng độ với Việt Nam', điều được cho là trái ngược với cáo buộc của chính quyền Việt Nam.
Bình luận về phát ngôn này của ông Trình Quốc Bình, từ Hà Nội, nhà nghiên cứu khu vực học Lương Văn Kế nói:
"Chuyện ông Thứ trưởng Ngoại giao của Trung Quốc biện bạch cho sự kiện không phải là Trung Quốc gây hấn mà do các lực lượng vũ trang của Việt Nam, đặc biệt là cảnh sát biển và hải quân Việt Nam, thì luận điệu ấy theo cách nhìn của tôi không ai ngạc nhiên cả.
"Bởi vì người Trung Quốc từ trước đến nay nói và làm rất khác nhau, cho nên họ có thể làm thế này và sẽ nói thế khác, và nói thế này và làm thế khác.
"Họ phủ định chuyện Trung Quốc đã chủ động tấn công các tàu hải giám hay tàu hải cảnh của Việt Nam, kiểm ngư của Việt Nam, thì tôi nghĩ đó là lý sự bình thường của người Trung Quốc."