BBC 2-10-13Ngân sách Chính phủ VN kiệt quệ?Giới chuyên gia hiện đang lo ngại về tình hình tài chính của Chính phủ Việt Nam sau một loạt động thái như đề xuất giảm lương tối thiểu trong khu vực Nhà nước và nới trần bội chi ngân sách. Theo con số thống kê được trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam bội chi hơn 140.000 tỷ đồng, tức khoảng 7 tỷ Mỹ kim. Thu không đủ chiTại phiên họp nội các hôm 29/9, Chính phủ nhất trí sẽ đề xuất với Quốc hội cho phép nới trần bội chi ngân sách năm 2013 từ 4,8% lên 5,3%, báo mạng VnExpress tường thuật, do nguồn thu ngân sách đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 100.000 đồng mức lương tối thiểu của người làm ăn lương trong khu vực Nhà nước nhưng đã bị Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bác. Việc Bộ Tài chính có động thái nhạy cảm là đụng đến lương của cán bộ công chức vốn đã rất thấp so với mức sống thực tế là chỉ dấu cho thấy ngân khố quốc gia đang trong tình trạng ngặt nghèo. Theo số liệu của Bộ Tài chính được công bố thì đến đã giữa tháng Chín mà mới thu ngân sách được 62,5% dự toán cho cả năm 2013 và dự báo năm nay thu ngân sách sẽ không đạt chỉ tiêu – chỉ vào khoảng chưa đến 40 tỷ Mỹ kim. Nguyên nhân được chỉ ra là do tình hình kinh doanh khó khăn nên nhiều nguồn thu như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu... đều giảm. Kinh tế gia Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn của thủ tướng, được VnExpress dẫn lời nói bà hoan nghênh đề xuất giảm lương khu vực Nhà nước của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Theo bà Lan thì bộ máy Nhà nước hoạt động kém hiệu quả thì phải chịu giảm lương để chịu trách nhiệm cho tình hình kinh tế yếu kém như hiện nay. Bà cũng so sánh với khu vực tư nhân là ‘khi không làm ăn được, từ giám đốc tới nhân viên đều phải giảm lương’. BBC đã đem vấn đề này trao đổi với kinh tế gia Hà Huy Thành, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững, thì ông Thành không tán đồng với đề xuất trên. ‘Không đến nỗi nào’“Bộ Tài chính tự nhiên đưa ra đề nghị quái quỷ đó,” ông nói, “Nền kinh tế Việt Nam đã đến nỗi nào đâu.” Ông Thành bày tỏ nghi ngờ về những lời than vãn khó khăn của Bộ Tài chính do ‘những số liệu về chi tiêu ở Việt Nam không được công khai lắm’. “Trong vài ba năm trở lại đây cách hoạt động như đầu tư công, phát triển dịch vụ công cộng như bệnh viện, trường học đặc biệt là giao thông vận tải đều bình thường,” ông giải thích. “Nguồn thu có thể giảm nhưng không thể giảm đến mức kiệt quệ tài chính được,” ông nói thêm, “Trong nhiều trường hợp các ngành xuất khẩu có giảm nhưng không giảm đến mức như thế.” Về bội chi ngân sách, ông Thành nói cũng là bình thường vì ‘năm nào cũng thế’. Kinh tế gia Hà Huy Thành đánh giá Bộ Tài chính 'nóng vội' khi đề xuất giảm lương để giải quyết khó khăn ngân sách. Khi được hỏi về những biện pháp để cân bằng ngân sách, ông Thành đề xuất ‘có thể tăng thuế lên một số lĩnh vực còn làm ăn được’ và ‘tung ra trái phiếu chính phủ để người dân đóng góp’. “Theo tôi biết trong dân cư còn rất nhiều tiền. Trong những năm trước đây làm được người ta có tích trữ vàng, tiền gửi ngân hàng nhiều đến mức ngân hàng phải giảm lãi suất đi,” ông giải thích và từ vài năm nay chính phủ không phát hành trái phiếu. “Người dân sẵn sàng mua trái phiếu nếu như thật sự chính phủ có những khó khăn như thế,” ông nói thêm. Ông cũng cho biết ‘một số nhà đầu tư quốc tế’ đang chờ đón đợt chào bán trái phiếu ra quốc tế của chính phủ vì ‘có một số lĩnh vực họ nhìn thấy tương lai phát triển’. “Có lẽ Bộ Tài chính hơi nóng vội trong câu chuyện này,” ông nói
|