RFA 20-6-1590 năm Ngày Nhà báo Việt Nam
Mặc Lâm, biên tập
viên RFA
Chiếc dù mang tên “nhạy cảm”Ngày Báo chí Việt Nam năm nay được cho là kỷ niệm 90 năm khi tờ báo của chủ tịch Hồ Chí Minh xuất bản tại Quảng Châu vào năm 1925. Giới làm báo Việt Nam nói gì về ngày này khi mà quyền phát biểu trung thực của họ đã bị khống chế từ nhiều chục năm qua dưới chiếc dù mang tên “nhạy cảm”? Báo chí Việt Nam cũng tương tự với các nước thuộc khối Cộng sản trước khi sụp đổ, được định hướng theo chính sách nhất định của nhà nước và bất cứ tờ báo nào cũng phải tuân theo quy luật này nếu muốn tồn tại. Những định hướng do Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo xuống địa phương đã làm nhiều tờ báo không thể viết lên sự thật đang xảy ra tại địa phương tờ báo cũng như các trăn trở của xã hội về các diễn biến tiêu cực trong chính quyền đi ngược lại với quyền lợi hay nguyện vọng người dân. Tờ báo bị định hướng như con ngựa thồ mang hai miếng che mắt chỉ chạy hay dừng theo giây cương của mã phu và do đó sự trung thực của tờ báo bị triệt tiêu tới mức thấp nhất. Mặc dù ngay khi ngồi tại một ngôi trường báo chí, sinh viên được dạy rằng thiên chức cao nhất của một nhà báo là sự trung thực nhưng khi trình diện để nhận việc tại bất cứ tòa soạn của một tờ báo nào thì người sinh viên ấy hiểu ra rằng sự trung thực là con dao vô hình sẵn sàng kết liễu nghề nghiệp của người làm báo tại Việt Nam. Đại tá Bùi Văn Bồng, nhà báo quân đội, nguyên trưởng đại diện báo QDND khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho biết những nhận định của ông về lý luận và thực tiển của việc trung thực trong báo chí, ông nói: “Ngay trong lý luận dạy trong các trường Văn và trường Báo chí do Ban tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, về mặt nội dung chương trình đào tạo thì điều tôi trăn trở nhất là tính trung thực của nhà báo. Nhưng khi đào tạo ra xong rồi và trực tiếp làm việc tại các tòa soạn báo và vào biên chế rồi thì người ta lại bị trói buộc. Bởi người ta muốn tính trung thực như trong lý luận báo chí mà nhà nước đã dạy thì không thực hiện được trọn vẹn hay là có tự do để mà thực hiện. Những chủ trương đường lối, những chỉ đạo của đảng buộc người ta phải né bớt sự trung thực. Vấn đề đặt ra là tính trung thực, tính kịp thời và thời sự của báo chí… tất cả những cái đó đều phải chịu sự bảo đảm một cách chắc chắn: đó là bài báo muốn được đăng thì người ta phải coi trọng cái “tính đảng”.” “Tính đảng” là một khái niệm buộc mọi hoạt động của người sinh hoạt tư tưởng phải tuân theo một cách nghiêm khắc. Đảng ở đây được hiểu là sự chỉ đạo tùy thời điểm và tùy vào vai trò lãnh đạo của mỗi cá nhân. Tính đảng biến thiên nhưng không vượt ra cái khung o ép mọi bài viết, hình ảnh, quan điểm đi ngược lại lợi ích của đảng chứ không phải lợi ích của người dân, kể cả lợi ích của thông tin trung thực. “Tính đảng này nó không rõ ràng. Tính đảng đúng ra về quan điểm đường lối các mặt hay về thực hiện theo các nghị quyết đảng thì người ta vẫn luôn luôn bảo đảm được. Nhưng tính đảng buộc người ta phải viết mà uốn ngòi bút hoặc là bài báo phải vo tròn nắn vuông để nó phù hợp với sự chỉ đạo của đảng, nhất là đảng bộ đảng ủy trực tiếp quản lý tờ báo đó và sau đó là chỉ đạo chung của Ban tuyên giáo Trung ương để bảo đảm được thì rất là khó! Cái tính đảng nó cứ trùm lên hết mà khi nó đã trùm lên rồi thì các tính khác như tính chân thật, tính thời sự, tính nhân dân rồi tính dân chủ và các thứ nó bị nhạt đi hết. Nếu anh không theo tính đảng thì bài báo không được đăng mà thậm chí nhà báo còn bị phê bình hay mất biên chế không được làm trong tòa soạn nữa mà phải làm nghề khác.” Khái niệm "nhạy cảm"Cơ quan báo chí được hiểu là hoàn toàn được sở hữu bởi nhà nước do bài vở của họ chỉ viết theo một chiều duy nhất. Tuy nhiên không phải tờ báo nào cũng chấp nhận sự bao cấp này, tại thành phố Hồ Chí Minh hai tờ báo tiên khởi thoát ra sự khống chế ấy là Thanh Niên và Tuổi Trẻ, hai tờ báo này được xem là mạnh nhất nước khi con số ấn bản hàng ngày của nó có khi lên tới gần nủa triệu tờ. Nhà báo Nguyễn Công Khế, 23 năm làm Tổng biên tập cho tờ Thanh Niên chia sẻ: “Phải nói rằng nghề báo ở Việt Nam gian nan nhất. Nếu như tôi để mà tồn tại được cỡ 23 năm trong vai trò Tổng biên tập thì rất gian nan. Phía chính quyền phía những người có quyền kể cả giới quản lý báo chí họ chưa đánh giá hết tác dụng tốt, nhiều mặt của báo chí. Thực ra với tâm huyết và nhiệt huyết phải nói người làm báo Việt Nam tôi nghĩ không thua bất cứ ở đâu. Ở các nước khác nếu khó khăn 1 thì người làm báo Việt Nam khó khăn 10. Điều kiện, tập quán, thể chế đều khó khăn. Tờ Thanh Niên của tôi và tờ Tuổi Trẻ là hai tờ sống được bằng cái đồng tiền của chính mình từ lúc tôi xây dựng cho tới giờ này cũng như tờ Tuổi Trẻ lên trên nửa triệu bản trong điều khó như Việt Nam mà tụi tôi làm được thì phải nói là một kỳ công. Người đọc họ đánh giá đúng và lịch sử báo chí đánh gái đúng. Phải nói thẳng về cái đối xử, vì báo nhà nước, báo đoàn thể mà, thì cách đối xử của Tổng biên tập nhiều khi bất công. Tôi nói thật, những người trong báo chính thống như vậy thì tôi nghĩ cách xử sự đối với cá nhân những người làm báo nó cũng bất công lắm.” Tin tức là thực phẩm chính nuôi sống một tờ báo nhưng bị bóp nghẹt qua cụm từ “nhạy cảm” khiến hai chữ “báo chí” không phù hợp với định nghĩa phổ quát của thế giới. Có tờ báo liều lĩnh đăng tải tin tức về Biển Đông có lợi cho người muốn đọc tin nhưng xét thấy có hại cho chính sách đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc nên bị ra lệnh gỡ bỏ khỏi bản tin là điều xảy ra thường xuyên trên mọi tờ báo lớn nhỏ của Việt Nam. Tránh viết tin vì lo nhạy cảm khiến thông tin bị nhiễu qua các tầng số chồng chéo lên nhau khiến người đọc trong nước tìm tới internet và từ đó phát sinh các chuyển biến có tính tự phát khiến nhà nước không thể tìm ra một đối sách toàn vẹn để vừa bao biện nguồn tin vừa tránh cho dân chúng không bị lạc vào những vùng tin tức sai lệch do bóp méo dù vô tình hay hữu ý. Nhà báo Võ Văn Tạo kể lại kinh nghiệm của ông về vấn đề này: “Cái khái niệm nhạy cảm khi mà tôi chưa làm báo thì tôi đã biết cái khái niệm đó rồi mặc dù không biết từ đâu đưa ra nhưng đã có chữ “nhạy cảm”. Cái đó có lúc thì có văn bản chỉ đạo, có lúc anh em phóng viên cũng như các tòa soạn tự ràng buộc mình với chữ “nhạy cảm” đó cho nên anh em trong giới chúng tôi hay gọi đùa với nhau là “tự thiến”. Tự nhiên cứ nghĩ, à cái việc này nó có đụng chạm gì đây không hài lòng khi bị đề cập tới, trong tòa soạn hay phóng viên cũng lại hay dùng từ “nhạy cảm” với nhau có nghĩa là “né” đi không đụng chạm tới. Hồi chiến tranh thực ra khi tôi đã trưởng thành bắt đầu đi bộ đội rồi từ hồi đó không đặt ra. Báo chí hồi đó theo tôi biết ở ngoài bắc chỉ có tuyên truyền thôi chảng có vần đề gì khác cả. Tuyệt nhiên không có một ý kiến nào, một bài viết nào phản biện với chủ trương đường lối cả. Trong chiến tranh là như thế.” Người đọc quay lưng với báo chí chính thống để đọc báo từ các trang lề trái trên mạng phần nào nói lên hiện trạng báo chí Việt Nam trong bối cảnh bị che chắn mọi phía, đã khiến báo chí ngày một lún sâu hơn vào vũng lầy độc quyền mà không một nước văn minh nào trên thế giới chấp nhận cho nền báo chí của nước họ. Nhiều phóng viên kỳ cựu Việt Nam cho rằng Ngày Nhà Báo Việt Nam mỗi năm ăn mừng một lần trong suốt 90 năm qua nhưng chưa khi nào các nhà báo có cơ hội ngồi lại với nhau để cùng yêu cầu một việc đơn giản và quan trọng nhất: Được phép viết sự thật, và vì vậy Việt Nam vẫn chưa có một nền báo chí đúng nghĩa.
|