TIẾNG NÓI NHÀ VĂN:

 

NHÂN CHUYỆN CẢI CÁCH BỘ MÁY HÀNH CHÍNH,

NGHĨ VỀ MỤC ĐÍCH VÀ PHƯƠNG TIỆN

 

Ngô Thảo       

 

    Quan sát một số cuộc họp của Quốc hội, thấy một phần tâm trí của các Đại biểu thảo luận khi thông qua các Luật, các báo cáo, giải trình là sự tập trung quan tâm ở bộ máy hành chính và các thiết chế đi theo của nó, cả luật về quân đội và công an. Giải trinh về việc phải có gần 500 quân hàm cấp Tướng, trong khi suốt 30 năm đánh thắng bốn cuộc chiến tranh với ba cường quốc, toàn quân chỉ có hơn 30 vị Tướng, Bộ trưởng Quốc phòng nói, nếu một số cấp không có hàm Tướng, anh em sẽ tâm tư. Một sự quan tâm thật là chu đáo. Cũng như Bộ trưởng Nội vụ giải trình việc nhiều cấp phó, phình to, tổ chức thêm nhiều cơ quan, đã chức còn phải đẻ ra hàm …rồi thì là chế độ, chính sách đãi ngộ kèm theo. Cũng đã có ý kiến mạnh dạn, đã là Đảng cầm quyền, thì nên công khai việc hợp nhất một hệ thống cả Đảng và chính quyền, vừa giảm sự chồng chéo, vừa dễ xác định trách nhiệm, tránh lối tư duy:

Mất mùa là tại thiên tai
Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta

      Là một người đã ngoài mọi sự ăn thua, được mất, quan sát các cuộc thảo luận chưa có hồi kết như thế, tôi lại tự hỏi, khi thảo luận, các vị Đại biểu của 90 triệu dân có luôn ý thức :Giữa bộ máy hành chính mà các vị đang tập trung suy nghĩ và mục tiêu xã hội mà nước ta đang theo đuổi, đâu là Mục đích, đâu là Phương tiện không? Phân định rõ điều này sẽ giúp giải phóng một cách nhẹ nhàng khỏi nhiều ràng buộc của một lối tư duy về hệ thống hành chính cai trị đậm màu sắc phong kiến cổ lỗ, mà không tự ý thức.

      Hãy nhìn xem, lịch sử loài người, qua mọi thể chế, mọi triều đại, mọi thời đại, đều có chung một cái đích đến: Xây dựng một quốc gia Đôc lập, giàu mạnh để người dân được sống ấm no, hạnh phúc. Chính cái nội dung sau chữ ĐỂ này mới là MỤC TIÊU mà mọi cuộc cách mạng và lật đổ luôn giương cao, là mục tiêu vĩnh viễn của mọi quốc gia, là động lực của sự thay đổi những mô hình xã hội, những hệ thống hành chính bất lực.  Cho đến nay, khi loài người đã có thêm rất nhiều tiến bộ về khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý xã hội, thì phần Phương tiện, tức thể chế, thiết chế, bộ máy hành chính, điều hành mọi quốc gia vẫn chưa có một đáp số chung, và còn lâu mới đạt tới sự hoàn thiện. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã đánh thắng mấy cuộc chiến tranh, giành được một đất nước Độc lập, thống nhất. Nhưng mục tiêu lý tưởng mà Đảng giương cao để tập họp nhân dân làm cách mạng, như lời bài hát Cùng nhau đi Hồng binh : Nào anh em nghèo đâu, …, qua hơn 80 năm, trong đó có hơn 40 năm độc quyền lãnh đạo  một đất nước Thống nhất, Độc lập, xem ra vẫn còn xa vời (Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, không biết 100 năm nữa, liệu đã có CNXH hoan thiện hay chưa.)

    Hiến pháp mới nhất của nước ta, do Quốc hội vừa thông qua, khẳng định tên nước là CHXHCNVN (Đúng ra, về ngôn ngữ, nên phân biệt: Tên nước là VIỆT NAM, còn CHXHCN là tên chế độ!), đó là sự lựa chọn dứt khoát con đường độc lập, khước từ mọi mô hình xã hội hiện tồn trên thế giới. Nhưng cả thể chế đó cũng chỉ là một phương tiện được lựa chọn tạm thời trước mắt, vì Hiến pháp xác định một chân lý vĩnh viễn là Đất nước này là CỦA DÂN, DO DÂN, VÌ DÂN.Nước VIỆT NAM là vĩnh viễn, còn chế độ CHXHCN chỉ là của một thời kỳ lịch sử có hạn.(Hiến pháp cũng đã mấy lần thay đổi, tên thể chế cũng thay đổi). Khi đề ra khẩu hiệu Nước CHXHCN VN MUÔN NĂM, và cùng với nó, nhiều thiết chế khác cũng hô MUÔN NĂM có phải là chúng ta công khai từ bỏ chủ nghĩa Marxit, từ bỏ lý tưởng Cộng sản? Bởi, theo lý thuyết mà ngày nay, các Trường Đảng vẫn dạy, trong xã hội Cộng sản, Nhà nước sẽ tiêu vong, Đảng và các tổ chức tương tự cũng tự tiêu vong.  CNXH chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp mà thôi. Nghĩ MUÔN NĂM cả hệ thống này là chúng ta trở lại lối tư duy của phong kiến trung cổ, triều vua nào cũng thích tung hô vạn tuế, dù không ai sống qúa trăm năm, hoặc chọn một lối tư duy, nói vậy mà không phải vậy, tức không tin có ngày mai đó.  Vĩnh viễn hóa một thực thể hiện tại, là đang nhằm biến Phương tiện thành Mục đích.  

      Trở lại, bộ máy hành chính, các luật hiện thời, chắc chắn đều là tạm thời. Ngay Luật là những thiết chế có tính bền vững tương đối, thì do thực tiễn phát triển của xã hội, mà những năm gần đây, mấy bộ luật cơ bản, Quốc hội cứ phải bàn đi, bàn lại, sửa đổi bổ sung, mà xem ra vẫn chưa thể nói là hoàn chỉnh.

       Đi liền theo đó, hệ thống tổ chức xã hội cũng liên tục thay đổi: Từ tách nhập các Bộ, Ban, Ngành, rồi các tỉnh thành, quận huyện, thôn xã, có hay không tổ chức Hội đồng nhân dân một số cấp… Sau giải phóng, khi xác định, đi lên làm ăn lớn, chúng ta đã có một phong trào Sát nhập trên toàn quốc. Chủ trương đó đã thất bại thảm hại, vì nóng vội, chủ quan cũng có; mà có l sâu xa hơn là vì tư tưởng cục bộ, bản vị, địa phương, và quan trọng hơn, là tư tưởng của cả một hệ thống cán bộ, bám vào chức quyền; Cần chức để có quyền, cần quyền để có nhiều cách kiếm tiền, làm đà tiến thân cho bản thân và họ hàng.  Sau này, có địa phương, để kiếm ghế cho một nhân sự cccc nào đó, người ta sẵn sàng lập thêm một đơn vị hành chính.Mà không chỉ địa phương.Bộ máy hành chính là phương tiện để thực hiện từng bước những nhiệm vụ của cách mạng, trong tay một bộ phận, đã biến thành mục đích tiến thân cả một đời, mà không chỉ một người, còn của cả một dòng họ, một vài địa phương.

     Thời Minh Mệnh, địa hình nước ta còn rộng dài hơn bây giờ, mà chỉ có 31 đơn vị cấp tỉnh. Hiện nay, số lượng cấp tỉnh lại tăng gấp hơn hai lần. Lý do, mấy năm qua chia tách, thường vin vào mấy điều;

1/ Tôn trọng bản sắc truyền thống địa phương.

2/ Đường sá giao thông khó khăn, khó cho việc quản lý sâu sát.

3/ Hệ thống thông tin, liên lạc còn hạn chế, nên khó nắm bắt tình hình thực tế để kịp thời chỉ đạo.

4/ Điểm nữa là trình độ cán bộ do vừa trong chiến tranh ra, còn nhiều hạn chế. 40 năm từ khi nước nhà thống nhất, tình hình đã thay đổi rất căn bản.

(a) Cùng với quá trình Công nghiệp hóa, từ miền núi đến đồng bằng, làng xã, thôn bản, địa bàn cư trú ngàn đời của 54 dân tộc, ở đâu cũng bị xáo trộn, di dời, để dành đất cho hàng ngàn công trinh thủy điện lớn nhỏ, lập Nông, lâm trường, các  vườn sinh thái quốc gia, rồi hàng ngàn khu công nghiệp lớn nhỏ, các dự án bất động sản, cũng có nghĩa, sự phát triển kinh tế đã xóa không thương tiếc cái gọi là bản sắc văn hóa truyền thống các địa phương, các sắc tộc. Nhiều vùng biên ải đã sang nhượng cho người nước ngoài đầu tư, khai thác.

(b) Hệ thống giao thông là một bước thay đổi cơ bản . Các đường quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp, đường về thôn bản cũng cơ bản được giải quyết.

(c) Hệ thống thông tin, liên lạc còn phát triển vượt bậc hơn: Chính phủ Điện tử, sóng phát thanh, truyền hình, bưu điện phủ gần khắp cả nước.

(d) Và quan trọng hơn là hệ thống cán bộ, đều được đào tạo chinh quy ở các nhà trường cấp quốc gia. Hàng vạn cán bộ quản lý có bằng cấp Tiến sĩ. Cán bộ cấp huyện cũng không hiếm người có trình độ Tiến sĩ. Chế độ luân chuyển cán bộ cũng là một biện pháp giải quyết tư tưởng cục bộ, bản vị, địa phương. Một cán bộ được bầu vào cấp bộ Đảng nào đó, là có thể được điều động giử một chức vụ cao hơn ở bất cứ ngành nghề nào, vì Trường Đảng là nơi đào tạo cán bộ bách khoa.

     Đó là những lý do mà khi nghiên cứu cải cách hệ thống hành chính, giảm số lượng viên chức bộ máy các cấp, nên nghĩ đến phương án sát nhập quy mô cấp tỉnh, và các cấp trực thuộc. Nhìn sang nước bạn Trung Quốc, có cùng hệ thống chính trị như nước ta, địa hình rộng lớn, hiểm trở, dân số đến 1,4 tỉ người, mà cấp tỉnh thành của họ chỉ trên con số 30. Vậy mà những năm qua, về nhiều mặt họ phát triển vượt bậc, đến các nước giàu mạnh nhất trên thế giới cũng phải nể sợ. Có bao giờ những người có trách nhiệm quy hoạch phát triển đất nước, và bộ máy hành chính, đặt câu hỏi, chẳng lẻ, trình độ quan trí của chúng ta thua đội ngũ quan chức nước bạn nhiều như thế sao? Năng lực quản lý, kỷ năng nghiệp vụ, năng suất làm viêc của cán bộ, viên chức ta không  bằng 1/30 của bạn thôi sao?  Cứ hình dung, ngay từ bây giờ, có lộ trình để 15-20 năm nữa, nước ta quy hoạch lại, chỉ còn 20-25 đơn vị cấp tỉnh thành, với  cách quản lý công nghiệp hiện đại, các nhà máy, khu công nghiệp, rồi cảng biển, sân bay, …được thiết lập ở quy mô vùng miền, thoát khỏi tình trạng ganh đua, tạo ra sự manh mún, hiệu quả không cao như hiện nay, nước ta sẽ có một bộ mặt hoàn toàn có thể đổi khác.Nói thêm một tí, quân đội Trung quốc đông gấp nhiều lần nước ta, 20 năm qua, đã bỏ cấp hàm Nguyên soái và Đại tướng. Thượng tướng là Bộ trưởng Quốc phòng. Và tướng lĩnh ở nước họ, theo nguyên tắc, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, nên không mấy khi tướng lĩnh có mặt trong cơ cấu lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản. Số lượng tướng lĩnh của họ hình như cũng không thể nhiều bằng ta?

     Tất nhiên, như đã nói, điều đó chỉ có thể làm được, và hoàn toàn có thể làm được, nếu chúng ta xác định được, bộ máy tổ chức hành chính, cùng với nó là thể chế tổ chức  chỉ là Phương tiện để thực hiện Mục đích là xây dựng một nước  VN- như Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Độc lập, Dân chủ và Giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc trên thế giới.  Mục đích không thay đổi, nhưng phương tiện là những thứ luôn có khả năng tự thay đổi để phù hợp và thích ứng với sự phát triển nhiều mặt của Thời đại và trong tương quan với quốc tế. Tất cả những thay đổi đó nằm trong đường lối lãnh đạo của Đảng vì Đảng ta là Đảng Cầm quyền. Tiếp nhận những thành tựu mới nhất của khoa học, kỹ thuât, sử dụng các công nghệ tiên tiến, trên cơ sở dân trí và quan trí được nâng cao, bộ máy hành chính cũng thực hiện theo khuynh hướng tích hợp, đa chức năng, quản lý đa ngành, để bộ máy ngày càng thu lại gọn nhỏ, năng lực làm việc của cán bộ viên chức được cập nhật, nâng cao về chất lương, giảm về số lượng, thì cái đích phấn đấu của Phương tiện là chính quyền phục vụ cho một Nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân sẽ đến trong một tầm gần.Hãy nghĩ đến sự tích hợp chức năng và khả năng giải quyết công việc của một máy tính, một điện thoại di động, sẽ thấy khả năng vô tận của năng lực con người.Tổ chức quân đội hiện đại của một nước công nghiệp, trong thời kỳ mới, chắc chắn cũng khác rất nhiều với thời chiến tranh nhân dân, đánh du kích, dựa vào địa hình rừng núi, nông thôn. Ngay vũ khí cũng đã đổi khác. Nếu mấy khẩu súng bộ binh cổ điển, có tuổi thọ cao, thì vũ khí hiện đại, từ máy bay, tàu chiến, tên lửa, và nhiều khí tài, trang bị sử dụng công nghệ điện tử, luôn được cải tiến, phát triển, chóng lão hóa và tuổi thọ không cao. Nên tổ chức đội hình chiến đấu cũng đã khác xưa rất nhiều.

     Nhưng, từ nhận thức đến hành động thực hiện là một khoảng cách không dễ vượt qua. Bao nhiêu thời kỳ, bao nhiêu quốc gia đã vấp ngã, thậm chí thụt lùi trong quá trình thay đổi và tự thay đổi này. Có sự không khoa học, không thấu đáo của phương án. Nhưng nhiều hơn là sự chống trả quyết liệt, nhân danh những nguyên tắc được coi là bất di, bất dịch. Sự tha hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, viên chức, Đảng viên những năm gần đây, là do từ lâu, họ coi bộ máy chính quyền, cơ quan hành chính là mục tiêu của chế độ, làm cán bộ viên chức là lý tưởng, mục tiêu của cuộc đời.Nhân danh lý do này khác, nhiều người  muốn kiên cố hóa, vĩnh cửu hóa một mô hình nào đó, một hiện tượng đã được dân gian tổng kết :

Tuổi cao như chúng mình đây
Bê tông ta đổ ghế này thiên thu.

      Nhiều năm qua, do nhiều lý do, ta đã xây dựng một hệ thống chính quyền và cơ quan hành chính cồng kềnh, chồng chéo về chức năng và nhiệm vụ. Thành tựu đạt được là to lớn, không ai có thể phủ nhận, nhất là trong những điều kiện thực tế của đất nước đã qua. Nhưng nhìn về phía trước, khi chính quyền đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng duy nhất, thì việc tìm những mô hình gọn nhẹ mới cho đất nước phát triển là hoàn toàn nằm trong quyền và khả năng của Đảng. Một khi đã coi chính quyền là Phương tiện để Đảng thực hiện Mục tiêu, lý tưởng xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân no ấm, hạnh phúc, thì không nên vĩnh cửu hóa những hình thức hành chinh hiện có. Cái nào không có khả năng làm tốt nhiệm vụ, cũng như những cán bộ, viên chức không đủ khả năng, thì cần được loại bỏ và thay thế. Làm cán bộ Nhà nước, cũng như người lính, phải nằm lòng khẩu hiệu: Vì nhân dân quên mình./ Vì nhân dân hy sinh. Tâm tư nào cũng không thể đi ngược lại lý tưởng này. Họ phải có năng lực, trình độ cao trong công việc, giác ngộ cao về lý tưởng, không được sống và làm việc tùy tiện, tự do như một người dân thường. Tình hình hiện nay, ở nước ta, hình như ngược lại. Đặc quyền, đặc lợi, là điều khiến mọi người thích làm cán bộ viên chức nhà nước, dù vẫn được xác định, cán bộ là đầy tớ, là nô bộc của nhân dân.  Nạn mua quan bán chức, chạy chọt, đút lót để vào biên chế, không có số liệu cụ thể, nhưng ai cũng thấy, cũng biết. Có lẽ, Bộ Nội vụ nắm vững hơn ai hết, ở các tỉnh, các huyện, thậm chí các xã trong toàn quốc, chuyện cha truyền, con nối, tồn tại phổ biến và công khai đến mức nào. Rồi chính sách tuyển con em trong ngành, càng khuyến khích việc mở rộng vây cánh. Trong khi ở các nước phát triển, Nhà nước phải có chế độ khuyến khích về lương bỗng, mới tuyển dụng được người vào làm viên chức, tất nhiên là người có tài-đức. Một số liệu mới được công bố, rất đáng làm chúng ta suy nghĩ: Do viên chức là một nghề béo bở, đáng mơ ước, nên ở Trung Quốc, có đến 76, 4% sinh viên tốt nghiệp, coi công chức là sự lựa chọn hoàn hảo. Trong khi đó, ở Singapore, ở Mỹ, tỉ lệ này là 2%, ở Pháp, có cao hơn là 3%. (Tuổi trẻ ngày 1/12/ 2014). Ở ta không có thống kê, nhưng chắc chắn tỉ lệ lựa chọn còn cao hơn nước bạn Trung Quốc. Đây chính là một nhận thức khá mơ hồ về lý tưởng và mục đích sống của thanh niên, khi sự giáo dục không phân định rõ giữa mục đích và phương tiện.

                                                                TP HCM 10/12/2014

                                                                           NGÔ THẢO

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-1-15