HỒ TÂY….THỜI KHỔ
Nguyễn Thị Ngọc Hải
Nghe tranh cãi chuyện xây Nhà hát Opera –thôi thì dành cho các nhà quản
lý, quy hoạch, kiến trúc và các nhà chuyên môn liên quan. Tôi chỉ muốn
“những ai đó” nghe chuyện của kẻ từng là “dân Hồ Tây”, đã vào Sài Gòn xa
nó gần 40 năm.
Đem nỗi thương nhớ vẻ đẹp một thời “mình khổ
chứ chưa ai nghĩ muốn…. mổ Tây hồ”
Nhà tôi ở phố Thụy Khê, nhưng hầu như tôi không bao giờ có cảm giác mình
ở ven hồ, dù sống được cái thời nghèo đó có lẽ do ….thở bằng phóng
khoáng gió. Là bởi khu tập thể chen chúc, muốn thấy mặt hồ
phải đi vòng sau cả khu, nhà cửa xây bít
đi sâu hun hút vào nơi tôi có căn phòng 9 mét vuông, ngăn đôi bên
kia bằng tấm gỗ nên mọi trao đổi nói gì hai bên nghe hết cả.
Trẻ con bên nhà kia học bài, mẹ la mắng. Ông bố trẻ lính chiến trường
được rẽ thăm nhà, hỏi thẽ thọt cô vợ, có ý phàn nàn sao vợ… cứ cảm tình
hoài chưa được kết nạp?
Cchúng tôi là nhà báo thân nhau nên biết cô ấy cũng lính thẳng tính hay
trêu đùa bốp chat, bướng bỉnh - chắc đang…cười).Về với vợ, tưởng…hỏi gì.
Ngày ấy thời bao cấp, chưa thống nhất đất nước, thời tem phiếu xếp hàng,
một năm mấy mét vải phiếu cũng đem bán, chủ nhật nào cũng ngồi vá gấu
quần vì xe đạp quấn rách
tua như xơ mướp “xe tôi không chuông không
phanh không gac đờ bu….”. Mà chỉ có 2 quần thay đổi.
Khu tập thể nên lâu lâu cơ quan sửa chữa xây cất gì đó, đào một hố vôi
to ngoài cổng. Các nhà cũng tranh thủ “lấy tý” quét
tường mấy chỗ “vẩy thêm” “cơi nới” cho sáng sủa chút. Ông xã tôi-
người bố trẻ đang bế đứa con đầu lòng bỗng thấy “đoàn đại biểu” đi vào
hỏi tội: “Sao chú lấy vôi của tập thể?” Anh tỉnh bơ: “Đâu, em đâu có
lấy?”
Bà
Chánh văn phòng sát sao đáo để chỉ xuống đất “Cái gì đây? Dấu chân chú
xách vôi rải …như lông ngỗng Mỵ Châu Trọng Thủy, từ hố vôi vào đến tận
cửa còn chối hả”.
Nghe
tiếng cười phá của hàng xóm rình nấp xem.
Bây giờ ông bố đã là vị Giám đốc ở Sài Gòn, thằng cu con ông bế hôm đó
-nay đã là ông bố 2 con-
vẫn cười nhắc chuyện đói
nghèo xưa ấy.
Hàng ngày tôi đạp xe “xuyên Thành phố” từ Hồ Tây, qua Quảng trường Ba
Đình để lên cơ quan gần chợ Hôm - nếu không nhảy tàu điện đường Bưởi-
Bạch Mai, ngồi dập dềnh nghe hát xẩm “Ngày xưa thời- có anh- mà Trương
Chi”. Nghèo đói bủa vây khắp nơi.Tiếng hát người mù não nề in vào tâm
khảm tới hôm nay.
Một hôm trời chiều lạnh và đói, tôi đạp xe về nhà. Đến đoạn sắp rẽ ra Hồ
Tây gió rất lộng thì nghe
còi công an chặn đường. Tôi
cùng dòng người xuống dắt xe
đã nép vào một bên. Nhưng lạ thấy anh cảnh sát cứ tiến tới ra
hiệu với tôi mãi.. Thì ra đang đón đoàn xe Chủ tịch Arafat của Palestine
rẽ vào Chủ tịch phủ. Mới giật mình thấy nón rách quá, cái vành sa xuống
ngang mặt. Anh cảnh sát ra hiệu tôi cất cái nón rách đi, trông thảm quá
khi phố đón khách quốc tế.
Đấy, chỉ vài nét cho thấy chân dung “dân ven bờ Hồ tây” nghèo đói ra
sao. Chỉ thấy hồ vĩ đại, đầy quyền uy .. Mưa lớn còn sợ nước ngập lên
cái “chuồng chim” bé xíu, còn thấy lũ trẻ chặn cống bắt được cá cho bữa
ăn vui vẻ là mừng. Cảm ơn hồ.
Thậm chí khi vào sống ở Sài Gòn, hát nhạc Trịnh “bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh
mặt trời” tôi cứ tự hỏi: Có bao giờ mình thấy nó đâu nhỉ? Hay là mình
khổ quá cắm mặt xuống đất có bao giờ thong thả ngắm hồ đâu mà thấy. Chả
biết sâm cầm là con gì.
Ngày ấy Hồ Tây mênh mông trong xanh, bờ xa tít tắp.
Nó “rộng như biển “ mới có thể nổi gió lốc dìm chết một đoàn văn
công nước ngoài như lời đồn đoán một “điềm báo”. Dưới hồ có khá nhiều mộ
cổ linh thiêng. Chưa có mấy ai “dám” tìm cách “xẻ thịt “ nó như sau này
nhiều nhà đóng cọc thả rác xuống cơi nới ra làm quán café, nhà hàng….ăn
trộm mặt hồ.
Tôi còn ân hận sao ngày ấy mình không nghĩ ra đi tìm “bác hàng xóm”
Phùng Quán. Ông có cái chòi ngắm sóng làm nhô cao trên căn phòng 6 mét
vuông ngay gần nhà tôi và đứa con trai nhỏ của tôi hàng ngày học ở ngay
trường Chu Văn An- trường Bưởi nổi tiếng thời xưa, ngay trước cửa “nhà”
Phùng Quán?
Tất cả làm nên một ký ức vô địch đời khổ của “dân hồ Tây” nay sẽ xa nó
mãi.
Sống ở Sài Gòn- Tp Hồ Chí Minh hôm nay, qua FaceBook, tôi thấy các bạn
văn –nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát hay đưa tin các
cuộc đi chơi Hồ tây. Rủ nhau mua sen ướp trà, dạo phố đi bộ Trịnh Công
Sơn. Đạp xe quanh hồ. Tôi “còm” hỏi chỗ đó chỗ nào mà có cả Thung lũng
hoa Hồ tây. Họ bảo “đi đường ra công viên nước nữa á chị” – tôi lại lơ
ngơ hỏi “Công viên nước là nó ở chỗ nào”? Những tên phố mới quá, ngày
tôi ở đó chưa có. Mọi người cười tôi…ngớ ngẩn.
Đâu rồi những làng cổ Nhật Tân Quảng Bá, quất Nghi Tàm, giấy Yên
Thái…nay có người lo sợ “Trâu ơi ta bảo trâu này, làng đô thị hóa thì
mày…lên mâm”…
Tôi gõ Google tìm “Khách sạn Thắng Lợi” có kỷ niệm ngày cuối năm 1976 -
nơi ở của đoàn đại biểu
miền Nam ra dự Đại hội Đảng lần thứ Tư - Đại hội thống nhất đầu tiên của
tổ quốc không còn chia cắt.
Lúc đó tôi là phóng viên viết về Đại hội, lo sốt vó làm sao lọt được vào
khách sạn canh gác nghiêm ngặt. Vì với bạn đọc miền Bắc họ muốn nghe
chuyện về những tên tuổi vang trên sách báo
suốt cuộc chiến như vợ anh Trỗi, các bà mẹ miền Nam hay các tên
tuổi bà luật sư Ngô Bá Thành, các anh Lê Quang Vịnh, Huỳnh Tấn Mẫm, các
chiến sỹ tù Côn Đảo….
May cho tôi quen người bạn
có em làm…tiếp phẩm của khách sạn, nên tôi bám theo xe rau lọt vào. Đang
phỏng vấn người mẹ Liệt sỹ Việt Hồng - bà đang kể đoạn cô ấy vật nhau
tay đôi với tên Mỹ to kềnh - đang hồi hộp gay cấn thì…bất ngờ ông Xuân
Thủy xuất hiện “bắt quả tang phóng viên” vượt rào.
Bây
giờ ở Thảo Điền, hàng ngày đi đường Xuân Thủy tôi vẫn nhớ vẻ mặt ông làm
nghiêm cố nén cười với ngón tay chỉ chỉ: “Báo nào, báo nào vô kỷ
luật?”….
Tôi tìm để xem lại khách sạn ấy. Nhưng gõ ra bây giờ bao nhiêu khách sạn
5 sao tên Tây lạ lẫm nằm bên nó. .. Đã biết bao đổi thay.
Thôi mình thuộc về lớp người
biết Hồ Tây qua
những huyền thoại lịch sử. Làng ven hồ ghi dấu những bà chúa thơ Hồ Xuân
Hương , Bà Huyện Thanh Quan
…Những chùa và đền thờ cổ kính. Công chúa Quỳnh Hoa dệt lụa ở Nghi Tàm.
Những công trình đẹp khi triều Lý dời đô đến Thăng long.
Từ bao giờ có buổi ngâm thơ bên hồ dưới trăng giữa bà chúa Liễu Hạnh với
trạng nguyên Phùng Khắc Khoan. Hồ Tây với chùa Trấn Quốc hơn 1500 tuổi
báo Anh chọn là 1 trong 16 chùa đẹp nhất thế giới….
Và ai ở Tây Hồ bán chiếu gon….
Bây giờ thì người dân có thể trượt ống đu dây nhào lộn công viên nước.
Chèo thuyền thể thao. Đi chơi “Bến Hàn Quốc”… Không nghi ngờ gì, cùng Hà
Nội, Hồ Tây sẽ thành trung tâm giao dịch, du lịch, văn hóa thể thao của
Hà Nội và quốc tế.
Nhưng mỗi khi có cuộc tranh luận xây dựng công trình lớn - như đang sôi
nổi về nhà hát Opera Hồ Tây…Tôi không là nhà chuyên môn, chỉ là một “dân
Hồ Tây thời khổ” - yêu nó và lo lắng. Muốn kể chuyện một khoảnh đời sống
bên nó dù đã xa rồi.
Thời đại đã thay đổi. Người đi xa mỗi thời nhớ về Hà Nội mỗi kiểu. vậy
mà đều một nỗi chung hồi hộp lẫn lo âu .
Dù là kiểu nhớ xưa: “Hà Nội ơi, nào biết ra sao bây giờ….Ai đứng trông
ai ven hồ…” hay là “Ai về Thủ đô tôi gửi vài lời - Tây Hồ mờ xa là nhà
tôi đó…”- muốn khóc một nỗi thương nhớ xa xăm.
Cứ coi như họ muốn nói gì đó không thành lời với những người sống, gìn
giữ và có trách nhiệm với Hồ Tây và Hà Nội hôm nay…Nó không chỉ là cái
hồ.
Nó
là nơi ghi dấu bao cuộc đời không phai.
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI
Tác giả gửi cho viet-studies ngày
14-2-23
|