CUỐN SÁCH CHƯA RA
MẮT Nguyễn Thị Ngọc Hải
Trong công việc viết chân dung nhân vật của tôi, chả có ai là dễ dàng, mỗi người khó một kiểu. Với cuốn sách viết chân dung ông Trần Trọng Tân - một trong những thủ trưởng cũ của tôi, thì giống như “một cuộc đấu” với thời gian. Mà bây giờ nó mới chỉ kịp là bản thảo gửi đến nhà xuất bản. Đó cũng là một điều ân hận. Nhiều khâu trong việc viết sách đã tiến hành trong suốt thời gian ông lâm bệnh phải nằm viện. Cuộc đời ông Trần trọng Tân - một Ủy viên TW Đảng, đại biểu Quốc Hội, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, trưởng Ban Tuyên Huấn cả TW và TP - trải qua nhiều trọng trách, gắn bó với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Hơn 10 tuổi đã tình cờ thấy cha giấu cái gì trên máng xối, tò mò lấy xuống thì đó là một lá cờ Búa Liềm. Ông được chính người chú họ - Trần Quốc Thảo (sau này thành Thường vụ đặc khu ủy Saigon- Gia định) - đã giác ngộ con đường cứu nước. Ông Hai Tân đã từng làm những việc khá lạ, người trẻ tuổi ngày nay và ngay đồng chí bạn bè, ngay con cháu ông chắc bất ngờ và khó lòng hình dung ra: vì tự học tiếng Nhật nên khi cuộc Khởi nghĩa giành Chính quyền, ông được giao thay mặt Ủy Ban Cách mạng lâm thời Huyện giao tiếp vận động quân Nhật. Đã từng là thành viên của Đội biệt động đường số 9 tham gia đánh địch dọc biên giới Việt-Lào. Ông có tên Lào là Thao Khami. Năm 1950, còn trẻ lắm - 24 tuổi - đã là Bí thư Tỉnh Ủy Quảng Trị. Nếu không có yêu cầu cuả Bí thư Khu Ủy lúc đó là Nguyễn Chí Thanh yêu cầu giữ lại ngay trên đường ông đã đi tới Nghệ An để ra Việt Bắc, thì ông đã thành trợ lý cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Về lại Quảng Trị, lại được giao…chỉ huy đội lính Com-măng đô trốn sang làm hàng binh. Chính thời kỳ ở Quảng Trị, ông đã là người tổ chức cho nhà thơ Chế Lan Viên vào Đảng. Thử thách gay go nhất với ông, cũng như thời kỳ chiến tranh cả dân tộc chịu đựng và chiến đấu - ông được lệnh vào miền Nam năm 1961. Lại đi qua Lào theo đường Tây Trường Sơn.Đơn vị nhận được lệnh của Đại tướng Võ nguyên Giáp là vừa đi, vừa phải giúp bạn Lào diệt các đồn địch để mở rộng vùng Giải phóng của Lào tiếp giáp với Lao Bảo, vùng Giải phóng của ta, tạo hành lang cho bộ đội vào Nam. Ở vùng mới giải phóng của Lào, ông được giao giúp cho Bí thư Tỉnh ủy của Lào xây dựng Chính quyền Cách mạng từ Bản đến Mường.Mãi gần nửa năm, đơn vị mới vào đến căn cứ TW Cục miền Nam ở rừng Mã Đà.TW Cục chỉ định làm Tổng biên tập Tạp chí Tiền Phong và Ủy viên Ban Tuyên Huấn TW Cục do Bí Thư Nguyễn văn Linh lảm trưởng ban và phó Ban Trần Bạch Đằng. Chính thời kỳ này, ông lo đón tiếp và giúp các phóng viên nổi tiếng của nước ngoài như Monica (Ba Lan), Wilfred Burchett (Úc), Madeleine Riffaud (Pháp)… vào miền Nam viết bài về cuộc kháng chiến. Ông củng từng làm công tác quần chúng ở cơ sở trong phong trào miền Nam phá ấp chiến lược. Công tác ở Trung ương cục, ông trực tiếp trải qua những trận càn nổi tiếng của Mỹ. Sáu năm sau, được điều động vào nội thành Sai on hoạt động bí mật, và tham gia chiến dịch Mậu Thân tại đây. Để sống được ở Saigon, ông đóng vai giáo viên dạy trường tư và chuyển qua lại tới 19 chỗ ở để đảm bảo bí mật. Bị bắt năm 1969, và từ đây là cuộc thử thách lớn nhât, cho đến tận khi đất nước thống nhất năm 1975 ông ra khỏi nhà tù và tham gia công việc ngay tại Côn đảo trong lúc chờ tiếp quản. Chuyện ở tù Chuồng Cọp bây giờ chúng ta đã biết qua nhiều hồi ký, qua việc đi du lịch ra tận nơi nhìn tận mắt. Nhưng cuộc chiến đấu của những người tù còn phải kéo dài hơn ta tưởng. Không ít người oan khuất và tất cả họ đều phải trải qua sự xác minh nghiêm khắc của Tổ chức Đảng. Như nhiêù người tù khác, ông Hai Tân cũng không ngoại lệ. Có dư luận liên quan tới ông những … 5 vấn đề, trong đó ngoài những lầm lẫn thông tin dễ xác minh, có 2 việc khó: Địch tra tấn khai thác, đã khai thế nào, việc có số anh em tù đốt số hồ sơ sau khi Côn đảo giải phóng, có liên quan gì tới ông khi đó làm “Phó bí thư Đảo Ủy lâm thời ”… Trong đời viết, đây là lần đầu tiên tôi may mắn được sự giúp đỡ đặc biệt, tiếp cận được hồ sơ hỏi cung người tù Trần Trọng Tân của Chính quyền Sai Gòn còn lưu lại, nguyên cả con dấu, người ký các báo cáo. Từ Trung tâm cải huấn Côn Sơn cho tới Bộ tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Saigon. Còn đó cả các “tang vật “ liên quan. Tấm hình của người ra thăm nuôi, cái trát tòa đòi, thẻ căn cước tù do địch chụp, hình lúc bị thẩm vấn, hình căn nhà nơi bị bắt. Tôi đọc nguyên văn lời kết luận của Trung tâm cải huấn: ”Hạnh kiểm rất xấu, Thành phần ngoan cố khó cải tạo, tinh thần cộng tác: Chống đối.” Tôi cũng tiếp cận Bản kết luận của Ban Bí thư TW Đảng sau khi Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ xác minh, do Ủy viên Bộ chính trị, thường trực Ban Bí thư Lê Thanh Nghị ký, kết luận rất rõ ràng về phẩm chất tốt đẹp của ông Trần trọng Tân. Ông bảo với bạn bè lúc vui:”Làm người Cộng sản không phải dễ”. Ông có một gia đình truyền thống có cốt cách từ thời ông cha. Các con cháu trưởng thành. Ông có mối tình thời trẻ rất đặc biệt nhưng không thành, và có một người vợ "phúc lớn cho tôi là gặp trúng bà vợ thế này” Bây giờ thì người Cộng sản ấy đã yên nghỉ sau một đời dài cống hiến, qua bao thăng trầm. Hỏi vì sao thích làm công việc Tuyên Huấn khó nhất? Ông bảo,” là vì muốn làm tốt, luôn phải học cái mới, hiểu biết phải sâu rộng. Mà tôi thì thích học lắm “ NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI Viet-studies đăng ngày 14-9-14 |