TIẾNG DÂN
Người Việt và luật pháp
Người Việt cộng sản
Những người Cộng sản Việt Nam rất e ngại luật pháp. Đây là nhận xét của
luật sư Nguyễn Mạnh Tường, nhân chứng trong những ngày đầu tiên khi chế
độ cộng sản được thiết lập trên miền Bắc Việt Nam:
“Thời gian trôi đi, Đảng lần khân và chậm quyết định mở lại hay đóng cửa
trường Luật. Tôi hiểu những ngần ngại này. Trong nhiều năm được nhà cầm
quyền chỉ định làm luật sư (avocat d’office) tại các toà án, và nhờ giao
tiếp thường xuyên với những người được gọi là có trách nhiệm, tôi đo
lường được trong cái vô thức bí mật của họ, sự ghê tởm luật pháp đến thế
nào!” Luật
sư Nguyễn Mạnh Tường học luật ở Pháp, về nước tham gia cuộc kháng chiến
chống Pháp, nhưng ông không phải là đảng viên cộng sản và cũng không
tham gia mặt trận Việt Minh. LS
Tường giúp đỡ chính quyền cộng sản Hà Nội trong những bang giao quốc tế
sau năm 1954. Sau khi có một bài phát biểu công khai (do những người
cộng sản yêu cầu) vạch ra sự sai lầm chết chóc của cải cách ruộng đất,
ông bị nhà nước cộng sản tước hết mọi quyền làm việc, sống nghèo khổ đến
cuối đời. Những dòng trên do ông viết trong quyển hồi ký “Người bị
rút phép thông công”, xuất bản tại Pháp.
Người ta cũng lưu truyền một câu nói được cho là của cựu thủ tướng Phạm
Văn Đồng, nói với ông Tường rằng, luật pháp chỉ có trói tay mà thôi. Thời
cải cách ruộng đất Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) thành lập các tòa án
nhân dân gồm những bần cố nông tham gia, để xử các địa chủ, không có
luật sư tranh biện gì cả. Cho đến tận những năm đầu của cuộc cải cách
kinh tế sau năm 1986, hệ thống luật sư đoàn mới được tái lập lại ở Việt
Nam, nghề luật sư trở lại. Dù
có luật sư đoàn, nhưng các tòa án vẫn do ĐCSVN nắm chặt, không thể độc
lập xử án. Các thẩm phán, công tố viên đều phải là người của Đảng. Trong
các vụ án được cho là mang tính chính trị, xử những người bất đồng chính
kiến, sự hiện diện của luật sư tại tòa hầu như mang tính hình thức. Khá
đông luật sư, dù được chính chế độ cộng sản đào tạo, bị bỏ tù, hay phải
lưu vong. Sự
việc thể hiện rõ nhất về thái độ nghi kỵ căm ghét luật pháp của những
người cộng sản vẫn sống dai dẳng đến thế kỷ 21. Sự việc thể hiện rõ nhất
thái độ này là việc ông Nguyễn Đăng Trừng, một luật sư được đào tạo dưới
chế độ Sài Gòn trước năm 1975, bị khai trừ Đảng, mất ghế đứng đầu đoàn
luật sư Sài Gòn vào năm 2014.
Người Việt không cộng sản Thế
nhưng, những người Việt chống đối chế độ cộng sản cũng không có thái độ
khác biệt mấy so với những người cộng sản về luật pháp. Có khá đông luật
sư bị chế độ cộng sản bỏ tù, rồi đi lưu vong. Trong phong trào đối kháng
tại Việt Nam trước năm 2020, cũng có khá đông luật sư. Với
sự tham gia của giới luật sư, phong trào đối kháng tại Việt Nam đưa ra
khá nhiều tuyên bố rất mạch lạc về sự cần thiết phải có một nền pháp lý
độc lập, các tòa án được độc lập với quyền lực chính trị, thì mới có thể
có công lý, và về lâu về dài mới có dân chủ cho Việt Nam. Việc
thúc đẩy khái niệm tư pháp độc lập này được nói ra rất dễ dàng vì nó rất
hiển nhiên, nhất là trong hoàn cảnh đối lập với chế độ đàn áp theo kiểu
công an trị, trong đó có khi các vị thẩm phán có nguồn gốc từ công an. Cho
nên, có thể nói không ngoa rằng cuộc đấu tranh cho dân chủ hóa nước Việt
Nam cũng đồng nghĩa với việc đấu tranh để có một nền tư pháp độc lập.
Nhưng khái niệm tư pháp độc lập này, lý tưởng cao cả này của phong trào
đối kháng Việt Nam bị thử thách mạnh mẽ trong năm cuối của nhiệm kỳ tổng
thống thứ 45 ở Mỹ, bằng một loại thuốc thử lý thú là Donald Trump. Ông
Trump sau khi thua trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, bèn tuyên bố vung
vít là ông bị gian lận. Hoa Kỳ là một nhà nước có chế độ tam quyền phân
lập rõ rằng, những bất đồng tranh cãi cuối cùng phải được đem ra tòa.
Tòa án độc lập của Mỹ ở mọi cấp, từ cấp tiểu bang, liên bang, đến Tối
cao Pháp viện, đều bác bỏ những đơn kiện của ông Trump vì không có chứng
cứ, trong đó, chính những vị thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm cũng đã bác
bỏ đơn kiện của ông.
***
Người Việt Nam trong và ngoài nước, trong đó có khá nhiều luật sư, nhiệt
tình ủng hộ ông Trump và chỉ trích, chửi mắng các tòa án độc lập của Mỹ.
Giới bất đồng chính kiến Việt Nam, trong và ngoài nước cũng phụ họa,
tham gia dàn đồng ca chỉ trích này. Trong số những người này, có cả
những người từng học tập và sinh sống ở các xã hội dân chủ như Mỹ, châu
Âu, họ có bằng cấp, có người là nhà báo, luật sư… Việc
ủng hộ ông Trump là bình thường, trong trường hợp ông ta đúng; còn nhắm
mắt ủng hộ ông ta, bất kể đúng sai, vỗ tay tung hô ông ta vi phạm luật
pháp, thì đó mới là vấn đề. Việc thúc đẩy một nền tư pháp độc lập cho
Việt Nam là một điều hiển nhiên, nhưng việc vô cùng khó hiểu là, cũng
chính những con người đó thẳng thừng bác bỏ nền tư pháp độc lập, tòa án
độc lập của Hoa Kỳ.
Họ muốn gì? Tôi
không phải là người duy nhất nhận xét rằng, năm 2020 là năm mà phong
trào đối kháng tại Việt Nam hầu như chấm dứt. Có
phải là những người đối kháng dùng những tiêu chuẩn kép, một mặt họ đòi
đảng CSVN phải công nhận tam quyền phân lập, tòa án độc lập, mặt khác họ
phủ nhận các bản án của tòa án độc lập Hoa Kỳ? Hay
là ta nên hiểu một cách nhẹ nhàng hơn cho họ, rằng họ chẳng biết thế nào
là tòa án, tư pháp độc lập, những điều mà họ đã và đang đòi? Với
hai cách hiểu đó đều dẫn đến kết luận rằng, phong trào đối kháng tan rã
là chuyện tất phải đến. Nếu họ chẳng biết thế nào là sự độc lập của tòa
án, một cột trụ của nền dân chủ thì làm sao họ đấu tranh để đòi được nó? Nếu
họ dùng tiêu chuẩn kép thì họ là những người không lương thiện, mà không
lương thiện thì làm sao có thể tranh đấu, đòi những giá trị tốt đẹp cho
Việt Nam? Hãy
hình dung, những người đối kháng đó cai trị nước Việt Nam, họ cũng sẽ
bảo tòa án xử án theo ý họ mà thôi, nghĩa là không khác gì nhà nước Cộng
sản hiện nay. |