Bài đã đăng trên tạp chí Xưa và Nay năm 1999
Ai viết hồi
ký Con Rồng An Nam
Nguyễn Đắc Xuân
Hồi ký Con Rồng An Nam (Le Dragon d’ Annam) của Cựu hoàng Bảo Đại do nhà xuất bản Plon của Pháp ấn hành năm 1980, đến nay (1999) đã gần 20 năm. Đây là một cuốn hồi ký chính trị, nhiều sự kiện nêu trong Con Rồng An Nam có quan hệ mật thiết với lịch sử Việt Nam hồi nửa đầu thế kỷ XX. Nhưng tiếc thay cuốn hồi ký nầy có nhiều sai sót nên đã gây ra nhiều ngộ nhận đối với giới nghiên cứu, đặc biệt là giới nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài.
Bản thân người viết bài nầy lúc đầu cũng có sử dụng một số thông tin trong Con Rồng An Nam nhưng sau thấy những thông tin đó không chính xác cũng đâm nghi ngờ. Một người thông minh, có ăn học như ông Bảo Đại tại sao có thể để lọt những sai sót như thế? Hay là ông ở bên Pháp thiếu tài liệu tham khảo, hay có ai đó đã viết hộ cho ông mà ông không để ý đọc lại và “gây ra hậu quả nghiêm trọng”? Để trả lời những câu hỏi nầy tôi đã thực hiện một cuộc điều tra nhỏ qua các nhân chứng mà tôi có thể gặp hay có thể đọc trong thời gian tôi đi nghiên cứu ở Pháp đầu năm 1999 vừa qua.
S.M. Bao Dai, LE DRAGON
D’ANNAM ( Con Rồng An Nam)
hồi ký,
1. Những nghi vấn của các nhân chứng và giới nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài: Ông Trần Văn Đôn - Trung tướng Quân đội của chế độ Sài Gòn cũ từng là sĩ quan dưới thời Bảo Đại làm Quốc trưởng bù nhìn, trong thời gian lưu vong ở nước ngoài đã gặp lại Bảo Đại nhiều lần. Có một lần gặp Bảo Đại tại Pháp, ông Đôn có trao đổi với Bảo Đại về chuyện viết hồi ký sau đây: “Mỗi lần từ Mỹ qua Pháp tôi thường mời Bảo Đại và Monica[1] đi ăn cơm. Năm 1979 lúc ăn cơm với Bảo Đại tại Ba-lê tôi hỏi ông sao không viết hồi ký. Bảo Đại và Monica cho biết có một Tướng lãnh Pháp đã lấy tất cả những điểm quan trọng về cuộc đời Bảo Đại để viết sách. Tôi nói: - Ngàì viết đề tên Ngài, chứ Ngài kể cho người ta viết thành ra của người ta rồi. Bảo Đại và Monica đều đồng ý"[2]. Trong những năm tám mươi, bọn Cần lao hoài Ngô ở nước ngoài kêu gào cho việc phục hồi uy tín chính trị cho Ngô Đình Diệm. Bọn nầy đã căn cứ vào Con Rồng An Nam để bảo rằng chính ông Bảo Đại đã từng tha thiết mời ông Diệm về chấp chánh, chứ không phải vì áp lực của ngoại trưởng Foster Dulles của Mỹ và sự vận động tích cực của Hồng Y Spellman buộc ông Bảo Đại phải trao quyền cho ông Diệm như dư luận xưa nay vẫn tưởng. Ông Cửu Long Lê Trọng Văn, từng là tay chân của gia đình họ Ngô biết rõ tội ác của gia đình nầy, biết rõ người Mỹ đã làm áp lực buộc ông Bảo Đại phải giao quyền cho Ngô Đình Diệm. Theo ông Văn, sự kiện quan trọng nầy không được ông Bảo Đại viết trong hồi ký, bởi vì: “Cuốn Le Dragon d’Annam của Bảo Đại không do Bảo-Đại viết. Viết cuốn sách này do một ông tướng Pháp hồi hưu có quen biết với bà vợ cuả Bảo Đại là bà Monica. Bảo Đại đã đưa bản thảo cho một người khác, người này đã sửa chữa và đưa cho nhà xuất bản in và phát hành. Sau đó, ông tướng Pháp viết cuốn sách đó đã đưa Bảo Đại ra tòa vào năm 1981. Kết quả ra sao tôi không được rõ”[3] Cùng một quan điểm với ông Văn, nhà nghiên cứu sử Vũ Ngự Chiêu ở Mỹ cũng khẳng định Con Rồng An Nam không do ông Bảo Đại viết: “Cuốn Le Dragon d’ Annam (Con Rồng An-Nam) của vua Bảo Đại do hai người Pháp viết, và cũng có vụ tranh tụng tác quyền, sách nầy nhiều chi tiết sai lầm”.[4]
2. Gặp người trong cuộc Vậy thực hư như thế nào? Tôi đã tìm gặp bà Bùi Mộng Điệp ở quận 12 Paris. Sau Hoàng hậu Nam Phương, bà Bùi Mộng Điệp là người tình được Bảo Đại sủng ái một thời và bà đã sống chung thủy với Bảo Đại cho đến ngày nay. Chung quanh cuốn Con Rồng An Nam, bà Mộng Điệp kể: - "Người xướng xuất ra chuyện viết hồi ký cho ông Bảo Đại là ông tướng Pháp Jean Julien Fonde. Ông Fonde vốn không quen với ông Bảo Đại. Ông có một người vợ lai Hà Nội. Bà ấy biết tôi là người Hà Nội nên thường gặp tôi. Qua tôi bà Fonde gặp ông Bảo Đại và quen với bà Monica (lúc còn là người giúp việc cho ông Bảo Đại). Hai bà đầm nầy gần nhau và thân nhau. Ông Fonde quen ông Bảo Đại qua bà vợ lai của ông. Ông Fonde vốn là một ông tướng hoạt động ở Việt Nam dưới quyền của ông Leclerc. Ông có điều kiện gặp gỡ các nhân vật Việt Nam từ hồi đầu chiến tranh Pháp Việt và ông cũng lưu giữ được nhiều tài liệu của phòng nhì Pháp. Với cái vốn hiểu biết đó, ông đề xuất viết hồi ký cho ông Bảo Đại. Ông Bảo Đại đã kể những điểm chính của cuộc đời ông cho ông Fonde nghe và thu vào băng casette. Công việc đang tiến hành thì có chuyện trục trặc. Lấy lý do bà Monica là vợ không chính thức của Bảo Đại, ông Fonde không đưa tên bà vào hồi ký của Bảo Đại. Điều đó làm cho bà Monica tức giận, bà không đồng ý để cho ông Fonde tiếp tục công việc nữa. Ông Bảo Đại không có tài liệu lịch sử để tham khảo nên phải dựa vào ông Fonde, nhưng ông Fonde lại không hiểu gì về triều Nguyễn, viết sai nhiều quá và có những câu những chữ sặc mùi thực dân. Vì những lý do đó, ông Bảo Đại đồng ý với bà Monica không để cho ông Fonde hoàn thành cuốn hồi ký mà giao cho bà Monica toàn quyền nhờ một người khác viết tiếp. Người đó là ông Đại úy Guignac. Nhưng ông quan ba nầy không biết gì về văn minh văn hoá triều Nguyễn. Do đó bà Monica phải nhờ ông giáo Bùi Thế Phúc[5] đang dạy học bên Tây viết các phần văn hoá xã hội của cuốn sách. Sau đó ông Hoàng thân Bửu Lộc và ông Nguyễn Đệ cũng giúp một số ý kiến nhỏ nữa. Không được viết hồi ký cho ông Bảo Đại, ông Fonde đem tất cả những tài liệu mình có được và nghe được của ông Bảo Đại cộng tác với ông Jacque Massu viết cuốn L’ aventrure viet-minh và nhà xuất bản Plon cho ra đời vào năm 1980, khổ lớn dày 380 trang.
Sách L’Aventure viet-minh (Biến cố Việt minh) Cũng trong thời gian ấy Le Dragon d’Annam của ông Bảo Đại cũng do Plon xuất bản với khuôn khổ, bề dày gần giống với cuốn sách của ông Fonde. Trong cuốn Le Dragon d’ Annam (Con Rồng An Nam) của Bảo Đại không hề có tên ông Fonde. Thế là ông Fonde đưa ông Bảo Đại ra toà. Vụ kiện rất lớn, một ông tướng Pháp kiện một ông Cựu hoàng đế Việt Nam làm ầm cả giới hiếu sự ở Paris một thời. Ông Fonde bảo ông Bảo Đại không có tài liệu, chỉ kể chuyện sơ sài mà thôi, phần lớn những thông tin trong sách đều do ông Fonde cung cấp. Ông Bảo Đại bảo: - “Chuyện đời của tôi, tôi là chủ nhân của những thông tin ấy tại sao lại bảo tôi ăn cắp. Tôi ăn cắp của chính tôi sao?”. Vụ kiện kéo dài mấy năm và cuối cùng toà án Pháp, thầy kiện người Pháp họ phải bênh vực cho ông Fonde người Pháp, ông Bảo Đại thua kiện. Không rõ ông Bảo Đại thu được bao nhiêu tiền nhuận bút của cuốn Le Dragon d’ Annam mà ông phải bồi thường cho ông Fonde đến một trăm ngàn quan Pháp. Báo chí Pháp có đăng vụ ông Bảo Đại thua kiện nầy. Ông Bảo Đại phải nhờ một người giúp bán cái appartement nhỏ ở vùng biển do ông đứng tên để bồi thường cho ông Fonde. Ông Bảo Đại sạch hết cả tiền bạc, nhiều lúc thiếu cả tiền ăn. Mất tiền, mất cả uy tín của mình và tai hại hơn nữa là có quá nhiều sai lạc về mình nằm ngay trong cuốn hồi ký tên mình. Bị lừa, ông Bảo Đại giận lắm, ông sinh bệnh, chữa mãi không khỏi. Sau này gặp mấy ông Tây quen biết thuở trước, họ bảo tôi: - “Ông Bảo Đại viết hồi ký gì mà chắp vá manh mún giống như cái áo của ông vua Charles Quint vậy?”. Khổ thật. Họ có biết đâu hồi ký ghi tên Bảo Đại mà nào có phải của ông ấy đâu.
3. Một việc hệ trọng bậc nhất mà viết sai Trong phạm vi một bài viết ngắn tôi không thể điểm hết những sai lầm và thiếu sót của cuốn Con Rồng An Nam, chỉ xin trưng dẫn một sự kiện điển hình mà sách hồi ký của ông Bảo Đại viết không đúng. Nhắc lại sự kiện Bảo Đại tiếp phái đoàn đại diện của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và lễ thoái vị tại cửa Ngọ Môn, Le Dragon d’ Annam viết: “Au matin du 25 aout, deux émissaires se présentent au palais. Ce sont des représentants du "Vietnam Doc Lap Dong Minh” qui me sont dépéchés par Hanoi. ... Dans l’après-midi, devant quelques milliers de personnes rassemblées hativement, en costume de Cour, debout sur la terrasse précédant le Ngo-Mon, je donne lecture du dernier rescrit impérial daté le 25 aout 1945". (Le Dragon d’ Annam, Plon 1980, p.119-120)". "Tạm dịch: Sáng ngày 25 tháng 8 có hai phái viên đến cung điện. Đó là những người đại diện cho "Việt Nam Độc Lập Đồng Minh", do Hà Nội cử vào... Đến chiều, trước hàng nghìn người tụ hội một cách vội vàng trước cửa Ngọ Môn, tôi bận triều phục và đọc bản Chiếu thoái vị đề ngày 25 tháng 8 năm 1945". Trong Chiếu thoái vị lịch sử ấy, Bảo Đại đã viết một câu hết sức ý nghĩa: ”Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”. Đây là ý tưởng độc đáo nhất của ông vua cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam. Kể lại một sự kiện quan trọng và có ý nghĩa vào bậc nhất của cuộc đời chính trị của Bảo Đại, sách Le Dragon d’ Annam đã phạm phải những sai lầm sau: a) Tư cách của đoàn đại biểu: Theo nhà thơ Cù Huy Cận “Đoàn đại biểu thay mặt cho Chính phủ lâm thời nước VNDCCH”[6] chứ không phải là đại diện cho Việt Nam Độc lập Đồng Minh (Việt Minh) như Le Dragon d’ Annam viết. b) Ngày giờ Bảo Đại gặp phái đoàn và ngày giờ tổ chức lễ thoái vị: Theo nhà sử học Trần Huy Liệu-trưởng phái đoàn Đoàn đại biểu thay mặt cho Chính phủ lâm thời nước VNDCCH vào gặp Bảo Đại, cho biết ngày 25-8-1945 phái đoàn mới khởi hành tại Hà Nội, chiều 28-6 phái đoàn đến Huế, chiều 29-8-1945 phái đoàn vào điện Kiến Trung gặp Bảo Đại bàn việc thoái vị và đến chiều 30-8 lễ thoái vị mới được tổ chức tại cửa Ngọ Môn.[7] Ngày giờ ông Trần Huy Liệu viết khớp với ngày giờ của ông Phạm Khắc Hoè-nguyên Ngự tiền Văn phòng của Hoàng đế Bảo Đại, viết trong Hồi ký Từ Triều Đình Huế đến chiến khu Việt Bắc.[8] Le Dragon d’ Annam viết Bảo Đại gặp phái đoàn buổi sáng 25-8 và lễ thoái vị tổ chức vào ngay buổi chiều 25.8 là không đúng. Ngày 30.8.1945 là ngày chính thức tuyên bố chấm dứt thời đại quân chủ hàng ngàn năm ở nước ta, không thể viết một cách tùy tiện và sai lạc như thế. Cuốn hồi ký của Cựu hoàng Bảo Đại được bà vợ đầm nguyên là bồi phòng Monica của ông xem như một món hàng được giá. Bà đã cộng tác với mấy người sĩ quan và tướng lãnh Pháp khai thác để làm tiếp. Nhưng vì bà không có trình độ, không có kinh nghiệm nên Monica đã bị tên tướng già Fonde lừa đưa vào bẫy nên bà đã mất sạch. Về phía ông Bảo Đại, vì bản tính nhu nhược, ông đã thả tay để cho bà vợ trẻ tung hoành gây nên hậu quả vừa mất tiền vừa mất uy tín. Hồi ký Con Rồng An Nam tuy ký tên ông Bảo Đại mà thực chất không hoàn toàn của ông. Do đó khi muốn trích dẫn cần phải tham khảo với nhiều tài liệu khác mới có thể tin được.
Nguyễn Đắc Xuân [1] Monica là tên thường gọi, tên chính thức của bà là Monique Baudot. Bà làm phép cưới với Bảo Đại vào đầu năm 1982. [2] Việt Nam Nhân Chứng, tr.509 [3] Lột mặt nạ những con thò lò chính trị, Mẹ Việt Nam tại Mỹ, 1991, tr.179 [4] Trích lại của Nguyễn Mạnh Quang, Việt Nam Đệ Nhất Cộng Hòa Toàn Thư,1954-1963; Tác giả tự xuất bản, Tacoma, WA 98407, năm 1998, tr. 172 [5] Người trong gia đình cụ Phó bảng Bùi Kỷ và cụ Trần Trọng Kim. Chú thích của bà Bùi Mộng Điệp. [6] Huy Cận, Vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại, trích lại của sách Bình Trị Thiên Tháng Tám Bốn Lăm, Thuận Hoá 1985, tr.77 [7] Trần Huy Liệu, Phái đoàn vào Huế nhận sự thoái vị của Bảo Đại, t/s Nghiên cứu Lịch sử số 16 năm 1960, trích lại của sách Bình Trị Thiên Tháng Tám Bốn Lăm, Thuận Hoá 1985, tr.37-47 [8] Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb Thuận Hóa 1985, tr.87
NĐX gửi cho viet-studies ngày 24-3-14 |