Trao đổi với ông Nhị Lê
Nguyễn Đình Cống
Được biết ông là tiến sĩ, phó TBT tạp chí Công sản. Như vậy ông thuộc
loại trí thức bậc cao của ĐCSVN. Tôi đã đọc nhiều bài viết của ông để
biết các trí thức của Đảng suy nghĩ và viết như thế nào. Tôi vừa đọc bài
do Lan Anh ghi, đầu đề :
Ông Nhị Lê :’ Là đảng viên tôi suy nghĩ rất nhiều về chữ liêm sỷ”
(Viet-Studies ngày 23/ 3/
2019). Đọc xong tôi cảm thấy buốn cho trình độ hiểu biết của các trí
thức đảng, đặc biệt khi xem lời bình “ Còn THD không phải là đảng viên
nên nghĩ rất ít về 2 chữ này”.
Liêm sỷ! Tại sao đảng viên, trí thức cấp cao suy nghĩ rất nhiều, thế
mà không phải đảng viên lại nghĩ rất ít.
Khi đọc bài này của tôi
chắc ông sẽ có phản ứng. Xin bình tĩnh suy xét. Tôi rất muốn gửi Email
hoặc gọi điện thoại cho ông nhưng không tìm thấy địa chỉ. Tôi để lại địa
chỉ cuối bài , rât mong được trao đổi ý kiến. Sẽ rất tốt khi ông vui
lòng gặp trực tiếp để trao qua đổi lại kịp thời. Tôi vẫn mong được đối
thoại về Mác Lê, về Đảng cầm quyền với các trí thức bậc cao của Đảng mà
chưa có dịp.
Ông đã có một số câu phù
hợp với tôi, như là : “ Tất cả những “ung nhọt” mà cán bộ, Đảng viên
ở các cấp mắc phải phản ánh rất rõ một thực tế: Đảng dù đã rất cố gắng
xử lý tệ thoái hóa, biến chất nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu…..; Lòng tin
của nhân dân là tài sản thiêng liêng nhất, quý báu nhất của Đảng…..;
Trước đây được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào, vinh dự, có ý
nghĩa thiêng liêng đối với mỗi người,
cũng như cả gia đình, dòng họ…;”
Tuy vậy những giải thich, những lập luận của ông là ngược với tôi. Ông
có biết vì sao trước đây được vào Đảng là niềm tự hào, vinh dự….không?
Đó là do 3 nguyên nhân
chính sau : (1) Vào Đảng sẽ có đặc quyền, đặc lợi. (2) Sự tuyên truyền
rất mạnh về vinh dự trở thành đảng viên. (3) Đảng còn dựa vào lòng yêu
nước và người ta còn thấy nhiều đảng viên tốt.
Trước đây nhiều người vì lòng yêu nước, vì muốn cống hiến mà vào Đảng.
Những người như vậy dần dần giảm xuống, chỉ còn chiếm một tỷ lệ thấp
trong tổng số đảng viên. Chính vì nguyên nhân (1)
và (2), cộng với một
số sai lầm trong thủ tục xét kết nạp mà khi Đảng đã nắm chính quyền thì
rất nhiều bọn cơ hội tìm cách lọt
vào bằng những thủ đoạn thiếu trong sáng, đồng thời làm cho các bí thư
chi bộ, bí thư đảng ủy trở thành
những người nắm và quyết định vận mệnh chính trị của người dân, họ trở
nên cậy quyền, cậy thế.
Cũng vì vậy mà một số trí
thức có trí tuệ cao và trung thực đã không được kết nạp.
Ông có biết tại sao Đảng đã rất cố gắng…, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu?
Tôi cho rằng trong việc phát triển Đảng cũng như trong đường lối
cán bộ, Đảng đã phạm phải những sai lầm nghiêm trọng từ gốc. Trong bài “
Phản biện đường lối cán bộ CS” (*) tôi chỉ ra đống bùng nhùng mà Đảng
đang vướng phải, đang quẩy đạp trong đó. Những Quy đinh như 101 ( tháng
6/2012), 55 (2/2016), 08 (10/2018) về nêu gương được ông
xem như bảo bối thì tôi chỉ thấy nhàm chán, vô tác dụng. Tháng
10/2018 tôi đã viết bài “ Phản biện Quy định nêu gương” (*), trình bày
rõ các lập luận.
Ông tỏ ra quá tin tưởng vào
Quy hoạch cán bộ, với việc hội nghị
mới đây lựa chọn được 250 đồng chí tinh hoa của đảng cho ĐH XIII.
Tôi nghiên cứu kỹ nội dung Quy hoạch, rút ra nhận xét rằng nó phản dân
chủ, phản tiến bộ. Cứ theo cách làm của Quy hoạch thì chủ yếu tìm được
tinh hoa dỏm, có thể có bằng cấp cao, nhưng trình độ thấp, trong đó có
bọn cơ hội với nhiều chước quỷ mưu ma mà thiếu trí tuệ, thiếu trung
thực. Những tinh hoa thực chất của dân tộc, số thì đã ra nước ngoài, số
đang bị nhốt trong tù, số còn lại đã bị loại ngay từ vòng ngoài.
Ông Nhị Lê thắc mắc :
Vì sao Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ, là danh dự, là lương
tâm của thời đại, là đứa con nòi của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
nói, mà đây đó, thanh niên của chúng ta chưa có nguyện vọng, chưa khao
khát đứng, thậm chí “ngại ngần” đứng trong hàng ngũ của Đảng?
Đảng ta là đạo đức, là văn minh…đó là Hồ Chí Minh nói thế, mơ ước được
như thế và trước đây có lúc đạt được một phần rất nhỏ. Thực tế có lẽ
không bao giờ đạt được. Còn
bây giờ Đảng ta là như thế nào mà thanh niên ngại ngần gia nhập, mọi
người đều biết và chắc ông biết
rõ hơn tôi. Khá nhiều người có nhận xét Đảng trước đây (của Hồ Chí Minh)
tốt hơn Đảng bây giờ ( của Nguyễn Phú Trọng). Tôi cho rằng đó là
một nhầm lẫn. Tôi đã đăng bài “Nhầm ở đâu” (*). Thực ra trước nay Đảng
vẫn thế, vẫn Mác Lê, vẫn công nông liên minh, vẫn chuyên chính vô sản,
vẫn đàn áp và dối trá v.v…Khác nhau chủ yếu là chất lượng đảng viên. Khi
nhìn vào Đảng người ta nhìn thông qua đảng viên. Trước đây có nhiều đảng
viên tốt, ngày nay có nhiều đảng viên xấu. Mức độ tốt xấu của đảng viên
chủ yếu là do phẩm chất của họ trước khi vào Đảng. Các phẩm chất trung
thực hay liêm chính, các
đảng viên trước đây mang theo khi gia nhập Đảng. Ở lâu ngày trong Đảng
những phẩm chất ấy khó tăng lên mà còn có thể bị giảm. Những tính cách
tham lam, dối trá, đểu cáng thì bọn cơ hội đã có sẵn, nhưng chúng che
giấu được khi xin vào Đảng. Vào được rồi, có quyền lực rồi thì những
thói xấu bộc lộ ra. Đảng định dùng vũ khí phê và tự phê, dùng các quy
định về kỷ luật, về nêu gương và các điều cấm đẻ làm cho Đảng trong
sạch, vững mạnh. Nhưng các biện pháp đó chỉ như mò trăng đáy nước, như
gãi ngứa ngoài da. Tôi đã viết các bài “Bình luận về nghị quyết của
Đảng” (*)
Ông Nhị Lê quan tâm đến “tầm
mức của sự cấp bách trong lộ trình đổi mới phương thức cầm quyền của
Đảng”. Về vấn đề Đảng lãnh đạo hay Đảng cầm quyền tôi đọc khá nhiều
nhưng chưa gặp bài nào của Nhị Lê. Qua các bài của những cây bút
lý luận của Đảng tôi thấy ĐCSVN đang mắc vào trong một đống rối như tơ
vò. Tôi vừa đăng bài “ Bàn
về đảng cầm quyền”( *), mong rằng có thể có một vài gợi ý nào đó.
Ông lo lắng : “nếu Đảng không giữ vững tay chèo sẽ rất khó giữ vững
sự nghiệp”. Có lẽ ông
bị nhầm từ “tay lái” thành “tay chèo”. Lái hay chèo đều phải vững, nhưng
quan trọng là đi chọ đúng luồng lạch. Sau cách mạng dân tộc, đến giai
đoạn kiến thiết đất nước, thực hành Dân chủ thì Đảng không theo luồng
lach rộng mở mà lại dẫn con thuyền vượt thác gềnh đi vào chốn tù mù.
Trong trường hợp đó càng vững tay lái, càng mạnh tay chèo càng đi xa sự
phát triển bền vững, đi xa mục tiêu tự do và hạnh phúc của toàn dân, mà
chỉ đem lại giàu có
và quyền lực nhất thời cho một số nhóm lợi ích.
Xem đây là thư ngỏ thì “Thư bất tận ngôn”. Xin tạm dừng. Mong được trao
đổi trực tiếp.
Chú : (*)Các bài đã đăng trên Facebook và Báo Tiếng Dân. Nếu ông Nhị Lê
hoặc bạn nào chưa đọc và muốn đọc xin gửi yêu cầu qua Email, tôi sẽ
chuyến.
Địa chỉ của tôi : ĐT 0389 578 620; Email :
ndcong37@gmail.com
|