30/4/1975, Dương Văn Minh và
tôi
Nguyễn Hữu Thái
3/2008
Tác giả
bài viết là người giới thiệu lời đầu
hàng của Đại tướng Dương Văn Minh Tổng thống cuối cùng Việt Nam Cộng
Hòa tại đài phát thanh Sài Gòn vào trưa
ngày 30/4/1975.
Anh nguyên là
Chủ
tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-64) từng
có nhiều dịp tiếp xúc với tướng
Minh và cũng là
một nhân chứng
trong ngày giải phóng miền Nam,
thống nhất đất nước.
Bản thân tôi đã
từng gặp gỡ tướng Dương Văn Minh vào nhiều thời điểm và tình huống
lịch sử khác nhau trong những năm 50-70 của thế kỷ trước. Thời học
sinh năm 1955, lần đầu tôi nhìn thấy ông như người hùng diệt Bình
Xuyên. Năm 1963 làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, tôi có dịp
tiếp cận nhiều lần với Trung tướng Dương Văn Minh, Chủ tịch “Hội
đồng Quân nhân Cách mạng” lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Năm 1971 tôi
ra tranh cử Quốc hội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) dưới chiêu bài hòa
bình hòa giải dân tộc trong nhóm Dương Văn Minh. Vào ngày lịch sử
30/4/1975, chính tôi là người giới thiệu lời đầu hàng của Đại tướng
Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của chế độ VNCH trên đài phát
thanh Sài Gòn.
Người hùng lật đổ chế độ độc tài
Ngô Đình Diệm 1963
Lần đầu tiên
nhìn thấy tướng Dương Văn Minh rất trẻ ở tuổi chưa tới 40 là vào năm
1955 khi tôi còn là một học sinh trường Taberd Sài Gòn. Vị Đại tá
mới vinh thăng Thiếu tướng Dương Văn Minh oai phong dẫn đầu đoàn
quân chiến thắng quân Bình Xuyên của Bảy Viễn từ Rừng Sát quay về,
trong cuộc duyệt binh lớn trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi) vào
những ngày đầu chế độ Ngô Đình Diệm ở miền Nam.
Bẳng đi một thời
gian không nghe nhắc đến tên ông. Tên tuổi Dương Văn Minh bỗng lại
nổi lên như cồn vào năm 1963 khi ông lãnh đạo “Hội đồng Quân nhân
Cách mạng” lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Báo chí phương Tây
thường gọi ông là “Big Minh” (Minh Lớn). Tuy vóc dáng dềnh dàng rất
nhà binh, ông là một Phật tử có tâm, ăn nói điềm đạm, ôn tồn và chất
phát kiểu một “bon papa” (người cha hiền lành dễ chịu).
Ông sinh năm
1916 tại Mỹ Tho, đang là sinh viên trường thuốc, thì bị gọi thi hành
nghĩa vụ quân sự vào hàng sĩ quan trừ bị quân đội Pháp khi nổ ra Thế
chiến II. Có lẽ ông không đồng chính kiến với người em đi theo Việt
Minh chống Pháp vì quan niệm rằng Việt Nam có thể được trao trả độc
lập nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Vào năm 1954, Thủ tướng Ngô Đình
Diệm sử dụng ông để diệt các nhóm chống đối vũ trang Bình Xuyên và
giáo phái ly khai ở miền Tây Nam Bộ.
E ngại ảnh hưởng
của ông quá lớn, Ngô Đình Diệm không dám giao ông chức vụ gì quan
trọng, chỉ cử ông sang Mỹ học một khóa tham mưu cao cấp rồi phong
quân hàm trung tướng, giữ một chức vụ hữu danh vô thực “Cố vấn quân
sự của Tổng thống”, ngồi chơi xơi nước!
Tướng Dương Văn Minh ngày lật đổ Ngô Đình Diệm, 1963
Tôi được tập thể
sinh viên Sài Gòn đề cử làm chủ tịch đầu tiên ngay sau ngày chế độ
Ngô Đình Diệm sụp đổ. Chính Hội đồng Quân nhân Cách mạng lúc đó đã
ký giấy giao tòa nhà số 4 đường Duy Tân (nay là Nhà Văn hóa Thanh
niên đường Phạm Ngọc Thạch), nguyên là trụ sở Thanh niên Cộng hòa
của Ngô Đình Nhu cho sinh viên làm nơi hoạt động và tôi là người
đích thân đứng ra nhận lãnh.
Tuy vậy,
trong nội bộ tướng lãnh lại sớm lục đục nhau. Chỉ ba tháng sau ngày
lật đổ Ngô Đình Diệm, vào đầu năm 1964, Trung tướng Nguyễn Khánh từ
Quân đoàn II ở Tây Nguyên bay về hợp cùng nhóm Đại Việt thân Mỹ làm
cuộc “Chỉnh lý” (đảo chính êm thắm) bắt giữ hầu hết những người
chung quanh tướng Minh. Họ tố cáo nhóm ông thân Pháp và âm mưu đưa
miền Nam Việt Nam vào con đường trung lập do Tổng thống De Gaulle
chủ xướng, tuy họ vẫn phải giữ ông lại ngôi vị bù nhìn Chủ tịch Hội
đồng Quân nhân (tương đương vai trò Quốc trưởng) do uy tín ông còn
quá lớn trong nhân dân và quân đội
Tết năm đó,
tôi đại diện sinh viên Sài Gòn dự buổi tiếp tân Tất niên tại dinh
Gia Long của Quốc trưởng. Trung tướng Minh chỉ làm vì, quyền hành
thực sự nằm trong tay tướng Nguyễn Khánh và nhóm tướng lãnh trẻ,
người Mỹ gọi là “Junta”.
Cuộc đảo
chính của tướng Khánh mới xảy ra, nên cuộc vui cũng không trọn. Các
tướng lãnh, chính khách, đại diện các đoàn thể nhân dân, tôn giáo
đều có mặt. Lần đầu tiên tôi gặp mặt hầu hết các tướng lãnh VNCH.
Tôi chỉ góp chuyện xã giao với tướng Minh và các nhân vật đang lên
vào lúc đó là các tướng Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm.
Tôi còn nhớ
Nguyễn Văn Thiệu mới được vinh thăng thiếu tướng và đảm trách chức
vụ tham mưu trưởng Quân lực VNCH, được tướng Minh nhắc nhở, nửa đùa
nửa thật: “Hãy coi chừng! Việt Cộng hoạt động dữ lắm trong mấy ngày
Tết!” Cuộc họp mặt cuối năm diễn ra khá hình thức và buồn tẻ.
Tôi đứng chụp hình chung với một số tướng lãnh và Tổng giám mục Công
giáo Nguyễn Văn Bình rồi rời dinh Gia Long, trong lòng không vui.
Do công tác,
sinh viên chúng tôi lại có dịp hội kiến Quốc trưởng Dương Văn Minh.
Nhân phút nhàn đàm về viễn tượng chiến tranh và hòa bình, tướng Minh
tâm tình: “...Bộ các em không muốn nước Việt Nam mình trung lập như
Thụy Sĩ hay sao?” Có lẽ do những ý hướng hòa bình, trung lập kiểu đó
mà tướng Minh từ năm 1964 đã sớm bị nhóm tướng Nguyễn Khánh cùng
người Mỹ chủ trương leo thang chiến tranh đẩy ra khỏi chính trường
miền Nam và bị lưu đày nhiều năm ở nước ngoài.
Vào thời đó, tôi
không biết đích xác sự việc bên trong ra sao, chỉ nghe tin đồn là
Dương Văn Nhựt, người em ruột tướng Minh theo Việt Minh tập kết ra
Bắc nay quay vào Nam bắt liên lạc và tác động tướng Minh ngả về chủ
trương trung lập hóa miền Nam để chấm dứt chiến tranh.
Con đường hòa giải dân tộc Phật
giáo
Sau vụ chính
biến Phật giáo Miền Trung đấu tranh chống “Nội các chiến tranh”
Nguyễn Cao Kỳ năm 1966, tôi bị bắt. Ra tù đầu năm 1968, tôi bị đưa
thẳng vào quân trường đi lính. Nhờ được công tác tại Sài Gòn, tôi
quan hệ với nhiều anh em tiến bộ tán thành lập trường hòa bình, hòa
giải dân tộc trong số dân biểu đối lập chính quyền Nguyễn Văn Thiệu
và nhóm trí thức tiến bộ tập hợp chung quanh tướng Minh vừa từ
Bangkok quay về cuối năm 1968. Chúng tôi chủ yếu hoạt động trong tờ
báo Tin Sáng do dân biểu đối lập Ngô Công Đức chủ biên.
Năm 1971, VNCH
tổ chức bầu cử Quốc hội và tiếp theo là bầu cử Tổng thống. Người của
Mặt trận Dân tộc Giải phóng đề nghị tôi ra tranh cử với lập trường
hòa bình đứng giữa, chuẩn bị cho “Thành phần thứ ba”. Hội nghị Paris
về vấn đề Việt Nam tuy chưa ngả ngũ nhưng người ta đang bàn luận đến
việc lập chính phủ ba thành phần, trong đó có thành phần đứng giữa
làm trung gian hòa giải trong chính phủ liên hiệp tương lai. Thật
khó khăn nếu tự ra ứng cử đơn thương độc mã một mình. Tên tuổi của
tôi tuy cũng có một thời được nhiều người biết đến, nhưng nay chắc
không ai còn nhớ đến trong cái Sài Gòn rộng lớn và bận rộn làm ăn
này. Dẫu có tự do bỏ phiếu thì tranh cử kiểu không tiền bạc, không
thế lực nào hậu thuẩn như tôi chỉ là chuyện vô ích.
Yểm trợ Nguyễn Hữu Thái ra tranh cử Quốc hội Sài Gòn, 1971
Phải tìm hậu
thuẩn nơi khối đông đảo quần chúng đô thị, lúc này không ai khác hơn
là lực lượng Phật giáo, nhất là ở miền Trung. Tôi bàn bạc với người
Mặt trận Giải phóng sẽ về Đà Nẵng quê tôi để tranh cử. Bấy giờ tôi
có thuận lợi là vừa được sự ủng hộ của nhóm tướng Dương Văn Minh,
người sẽ ra tranh cử Tổng thống với chiêu bài hòa bình lẫn sự hỗ trợ
của Thượng tọa Thích Trí Quang. Nhà lãnh đạo Phật giáo uy tín nhất
miền Nam lúc đó đang bị Thiệu-Kỳ cô lập ở Sài Gòn đã đích thân gửi
thư yêu cầu vị sư đại diện tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng là Thích Minh
Chiếu sắp tên tôi vào danh sách những người được Phật giáo ủng hộ
công khai. Nhưng việc đó không thành, do lủng củng bên trong nội bộ
lãnh đạo giáo hội. Phe chống Cộng như các Thương tọa Thiện Minh,
Huyền Quang không chấp nhận tôi, nghi ngờ là người của Giải phóng,
nên tôi đã thất cử. Tướng Minh vào giờ chót cũng rút lui ra khỏi
cuộc tranh cử Tổng thống và chuẩn bị lực lượng cho một vận hội mới
vào một thời điểm thích hợp hơn.
Tôi ngày càng
gắn bó hơn với nhóm trí thức trẻ hoạt động chung quanh tướng Minh,
đặc biệt với các dân biểu đối lập và tiến bộ như Ngô Công Đức, Hồ
Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Lý Quí Chung, Phan Xuân Huy, Nguyễn Văn
Binh… Tôi trở thành một trong các cây bút chủ lực báo Điện Tín do
nhóm Dương Văn Minh chủ trương, sau khi tờ Tin Sáng quyết liệt chống
Nguyễn Văn Thiệu bị đóng cửa và nhiều dân biểu chủ trương hòa hợp
hòa giải bị loại ra khỏi Quốc hội.
Thay người khác mà vác cờ trắng
Tôi lại bị chính quyền Sài Gòn bắt
giam trước ngày ký kết Hiệp định Paris về hòa bình Việt Nam vào cuối
năm 1972 do bị tố cáo là thuộc Thành phần thứ ba thân Cộng. Khi ra
tù năm 1974, tình hình đã biến chuyển nhanh theo hướng chấm dứt
chiến tranh. Chính quyền Sài Gòn ráo riết đàn áp đối lập và những ai
kêu gọi hòa bình hòa giải dân tộc. Tôi phải trốn tránh, rút lui vào
hoạt động bí mật.
Về tình hình trong tháng tư năm 1975
liên quan đến việc tướng Minh ra nhận chính quyền VNCH, sau này tôi
đọc được trong tập hồi ức của Thượng tọa Trí Quang ghi rằng: “...Ấy
thế mọi việc diễn ra có lúc đến chóng mặt. Cho đến mùa
xuân 2519 (1975) thì một ngày mà có người ba lần đến
vận động tôi đừng chống việc ông Dương Văn Minh đứng ra,
“vì chính quyền
của ông ấy sẽ có bảy phần mười là người tiến bộ ”.
Tôi không nói lại gì cả, chỉ quan tâm lời thầy Trí Thủ nói, rằng
chim cá còn mua mà phóng sinh, lẽ nào đồng bào mà không hy sinh cấp
cứu. Rồi ông Dương Văn Minh gặp tôi, đưa ra hai
mảnh giấy báo cáo mật cho thấy ngân hàng trống rỗng và quân
sự nguy ngập, và nói ông không vụ lợi vì lợi không còn gì, không cầu
danh vì danh đến quốc trưởng là cùng, ông chỉ không nỡ ngồi nhìn
chết chóc. Tôi nói, nếu lòng ông như thế là ông làm như lời thầy Trí
Thủ nói, và có nghĩa ông thay người khác mà vác cờ trắng !“
Tôi đang trốn
tránh trong nhà dân biểu Lý Quí Chung do Thượng tọa Trí Quang gửi
gắm và biết anh là một trong những người thân cận nhất của tướng
Dương Văn Minh vào thời điểm đó. Tôi chú ý thấy tướng Minh thường
ghé nhà anh bàn bạc. Sau này, anh nói rằng sự thật thì từ giữa tháng
4/1975, nhóm Dương Văn Minh đã quyết tâm ra nắm chính quyền với mục
tiêu tìm mọi cách chấm dứt cuộc chiến, nếu cần phải cầm cờ trắng đầu
hàng. Anh cho rằng: “quyết định làm người cầm cờ đầu hàng cũng là
một sứ mạng lịch sử”! Cụ thể là đã có đến ba phần tư những người trí
thức hoạt động chính trị chung quanh tướng Minh đã quan hệ với Mặt
trận Giải phóng hoặc là cán bộ Cách mạng rồi. Đó là những người như
thẩm phán Triệu Quốc Mạnh, bộ trưởng Nguyễn Văn Diệp, chuẩn tướng
Nguyễn Hữu Hạnh, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, giáo sư Lý Chánh Trung,...
Tướng Dương Văn Minh dẫu sao cũng đại diện cho một phần nhân dân
miền Nam và là vị tướng lãnh có uy tín cuối cùng không bỏ chạy khỏi
miền Nam Việt Nam vào lúc đó.
Bản thân Lý Quí
Chung không trực tiếp quan hệ với cách mạng, nhưng anh có những bạn
bè gần gũi như các nhà báo Huỳnh Bá Thành (họa sĩ Ớt, sau này là
Tổng biên tập báo Công An TP.HCM), Nguyễn Vạn Hồng (Cung Văn),
Trương Lộc… mà anh biết là người của Mặt trận Giải phóng.
Tướng Dương Văn Minh và Lý Quí Chung
Tuy vậy, sự việc
cụ thể diển biến không mấy bình thường như Lý Quí Chung suy nghĩ và
viết ra trong hồi ký của mình. Đã thật sự xuất hiện không ít âm mưu
kéo dài tình trạng nhập nhằng với sức ép đàng sau của cả bạn lẫn thù
của phe cách mạng. Không ít người trong nhóm Dương Văn Minh đã tìm
nhiều cách, vận động nhiều hướng, nhiều phía để tìm kiếm sự ủng hộ
nước ngoài. Cho đến giờ chót, họ vẫn ấp ủ hy vọng chính quyền Dương
Văn Minh tồn tại lâu dài và được công nhận như một chính phủ hoặc
một thành phần quan trọng trong “Chính phủ Liên hiệp” mà họ tự nghĩ
ra !
Chúng
tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng…
Sáng tinh mơ
ngày 30/4, từ cơ sở chuẩn bị nổi dậy của sinh viên ở Đại học Vạn
Hạnh (gần chợ Trương Minh Giảng), tôi bàn với Nguyễn Trực
người thân cận với Thượng tọa Trí Quang rồi chạy vội lên chùa Ấn
Quang (đường Sư Vạn Hạnh) gặp vị sư lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng
lớn trên nhóm Dương Văn Minh này. Lâu nay tôi vẫn giữ mối quan hệ
tốt đẹp với ông, tuy ông biết rõ tôi đến từ phía nào rồi. Tôi báo
ngay: “Tình hình cấp bách quá rồi, xin Thầy làm sao tác động gấp
nhóm ông Minh chủ động tìm cách chấm dứt ngay cuộc chiến để tránh đổ
máu và tàn phá Sài Gòn. Các đường giây liên lạc với bên kia nay đã
đứt hết rồi, không còn thì giờ đưa giải pháp này nọ nữa đâu…”
Thượng tọa Trí
Quang hiểu ngay và choàng áo sang phòng bên gọi điện thoại. Tôi nghe
vị Thượng tọa nói chuyện qua lại một hồi, rồi quay về cho biết:
-Thái cứ yên
tâm, Thầy không gặp được ông Minh (Tổng thống mới nhậm chức), nhưng
đã nói chuyện với ông Mẫu (Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng nội các mới), có lẽ
họ cũng nhanh chóng hành động theo hướng đó…
Tôi quay về Đại
học Vạn Hạnh và khoảng hơn 9 giờ (giờ Sài Gòn thời đó, sớm hơn nay
một giờ), thì nghe tướng Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh
Sài Gòn: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải
và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa
vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của
người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt
Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi
cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa
Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ
Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận
lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của
đồng bào”.
(Theo băng ghi
âm Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nay còn cất giữ).
Sinh viên chúng tôi bèn chia làm 2
mũi lên đường hướng về các đài phát thanh và truyền hình nhắm chiếm
đài, phát đi tiếng nói Cách mạng. Một nhóm anh em sinh viên có trang
bị vũ khí nhẹ lên xe ca đến đại học Nông lâm súc, áp sát chuẩn bị
xâm nhập vào các đài. Tôi cùng nhà báo Nguyễn Vạn Hồng và giáo sư
Huỳnh Văn Tòng (tiến sĩ sử học tiến bộ ở Pháp về, giảng dạy báo chí
ở các đại học) vào dinh Độc Lập nhắm thuyết phục những người quen
biết trong chính quyền tướng Minh bàn giao chính quyền VNCH cho phía
Mặt trận Dân tộc Giải phóng một cách êm thắm nhất.
Khoảng 10 giờ,
chúng tôi lên chiếc xe Renault 8 màu xanh của Hồng. Nhà báo có giấy
phép đặc biệt vào ra Phủ Tổng thống nên chắc không có gì trở ngại.
Nhưng khi xe chạy vào cửa hông đường Nguyễn Du, thấy vắng tanh nên
tiến thẳng luôn vào thềm dinh. Tôi vội vàng đi tìm Lý Quí Chung, lúc
đó là Tổng trưởng Thông tin duy nhất được chỉ định chính thức trong
Nội các mới. Chung đồng ý ra đài phát thanh ngay với chúng tôi trên
một công xa, nhưng không một tài xế nào chịu lái đi vì sợ bị bắn.
Chúng tôi đang
loay hoay thì bỗng mọi người cùng hướng nhìn về đại lộ Thống Nhất
(Lê Duẩn ngày nay). Một cảnh tượng hùng tráng diễn ra: một đoàn xe
tăng rầm rộ tiến về hướng dinh. Bổng chốc cổng dinh bị húc đổ, đoàn
tăng cày lên thảm cỏ, tiến thẳng đến thềm dinh. Tôi và anh Huỳnh Văn
Tòng giúp người bộ đội xe tăng cầm cờ Giải phóng cắm lên nóc Dinh.
Phải ra ngay đài
phát thanh, tôi tháp tùng xe của Chính ủy Bùi Văn Tùng cùng các nhà
báo Tây Đức Von Boric Gallasch và Hà Huy Đĩnh đưa Tổng thống Dương
Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng Thông tin Lý Quí Chung
ra đài phát thanh.
Xin giới thiệu lời kêu
gọi của ông Dương Văn Minh về vấn đề đầu hàng
Anh em sinh viên
đã cùng bộ đội chiếm giữ đài rồi nhưng không vận hành được cũng như
không biết phát đi nội dung gì. Chúng tôi tìm được anh Trần Văn Bảng
kỹ thuật viên phát thanh vận hành lại đài, còn nhà báo Đức thì cho
mượn chiếc cát xết thu lời đầu hàng của tướng Minh và lời chấp nhận
đầu hàng của chính ủy Bùi văn Tùng, do chính ông Tùng soạn thảo.
Tướng Minh nhìn
thấy tôi trong đám người này có vẻ cũng yên lòng. Trông ông mệt mõi
và không mấy vui. Thân hình ông vẫn to lớn nhưng mặt ông hơi hốc
hác. Dẫu sao ông cũng đã hy sinh danh dự của một tướng lãnh (dù là
một tướng bại trận) để thực sự cứu thành phố này khỏi cảnh tàn phá
và đổ nát. Sau này tôi mới biết là ông và bộ tham mưu từ mấy ngày
qua đã quyết định đầu hàng dẫu có bị đối xử không tương xứng của
phía đối nghịch. Đó cũng là một hành động can đảm và đáng ca ngợi
của một Phật tử vào cuối đời. Có lẽ ông chưa bao giờ thành công
trong hoạt động chính trị. Ông chỉ là nhân vật cần thiết của tình
thế nhưng không nắm được quyền lâu dài. Vào năm 1963, không ai ngoài
ông trong số tướng lãnh đủ uy tín đứng ra lãnh đạo cuộc đảo chính
lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Lần này, có lẽ chính quyền VNCH
cũng không còn con bài nào khác để chấm dứt cuộc chiến một cách êm
thắm. Ít ra ông còn giữ được nguyên vẹn Sài Gòn và phần còn lại của
miền Nam tránh khỏi đổ nát và đổ máu thêm một cách vô ích trong cuộc
thư hùng cuối cùng giữa những người anh em ruột thịt.
Tôi nhìn sang
Giáo sư Vũ Văn Mẫu, ông có vẻ bình thản trong bộ complê màu xanh
nhạt luôn chỉnh tề của một nhà giáo đại học. Khi còn học ở khoa
Luật, tôi rất thích lối giảng các bài pháp chế sử, mạch lạc, hùng
biện và cả hóm hỉnh của ông. Tuy xuất thân trong gia đình quan lại
miền Bắc và di cư vào Nam năm 1954, khi nổ ra vụ tranh đấu Phật giáo
năm 1963, đang giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao VNCH ông can đảm từ
nhiệm và cạo trọc đầu phản kháng Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Nay
ra lãnh chức vụ Thủ tướng tôi nghĩ ông không có ước mong gì khác hơn
là đem lại hòa bình, hòa hợp hòa giải thật sự cho dân tộc.
Về nội dung bản
tuyên bố đầu hàng, tôi nhìn thấy giữa tướng Minh và chính ủy Tùng có
lời qua tiếng lại. Hình như tướng Minh không muốn nêu chữ “Tổng
thống” mà dùng tiếng “Đại tướng” quen thuộc hơn. Ông Tùng cương
quyết không chịu vì cho rằng dẫu sao thì tướng Minh cũng đã làm Tổng
thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn, nay phải tuyên bố với tư
cách đó mới ra lệnh được cho cả bên dân sự lẫn quân sự. Thu băng thử
đi thử lại mấy lần mới xong. Lời phát biểu của Thủ tướng Mẫu thì ông
được nói trực tiếp.
Loay hoay đến
gần hai giờ chiều (giờ Sài Gòn lúc đó, sớm hơn hiện nay một giờ)
chúng tôi mới phát đi được tiếng nói cách mạng đầu tiên trên đài
phát thanh Sài Gòn. Nguyên văn tiếng nói mở đầu của tôi:
“Chúng tôi là
những người đại diện cho Ủy ban nhân dân cách mạng Sài Gòn-Chợ
Lớn-Gia Định. Chúng tôi là những người đầu tiên tới dinh Độc Lập
trước 12 giờ và đã cùng anh em quân đội giải phóng cắm cờ trên dinh
Độc Lập. Chúng tôi là giáo sư Huỳnh Văn Tòng và cựu chủ tịch Tổng
hội sinh viên Sài Gòn Nguyễn Hữu Thái… Đời sống bình thường đã trở
lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố mà Bác Hồ đã mong
đợi, nay đã được giải phóng… Xin giới thiệu lời kêu gọi của ông
Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu của chính quyền Sài Gòn về vấn đề đầu
hàng ở thành phố này…”
Tướng Dương Văn Minh chuẩn bị tuyên bố đầu hàng
tại đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975,
tác giả thứ 2 (cầm tập giấy) kể từ phải
(bức ảnh do nhà báo Kỳ Nhân,
phóng viên ảnh hãng thông tấn AP Mỹ, thực hiện)
Đại tướng Dương
Văn Minh đọc lời đầu hàng theo bản văn do Chính ủy Bùi Văn Tùng soạn
thảo:
“Tôi, Đại
tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân
lực Việt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải
phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung
ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa
phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam”
Giáo sư Vũ Văn
Mẫu phát biểu trực tiếp:
“Trong tinh
thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ
tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng
ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Chuyên
viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng
dẫn của chính quyền cách mạng”.
Tiếp đó là lời
Chính ủy Bùi Văn Tùng:
“Chúng tôi
đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng
tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận
sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính
quyền Sài Gòn”
Và tôi tiếp tục
dẫn chương trình: “…Quân Giải phóng đã tiến vào dinh Độc Lập và
đã làm chủ hoàn toàn các điểm chốt quân sự cũng như dân sự của vùng
Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định…”
(Các lời tuyên
bố trên đài phát thanh đều còn giữ lại được trong một băng ghi âm do
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã thu trong chiều 30/4/75)
Sau đó, bộ đội
đưa đoàn tướng Minh về lại Dinh Độc Lập. Tôi đích thân đứng ra điều
hành buổi phát thanh cho đến 4 giờ chiều thì giao lại cho nhóm anh
em sinh viên đại học Khoa học Sài Gòn, do tôi phải lên trường Petrus
Ký (nay là trường Lê Hồng Phong) nơi đóng quân của ban chỉ huy chiến
dịch giải phóng Sài Gòn gặp ông Mai Chí Thọ. Sinh viên chỉ giao lại
đài phát thanh cho ban phát thanh Giải phóng vào tối hôm đó.
Tôi đã góp
phần tránh một cuộc đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn
Những người thân
cận tướng Dương Văn Minh ở Dinh Độc Lập nhớ lại mấy sự kiện này. Vào
sáng sớm có một đơn vị thiết giáp đến vây quanh dinh, viên chỉ huy
đề nghị tướng Minh tử thủ. Ông từ chối và thuyết phục họ rút đi. Ông
cũng làm như vậy với nhóm biệt kích Lôi Hổ đằng đằng sát khí. Cuối
cùng, một số sĩ quan cao cấp hải quân đến mời tướng Minh xuống tàu
chạy đi, ông cũng từ chối. Lát sau viên tướng Pháp đội lốt ký giả
Francois Vanuxem hối hả vào xin gặp tướng Minh và nói với họ: “Hãy
rút về Cần Thơ, cố thủ Vùng 4 chiến thuật, chỉ vài ngày nữa thôi thì
Trung Quốc sẽ áp đặt giải pháp trung lập hóa Miền Nam”. Tướng Minh
than: “Hết Tây đến Mỹ, chẳng lẽ bây giờ còn đi làm tay sai cho Tàu
nữa sao !”
Việc Tổng thống
VNCH Dương Văn Minh đầu hàng ở cái “nút” ấy, một người trong cương
vị ông Minh có thể có nhiều quyết định. Nếu quyết định khác đi, sẽ
là máu đổ, sẽ là nồi da xáo thịt, cốt nhục tương tàn. Sài Gòn sẽ tan
tành... Lúc đó có nhiều người nói ông Dương Văn Minh yêu nước thương
dân nhưng cũng có người hoài nghi cho rằng ông Minh đã ngầm theo
Cách mạng? Sau những Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn cùng
nhiều nhà tình báo vĩ đại khác, suy nghĩ trên không phải không có cơ
sở.
Tướng Dương Văn
Minh nguyên là một sinh viên miền Nam ra học trường thuốc ở Hà Nội
cùng thời với kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, một trong các lãnh đạo
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Khác chính kiến với người em
trai tham gia phong trào Việt Minh, ông đã trở thành sĩ quan trong
quân đội Pháp và nghĩ rằng Việt Nam có thể độc lập trong khối Liên
hiệp Pháp. Phải chăng do sai lầm đó mà nay tại Dinh Độc Lập ông đã
quyết tâm quên mình chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện để cứu người
thôi đổ máu theo tinh thần của một Phật tử.
Trong buổi lễ,
Chủ tịch Ủy ban Quân quản tướng Trần Văn Trà đã phát biểu: “Trong
cuộc chiến đấu lâu dài này không có ai là kẻ thắng ai là kẻ bại.
Toàn quân và toàn dân Việt Nam là người chiến thắng, chỉ có đế quốc
Mỹ xâm lược là kẻ chiến bại. Nhân dân Việt Nam là dân tộc duy nhất
trong lịch sử nhân loại đã đánh bại quân Mông Cổ. Vào năm 1954,
chúng ta đã đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ, và nay chúng ta đã đánh
bại Hoa Kỳ, nước tự hào cho mình là hùng mạnh nhất thế giới. Đây là
niềm hãnh diện chung của tất cả nhân dân Việt Nam chúng ta”.
Buổi trả tự do cho nhóm Dương Văn Minh
tại Dinh Độc Lập tối ngày 2/5/1975
Tướng Dương Văn
Minh đã trả lời thật chân tình:
“Ngày hôm nay, đại diện cho các anh em có mặt tại đây, tôi nhiệt
liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ cách mạng trong công
cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong
rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào,
sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước...
Tôi nghĩ rằng với hành động của mình, tôi đã góp phần tránh một cuộc
đổ máu vô ích cuối cùng cho Sài Gòn. Đó là phần đóng góp cụ thể của
tôi trong cuộc chiến đấu này.
Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở
thành một công dân của một nước Việt Nam độc lập”.
(Theo băng ghi âm
buổi trả tự do cho nhóm Dương Văn Minh tối ngày 2/5/1975 tại Dinh
Độc Lập)
Ba mươi ba năm đã
trôi qua sau sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam và thống nhất đất
nước, tôi ghi lại những gì chính bản thân mình đã tai nghe mắt thấy
về nhân vật Dương Văn Minh, mong cung cấp một số tư liệu sống về
diễn biến các hoạt động của một vị tướng VNCH nổi tiếng và từng gây
nhiều tranh cải nhất liên quan đến ngày 30/4/1975.
|