Hòa thượng Thích Trí Quang vừa ra đi hôm 8/11/2019, thọ 97 tuổi. Một con người thông tuệ và quả cảm, một nhân cách lớn và sự dấn thân vì dân tộc, vì đạo pháp vì hòa bình và hạnh phúc của chúng sinh.

 

Thượng tọa Thích Trí Quang –

“Người làm rung chuyển nước Mỹ 

Nguyễn Hữu Thái

 

Hình ảnh Thầy Trí Quang trên bìa báo Mỹ, 1966

Trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc chống thực dân đế quốc phương Tây vì độc lập và thống nhất đất nước kéo dài suốt 117 năm (1858-1975), Phật giáo Việt Nam đã không thể ngồi yên đứng ngoài cuộc. Cuộc vận động giành lại quyền được đối xử bình đẳng cho Phật giáo năm 1963 và tranh thủ chủ quyền, hòa bình, hòa hợp dân tộc bằng con đường thứ Ba của Phật giáo trong chiến tranh ác liệt Việt-Mỹ những năm 1960-1970, thực sự là một cuộc hành trình cam go giữa 2 làn đạn, nay cần được đánh giá lại một cách sâu sắc và bình tĩnh hơn. Chửi bới, nguyền rủa không căn cứ, tìm hiểu qua loa và cả thái độ “xếp lại quên đi” không giúp làm sáng tỏ sự thật lịch sử và trả lại công bằng cho mọi người. 

Chính vì nghịch cảnh và chướng duyên của tình hình đó, không ít nhà  lãnh đạo của Phật giáo Việt Nam, dù muốn hay không, đã bị cơn lốc thị phi va chạm. Một trong những vị lãnh đạo Phật giáo bị nhiều thị phi nhất là Thượng tọa Thích Trí Quang. Chỉ một mình Thầy mà từ mấy thập niên qua thiên hạ đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để viết ra vô số bài viết, nghiên cứu, biên khảo, sách báo với đủ mọi sắc thái khen, chê. Thậm chí gần đây còn có cả những âm mưu lợi dụng chuyện về Thầy để ngụy tạo, bóp méo, và xuyên tạc lịch sử với ý đồ bôi nhọ Phật giáo Việt Nam.

Có được nhiều dịp tiếp xúc Thầy Trí Quang vào những thời khắc trọng đại, bản thân tôi am hiểu được phần nào cuộc đấu tranh của Thầy và phong trào Phật giáo yêu nước ở miền Nam. Quả thực, Thầy đã đóng một vai trò khá quan trọng trong diễn biến cuộc chiến tranh Việt Nam vào các mốc lịch sử 1963, 1966 và cả 30/4/1975.

Thầy gốc người Quảng Bình, từ nhỏ đã được gửi đi tu học tại Chùa Bảo QuốcHuế với những vị sáng lập Phong trào Chấn hưng Phật giáo tại miền Trung Việt Nam. Năm 1938, theo học chương trình đào tạo tăng sĩ và hoàn tất chương trình vào năm 1944.

Mùa hè năm 1946, Thầy được mời ra Hà Nội thành lập Phật học viện tại chùa Quán Sứ. Cuối năm 1946, Thầy trở về Quảng Bình thọ tang cha, sau đó ra Huế tu tại chùa Từ Đàm. Thầy bị chính quyền Pháp thời ấy bắt giam và sau là quản thúc do hoạt động trong Hội Phật giáo Cứu quốc. Đầu năm 1947, Pháp chiếm Quảng Bình, Thầy vào chiến khu chống Pháp, phụ trách quận hội của Liên Việt.

Sau 1954. Thầy Trí Quang hoạt động  thống nhất  Phật giáo và có một thời gian dài làm việc với Phật giáo Nam Việt ở Sài Gòn.

Cuộc đấu tranh của Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm năm 1963 do Phật giáo và Thầy Trí Quang lãnh đạo có quy mô to lớn và mang tính cách quyết liệt, đã nổ ra suốt mùa hè để kết thúc là sự sụp đổ của chế độ Diệm.

Khởi đi là việc chính quyền cấm treo cờ Phật giáo vào mùa Phật Đản tại Huế cùng vụ tàn sát học sinh ở đài phát thanh vào tháng tư, để tiến đến đỉnh cao là ngọn lửa tự thiêu Quảng Đức vào giữa tháng 6 và cuộc bố ráp chùa chiền, bắt bớ hàng nghìn sư sãi ở Sài Gòn và các tỉnh vào cuối tháng tám.

Trong “Sự kiện Phật Đản 1963” , Thầy là nhà lãnh đạo Phật giáo được báo chí quốc tế nhắc nhở tới nhiều nhất. Khi Chùa Xá Lợi bị tấn công, tăng ni bị bắt, việc Thầy vượt khỏi hàng rào nhà tù vào lánh nạn trong Toà Đại Sứ Mỹ tại Saigon từng được coi là một điểu bí ẩn.

 

 

Thầy Trí Quang (bìa trái) vào lánh nạn trong sứ quán Mỹ

Sau khi chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, hai anh em Diệm Nhu bị giết, Thầy Trí Quang vẫn không trở về với vị trí bên lề của trường chính trị, tiếp tục vận dụng ảnh hưởng to lớn của mình lên sinh mệnh chính trị của Việt Nam Cộng hòa bằng cách từ chối hậu thuẫn cho những chế độ quân nhân chủ trương chiến tranh điều hành quốc gia từ 1964 đến 1966 và chủ trương phải tái lập chế độ dân chủ cùng sớm vãn hồi hòa bình.

Trong việc leo thang chiến tranh ở Việt Nam với việc trực tiếp đổ quân chiến đấu Mỹ kể từ năm 1965, Phật giáo cũng không thể ngồi yên.

Vào đầu năm 1966, sau cuộc hội họp với Tổng thống Mỹ Johnson ở Honolulu vào đầu năm 1966, các tướng Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ muốn nhanh chóng tóm thu quyền hành về một mối để dễ cai trị với bàn tay sắt cũng như rảnh tay điều hành cuộc chiến theo ý đồ của người Mỹ. Cái gai trước mắt của họ là lực lượng Phật giáo miền Trung và tư lệnh Vùng I, Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, người hùng của cuộc đảo chính chống Diệm bất thành năm 1960. Tướng Thi bị nhóm tướng lãnh Sài Gòn cách chức. Vụ bãi chức này chỉ là một cái cớ để Phật giáo tung ra cuộc đấu tranh mới, đòi các tướng lãnh đáp ứng các yêu cầu chính đáng của nhân dân. Đó là lập lại các định chế dân chủ như soạn thảo hiến pháp, bầu quốc hội dân cử như đã hứa hẹn từ ngày lật đổ Ngô Đình Diệm. Binh lính Quân đoàn I hầu như đã đồng loạt nổi dậy, sát cánh cùng đồng bào Phật tử chống lại chính quyền Sài Gòn.

Sài Gòn chuyển Thủy quân lục chiến ra sân bay Đà Nẵng, quyết dẹp tan cuộc binh biến. Các thành phố Đà Nẵng-Huế hầu như biến thành các căn cứ địa nổi dậy mới, với các đội Sinh viên Quyết tử', quần chúng vũ trang sát cánh cùng binh lính nổi loạn, chuẩn bị sẵn sàng đánh trả quân Sài Gòn. Binh lính Quân đoàn I cũng quay nòng súng đại bác chĩa vào sân bay và căn cứ Mỹ. Thấy quân dân miền Trung làm dữ, tướng Nguyễn Cao Kỳ một mặt hứa hẹn sớm tổ chức bầu cử Quốc hội, đưa cả tướng Thi ra xoa dịu tình hình. Nhưng mặt khác vẫn ráo riết tăng cường lực lượng đàn áp, có quân Mỹ hỗ trợ ngầm đàng sau.

 

Thầy Trí Quang, Huế 1965 

Cuộc biến động miền Trung lần này có tác động phân chia lực lượng quốc gia đô thị làm thành hai phe rõ rệt. Trong hàng ngũ Phật giáo, nhóm chủ chiến Bắc di cư của thượng tọa Thích Tâm Châu đứng hẳn về phía nội các chiến tranh Nguyễn Cao Kỳ. Đa số Phật tử thì đứng về lập trường hòa bình nhưng cũng không mấy đồng nhất. Thượng tọa Thích Trí Quang nay lại xuất hiện, chủ trương tiến hành bầu cử quốc hội thể hiện được nguyện vọng của toàn dân. Hy vọng với đa số nằm trong quốc hội, Phật giáo sẽ nói lên được ý nguyện của nhân dân là đem lại chủ quyền và hòa bình cho Việt Nam.

Vào ngày 15 tháng 5/1966, lực lượng Thủy quân lục chiến Sài Gòn từ sân bay Đà Nẵng tấn công vào thành phố, đánh chiếm khu Quân đoàn I, các ngôi chùa tỉnh hội Phật giáo.

Từ Huế, Thầy Trí Quang lần đầu tiên lên tiếng tố cáo cái mà ông gọi là sự tráo trở của tổng thống Mỹ Johnson. Sau này tôi nghe nói đích thân tổng thống Mỹ đã viết thư hứa hẹn tổ chức bầu cử và yêu cầu Phật giáo tạm ngưng đấu tranh. Nay rõ ràng họ đã nuốt lời hứa để cho Nguyễn Cao Kỳ hành động !

Bàn thờ xuống đường ở Huế, 1966

Quân của Kỳ từ Đà Nẵng tiến ra đàn áp phong trào Phật giáo Huế, nhân dân đã đưa bàn thờ xuống đường, nhưng làm sao ngăn nỗi được xe tăng và súng đạn. Nhiều người trong phong trào đấu tranh bị bắt. Không còn con đường nào khác, nhiều sinh viên học sinh đã lên chiến khu Giải phóng tiếp tục cuộc chiến đấu. Binh lính tham gia ly khai bị đưa đi giam giữ tại đảo Phú Quốc. Báo chí Mỹ đã gọi cuộc nổi dậy của Phật giáo miền Trung năm 1966 là “cuộc nội chiến trong một cuộc chiến tranh” !

Thầy Trí Quang sau đó bị bắt chuyển vào Sài Gòn giam lỏng cho đến ngày giải phóng Sài Gòn 1975.

Theo dư luận trong sự kiện chấm dứt chiến tranh 30/4/1975 thì Thầy Trí Quang đã cử nhiều Phật tử tham gia nội các Dương Văn Minh và là một kênh liên lạc của đại tướng Dương Văn Minh với phía bên kia nhắm thực hiện chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc.  

Khi viết sách về phong trào đấu tranh của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam, sử gia Mỹ James McAllister ghi nhận có sự chia rẽ trong nhận  định : "Học giả bên cánh hữu thì cho rằng Thượng tọa Thích Trí Quang chắc chắn là tay sai cộng sản hoạt động theo chỉ thị của Hà Nội. Học giả bên cánh tả thì lý luận rằng ông là một lãnh đạo tôn giáo ôn hoà dấn thân cho dân chủ và quyết tâm đòi chấm dứt chiến cuộc nhanh chóng."

Một người am tường thời cuộc miền Nam Việt Nam là Lý Qúi Chung (Tổng trưởng thông tin nội các Dương Văn Minh) trong hồi ký của mình xác định các sự kiện tháng 4/1975 :

“… Với Phật giáo, ngoài sự tham gia ngay trong nhóm ông Minh của luật sư Vũ Văn Mẫu, nghị sĩ quốc hội và là chủ tịch Lực lượng hòa giải dân tộc, nhóm còn tìm cách giành cho được sự tán đồng công khai của thượng tọa Thích Trí Quang, người có ảnh hưởng chính trị lớn nhất trong Phật giáo Ấn Quang.

…Khi thì bị coi là người của cộng sản, khi thì bị nghi ngờ làm việc cho CIA, thật sự Thích Trí Quang là người của ai? Lúc đó tôi không có đủ điều kiện trả lời câu hỏi này, nhưng với tôi, thượng tọa Trí Quang trước hết là một nhà tu yêu nước”.

 

Sau năm 1975 Thầy sống tĩnh tâm, thiền tịnh dịch kinh sách.

 

  

 

Về tác giả Nguyễn Hữu Thái

 

 

 

Tác giả và Thầy Trí Quang 

 

Tác giả Nguyễn Hữu Thái, nguyên chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964), một trong những lãnh đạo phong trào đấu tranh đô thị miền Nam, đã quan hệ với TT Trí Quang vào các thời điểm lịch sử trọng đại của miền Nam.

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 10-11-19